Quảng Ninh- hành trình trở thành hình mẫu chuyển đổi số

Bài 1: Chuyển đối số- động lực tạo đột phá của sự phát triển của Quảng Ninh

Thứ ba, 15/11/2022 10:05 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn công nghiệp 4.0, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chuyển đổi số toàn diện.

Sự kiện: Quảng Ninh

LTS: Tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ quyết tâm ấy, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quyết tâm đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển đổi số. 

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh...

Từ nền tảng công nghệ ấn tượng đã có

Thực ra không phải đến tận bây giờ mà cách đây cả thập kỷ, Quảng Ninh đã nhận thức rất rõ về vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của tỉnh. Cụ thể, ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) ở tất cả các lĩnh vực.

Tháng 10/2016, tỉnh đã phê duyệt Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã triển khai nhiều đề án thuộc đề án thông minh, như: Xây dựng trường học thông minh, bệnh viện thông minh, kiến trúc thành phố thông minh, hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh tại TP. Hạ Long…

bai 1 chuyen doi so dong luc tao dot pha cua su phat trien cua quang ninh hinh 1

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công Hệ thống ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc tháng 8/2019, Quảng Ninh đưa vào thực hiện mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh. Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi. Đây cũng là 3 bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép triển khai bệnh án điện tử. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã kết nối liên thông từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương, nhằm phục vụ cho việc tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán bệnh, tư vấn qua mạng với những trường hợp bệnh phức tạp. Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về quản lý sức khỏe toàn dân với 99% dân số trên địa bàn có hồ sơ quản lý sức khỏe.

Quảng Ninh đã xây dựng được 1.432 phòng học thông minh tại 89 trường học. Bên cạnh đó, đến nay 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đã tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi.

Chính từ việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT, Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây chính là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh trong giai đoạn tới.

Đến bản Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện

Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng CNTT, viễn thông có mặt còn bất cập, thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung. Doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về CNTT thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm...

Nhằm khắc phục những tồn tại, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đề ra, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

bai 1 chuyen doi so dong luc tao dot pha cua su phat trien cua quang ninh hinh 2

Trung tâm điều hành thành phố thông minh Quảng Ninh kết nối hệ thống camera giám sát đến các trường học trong tỉnh.

Nghị quyết xác định rõ quan điểm, chuyển đổi số của tỉnh sẽ là một quá trình được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của Đề án chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có; đặt nguồn “tài nguyên mới ” là dữ liệu số mở, đảm bảo "sống”, “sạch”, đầy đủ, chính xác là quan trọng hàng đầu... Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước, đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Đề án động lực của chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh còn đặt ra hàng loạt mục tiêu cụ thể trong 3 trụ cột chính của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể như trong chính quyền số, tỉnh đặt mục tiêu chậm nhất hết năm 2021 sẽ có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả 3 cấp được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số; 100% cơ quan khối Đảng liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc (trừ các nội dung mật)...

Phấn đấu đến năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp từ tỉnh đến xã và liên thông với Trung ương. Và đặc biệt là hoàn thành hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh trong năm 2024...

Về phát triển kinh tế số, tỉnh quyết tâm đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh và định hướng đến 2030 sẽ là 30%. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đóng góp từ 47-50% kinh tế số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số; hình thành khu CNTT tập trung “Ha Long ICT Park”...

Hay trong phát triển xã hội số, tỉnh xác định đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% người dân, gia đình có định danh số và địa chỉ số; 100% trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%...

PV

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết 8/5/2024: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa dông

Dự báo thời tiết 8/5/2024: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa dông

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 8/5/2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn được dự báo sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Đời sống
'Vua' quạt bị xử phạt 40 triệu đồng vì kinh doanh hàng lậu

"Vua" quạt bị xử phạt 40 triệu đồng vì kinh doanh hàng lậu

(CLO) Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh vừa có quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với ông T.Đ.T, địa chỉ tại xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong. Ông T. là chủ nhân kênh tik tok "vua" quạt.

Đời sống
Thanh Hoá: Đề xuất xây tượng đài Phà Ghép 85 tỷ đồng

Thanh Hoá: Đề xuất xây tượng đài Phà Ghép 85 tỷ đồng

(CLO) Mới đây, UBND huyện Quảng Xương có đề xuất gửi Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc xin xây Tượng đài Phà Ghép chiến thắng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 85 tỷ đồng.

Đời sống
Hình ảnh phóng viên tác nghiệp dưới mưa tại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hình ảnh phóng viên tác nghiệp dưới mưa tại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Cơn mưa lớn sáng 7/5 khiến nhiều phóng viên bị ướt nhưng không vì thế mà các bức ảnh, thước phim về sự kiện lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bị gián đoạn.

Đời sống
Dự báo TP HCM có mưa lớn gây ngập cục bộ trong những ngày tới

Dự báo TP HCM có mưa lớn gây ngập cục bộ trong những ngày tới

(CLO) Dự báo từ ngày 8/5 đến 16/5, một số khu vực tại TP HCM có xác suất mưa từ 60-75%. Riêng ngày 10/5, tất cả khu vực thuộc thành phố có xác suất mưa 75%.

Đời sống