Hướng tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: 75 năm - Ngày hội của tinh thần dân chủ

Bài 1: “Đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”

Thứ năm, 08/04/2021 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình..."- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LTS: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” - đó là những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 75 năm, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã đi qua hành trình 75 năm với 14 kỳ bầu cử. Cùng Nhà báo & Công luận nhìn lại hành trình 75 năm ấy, để thấy mỗi kỳ Tổng tuyển cử đều thực sự đã là những “ngày hội non sông”, là dịp để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình và Quốc hội đã không ngừng trưởng thành, hoạt động ngày càng hiệu quả, làm tròn nhiệm vụ là những người đại biểu của nhân dân.

“Làm thế nào để quyền lực Nhà nước đích thực thuộc về nhân dân” - từ rất lâu đã là nỗi trăn trở thường trực trong tâm trí Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng bởi nỗi trăn trở ấy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách nhất, trong đó có vấn đề: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ” và được Chính phủ nhất trí tán thành. Và gần nửa năm sau, ngày 6/1/1946, mong muốn của Hồ Chủ tịch đã thành hiện thực. Lần đầu tiên, người dân Việt được hòa mình trong “Ngày hội non sông”.

Từ những chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết liệt cho Tổng Tuyển cử

Nếu chiếu lại hoàn cảnh lịch sử thời điểm nước nhà vừa giành được độc lập quả thực muôn vàn những khó khăn: thù trong, giặc ngoài, tình hình KT-XH hết sức bi đát… Nền độc lập còn hết sức non trẻ, Chính phủ cũng vừa mới ra đời… Thế nên, từ mong muốn đến hiện thực không hề là khoảng cách ngắn.

Như đã nói, ngày 3/9/1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong 6 vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Ít ngày sau, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14/SL về cuộc Tổng tuyển cử.

Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Cũng ngay trong tháng 9, ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51/SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

bai 1 dua quoc dan ta len con duong moi me hinh 1

Sắc lệnh số 14 - sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Tuy nhiên, với nhãn quan tinh tường của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấu, lường hết được những khó khăn ấy. Từ sự lường trước ấy, dù trong Sắc lệnh số 51 đã ấn định ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc, nhưng sau đó, trong phiên họp của hội đồng Chính phủ ngày 16/11/1945, Người đã đề nghị hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 với mong muốn để cho công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn.

Trong sự chuẩn bị ấy, có vô vàn những phần việc không đơn giản. Nan giải nhất là những hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và sự chống phá điên cuồng của Việt Cách (Việt Nam cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam quốc dân đảng).

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta một mặt, kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại của kẻ thù, mặt khác thực hiện sách lược nhân nhượng, hòa giải để “tỏ rõ cái tư cách xứng đáng của những người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết không chia rẽ” của toàn thể quốc dân.

Cũng từ chủ trương ấy, ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã có cuộc gặp gỡ, cùng ký vào bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, trong đó nhấn mạnh tới việc: Độc lập là trên hết, kêu gọi đoàn kết, đình chỉ đăng báo công kích lẫn nhau bằng lời nói và hành động, nhất trí mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc và Việt Cách, thừa nhận 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc, Việt Cách không thông qua bầu cử đã được các bên thông qua.

Cũng từ chủ trương ấy, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời. Để Nguyễn Hải Thần đại diện Việt Cách giữ chức Phó Chủ tịch, và Trương Đình Tri, đại diện Việt Quốc giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Chính phủ liên hiệp lâm thời cũng đã ra Tuyên bố nhấn mạnh tới việc: “làm sao cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội”.

bai 1 dua quoc dan ta len con duong moi me hinh 2

Sắc lệnh số 39-SL ngày 26-9-1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia

Không chỉ là câu chuyện “hòa hợp, hòa giải”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú trọng tới việc tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho cuộc Tổng Tuyển cử. Trước và sau Sắc lệnh số 51/SL còn là hàng loạt Sắc lệnh khác, như ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 14/SL quy định thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử và một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp gồm 7 người sẽ được thành lập; ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành các Sắc lệnh số 39/SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Sau khi Sắc lệnh số 51/SL được ban hành, để đảm bảo mọi việc được chặt chẽ hơn, Chính phủ đã ban hành thêm Sắc lệnh số 71/SL ngày 2/12/1945 và Sắc lệnh số 72/SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51/SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử…

Trong sự chuẩn bị, phần quan trọng nữa, được người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhấn mạnh, có lẽ là câu chuyện thông tin, định hướng nhận thức cho người dân về cuộc Tổng Tuyển cử.

Tiêu biểu là việc ngày 31/12/1945, khi mọi sự chuẩn bị khác về cơ bản hoàn thành, trên Báo Cứu quốc, số 130, có đăng trang trọng bài viết: “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rất rõ tới toàn dân: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái. Hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Tới “khát vọng ngày mai” tha thiết trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”

Và 2 ngày sau khi chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng Tuyển cử, nhận thấy mọi sự đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”.

Lời kêu gọi chỉ vẻn vẹn 375 từ nhưng trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 11 lần nhắc tới “ngày mai” với toàn bộ những hy vọng, tin yêu: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng Tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

bai 1 dua quoc dan ta len con duong moi me hinh 3

Sắc lệnh số 76-SL quy định thay đổi ngày bầu cử, ấn định vào ngày 6-1-1946 - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia

Phải là những người đi qua đêm trường nô lệ, đi qua những ngày tháng đất nước chìm trong u ám của nạn đói, nạn mù chữ mới thấy hết giá trị của những khát khao “Ngày mai” ấy. Với mỗi người dân, không gì hơn là từ kiếp người dân nô lệ, ngày mai, sẽ là ngày “hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”, hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Cũng trong Lời kêu gọi, Người không quên căn dặn: Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

Bài 2: Tưng bừng Ngày hội non sông đầu tiên.

Hà Anh

Tin khác

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức
Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Tin tức
Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

(CLO) Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Tin tức
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Tin tức