Điện Biên Phủ trên không: Kỳ tích thế kỷ

Bài 1: Từ dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 17/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo & Công luận có loạt bài viết cùng nhìn lại Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không- “một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX” này.

LTS: Tròn 50 năm trước, trong cuộc đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Việt Nam khiến thế giới ngỡ ngàng, thán phục và liên tưởng đến một “Điện Biên Phủ thứ hai - Điện Biên Phủ trên không” khi đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Thắng lợi giòn giã ấy buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhà báo & Công luận có loạt bài viết cùng nhìn lại “một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX” này.

Trong nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, với tư duy biện chứng duy vật, nhãn quan chính trị nhạy bén, am hiểu tường tận lịch sử, văn hóa, năng lực khái quát và tổng kết lịch sử - thực tiễn cùng kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là chủ nhân của những dự báo thiên tài. Thực tế, Người đã dự đoán chính xác nhiều sự kiện lịch sử quan trọng ở Việt Nam và thế giới. Những dự đoán của Người với trận chiến trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là một trong những minh chứng.

“Chú đã biết gì về B-52 chưa?” hay mối quan tâm đặc biệt của Bác về “siêu pháo đài bay”

Nói đến cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội 50 năm trước, không thể không nhắc đến Thượng tướng Phùng Thế Tài và câu hỏi được lãnh tụ Hồ Chí Minh dành cho ông: “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Thời kỳ đó, năm 1972, Phùng Thế Tài là Phó Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, do hãng Boeing sản xuất từ năm 1954 được Mỹ ngợi ca là “siêu pháo đài bay”. Từ nhãn quan nhạy bén của mình, từ rất sớm, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam đã quan tâm đặc biệt tới loại máy bay này. Cũng bởi mối quan tâm này mà ngay từ năm 1962, câu hỏi đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người cận vệ đầu tiên của mình ngay trước buổi đồng chí Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ mới là Tư lệnh Bộ đội Phòng không.

Buổi hôm đó, đồng chí được Bác Hồ gọi lên. Sau lời dặn dò: “Chức chú bây giờ to hơn thì chú càng phải yêu thương chiến sĩ nhiều hơn”, Bác hỏi đồng chí Phùng Thế Tài: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Bác nói thêm: “Nếu chú có biết, bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh... Là Tư lệnh Phòng không, ngay từ bây giờ, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. Ngày 13/2/1964, đúng mùng 1 Tết Giáp Thìn khi đến thăm một đơn vị phòng không bảo vệ Thủ đô, Bác đã hai lần căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm bầu trời miền Bắc nước ta”.

bai 1 tu du doan thien tai cua chu tich ho chi minh hinh 1

Bác Hồ tặng quà Tết và nói chuyện với các chiến sĩ Đoàn không quân Sao Vàng, sáng mồng Một Tết Đinh Mùi (9/2/1967). Đồng chí Phùng Thế Tài đứng bên trái Bác. Ảnh: Tư liệu

6 tháng sau đó, tháng 8/1964, sau khi trắng trợn gây ra “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ chính thức sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Do có sự chuẩn bị trước và trên thế chủ động nên quân và dân miền Bắc đã đánh trận phủ đầu giành thắng lợi. Sau chiến thắng giòn giã này, Bác rất vui, nhưng cũng lúc đó, Bác đặt câu hỏi cho các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không không quân: “Các chú đã chuẩn bị đánh B-52 như thế nào rồi?”, cho dù lúc đó, B-52 chưa xuất hiện trên chiến trường Việt Nam.

Ngày 19/7/1965, Bác đến thăm bộ đội Phòng không Hà Nội, Người một lần nữa khẳng định: “Ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua... Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”

Năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tới chúc thọ Bác. Sau khi nghe báo cáo thành tích chiến đấu, Bác rất vui nhưng vẫn căn dặn: “Các chú đã đánh được B-66 là tốt, nhưng nó là máy bay trinh sát. Còn B-52 là máy bay ném bom lợi hại, các chú phải chuẩn bị đánh B-52. Để đánh được B-52 cần phải biết tính năng kỹ chiến thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động, từ đó mới tìm ra cách đánh phù hợp”.

Trong ngày sinh nhật Bác 19/5/1967, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức đoàn cán bộ, chiến sĩ lên chúc mừng Bác. Sau khi nghe đoàn báo cáo chiến công, Bác vui vẻ nói: “Bác mừng và hoan nghênh các chú đánh giỏi. Nhưng chớ có chủ quan mà khinh địch, nó thua keo này, nó bày keo khác. Nó còn đánh và nhất thiết ta phải chuẩn bị đánh B-52”.

Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện phương án đánh B-52

Thấm nhuần lời nhắc nhớ ấy của Bác Hồ, tướng Phùng Thế Tài cũng như Quân chủng phòng không không quân Việt Nam luôn trăn trở suy nghĩ, chủ động tìm các biện pháp để có thể tiêu diệt được pháo đài bay B-52.

Tháng 10/1963, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài chỉ thị cho cơ quan tác chiến, quân báo, bằng mọi cách thu thập toàn bộ tính năng, tác dụng của loại pháo đài bay này. Thậm chí, ông còn dự trù cả đến tình huống: “Liệu B-52 vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”. Dự trù ấy là không thừa khi ngày 18/6/1965, Mỹ sử dụng B-52 ném bom Bến Cát (Tây bắc Sài Gòn), tiếp đó đánh ra đèo Mụ Giạ, đường 12 Quảng Bình, rồi thường xuyên đánh phá Vĩnh Linh cũng như chiến trường miền Nam…

Thực hiện chỉ thị và lời căn dặn của Bác, Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho một trung đoàn tên lửa vào Vĩnh Linh, nơi B52 Mỹ ngày đêm gieo tội ác để tìm ra cách đánh. Ý kiến đó được Bác hoan nghênh. Bác nói với lãnh đạo Quân chủng: “Các chú muốn bắt cọp phải vào hang”. Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, qua nhiều tháng kiên trì “tàng hình rình mồi” (ngụy trang thật kín đáo để phục kích đánh B52) giữa đất thép Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa SAM2 mang tên H38 đã bắn rơi được chiếc B52 đầu tiên ngày 17/9/1967. Tài liệu Cách đánh B52 đã được bộ đội tên lửa khảo nghiệm tìm tòi và đúc kết. Tập tài liệu chỉ có 23 trang nhưng đã trở thành “cẩm nang đỏ” cho bộ đội tên lửa học tập.

Tháng 10/1967, khi tướng Phùng Thế Tài chính thức nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ông báo cáo tình hình và nhắc lại: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…”. Cũng chính trong cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định sau trở thành dự báo chuẩn xác: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Theo sự chỉ đạo của Bác, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành ngày 27/2/1968. Từ những kinh nghiệm nóng hổi của các chiến trường, bản kế hoạch đầu tiên ấy liên tục được sửa chữa, bổ sung, để đến năm 1972, sau rất nhiều phương án, đã có được bản kế hoạch đánh B-52 hoàn chỉnh nhất.

Từ ngày 6/4/1972, Mỹ huy động không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc, cho B-52 đánh phá TP. Vinh, Hải Phòng; thả thủy lôi phong tỏa các cảng ven biển và các cửa sông miền Bắc... Trước tình hình đó, ngày 6/7/1972, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị chuyên đề đánh B-52 đã kết luận và chỉ thị: Cần phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng lực lượng và vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đánh trúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao. Quân chủng Phòng không - Không quân phải được chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí cho chiến thắng B-52...

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất ngày 17/5/2024 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.

Tin tức
Kiểm tra, làm rõ nguyên nhân 350 người ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam

Kiểm tra, làm rõ nguyên nhân 350 người ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Tin tức
TP HCM: Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao để giảm thiểu chất thải và xử lý ô nhiễm

TP HCM: Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao để giảm thiểu chất thải và xử lý ô nhiễm

(CLO) Đây là nội dung nằm trong Kế hoạch triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 trong năm 2024 vừa được UBND TP HCM ban hành.

Tin tức
Bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Cảnh giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình

Bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Cảnh giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình

(CLO) Ông Phạm Ngọc Cảnh cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình cũng chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Viện Viện Kiểm sát nhân tỉnh Ninh Bình từ ngày 16/5/2024.

Tin tức
Sự lan tỏa sâu rộng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mọi mặt của đời sống xã hội

Sự lan tỏa sâu rộng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mọi mặt của đời sống xã hội

(CLO) Ngày 15/5, Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2023 - 2024; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Tin tức