Dừng lại nghĩa là thụt lùi

Thứ năm, 21/06/2018 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Không chạy theo phát triển nóng, không giật gân câu khách thì đã rất rõ và đã trở thành phương châm, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo nhiều năm nay. Còn để ổn định và giữ được thương hiệu có lẽ không gì bằng việc tổ chức xây dựng được nội dung tốt”. Đó là khẳng định của Tổng biên tập báo Công thương Nguyễn Hữu Quý về đường hướng phát triển của tờ báo trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận.

Trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn

+ Được biết ông vừa tiếp tục được tái bổ nhiệm là Tổng biên tập báo Công Thương, đó là một vinh dự nhưng có lẽ “trách nhiệm” nặng nề gấp nhiều lần so với nhiệm kỳ đầu, thưa ông?

- Đúng là như vậy! Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc của mình cách đây 5 năm khi bắt đầu nhận trách nhiệm Tổng biên tập tờ báo. Niềm vui như được nhân đôi khi một chân trời mới được mở rộng với bao khát vọng cống hiến, bao dự định, ý tưởng để phát triển tờ báo. Nhưng vinh dự lần này khi được lãnh đạo Bộ và đồng nghiệp tin tưởng, lại đi cùng với biết bao nỗi trăn trở khi phía trước là không ít những thách thức ở cả nội tại lẫn môi trường nghề nghiệp. Trách nhiệm của người đứng đầu trong bối cảnh này quả thực là rất lớn, rất áp lực. Bởi sức ép của đổi mới để bắt kịp xu thế, tạo động lực cho mỗi cán bộ phóng viên thêm “lửa nghề” luôn là điều phải đặt ra. Sau nữa là vấn đề về thời cuộc, môi trường báo chí đang bộc lộ những khó khăn lớn, chẳng hạn như quảng cáo bị cắt giảm nhiều, lượng phát hành của báo in đi xuống chóng mặt... Hy vọng là việc quy hoạch báo chí tới đây sẽ phần nào chấn chỉnh hoạt động báo chí, gọn lại để mạnh hơn.

+ Nhưng dù sao so với nhiều tờ báo hiện nay, Báo Công Thương đã có được những nền tảng vững chắc mà chặng đường 5 năm qua ông chèo lái, gây dựng. Với nhiệt huyết và tâm thế “đổi mới, sáng tạo”, khó khăn chắc cũng sẽ có lời giải?

- Đấy là khi mình nghĩ mình dừng lại ở mức này. Nhưng với tôi, dừng lại nghĩa là thụt lùi rồi, đã sang một “trang khác” thì phải phát triển hơn nữa chứ. Dĩ nhiên, mọi thứ không thể đến khi mình không cố gắng. Nhìn lại chặng đường của nhiệm kỳ 5 năm qua, để có những thành tựu mà nhiệm kỳ này thừa hưởng và tiếp nối, cũng có không ít thăng trầm. Từ chuyện thay đổi giao diện tờ báo, tăng kỳ, tăng trang trên báo in đến câu chuyện sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, nhân sự, phát triển tòa soạn đa phương tiện phù hợp với xu hướng chung của nền báo chí thời hội nhập; nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động trong tòa soạn... là những nỗ lực không nhỏ mà tòa soạn chúng tôi đồng lòng, đồng tâm thực hiện. Điều may mắn là các tổ chức xã hội như công đoàn, đoàn thanh niên, liên chi hội... đều chung tay, đoàn kết vì sự phát triển chung của tòa soạn.

Báo Công luận
Tổng biên tập báo Công Thương Nguyễn Hữu Quý. 

+ Được biết, một trong những “cái khó” của Báo Công Thương thời gian qua chính là câu chuyện “sắp xếp, tổ chức lại nhân sự”. Tổng biên tập đã làm thế nào để vừa “tinh” lại vừa “giản” được bộ máy?

- Nói thật lòng, không chỉ riêng tôi mà với bất cứ người lãnh đạo nào khi phải cắt giảm nhân sự đều trăn trở và suy nghĩ. Về lý thì sàng lọc, tinh gọn lại để đầu tư hơn cho chất lượng là điều tất yếu. Nhưng về chữ tình, đôi lúc cũng không khỏi băn khoăn. Tôi có 30 năm làm báo, 30 năm ấy đều gắn bó với Thương mại nay là Công Thương nên điều ấy lại càng là nỗi trăn trở. Thời điểm 2013 khi sáp nhập thêm, Báo Công Thương đã tăng tổng số lao động lên gấp đôi với 286 người, vì vậy chúng tôi phải sắp xếp lại cho phù hợp. Nhưng sắp xếp lao động như thế nào lại là điều không dễ. Vấn đề thành công nhất mà chúng tôi đã làm được chính là làm tốt công tác tư tưởng vì nếu làm không tốt sẽ dẫn đến “vỡ trận” ngay lập tức. Ban lãnh đạo, Ban biên tập tờ báo đã đưa ra được những quy chế, định mức, tạo một hành lang, một đường chạy, ai có khả năng cũng được cống hiến nhưng nếu ai không đáp ứng được thì phải “ra khỏi cuộc chơi” chứ không bắt ép ai cả. Có nhiều người đã chủ động chuyển sang những cơ quan khác công việc phù hợp hơn, có người được cử sang các Thương vụ ở nước ngoài, đa phần đều theo nguyện vọng cá nhân. Chúng tôi quyết liệt trong 2014, 2015, 2016 cho đến nay đã giảm được 134 người, hiện còn 157 lao động. Các phòng ban đều được sắp xếp, chấn chỉnh hợp lý. Những người còn lại bây giờ hoàn toàn có thể yên tâm công tác, đời sống lao động được nâng cao hơn nhiều. 90% đội ngũ phóng viên của chúng tôi đã bắt kịp với vấn đề công nghệ, chuyển hướng đa phương tiện, có thể “3 trong 1”, viết bài, quay, dựng clip, chụp ảnh trực tiếp tại hiện trường.

Hãy “cho đi” ắt sẽ được đáp lại

+ Như ông nói, trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện kinh tế báo chí đang rất được quan tâm, cách nào để không chạy theo phát triển nóng mà vẫn ổn, thưa Tổng biên tập?

- Không chạy theo phát triển nóng, không giật gân câu khách thì đã rất rõ và đã trở thành phương châm, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo nhiều năm nay. Còn để ổn định và giữ được thương hiệu có lẽ không gì bằng việc tổ chức xây dựng được nội dung tốt, mà thời gian tới, tôi cho là Báo điện tử Công Thương sẽ nắm phần cốt lõi cho sự phát triển chung của tòa soạn. Từ nội dung phục vụ hiệu quả lợi ích cho doanh nghiệp, điều tất yếu những lợi ích về kinh tế sẽ đến với tờ báo. Dĩ nhiên là, không thể phủ nhận, Báo Công Thương có lợi thế nhất định vì chúng tôi làm chuyên sâu, liên quan chặt chẽ với doanh nghiệp. Nhưng đó cũng là thách thức nếu tờ báo không chuẩn mực, đổi mới và nắm bắt các cơ hội phát triển. Vì thế, chúng tôi luôn xác định bám sát tôn chỉ mục đích, thông tin mọi mặt về hoạt động của Bộ Công Thương, khai thác chuyên sâu các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, hội nhập, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường... Nói chung là làm tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương và đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, doanh nhân.

Báo Công luận
 Tổng biên tập Báo Công Thương Nguyễn Hữu Quý chỉ đạo tác nghiệp tại APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng, tháng 11/2017.

+ Nhưng sát cánh như thế nào cho hiệu quả, khi mà hiện nay doanh nghiệp đôi khi rất “ngại” báo chí, thưa ông?

- Quan điểm của chúng tôi là đồng hành với doanh nghiệp theo hướng “cho đi rồi mới nhận”. Tức là sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp trước, trở thành nhà cung cấp thông tin một cách tận tụy chứ không vội nghĩ đến lợi ích. Chẳng hạn như thời gian gần đây, Báo Công Thương tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với chuyên mục “vòng xoay khởi nghiệp” bởi tôi cho rằng, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ấy vai trò của báo chí truyền thông trong phát hiện các “đốm sáng” khởi nghiệp rất quan trọng. Nhiều người thắc mắc rằng, đầu tư quảng bá cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì làm sao có được quảng cáo vì đó là những doanh nghiệp còn ở bước ban đầu, manh nha thậm chí còn tay trắng? Tôi thì cho rằng, mình hãy sẵn lòng giúp, hãy cho đi ắt sẽ được đáp lại. Hãy giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đứng lên, đi được và phát triển trước đã, khi họ đã vững, chẳng có lý do gì họ không giúp mình khi mình khó khăn. Và định hướng này cũng phần nào giúp phóng viên của báo thuận lợi hơn trong hoạt động nghề nghiệp vì dư địa mảng này lớn, được tiếp cận với một lượng doanh nghiệp khổng lồ. Hay như chuyên mục “chuyển động công thương”, các tọa đàm về chính sách trên báo điện tử cũng được mở ra với kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực nhất cho doanh nghiệp... cũng là cách mà chúng tôi “cho đi”.

+ Vâng, trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực  hiện)

 

Tin khác

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo