10 năm sau thảm họa sóng thần và động đất ở Fukushima: Nỗi đau hằn sâu trong tiềm thức

Thứ năm, 11/03/2021 12:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đúng ngày này 10 năm trước (11/3), vùng đông bắc Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép, động đất và sóng thần khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, gây tổn thất nặng nề về cơ sở vật chất. Một thập kỷ sau, nỗi đau dường như vẫn còn nguyên vẹn ở Fukushima…

Người dân chứng kiến thiệt hại khủng khiếp bên dưới, khi nhìn từ đỉnh đồi ở thành phố Kesennuma, ngày 12 tháng 3 năm 2011, tỉnh Miyagi - Ảnh: Koji Uema

Người dân chứng kiến thiệt hại khủng khiếp bên dưới, khi nhìn từ đỉnh đồi ở thành phố Kesennuma, ngày 12 tháng 3 năm 2011, tỉnh Miyagi - Ảnh: Koji Uema

Bài liên quan

Thảm kịch không thể nào quên

Namie, một thị trấn nhỏ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 10 km, từng biến đến là một khu vực nhộn nhịp với 25 công ty chế biến cá. Giờ đây, nó chỉ còn có một. Xưởng chế biến cá thuộc về cụ ông Koichi Shiba, 82 tuổi, người cuối cùng cũng có thể mở lại kinh doanh thủy sản gia đình có tên Shibaei vào năm ngoái. Ông Shiba nghĩ rằng không nhiều người khác sẽ trở về Namie.

"Không ai muốn quay lại khi họ xây nhà và đã quen với những cuộc sống mới ở những nơi khác trong những năm qua", ông Shiba chia sẻ khi đứng trước cơ sở mới được xây dựng của mình.

Đã gần 10 năm kể từ trận động đất 9.0 độ richter đã tạo nên cơn sóng thần khổng lồ cao tới 40 mét tràn vào ở bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản. Những con sóng thần được ghi nhận đã đi sâu vào đất liền 9,6 km và trên đường di chuyển, nó đã phá hủy đường cao tốc, cuốn theo nhiều xe ô tô, tàu thuyền, xô đổ các tòa nhà và xóa xổ toàn bộ thị trấn ven biển.

Hậu quả, động đất và sóng thần đã phá hủy 122.000 ngôi nhà, khiến 22.000 người chết hoặc mất tích. Điều đáng ngại, 3 trong tổ hợp 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị vỡ vụn dưới một vụ tan chảy hạt nhân và các vụ nổ hydro xé toạc khu phức hợp, thổi bay các mái của các đơn vị ngăn chặn lò phản ứng và mưa các chất phóng xạ khắp khu vực, gây nóng chảy các lò phản ứng hạt nhân.

Chính quyền Nhật Bản đã yêu cầu 470.000 người dân ở khu vực trong phạm vi 20km của nhà máy hạt nhân và các khu vực khác có mức độ phóng xạ cao, lên tới 1.150km vuông, thuộc tỉnh Fukushima phải sơ tán khẩn cấp.

Quy mô tàn phá của thảm họa kép là khổng lồ về tổng thể, với khoảng một phần ba diện tích Nhật Bản đã bị tê liệt vì thảm họa.

Hơn 116.000 người đã rời bỏ hẳn Fukushima để đến những nơi khác mà không có ý định quay trở lại. Một thập kỷ sau, các khu vực bị ảnh hưởng như Namie vẫn phải vật lộn để phục hồi, mặc dù lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ và chính quyền cũng thu hẹp giới hạn chỉ còn 337 km2 xung quanh nhà máy bị dừng hoạt động.

Đến nay, mới có 1.100 trong số 21.000 người quay trở lại Namie kể từ khi chính quyền tỉnh Fukushima khuyến khích các cư dân trở lại từ năm 2017. Bất chấp việc được hưởng những chính sách ưu đãi lớn, ngay cả như cụ ông Shiba được các quan chức địa phương “cầu xin” trở về, rồi tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh gia đình ở đó, hầu như những người khác đã quyết định tái định cư vĩnh viễn gần Tokyo.

“Tôi đang làm điều này cho thị trấn”, ông Shiba nói. Ông cũng hy vọng có thể sớm chứng kiến một công ty chế biến cá khác sẽ mở lại ở Namie.

Về phần mình, Naoki Tsuda, người từng chứng kiến thảm họa kép và vừa tốt nghiệp trung học cơ sở ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate, cho biết trong một vài năm cậu đã trải qua những khoảnh khắc trầm cảm và lo lắng, phần lớn là do nhận thức cay đắng về một quá khứ không thể cứu vãn.

“Khi nghĩ về nơi mình sinh ra và lớn lên, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng đau buồn”, cậu kể về ngôi nhà thời thơ ấu của mình, nằm trong số khoảng 4.000 ngôi nhà ở những vùng thấp của thành phố bị sóng thần cao 17 mét san phẳng.

Tsuda hiện đã chuyển đến thành phố Morioka ở sâu trong nội địa, là một trong rất nhiều người phải trải qua cảm giác tội lỗi của người sống sót. Gia đình trực hệ của cậu sống sót, nhưng rất nhiều hàng xóm của cậu lại không may mắn như vậy. Trong số đó có cha mẹ của người bạn học Hikaru Ito và anh trai của cậu, Masaya, những người nằm trong số gần 1.800 nạn nhân.

“Ngay cả sau 10 năm, tôi nghĩ điều đó vẫn còn quá đau đớn đối với họ”, Tsuda, 25 tuổi, chia sẻ sau khi Itos, một người đã rời bỏ quê hương của họ, từ chối phỏng vấn. "Quay lại đó có lẽ sẽ giống như xem lại 3/11 tất cả một lần nữa".

Video ghi lại cảnh một nạn nhân đang gồng mình chống chịu với con sóng lớn ở Fukushima - Ảnh: Getty

Video ghi lại cảnh một nạn nhân đang gồng mình chống chịu với con sóng lớn ở Fukushima - Ảnh: Getty

Nỗ lực xây dựng lại

Trong nỗ lực “phục hưng” của mình, Namie thành lập các khu công nghiệp không chỉ sử dụng cho các doanh nghiệp thủy sản chính, mà còn đối với lĩnh vực nghiên cứu robot và một cơ sở sản xuất khí hydro đẳng cấp thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư các khoản trợ cấp vào các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng để xây dựng cơ sở hạ tầng và những tòa nhà mới lạ mắt cho những gia đình bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế.

Nhờ vào dòng vốn đầu tư, tăng trưởng kinh tế của ba quận bị ảnh hưởng tồi tệ nhất - Miyagi, Iwate và Fukushima - đã tăng hơn 10% trong năm 2017 từ thời kỳ thảm họa trước.

Hơn 30 nghìn tỷ yên (khoảng 280 tỷ USD) đã được chi cho tái thiết toàn bộ, bao gồm dọn dẹp các mảnh vụn, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nạn nhân. Ngoại trừ một số khu vực của Fukushima vẫn không được tiếp cận, công việc xây dựng cần thiết trong khu vực ven biển bị sóng thần tàn phá đã thay đổi hoàn toàn. Và chính phủ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của tỉnh thông qua một khoản 1,6 nghìn tỷ yên trong chi tiêu giữa năm tài chính 2021 và 2025.

Bên cạnh những nỗ lực phục hồi kinh tế, chính phủ Nhật Bản rất tích cực trong việc xử lý ô nhiễm ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Một phần tư triệu tấn nước bị ô nhiễm đã qua xử lý, có chứa nguyên tố phóng xạ tritium, với 1.000 bể chứa khổng lồ được thiết lập để thu gom nước ô nhiễm. Chín trăm tấn mảnh vỡ vẫn còn nằm bên trong ba lò phản ứng bị phá hủy cũng đang được các kỹ sư từ Tokyo Electric Power Co. Holdings (Tepco), công ty điện lực sở hữu nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cố gắng sửa chữa và thu gom.

Nhật Bản đã thông qua dự luật dọn dẹp Fukushima với số tiền lên tới 22 nghìn tỷ yên, tương đương 200 tỷ đô la Mỹ, với hy vọng có thể giải quyết hậu quả nghiêm trọng từ sự cố dù biết rằng có thể tốn rất nhiều năm.

Khi được hỏi về sự cố tan chảy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, xảy ra 10 năm trước vào ngày 11 tháng 3 và bao phủ miền bắc Nhật Bản trong một đám mây phóng xạ, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi chỉ tay về phía một chậu cây ở góc văn phòng của ông ở Tokyo. Bên cạnh nó là một quầy Geiger.

Đây là một hình thức để chứng minh cho những người khác về sự an toàn ở Fukushima, khi chậu cây được trồng bằng đất ở khu vực từng hứng chịu thảm họa 10 năm trước. Ở đó ghi nhận 0,05 microsieverts (đơn vị đo lường bức xạ ion hóa) mỗi giờ bức xạ vào một ngày vào cuối tháng Hai.

"London là 0,108 microsieverts. Nó vẫn thấp hơn ở London", ông nói, ngụ ý rằng đất ở Fukushima thực sự không còn nhiều độc hại. Bộ trưởng Koizumi đang nỗ lực để xóa bỏ ác cảm về vùng Fukushima, nơi nhiều nông dân vẫn đang gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm. Và nhiệm vụ của ông là xử lý triệt để 14 triệu mét khối đất được cho là ô nhiễm.  

Hình ảnh động đất và sóng thần đã tàn phá Fukushima - Ảnh: Reuters

Hình ảnh động đất và sóng thần đã tàn phá Fukushima - Ảnh: Reuters

Những thách thức

Mặc dù công việc để làm sạch Fukushima và nỗ lực phục hồi phải còn nhiều thời gian, nhưng các quan chức nơi đây đang cố gắng để thay đổi quang cảnh nơi đây. Giống như cụ ông Shiba, không ít cư dân cũ ở Fukushima đang nỗ lực xây dựng lại quê hương. Kyouko Tanaka mở lại cửa hàng của mình bán đồ ăn địa phương tại thị trấn Minamisoma của Fukushima năm 2015, sau khi cô bị buộc phải từ bỏ việc kinh doanh vì cửa hàng của cô nằm trong phạm vi 20 km của nhà máy Daiichi. Hai mươi người đã từng cung cấp thức ăn cho cửa hàng của Tanaka cũng đã chết trong trận động đất và sóng thần, nhưng Tanaka cho biết cô quyết tâm "giữ ít nhất 10 năm" vì lợi ích của những người xung quanh.

Tanaka nghĩ về những nhân viên và khách hàng của mình, những người đã bị chia cắt khỏi bạn bè của họ và bị tổn thương vì mất mát. "Tôi muốn đây là một cộng đồng", cô nói về cửa hàng của mình. Cô cũng muốn hỗ trợ nông dân địa phương bằng cách bán sản phẩm của họ.

Lúc này, mức độ bức xạ ở Fukushima đang được cải thiện. Tanaka giữ một thiết bị trong cửa hàng của mình để đo độ phóng xạ. Cô nói rằng sản lượng nông nghiệp thương mại của Fukushima những ngày này hiếm khi vượt quá 50 becquerel / kg, dưới mức giới hạn chính thức là 100 becquerels. Tuy nhiên, cô nói thêm, thực vật hoang dã vẫn chưa được bán trên thị trường và vẫn không an toàn để ăn.

Theo Masaharu Tsubokura, giáo sư tại Đại học Y khoa Fukushima, 40% người lớn và 30% trẻ em được kiểm tra vào năm 2011 tại Fukushima, đã phát hiện ra sự phơi nhiễm phóng xạ bên trong. Nhưng "đến năm 2012, phơi nhiễm bên trong không được phát hiện ở 99,9% trẻ em và 99,99% người lớn sau đó", ông nói.

Tuy nhiên, xu hướng khử nhiễm tích cực vẫn chưa giải quyết được vấn đề dân số. Con số này vẫn ở mức thấp và tiếp tục giảm ở Fukushima cũng như ở Miyagi và Iwate. Dân số nơi đây đã giảm 6% xuống còn 5,3 triệu người từ năm 2010 đến năm 2019. Tương tự như vậy, số lượng doanh nghiệp giảm 10% từ năm 2009 đến năm 2016.

Làm cho các thành phố của khu vực trở thành nơi hấp dẫn để sinh sống, làm việc và tham quan vẫn là một thách thức dai dẳng đối với chính quyền.

Tại Rikuzentakata thuộc tỉnh Iwate, hơn 1.750 người, tương đương khoảng 7% dân số, đã thiệt mạng do sóng thần. Trong 10 năm kể từ đó, nhiều người đã từ bỏ việc xây dựng lại nhà cửa của họ, dẫn đến lượng cư dân ở đây giảm 20%. Tiền thuế đã được đổ vào để nâng cao độ cao khu vực sinh sống của cộng đồng và ngăn chặn thiệt hại do sóng thần trong tương lai, nhưng có rất nhiều các khu đất trống nằm rải rác trong thành phố.

Đến nay, Nhật Bản đã chi 280 tỷ đô la để hỗ trợ và đầu tư cho các dự án phục hồi các tỉnh miền đông bắc bị thiệt hại sau thảm họa kép động đất và sóng thần. Tuy nhiên, sau 10 năm, Fukushima về cơ bản vẫn chưa thể xóa bỏ hết nỗi đau về tinh thần khi hình ảnh những căn nhà bị tàn phá, xe cộ vẫn nằm ngổn ngang ở một số khu vực của Fukushima như bảo tàng sống động ám ảnh người dân nơi đây.

Phan Nguyên

Tin khác

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

(CLO) Kể từ thời xa xưa, con người đã cố gắng hết sức để tránh xa cái chết. Ngày nay, khi những tiến bộ khoa học biến những thứ tưởng chừng viễn tưởng thành hiện thực, chúng ta có tiến gần hơn đến việc kéo dài tuổi thọ hay thậm chí là sự bất tử không?

Tiêu điểm Quốc tế