Kỷ niệm 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2021):

Bác Hồ với Hội Nhà báo Việt Nam: 71 năm - Những điều không thể nào quên…

Thứ tư, 21/04/2021 07:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo Việt Nam nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) và những người làm công tác Hội nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một người thầy vĩ đại.

Bài liên quan

Những tư tưởng, chỉ dạy đầy sát sao, xác đáng, ân cần của Người thực sự là những điều mà lớp lớp những người làm công tác Hội HNBVN, những người làm báo cách mạng Việt Nam ghi nhớ.

“Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy khi nói về mục đích thành lập của tổ chức những người làm báo Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là người chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Lần lại những trang vàng lịch sử 71 năm qua của HNBVN, có thể thấy rõ điều này.

Ngày 21/4/1950, với HNBVN là một ngày lịch sử bởi đó là ngày Hội những người viết báo Việt Nam - tổ chức tiền thân của HNBVN tổ chức Hội nghị thành lập (Đại hội lần thứ nhất), tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên). Nhưng ít người biết rằng, thành lập các tổ chức quần chúng, các hội đoàn về văn hóa, báo chí, thông qua các đoàn thể, hội đoàn ấy vận động, tổ chức phong trào đòi độc lập, tự do, từ rất lâu đã là mong muốn, mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, việc Hội nghị Báo giới Trung Kỳ, Đại hội Báo giới Bắc Kỳ, Hội nghị Báo giới Nam Kỳ liên tiếp được tổ chức, góp phần thức tỉnh nhiều nhà báo Việt Nam cũng vì lẽ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962).

Theo hồi ức của nhà báo lão thành Phan Quang, cũng bởi mối quan tâm ấy, chỉ ít lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong bộn bề công việc của một người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên việc hiện thực hóa chủ trương nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo.

Cũng bởi chủ trương ấy, Người đã giao cho nhà báo Xuân Thủy - Chủ nhiệm Báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc tổ chức thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Cuối năm 1945, tại cuộc họp trù bị, nhà báo Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc chúng ta lập Hội. Cụ nói, nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”.

Quyết tâm là vậy, nhưng do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước, thế nên, cũng theo nhà báo Phan Quang, phải chờ hơn ba năm sau, ngày 21/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới lại chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”.

Từ chỉ đạo ấy, mới diễn ra Hội nghị thành lập Hội ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên. Hội nghị đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Từ thời khắc ấy, những người làm báo Việt Nam có cơ hội quy tụ trong một tổ chức quy củ, có Điều lệ, có Chương trình hoạt động, có Ban Lãnh đạo…

Nỗi khát khao cháy bỏng có cho mình một tổ chức riêng sau bao nhiêu “năm đợi tháng chờ”, tới ngày 21/4 ấy, mới trở thành hiện thực và Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là những “ông bụt” hiện thực hóa ước mơ ấy.

“Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau”

Nói về HNBVN, giờ đây chúng ta hay nhắc tới nội hàm “mái nhà chung”, tới câu chuyện đoàn kết, tập hợp hội viên, nhưng thực sự, “làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau”, từ cách đây 62 năm, tại Đại hội II HNBVN tháng 5/1959, đã là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.

Trên tư cách “thay mặt Đảng và Chính phủ đến thăm các đồng chí”, sau khi khẳng định “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, “Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần trong số “một vài ý kiến” ấy để nói về Hội Nhà báo.

Bài phát biểu của Người chỉ rõ: “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962).

Chỉ dẫn ấy thực sự rất có ý nghĩa đối với HNBVN trong bối cảnh HNBVN mới trải qua hành trình chưa tròn một thập kỷ. Đây cũng là kỳ Đại hội đánh dấu dấu mốc lịch sử, hay nói cách khác mang đến một bước chuyển ấn tượng trong lịch sử HNBVN: Ðại hội đã nhất trí đổi tên Hội Những người viết báo Việt Nam thành HNBVN. 220 đại biểu đã thông qua Báo cáo về nhiệm vụ trước mắt của báo chí và kế hoạch công tác 2 năm 1959-1960, Điều lệ sửa đổi và bầu Ban Chấp hành mới của Hội. Đại hội cũng đã nhất trí thông qua nghị quyết gồm 3 phần: nêu cao truyền thống cách mạng lâu dài và vẻ vang của báo chí ta; nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của Hội; dựa trên điều lệ mới mà đề ra những hình thức bồi dưỡng để bảo đảm sự đoàn kết những người làm công tác báo chí…

Đáng chú ý là theo điều lệ mới, hội viên của Hội từ nay bao gồm các BTV, PV, họa sĩ, PV nhiếp ảnh… Những người viết báo không chuyên nghiệp cộng tác với một tờ báo từ 2 năm trở lên, những người đã từng làm các báo cách mạng và tiến bộ nay không làm báo chuyên nghiệp cũng được nhận là hội viên.

Cũng theo điều lệ mới, các cơ quan báo, đài, thông tin có từ 5 hội viên trở lên có thể lập ra Chi hội… Và cho đến nay, sau hành trình dài 71 năm phát triển, những nhắc nhớ về việc “làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ” vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự.

“Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Đại hội III HNBVN tháng 9/1962. Trước hơn 160 đại biểu thay mặt cho gần 1.500 nhà báo cả nước về dự Đại hội, Hồ Chủ tịch có bài phát biểu khá dài với trọng tâm là: “cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó”.

Trong đó, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết. Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện... Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Những nhắc nhớ của Bác tại Đại hội lần thứ III ngày ấy, dù Bác nói rằng: “Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến”, nhưng thực sự đó là những chỉ dạy mà lớp lớp những người làm công tác Hội HNBVN, những người làm báo cách mạng Việt Nam ghi nhớ.

Hà Anh

Tin khác

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội