Luôn bảo vệ phóng viên nhưng không mù quáng

Thứ sáu, 15/06/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những kinh nghiệm xử lý khi phóng viên bị cản trở, hành hung trong khi tác nghiệp tại “điểm nóng”; những câu chuyện thẳng thắn được nhìn từ nhiều góc độ, những bài học sâu sắc từ thực tiễn nghề nghiệp... sẽ được Tổng biên tập báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên chia sẻ trong cuộc  trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận nhân dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Linh hoạt, khéo léo để “thoát hiểm”

PV: Tôi được biết, ông xuất thân và trưởng thành từ một phóng viên, từng có những trải nghiệm công việc thực tế nên có lẽ ông hiểu, cảm thông hơn với phóng viên xông pha ở các mảng thời sự, điều tra, kinh tế...?

- Tôi có một may mắn là đã được trải qua rất nhiều tòa soạn, cả trong Nam ngoài Bắc, cả các tờ báo chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp, báo Giao thông là tờ báo thứ 5. May mắn thứ hai là trong quá trình làm báo, tôi được trải qua tất cả các vị trí của một người làm nghề, từ một anh đi bóc thư để làm đơn thư bạn đọc, đến một anh làm thời sự chính trị, nội chính, rồi có giai đoạn theo dõi thông tin về công tác đoàn, làm thư kí tòa soạn.... Trong quá trình đó, tôi đã vấp ngã nhiều, rút kinh nghiệm nhiều nên khi làm lãnh đạo tôi dễ hiểu, dễ chia sẻ với phóng viên (PV) của mình hơn. 

PV: Có khi nào ông bị cản trở hoặc gặp nguy hiểm khi tác nghiệp?

- Tôi nhớ, khi còn làm PV, có nhiều tình huống rất dễ xảy ra xung đột nhưng nếu mình biết kiềm chế, khéo léo, nhanh trí giải quyết thì chắc chắn sẽ không gặp sự cố. Chẳng hạn như vụ việc khiếu kiện ở Văn Giang từng “rúng động” dư luận cách đây nhiều năm. Mặc dù, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo huyện nhưng khi tới gặp thì lập tức bị đội bảo vệ ngăn cản nói rằng lãnh đạo không có ở cơ quan, không cho vào, họ tập hợp cả chục bảo vệ chuyên nghiệp để ngăn tôi, thậm chí còn có những hành động thô lỗ. Lúc đó nếu tôi cũng căng lên thì rất có thể sẽ xảy ra một vụ xô xát, thậm chí đổ máu. Tôi nghĩ, mình còn nhiều cách để lấy thông tin, nên không cố để làm gì. Tôi chủ động rút lui, lên tỉnh phỏng vấn lãnh đạo. Và chính lãnh đạo tỉnh đã gọi điện chấn chỉnh lãnh đạo huyện về “thái độ thiếu hợp tác” này. Và mình tránh được một sự cố...

PV: Muốn vượt qua tình huống khó trong tác nghiệp tại điểm nóng đòi hỏi phải rất nhanh trí và khéo léo. Nhưng cũng có những tình huống không dễ vượt qua như những câu chuyện mà các PV báo Giao thông thời gian qua đã gặp phải, thưa Tổng biên tập?

- Trong quá trình tác nghiệp gần đây, báo Giao thông xảy ra hai vụ PV tác nghiệp bị cản trở, hành hung: Vụ hai PV trong thành phố Hồ Chí Minh bị cản trở khi điều tra về một tập đoàn xe đi vào đường cấm, chuyên chở quá tải, PV bị cướp máy quay, bị đánh; Vụ PV khi tìm hiểu về hoạt động của một quán bar lấn chiếm vỉa hè và gây tiếng ồn đã bị cản trở tác nghiệp, bị bắt giữ trái phép tại Đà Nẵng. Cả hai vụ việc, sau khi báo chí lên tiếng đều được cơ quan công an khởi tố vụ án, trong đó vụ ở Đà Nẵng đã tìm ra thủ phạm để khởi tố bị can.

Báo Công luận
 Nhà báo Nguyễn Bá Kiên – Tổng Biên tập báo Giao thông

Không phải “có chuyện” rồi mới đồng hành

PV: Được biết, cả hai vụ phóng viên báo bị hành hung, báo Giao thông đều có biện pháp bảo vệ và xử lý kịp thời. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng trong những vụ việc này?

- Tôi nghĩ không vui vẻ hay tự hào gì khi tờ báo có PV bị hành hung, cản trở tác nghiệp, vì bất kỳ nguyên nhân nào. Đó cũng là việc bất đắc dĩ. Nhưng khi xảy ra bất cứ sự việc cản trở nào thì đầu tiên lãnh đạo báo phải nắm được thông tin đầy đủ và khách quan nhất. Khi đó BBT và lãnh đạo chi hội nhà báo họp mổ xẻ và đưa ra được hướng xử lý phù hợp. Sau đó lập tức báo cáo với lãnh đạo cơ quan chủ quản, gửi công văn đến các cơ quan chức năng, Hội Nhà báo Việt Nam. Còn với PV bị thương, tòa soạn có phương án hỗ trợ, bố trí người cấp cứu, trông nom... Thậm chí chúng tôi còn phải chủ động nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cung cấp thông tin chính thống cho các báo để dư luận cùng lên tiếng. Khâu quan trọng nhất trong vai trò của người đứng đầu là phải đề nghị cơ quan chức năng rốt ráo xử lý sự việc theo quy định pháp luật. Còn việc đúng sai như thế nào sẽ có pháp luật phân xử, kết luận của cơ quan chức năng và rút kinh nghiệm sau.

PV: TS. Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch HNBVN - cho rằng: Khi bảo vệ phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng, điều rất quan trọng là người Tổng biên tập phải đồng hành – đồng trách nhiệm với phóng viên của mình. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

- Đúng vậy! Nhưng sự đồng hành – đồng trách nhiệm quan trọng nhất là từ lúc bắt đầu tác nghiệp chứ không phải “có chuyện” rồi mới đồng hành. Thế nên, tác nghiệp môi trường nào, đề tài như thế nào, nhập vai hay không, tòa soạn phải có kế hoạch trước chứ không để PV “tự bơi”. Nếu PV “tự bơi” rất nhiều rủi ro, rất nguy hiểm. Bởi như thế là mình đã đẩy PV của mình vào chiến trường mà không biết phải làm thế nào để an toàn. Sự chuẩn bị trước, có phương án kĩ càng, và chỉ khi nào thấy rằng, phương án đó khả thi và quân mình không làm sao thì mới cho thực hiện. Mục đích chính là để không xảy ra rủi ro chứ không phải xảy ra rủi ro để cho tòa soạn nổi tiếng. Nhưng nếu xảy ra thì phải coi đó là sự cố, khủng hoảng của cả tòa soạn. PV của mình đúng thì phải bảo vệ đến cùng, PV sai thì cũng phải làm rõ trắng đen và phải rút kinh nghiệm nội bộ. Cái gì cần hỗ trợ thì phải hỗ trợ tối đa nhưng không bảo vệ một cách mù quáng.

Phải báo cáo đề tài và có phương án tác nghiệp

PV: Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa được những rủi ro cho tòa soạn và PV khi tác nghiệp tại điểm nóng?

- Có hai nguyên tắc không được bỏ qua khi cử PV thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp này: Một là chọn đúng người, giao đúng việc. Để thực hiện được nguyên tắc này lãnh đạo phải có khả năng nhìn người, kiểu như “chọn mặt gửi vàng”. Bởi không phải ai cũng có thể làm điều tra,  ai cũng có thể linh hoạt xử lý trong các tình huống tác nghiệp nguy hiểm. Nói như nhà triết học cổ đại Aristotle “một người không thể tắm hai lần trên một dòng sông”, thì PV không phải lúc nào cũng có cơ hội tác nghiệp hai lần trong một đề tài. 

Sự kiện trôi đi, nếu anh làm không tốt thì không có cơ hội làm lại. Hai là khi vào điểm nóng hoặc điều tra nhập vai nguy hiểm phải có phương án tác nghiệp khả thi. Thậm chí, trong nhiều tình huống còn phải đưa ra được những “lằn ranh” cái gì được làm, cái gì không... Thế nên, ở báo Giao thông có quy định rõ ràng, loại đề tài nào phải báo cáo kèm theo phương án tác nghiệp, được lãnh đạo cơ quan duyệt mới được thực hiện. Việc bắt buộc phải báo cáo đề tài, có kế hoạch trước còn giúp tòa soạn giám sát để ngăn chặn tình trạng PV nửa chừng “bán đứng” tòa soạn.

PV: Ý ông muốn nói nhà báo tác nghiệp tại điểm nóng không chỉ là chuyện PV bị cản trở mà còn là chuyện vượt qua cám dỗ?

- Dĩ nhiên. Cốt lõi vẫn là kỷ luật của tòa soạn. Giống như các cụ vẫn nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Người đứng đầu thỏa hiệp, không nghiêm thì quân cũng dễ vi phạm. TBT phải nghiêm trong xử lý thì bản thân PV trước khi làm gì đều sẽ nghĩ đến hậu quả, sẽ không dám làm sai. Đặc biệt là phải có công cụ để ngăn ngừa đó là quy chế hóa các khâu trong sản xuất tin bài của tòa soạn. Báo Giao thông có quy định tất cả các đề tài liên quan đến phản ánh tiêu cực nếu không báo cáo trước thì dù bài hay cũng bỏ đi và có chế tài xử lý vi phạm, nhẹ là trừ điểm, nặng là kỷ luật... Vì nếu không báo cáo rất có thể phóng viên tự đến gặp đối tượng rồi thỏa thuận, tiêu cực... Quyền lực của PV là ở cây bút, tin bài đăng hay không trên mặt báo. Kiểm soát được lịch công tác và “đầu ra, đầu vào” tin bài chính là để tòa soạn “đồng hành”, bảo vệ PV một cách có trách nhiệm nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

An Vinh (Thực hiện)

 

 

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo