(CLO) Để công tác phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo được chặt chẽ, thống nhất, thay mặt lãnh đạo 3 địa phương, ông Đinh Tiến Dũng đã thống nhất lại 5 nội dung trong triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Ngày 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để chủ động triển khai thực hiện Dự án, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt tiến độ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, qua thời gian làm việc đã sơ bộ thống nhất được các nội dung để làm cơ sở phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Với vai trò cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng dự thảo “Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành Đai 4 – Vùng Thủ đô” và “Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô”. Các dự thảo này đã được gửi lấy ý kiến 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.
Để triển khai tốt dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai dự án. Tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 với quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Thay mặt lãnh đạo 3 địa phương, ông Đinh Tiến Dũng đã thống nhất lại 5 nội dung trong triển khai thực hiện.
Thứ nhất, Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nằm trên địa bàn 3 tỉnh, Thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với các dự án thành phần do UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, rất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Từ đó mới có thể triển khai dự án đạt được mục tiêu, tiến độ Quốc hội đã thông qua.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị, UBND TP Hà Nội chủ động phối hợp cùng với UBND tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tiếp thu, hoàn thiện để Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án. Việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ đang được Bộ KH&ĐT trình.
Thứ hai, việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là việc lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh, Thành phố và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Vì vậy, cần quán triệt tinh thần và nhận thức, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngoài kế hoạch phối hợp chung của 3 tỉnh, Thành phố cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng tỉnh, Thành phố để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo của 3 tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, Dự án Vành đai 4 được chia thành các dự án GPMB, dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, Thành phố và 1 dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP.
Trên thực tế TP Hà Nội đã giao Ban QLDA chuyên ngành giao thông Thành phố lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sớm giao đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mà mình được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản để Thành phố Hà Nội có thể phối hợp, cập nhật hồ sơ đối với dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thứ tư, Dự án đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật.
Theo đó thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán Dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. Giao UBND TP Hà Nội là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán Nhà nước.
Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương đề nghị 3 tỉnh, Thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND TP Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ...
Tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các sở, ngành của TP Hà Nội tập trung thảo luận các vấn đề như: Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai thuộc phạm vi dự án; lập hồ sơ địa chính và giải phóng mặt bằng; khả năng cân đối nguồn vốn, khó khăn vướng mắc trong việc cân đối nguồn vốn thực hiện dự án của các địa phương; công tác phối hợp giữa TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh; đề xuất cơ chế chính sách kiến nghị với Trung ương và tổ chức thực hiện các dự án thành phần.
(CLO) Mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt 'rốn lũ' xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn nước dâng cao làm toàn bộ khu trung tâm chìm trong biển nước. Không chỉ thiệt hại về nhà cửa mà hoa màu, cây trồng của bà con bị mất trắng hoàn toàn. Hiện, mực nước trên một số vùng đã giảm xuống. Nước rút đến đâu, chính quyền cùng người dân hối hả dọn dẹp để khôi phục ổn định cuộc sống.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.
(CLO) Những ngày qua, sông Hồng đoạn chảy qua huyện Thanh Trì (Hà Nội) mức nước có thời điểm dâng cao trên mức báo động II, 40% các khu dân cư, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng bãi bị ngập úng. Sau lũ, theo ghi nhận của phóng viên, nước đã rút đi rất nhiều, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá, trường học... nhịp sống đang dần trở lại.
(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto tin tưởng sẽ sớm đạt mục tiêu 18 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương; nhất trí phối hợp tháo gỡ khó khăn, giảm rào cản thương mại, tạo thuận lợi triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông sản và sản phẩm Halal.
(CLO) Tại tỉnh Hưng Yên, nhiều khu vực dân cư ven sông Hồng, sông Luộc bị ngập lụt khá nặng do lũ tràn về khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là hoa màu, cây trồng rất lớn. Hiện, mực nước trên sông Hồng đã giảm xuống dưới báo động 3, trên sông Luộc giảm xuống dưới báo động 2. Nước rút đến đâu, người dân, doanh nghiệp lại hối hả dọn dẹp để khôi phục sản xuất, kinh doanh.