Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022):

80 ngày đêm đấu trí và “cuộc trở về lịch sử”

Thứ hai, 10/10/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 10/10 68 năm về trước, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, tưng bừng háo hức chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng để có được “cuộc trở về lịch sử” ấy, là cả nỗ lực không dễ dàng của quân dân Thủ đô.

Sự kiện: Hà Nội

Từ âm mưu đen tối của thực dân Pháp

Chiều ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm De Castries, đánh dấu thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nỗ lực chiến tranh của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã thất bại hoàn toàn.

Hiệp định Geneva buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, nhưng theo quy định, Hà Nội và một số khu vực khác của miền Bắc trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp với thời gian là 80 ngày. Trong thời gian đó, việc ngừng bắn, chuyển quân được thực hiện, phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho phía Việt Nam tiếp quản Hà Nội…

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 1

Lực lượng bộ binh Pháp lặng lẽ rút qua phố Hàng Đào lên cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Nhưng, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã không thực thi ngay những cam kết ấy. Trong 80 ngày Hà Nội vẫn nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp, chúng âm mưu gây khó khăn toàn diện cho công cuộc tiếp quản Hà Nội, cố tình tìm mọi cách làm rối loạn trung tâm đầu não chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - xã hội với nhiều hoạt động phá hoại diễn ra liên tiếp…

Thực dân Pháp thậm chí còn tìm cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, thuốc men, tài liệu quý ra khỏi thành phố, hạn chế, ngừng cung cấp than, hòng làm mạng lưới dịch vụ công cộng, hoạt động sinh hoạt của nhân dân trong thành phố gặp khó khăn, sản xuất đình đốn, âm mưu biến Hà Nội thành một thành phố chết trước khi lực lượng cách mạng Việt Nam tiếp quản thành phố.

Chưa hết, bộ máy tuyên truyền của địch còn ra sức tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, rằng “Việt Minh sẽ đưa công chức đi tẩy não, bắt ngụy binh đi cải tạo; học sinh, sinh viên không được đi học; tư sản, tiểu thương không được buôn bán”. Chúng còn tổ chức các “đội hành động bí mật”, sử dụng bọn côn đồ tay sai phá phách, cướp bóc, tống tiền làm rối loạn trật tự, trị an…

Trong khi đó, do Hà Nội là nơi địch tạm chiếm lâu ngày, cơ sở cách mạng ở một số nơi, nhất là ở trong các nhà máy điện, nước, hỏa xa, quân giới, quân nhu,… còn mỏng và yếu; chính quyền cơ sở chưa được thiết lập; đoàn thể quần chúng phát triển không đều; lực lượng vũ trang, tự vệ vừa mỏng, vừa yếu…

Tình thế lúc đó với cách mạng là vô cùng khó khăn.

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 2

Chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản ga Hàng Cỏ, ngày 9/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Đấu tranh cho ngày tiếp quản hoàn toàn Thủ đô

Tuy nhiên, tinh thần cách mạng, khát vọng tự do, giải phóng đã khiến quân dân Thủ đô thêm quyết tâm để tranh đấu.

Đầu tháng 8/1954, tại một địa điểm trên đất Phú Xuyên, huyện Thường Tín (thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Thành ủy Hà Nội họp bàn, quyết định những chủ trương công tác lớn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, trong đó nhất mạnh với việc phối hợp các mặt đấu tranh chống địch phá hoại tài sản, máy móc, chống địch cưỡng ép di cư; đẩy mạnh công tác binh địch vận, xây dựng kế hoạch tiếp quản; xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ để cùng với công an giữ gìn an ninh, trật tự địa phương, bảo vệ sản xuất và tính mạng, tài sản của nhân dân, phối hợp với bộ đội chủ lực vào tiếp quản,…

Với chủ trương: lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành, cũng thời điểm đó, Ban Cán sự ngoại thành được thành lập trên cơ sở hợp nhất các ban cán sự phía Bắc và phía Nam. Ban ủy nhiệm thôn được thành lập để điều hành công việc. Lực lượng tự vệ được thành lập ở 110 trên tổng số 136 thôn ở ngoại thành, với 1.976 đội viên.

Việc phát triển lực lượng tự vệ được ưu tiên trước mắt cho các trọng điểm như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn, công sở, kho tàng… - những nơi mà kẻ địch đang tìm mọi cách để phá hoại, hoặc lấy đi trước lúc rời thành phố. Tự vệ thành phố được khôi phục và phát triển là cơ sở vững chắc để tiến tới thực hiện tiếp quản Thủ đô.

Đến ngày 10/10/1954, chỉ riêng ở nội thành Hà Nội, ta đã tổ chức được 20 đơn vị tự vệ với 934 đội viên ở 5 nhà máy, xí nghiệp, 3 công sở, 2 nhà ga, bến cảng, 2 bệnh viện và 8 khu, xóm lao động. Ở các huyện, xã ngoại thành cũng đã tổ chức được các đơn vị tự vệ tại 110 trên tổng số 136 thôn, với quân số xấp xỉ 2.000 đội viên.

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 3

Chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam canh gác tại Phủ Toàn quyền cũ sau khi tiếp quản, sáng 9/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Để hỗ trợ cho Hà Nội, ngày 06/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô.

Một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm như: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu về trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Hà Nội. Hội đồng Chính phủ ban hành một nghị quyết về tiếp quản Hà Nội. Hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng cấp tốc về công tác tiếp quản từ các lớp học ở Việt Bắc, Liên khu 3 được đưa về tăng cường cho bộ máy tiếp quản Hà Nội. 

Ngày 17/9/1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 cùng nhiều đơn vị công an được giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Tháng 8/1954, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương thành lập Đại đoàn 350 và đưa Đại đoàn này về Thủ đô làm nhiệm vụ. Còn nhớ, dù bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thu xếp gặp và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn Quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự.

Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của thành phố, đời sống của nhân dân.

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 4

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Rạng rỡ ngày về

Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, những ngày tháng 10 cách đây 68 năm, quân dân ta đã có cuộc trở về Thủ đô hết sức ngoạn mục và thành công.

 Sáng ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội theo nhiều hướng tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 thì tới đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 5

Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), sáng 10/10/1954 trong tiếng reo vui của hàng vạn người dân Thủ đô. Nguồn: Tư liệu TTXVN

6 giờ sáng ngày 9/10/1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16giờ30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố.

80 ngay dem dau tri va cuoc tro ve lich su hinh 6

Sáng 10/10/1954, cánh quân của Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Chiều ngày 10/10/1954, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể !...” - thư Người viết. Hà Nội từ giây phút ấy, thực sự vang khúc khải hoàn.

Hà Anh

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là 'đột phá của đột phá'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

(CLO) Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tin tức
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin tức
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

(CLO) “Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(CLO) Ngày 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức
Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

(CLO) Thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân trên nền tảng số.

Tin tức