ASEAN: 55 năm và khát vọng về một cộng đồng

Chủ nhật, 07/08/2022 16:57 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ kỷ niệm tròn 55 năm thành lập vào ngày mai (8/8/1967 - 8/8/2022). Sau 55 hình thành và phát triển, ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đang hướng tới trở thành một trong những cộng đồng hình mẫu về sự hợp tác toàn diện trên thế giới.

Hành trình phát triển và những cột mốc tự hào

Trong một thế giới đầy biến động về cả kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng hiện tại, sự phát triển của ASEAN có thể nói đang đóng vai trò rất to lớn để duy trì sự ổn định và phát triển chung của các quốc gia trong khu vực. Nếu không có sự đồng thuận, đoàn kết cùng hợp tác khi đứng cùng trong cùng một khối như lúc này, từng quốc gia tại Đông Nam Á sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với nhiều thách thức về mọi mặt đang diễn ra trên thế giới, từ tình hình đại dịch, bất ổn địa chính trị và cả những nhiệm vụ cách bách trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

asean 55 nam va khat vong ve mot cong dong hinh 1

ASEAN đang ngày càng trở thành một cộng đồng phát triển toàn diện sau 55 năm thành lập. Ảnh: ASEAN.ORG

Để có được một thành tựu, một sự phát triển như ngày nay, chúng ta cần bắt đầu trở lại với cách đây đúng 55 năm, vào ngày 08/08/1967, khi 5 nhà lãnh đạo, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan, đã cùng ký văn bản khai sinh ra Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tại Bangkov, Thái Lan.

Sự khởi đầu ASEAN đó bắt đầu bằng văn kiện được gọi là Tuyên bố ASEAN. Bản tuyên bố này chỉ là một tài liệu ngắn, nhưng nêu rõ các mục tiêu và tôn chỉ của Hiệp hội. Đó là “hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, giáo dục và các lĩnh vực khác; thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý, pháp quyền và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc”. Tài liệu cũng quy định rằng hiệp hội sẽ mở rộng cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong khu vực tham gia theo các mục đích của ASEAN.

Từ một tổ chức chỉ có 5 thành viên, đến nay giấc mơ về một ASEAN với 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực, sau khi trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong suốt hơn 5 thập kỷ đầy biến động. ASEAN thực tế đã có một sự khởi đầu khá chậm trong một thời gian dài. Phải đến ngày 8/1/1984, tức sau gần 20 năm kể từ khi thành lập, ASEAN mới đón chào thành viên thứ 6, với việc Brunei chính thứ gia nhập, sau một tuần kể từ khi quốc đảo nhỏ bé này giành độc lập.

Đến ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 7, một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng và bước ngoặt giúp ASEAN phát triển mạnh mẽ sau đó, khi mà chỉ sau đó vỏn vẹn 4 năm, ASEAN đã quy tụ được đủ 10 quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể, Lào và Myanmar đã cùng nhau gia nhập vào ngày 23 tháng 7 năm 1997. Cũng sau đó không lâu, Campuchia đã gia nhập ngày vào 30 tháng 4 năm 1999.

Như vậy, dù đã trải qua 55 năm hình thành và phát triển, song ASEAN chỉ là một tổ chức trọn vẹn của toàn khu vực Đông Nam Á trong vòng hơn 2 thập kỷ qua. Điều đó cho thấy, việc ASEAN có được vị thế lớn lao về mọi mặt như thời điểm hiện tại là một bước chuyển mình ngoạn mục; cho thấy sự đoàn kết và đồng lòng rất lớn giữa các quốc gia, các dân tộc dù có sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và xã hội trong khu vực.

Để đạt được điều này, một cột mốc quan trọng không thể không nhắc đến là ngày 15 tháng 12 năm 2008, các quốc gia thành viên đã họp tại Jakarta để đưa ra một hiến chương, giúp ASEAN không chỉ là một tổ chức mà thực sự trở thành "một cộng đồng chung", liên kết các quốc gia trở thành một khối thống nhất trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị và xã hội. Nhiều chuyên gia ví rằng, ASEAN giống như một “cộng đồng EU” thứ hai trên thế giới, điều mà không nhiều khu vực khác không làm được.

Cụ thể, Hiến chương ASEAN đã biến 10 nước Đông Nam Á thành một thực thể pháp lý và nhằm mục đích tạo ra một khu vực thương mại tự do duy nhất cho khu vực với 600 triệu dân. Cựu Tổng thống của Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono từng cho biết: "Đây là một bước phát triển quan trọng khi ASEAN hướng đến củng cố, hội nhập và chuyển mình thành một cộng đồng".

Chính nhờ hoạt động như một cộng đồng thống nhất, ASEAN có thể nói rất dễ dàng xây dựng sự đồng thuận trong tất cả các lĩnh vực, gặp nhiều thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề lớn trong khu vực và trên thế giới, cũng như cùng nhau tạo ra một môi trường kinh tế và xã hội phát triển không ngừng.

Ba trụ cột chính của ASEAN

Cho đến nay, ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới, là một hình mẫu về hợp tác trong khu vực. Để có được kết quả này, ASEAN đã xây dựng một mô hình hoạt động rất chặt chẽ và toàn diện, dựa trên sáng kiến 3 “trụ cột”: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Có nghĩa rằng, gần như mọi mặt của đời sống của 10 quốc gia Đông Nam Á đều đang được liên kết một cách mạnh mẽ và trực tiếp với nhau.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) là cộng đồng nòng cốt và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của ASEAN; có mục tiêu giúp xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, ngăn ngừa, quản lý xung đột, cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

APSC đã thông qua 2 giai đoạn Kế hoạch Tổng thể 2009 -2015 và 2015 - 2025, qua đó đã đạt được rất nhiều thành công trong việc hợp tác giữa các quốc gia với nhau về chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực, cũng như với các đối tác trên thế giới.

Cho đến nay, các lĩnh vực hợp tác giữa các nước trong APSC ngày càng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu thông qua các cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và AMF+, Ủy ban liên Chính phủ và Nhân quyền (AICHR), Ủy ban Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và nhiều hợp tác về an ninh, quốc phòng quan trọng khác.

Với APSC, ASEAN không chỉ có những sự kết hợp tác rất chặt chẽ và toàn diện về chính trị, an ninh giữa các thành viên mới nhau, mà còn là một khối thống nhất có vị thế cao trong việc hợp tác với các quốc gia và các tổ chức khác trên thế giới.

asean 55 nam va khat vong ve mot cong dong hinh 2

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt tay thể hiện sự đoàn kết tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) vừa diễn ra vào đầu tuần này. Ảnh: ASEAN.ORG

asean 55 nam va khat vong ve mot cong dong hinh 3

Sự hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức khác trên thế giới đang ngày một lớn mạnh. Trong ảnh là Hội nghị AMM+3.

asean 55 nam va khat vong ve mot cong dong hinh 4

ASEAN cũng rất mạnh trong việc hợp tác song phương với các đối tác trên thế giới. Trong ảnh là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-NHẬT BẢN trong khuôn khổ AMM-55.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là trụ cột thứ 2 của ASEAN được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, sau Cộng đồng Chính trị và An ninh. AEC có mục tiêu "thực hiện các sáng kiến hội nhập kinh tế" để tạo ra một thị trường duy nhất cho các quốc gia thành viên. Đặc điểm của nó bao gồm một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế công bằng và một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

Cho đến nay, dù chưa đạt được kết quả thực sự trọn vẹn, song rõ ràng sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được những thành quả ấn tượng. Trước tiên, thương mại trong khối ASEAN hiện đã chiếm tổng 1/4 giá trị thương mại của toàn khu vực, tức cho thấy sự hội nhập kinh tế ngày càng lớn giữa các quốc gia trong khối.

Chính sự hợp tác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã góp phần giúp các quốc gia Đông Nam Á hồi phục mạnh mẽ và khá đồng đều sau cú sốc đại dịch COVID-19. Theo báo báo giữa kỳ của Kế hoạch tổng thể AEC 2025, đại dịch COVID đã kéo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN xuống mức - 3.3% vào năm 2020, song đã lập tức hồi phục lên 5,5% tính đến 6 tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh nội lực của từng quốc gia, AEC rõ ràng đã đóng góp rất lớn vào việc giúp kinh tế ASEAN nói chung phát triển nhanh chóng. Vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, GDP các nước ASEAN lên tới xấp xỉ 3 nghìn tỷ USD. Nếu coi là một thực thể duy nhất, ASEAN sẽ xếp hạng 5 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Dự kiến đến năm 2030, ASEAN còn có thể vươn lên thứ 4 thế giới.

Với AEC, ASEAN đã xây dựng hàng loạt quan hệ đối tác thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và khu vực khác trên thế giới, như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định khung về Đối tác toàn diện ASEAN (AJCEP), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - EU, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

asean 55 nam va khat vong ve mot cong dong hinh 5

Logo kỷ kiệm 55 năm ngày thành lập ASEAN.

Trụ cột thứ ba của ASEAN là Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), cũng được thông qua trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 vào năm 2015. Trong số các lĩnh vực trọng tâm, ASCC có vai trò thúc đẩy phát triển con người, đảm bảo công bằng xã hội, xây dựng môi trường bền vững, bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Cùng với Cộng đồng Chính trị & An ninh và Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng ASCC sẽ giúp ASEAN thành một cộng đồng thống nhất và toàn diện. Cho đến nay, sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong ASCC đã hết sức sâu rộng, với nhiều hoạt động thiết thực, liên quan đến mọi mặt của xã hội khác nhau; từ lao động, quyền phụ nữ, trẻ em, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhân đạo, y tế, chống biến đổi khí hậu, thông tin, thể thao, văn hóa, thanh niên...

Thành công lớn và dễ nhận thấy nhất của ASCC trong thời gian gần đây chính là sự hợp tác trong việc chống lại đại dịch COVID và cũng như giai đoạn hồi phục sau đó. Quỹ ASEAN Ứng phó COVID (do Việt Nam và Thái Lan đề xuất) đã sớm được thành lập vào ngày 26/6/2020, đã quyên góp được hơn 20 triệu USD, qua đó đã có những hỗ trợ kịp thời cho các nước gặp khó khăn trong khu vực.

Như vậy, sau 55 hình thành và phát triển, ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đang hướng tới trở thành một trong những cộng đồng hình mẫu về sự hợp tác toàn diện trên thế giới. Và có thể tin rằng, dù còn gặp nhiều thách thức, song ASEAN sẽ còn có những bước tiến lớn hơn trong tương lai!

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế