(CLO) Nếu quân đội Israel đạt được mục tiêu đã nêu là đẩy Hamas ra khỏi Dải Gaza, họ sẽ khiến khu vực này không còn người lãnh đạo. Ai có thể nắm quyền kiểm soát khi cuộc chiến kết thúc?
Ông Michael Milshtein, cựu thành viên cơ quan tình báo quân sự Israel và hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi Moshe Dayan tại Đại học Tel Aviv, cho biết không có giải pháp nào thay thế cho một cuộc tấn công trên bộ của Israel.
“Hamas luôn rất rõ ràng trong các mục tiêu của mình là thúc đẩy thánh chiến và xóa sổ Israel”, ông nói.
Tuy nhiên, có một câu hỏi vẫn tiếp tục xuất hiện. Gaza sẽ được cai trị như thế nào nếu Israel đạt được mục tiêu? Người Israel chưa đưa ra câu trả lời chính thức nào cho câu hỏi này. Cũng chưa rõ liệu họ có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas hay không.
Và có một điều rõ ràng là khoảng trống quyền lực không được phép xuất hiện. Ông Milshtein nói rằng việc rút lui nhanh chóng sẽ "để lại một khoảng trống sẽ được lấp đầy bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan và phi chính phủ".
Tình hình ở Afghanistan là một ví dụ về điều này. Ở đó, nhóm "Nhà nước Hồi giáo tự xưng" cực đoan đã tìm cách lợi dụng điểm yếu của thể chế nhà nước sau khi Taliban tiếp quản cho mục đích riêng của mình. Nhóm cực đoan tương tự cũng đã lợi dụng sự thiếu kiểm soát của nhà nước ở khu vực Sahel.
Iran, quốc gia hỗ trợ nhóm Hamas và các lực lượng dân quân khác trong khu vực, cũng có thể được hưởng lợi từ khoảng trống quyền lực như vậy ở Gaza và tìm được đồng minh hoặc đối tác mới bên trong Dải Gaza.
Vậy, trật tự sẽ được thiết lập như thế nào ở Dải Gaza sau khi cuộc xung đột này kết thúc? Theo Milshtein, có một số lựa chọn, nhưng mỗi lựa chọn đều đưa ra những thách thức.
Kịch bản 1: Israel nắm quyền kiểm soát Dải Gaza
Cho đến năm 2005, Israel vẫn kiểm soát quân sự Dải Gaza và có khả năng nước này sẽ làm như vậy một lần nữa. Nhưng một bước đi như vậy cũng có thể kích động các cuộc tấn công quân sự mới. Ông Stephan Stetter, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Lực lượng Vũ trang Liên bang Đức ở Munich cho biết hành động nay cũng sẽ có tác động khó giải quyết đến cán cân quyền lực trong khu vực.
Ngoài ra, theo luật nhân đạo quốc tế, một thế lực chiếm đóng phải có trách nhiệm đối với người dân trong khu vực.
"Israel sau đó sẽ phải tự mình đảm nhận nhiệm vụ này. Về mặt tài chính, điều đó sẽ vượt quá khả năng của đất nước", ông Stetter nói. Israel cũng sẽ không thể tái chiếm Dải Gaza trước sự phản đối của các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Mỹ.
Một động thái như vậy cũng sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Israel với các quốc gia khác ở Trung Đông, những quốc gia mà Israel đang cố gắng bình thường hóa quan hệ. "Đó là lý do tại sao tôi nghĩ một động thái như vậy khó có thể xảy ra”, ông Stetter nhận định.
Kịch bản 2: Chính quyền Palestine tiếp quản
Theo ông Milshtein, một giải pháp thay thế khác là Chính quyền Palestine quay trở lại Gaza và nắm quyền kiểm soát ở đó, nhưng ý tưởng này có một điểm yếu.
Chính quyền Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo và do Đảng Fatah thống trị, quản lý các khu vực bán tự trị ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng. Nhưng trên thực tế, nó chỉ kiểm soát một phần nhỏ Bờ Tây bị chiếm đóng. Hầu hết khu vực này thực sự nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
Chính quyền Palestine và Đảng Fatah không được lòng người dân địa phương ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Cuộc bầu cử gần đây nhất được tổ chức ở đây vào năm 2005 và ông Abbas đã nắm quyền kể từ đó. Trong khi ông bị chỉ trích ở phương Tây vì đưa ra những tuyên bố chống Do Thái và không tạo đủ khoảng cách giữa mình và Hamas, thì người Palestine địa phương lại chỉ trích ông không đủ cứng rắn và quyết đoán đối với thế lực chiếm đóng Israel.
Kịch bản 3: Chính quyền dân sự Palestine
Ông Milshtein cho biết, một lựa chọn tốt hơn, mặc dù khó khăn hơn, sẽ là một chính quyền dân sự hỗn hợp của người Palestine. Một cơ quan có thẩm quyền như thế này có thể được tạo thành từ các đại diện khác nhau của xã hội Palestine, chẳng hạn như các thị trưởng địa phương. Nó cũng có thể có mối quan hệ chặt chẽ với Chính quyền Palestine.
Một mô hình lãnh đạo như thế này có thể được Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Mỹ ủng hộ. “Có khả năng trật tự mới này sẽ không ổn định trong thời gian dài và sẽ gặp rất nhiều thách thức, nhưng nó tốt hơn nhiều so với tất cả các lựa chọn thay thế tồi tệ khác”, ông Milshtein nhận định.
Kịch bản 4: Chính quyền do Liên hợp quốc lãnh đạo
Về mặt lý thuyết, Liên hợp quốc có thể tiếp quản khu vực xung đột sau khi một bên trong cuộc xung đột bị đánh bại, ông Stetter nói, đề cập đến các ví dụ trước đó từ Kosovo.
“Nhưng điều đó không thực tế ở Dải Gaza”, ông lưu ý. "Sẽ khó hơn nhiều trong trường hợp này, nếu không muốn nói là không thể vì cuộc xung đột này là tâm điểm của dư luận toàn cầu. Việc các quốc gia phương Tây có khả năng đóng một vai trò mạnh mẽ ở đây cũng có thể bị chỉ trích nghiêm trọng".
Ông Stetter nói thêm rằng việc nhận được sự tán thành của Liên hợp quốc về vấn đề như vậy cũng sẽ khó khăn.
Kịch bản 5: Chính quyền do các quốc gia Ả Rập điều hành
Ông Stetter muốn một kịch bản khác trong đó các quốc gia Ả Rập khác sẽ nắm quyền ở Dải Gaza, cùng với Chính quyền Palestine.
“Điều này thực sự có thể có lợi cho một số quốc gia Ả Rập, đặc biệt là những quốc gia có thái độ dè dặt đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan”, ông nói. Hamas được coi là chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo mà Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phản đối.
Tuy nhiên, ông Stetter chỉ ra rằng một kịch bản như thế này có nghĩa là người Palestine có thể bị thuyết phục rằng lợi ích của họ sẽ được đại diện chứ không chỉ bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, theo ông Stetter, điều đó sẽ đòi hỏi "một số lực lượng đoàn kết tham gia, cũng như sự hợp tác với phương Tây và Liên hợp quốc".
Bên cạnh hỗ trợ chính trị, cũng cần có hỗ trợ tài chính để bất kỳ mô hình nào như vậy có thể tồn tại lâu dài. Ông Stetter lập luận rằng một mô hình như vậy không chỉ mang lại cho người Palestine những triển vọng tốt hơn mà còn mang lại an ninh tốt hơn cho Israel.
(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.
(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?
(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.
(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.
(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.