Bác kháng nghị của VKSNDTC: Y án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải

Thứ sáu, 08/05/2020 17:49 PM - 0 Trả lời

(CLO) "Không chấp nhận kháng nghị" của VKSNDTC. Chiều 8/5, Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai phù hợp với lời khai của nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi... nên xác định Hồ Duy Hải phạm tội "Giết người "Cướp tài sản" là đúng người, đúng tội.

Qua 3 ngày xét xử theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm (từ ngày 6/5-8/5/2020) với 17 thẩm phán TAND Tối cao cùng các Kiểm sát viên cao cấp của Viện KSNDTC đã đặt gần 100 câu hỏi với cơ quan tố tụng tỉnh Long An xoay quanh những mâu thuẫn liên quan số phận Hồ Duy Hải bị cáo buộc sát hại hai cô gái tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An.

"Không chấp nhận kháng nghị"

Với 17/17 thành viên biểu quyết chung với từng nội dung  và đi đến thống nhất "Không chấp nhận kháng nghị" của Viện trưởng VKSNDTC. Cụ thể.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm. Ảnh: TANDTC.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm. Ảnh: TANDTC.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật. 

Thay mặt Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ công bố bản án.

Hội đồng Thẩm phán nhận định, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có căn cứ khẳng định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên căn cứ lời khai của nhiều người, trong đó có lời khai của Hồ Duy Hải về việc đến Bưu điện Cầu Voi dựng xe bên ngoài. Nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng cho hay nhìn thấy chiếc xe này khi đến Bưu điện để gọi điện về Cà Mau.

Như vậy lời khai của Hồ Duy Hải về việc sử dụng xe máy để đến hiện trường là phù hợp. Nhân chứng Đinh Vũ Thường còn khai nhìn thấy thanh niên ngồi trong bưu điện để tóc hai mái. Lời khai của Hồ Duy Hải phù hợp với lời khai của một số người làm chứng về đặc điểm nhận dạng mái tóc của Hồ Duy Hải (trước khi gây án).

Nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng khai nhìn thấy thanh niên trong Bưu điện mặc áo ngắn tay. Hồ Duy Hải cũng khai mặc áo ngắn tay, sau khi gây án đã mang áo đốt ở vườn. Cơ quan điều tra thu giữ tro của chiếc áo này. "Như vậy lời khai của Hồ Duy Hải và những người khác là phù hợp, có căn cứ", Hội đồng Thẩm phán nêu quan điểm.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán nhận định, lời khai của Hồ Duy Hải còn phù hợp với lời khai người làm chứng khác.

Về khoảng thời gian xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường, theo lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện lúc khoảng 20h và thấy có 1 thanh niên ngồi trong Bưu điện Cầu Voi. Như vậy,  anh Thường phải có mặt lúc 19h30 để làm thủ tục gọi điện. 

Đối với việc Hồ Duy  Hải khai đi cầm đồ, theo biên bản kiểm tra lời khai, Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19h30. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Bình (gửi xe ở bưu điện) và anh Thường là người đến gọi điện. 

Vì vậy, Cơ quan điều tra kết luận Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện lúc 19h30 là có căn cứ,  kháng nghị của viện kiểm sát là không có căn cứ.

Liên quan đến hai vật chứng quan trọng được Cơ quan điều tra yêu cầu nhân chứng trong vụ án mua, rồi đưa vào hồ sơ vụ án, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc mua dao, thớt là để nhận dạng, phục vụ điều tra, không phải là công cụ gây án.

Dù quá trình điều tra có một số thiếu sót, sai phạm nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án.

Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải  về tội “Giết người”  “Cướp tài sản” là đúng tội, không oan.

Theo Hội đồng Thẩm phán, sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn đề nghị xem xét giảm bản án hình sự phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. 

Theo quy định của BLTTHS, bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước.

Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải và có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Văn phòng Chủ tịch nước sau đó có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Pháp luật TTHS quy định các quyết định TTHS chỉ được thay thế, huỷ bỏ bằng một quyết định TTHS khác của cấp có thẩm quyền chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính.

Trong khi quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật, Viện trưởng VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là vi phạm pháp luật TTHS, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước là bảo đảm đúng quy định của pháp luật tại công văn nói trên.

Cũng theo Hội đồng Thẩm phán, BLTTHS không quy định thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác trừ quy định về thi hành án.

Do đó, không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật từ 8/4/2009.

Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao “không chấp nhận kháng nghị” của Viện trưởng VKSND Tối cao "giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật". Quyết định không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm 

Đề nghị thực nghiệm lại hiện trường của VKSNDTC không được chấp nhận.

Cụ thể, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề cập đến việc bản Kết luận điều tra nêu nhân chứng Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút ngày 13/1/2008, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng cũng theo Kết luận điều tra, vào lúc 19 giờ 13 phút, Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột. Tính toán quãng đường và thời gian, Viện KSNDTC cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu điện lúc 19 giờ 39 phút như Kết luận điều tra.

Theo dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hồ Duy Hải, nhưng là từ buổi trưa (lúc 11 giờ 25 phút ngày 13/1/2008), không có ý nghĩa chứng minh gì. Thứ hai là lời khai của nhân chứng chỉ nói nhìn thấy có một thanh niên, cũng chỉ nói về khoảng thời gian là "khoảng 19 giờ nhìn thấy". Anh Đinh Vũ Thường nói có nhìn thấy gì "có ánh đèn màu sáng" nhưng cũng không có căn cứ chứng minh đấy là điện thoại. Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị V. đến mua hoa quả, còn không xác nhận được người đưa tiền cho V. mua hoa quả là Hồ Duy Hải.

Đại diện VKSNDTC phát biểu tại phiên giám đốc thẩm. Ảnh: TANDTC.

Đại diện VKSNDTC phát biểu tại phiên giám đốc thẩm. Ảnh: TANDTC.

Bên cạnh đó, điều tra viên nói về "khoảng thời gian 19 giờ" để chứng minh thì không logic. Cũng chính cơ quan tố tụng dùng kết luận về "khoảng thời gian" này để xét xử vụ án. Cơ quan điều tra giải thích, anh Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng. Nhưng lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án, nên đề nghị cung cấp cho VKS và Hội đồng giám đốc thẩm.

Đáng chú ý, đại điện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường. Trong đó, tính cả thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe,... rồi từ đó đến bưu điện..

Bên cạnh đó, đại diện VKS cho rằng, Tòa án 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích. Bởi khi xét xử, Tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó; từ đó đề nghị, hai bản án đó phải hủy và xem xét lại.

Những phân tích của Viện KSNDTC được Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, "Nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại sẽ có vấn đề. Tại sao lại có nhiều vấn đề trùng hợp nhau đến như vậy với lời khai của Hồ Duy Hải. Nên chúng ta không thể lấy từng việc, chẻ ra để phủ định từng cái".

Theo đại diện Viện KSNDTC, tài liệu này phát sinh trong giai đoạn xét xử. Với phạm vi của phiên xét xử giám đốc thẩm, không chỉ xem xét trong nội dung kháng nghị mà còn đánh giá tất cả các vấn đề liên quan vụ án.

Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng chứng cứ này là bản photo, chưa có công chứng, không giám định chữ viết, chữ ký nên không đủ tin tưởng là chữ ký của ai và không thể đưa ra để làm căn cứ xét xử được.

Từ việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao "không chấp nhận kháng nghị" của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Vậy, cơ hội nào để Hồ Duy Hải được xem xét lại? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường xoay quanh vấn đề này, Luật sư Cường cho biết.

Việc Hội đồng giám đốc thẩm bác kháng nghị của Viện kiểm sát Tối cao để giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì cơ hội sống của Hồ Duy Hải vẫn còn. Trong trường hợp Hồ Duy Hải gửi đơn xin ân giảm đến Chủ tịch nước mà được chấp nhận thì án tử hình sẽ chuyển thành án tù chung thân.

Về lý thuyết thì quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra nếu có tài liệu chứng cứ mới thì bị án và luật sư vẫn có thể đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên cơ hội sống với Hồ Duy Hải đến nay sẽ ngày càng khép lại.

Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. Điều 405. Thành phần tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị, đề nghị.

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Đại diện Ủy ban tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội.

Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân Tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp. Điều 406. Chuẩn bị mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị .

1. Sau khi nhận được kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc sau khi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân Tối cao bản sao văn bản kiến nghị hoặc đề nghị đó kèm theo hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức thẩm định hồ sơ để báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban tư pháp Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị đó và thông báo bằng văn bản.

Đắc Nguyên

Tin khác

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên vì những sai phạm liên quan đến đất đai

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên vì những sai phạm liên quan đến đất đai

(CLO) Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Đào Văn Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất xảy ra trên địa bàn thành phố.

Vụ án
Thanh Hoá: Chú rể 'bất ngờ' bị bắt trong ngày cưới

Thanh Hoá: Chú rể "bất ngờ" bị bắt trong ngày cưới

(CLO) Ngày 25/4, thông tin từ Công an Thanh Hoá cho biết, lực lượng chức năng vừa bắt giữ 4 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy để “mừng” tiệc cưới.

Vụ án
Bắt đối tượng mượn danh nữ tu sĩ quyên góp từ thiện, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Bắt đối tượng mượn danh nữ tu sĩ quyên góp từ thiện, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

(CLO) Thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương, kèm theo bài viết kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền từ thiện, Lê Đình Hải đã lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục ngàn người trên cả nước với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng…

Vụ án
Kon Tum: Đến nhà bạn quen qua mạng chơi, bé gái 12 tuổi bị ba đối tượng hiếp dâm

Kon Tum: Đến nhà bạn quen qua mạng chơi, bé gái 12 tuổi bị ba đối tượng hiếp dâm

(CLO) Sau khi đến nhà một người bạn quen qua mạng chơi, bé gái 12 tuổi bị kéo vào trong nhà. Tại đây, nạn nhân bị 3 thiếu niên lần lượt cưỡng hiếp.

Vụ án
Tạm giữ 2 đối tượng trong vụ chém 2 anh em trọng thương ở Lâm Đồng

Tạm giữ 2 đối tượng trong vụ chém 2 anh em trọng thương ở Lâm Đồng

(CLO) Sau khi hai bên cãi nhau, Hoàng cùng bốn đối tượng đi cùng đã cầm dao rựa đuổi chém Nguyễn Quang Duy và Nguyễn Công Dân. Hậu quả làm anh Duy và Dân bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Vụ án