Khủng hoảng biến đổi khí hậu

Bài 2: 2022, năm hiểm họa biến đổi khí hậu trỗi dậy

Chủ nhật, 24/07/2022 09:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tây Nam Âu, một trong trong những khu vực có khí hậu mát mẻ và hiền hòa nhất trên thế giới, bỗng như nổi cơn giận dữ với những đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng khủng khiếp. Nó cho thấy biến đổi khí hậu đã gióng lên hồi chuông rất đáng báo động.

Những tổn thất khổng lồ

Biến đổi khí hậu đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên, chưa bao giờ những tác động của nó lại trở nên nặng nề và sâu rộng như trong năm 2022, với rất nhiều sự cố bất thường đã diễn ra trên khắp thế giới. Những cơn sóng nhiệt đang tấn công khắp các quốc gia và các châu lục, từ châu Á - Thái Bình Dương, Tây Nam Âu cho đến Bắc Trung Mỹ. Những điều này là minh chứng mới nhất và rõ ràng nhất cho thấy mối hiểm họa của biến đổi khí hậu đáng sợ như thế nào.

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 1

Những cơn cháy rừng và sóng nhiệt đang thiêu đốt châu Âu. Ảnh: Reuters

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 2

Một con sông cạn trơ đáy vì hạn hán ở Ý. Ảnh:AP

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 3

Sụt lở đất nghiêm trọng ở Nam Phi. Ảnh: GI

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 4

Lũ lụt cuốn trôi mọi thứ, ngay cả những chiếc thùng container cũng bị cuối phăng. Ảnh: Reuters

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 5

Những trận bão tuyết kỷ lục nhấn chìm cả miền đông nước Mỹ hồi đầu năm nay cũng là hệ quả của biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters

Trong những báo cáo gần đây, Liên Hợp Quốc luôn cảnh báo và xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, không phải đại dịch hay chiến tranh. Các tác động của nó gây hại cho sức khỏe thông qua ô nhiễm không khí, bệnh tật, các hiện tượng thời tiết cực đoan, vấn nạn di cư, mất an ninh lương thực và cả sức khỏe tinh thần. Mỗi năm, các yếu tố môi trường cướp đi sinh mạng của khoảng 13 triệu người, lớn rất nhiều so với cả đại dịch COVID-19 vốn khiến thế giới vẫn chưa hoàn hồn.

Thiệt hại từ việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với kinh tế cũng lớn không thể kể xiết. Liên Hợp Quốc cho biết, hiện có tới 90% dân số thế giới hít thở không khí không tốt cho sức khỏe. Chỉ riêng năm 2018, ô nhiễm không khí từ nhiên liệu hóa thạch đã tiêu tốn tới 2,9 nghìn tỷ USD chi phí kinh tế và sức khỏe, tương đương khoảng 8 tỷ USD mỗi ngày và bằng GDP lúc đó của cả những quốc gia giàu có bậc nhất như Anh, Pháp hoặc Đức.

Dù chưa được thống kê chính thức, nhưng 2022 có thể nói sẽ là một năm mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra nhiều thiệt hại nhất cho thế giới, khi đang tác động ở quy mô toàn cầu, với những trận lũ lụt, hạn hạn, sóng nhiệt và giông bão đều ở mức độ lịch sử.

Từ lũ lụt, bão tố, băng tan... đến mùa xuân đã mất

Ngay đầu tháng 1 năm nay, một trận lũ lụt do mưa lớn bất thường đã tấn công Malaysia khiến hơn 125.000 người đã phải sơ tán ở 7 bang của quốc gia này. Mùa gió mùa hàng năm của Malaysia thường mang lại rất nhiều mưa, nhưng lượng mưa lớn năm nay đã diễn ra một cách bất thường. Ít nhất 50 người chết trong trận lũ lụt, cũng như gây ra tổn thất hàng tỷ USD cho người dân và chính phủ.

Biến đổi khí hậu do trái đất nóng lên đã khiến cho nhiều sông băng tan chảy, thậm chí ngay cả vào mùa đông và gây ra những cơn bão tuyết khó lường. Như vào đầu tháng 2, cả vùng Đông Bắc rộng lớn của nước Mỹ đã bị chôn vùi đến cả mét trong tuyết. Gần như mọi hoạt động đều bị đình trệ và hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ. Thống đốc Texas Greg Abbott gọi cơn bão mùa đông là "một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong vài thập kỷ gần đây", khi nó gây ra sự cố mất điện trong một khu vực kéo dài đến hàng nghìn dặm.

Sự biến đổi của thời tiết luôn đem đến những hệ quả rất bất thường, khiến cho bất cứ ai cũng phải choáng váng. Như hồi tháng 3 năm nay, một cú sốc lớn đối với các nhà khoa học khi biết rằng vị trí lạnh nhất trên hành tinh này đã tăng lên tới gần 40 độ C so với mức bình thường và tình trạng này kéo dài đến 3 ngày.

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 6

Hình ảnh trận lũ lụt kinh hoảng ở New Orleans, Sydney, Úc. Ảnh: GI

Jonathan Wille, một nhà nghiên cứu nghiên cứu về khí tượng vùng cực tại Đại học Grenoble Alpes ở Pháp, nói với tờ Washington Post: “Sự kiện này hoàn toàn chưa từng có tiền lệ và đã làm đảo lộn kỳ vọng của chúng tôi về hệ thống khí hậu Nam Cực”. Cụ thể, ông chia sẻ rằng nhiệt độ trung bình ở giữa dải băng phía đông Nam Cực là khoảng -53 độ C vào khoảng thời gian đó trong năm, nhưng năm nay vào tháng 3, nhiệt độ được đo là -17,7 độ C. Băng tan mạnh ở 2 cực trái đất khiến mực nước biển dâng nhanh, tiếp tục nhấn chìm nhiều vùng đất trên thế giới.

Không phải cho đến bây giờ, mà ngay từ những tháng đầu năm 2022 khi nhiều quốc gia vẫn còn chưa hết mùa xuân, thì những cơn sóng nhiệt đã tấn công mạnh mẽ. Như tại Ấn độ, tháng 3 đã trở tháng nóng nhất được ghi nhận trong 122 năm ở nước này. Có nghĩa rằng, Ấn Độ về cơ bản đã bỏ qua mùa xuân và chuyển sang mùa hè. Một nhân viên kéo hàng có tên Richshaw Sunil Das nói khi đó rằng: "Không thể làm việc sau 10 giờ sáng", vì vậy anh phải trở về nhà và sau đó tiếp tục làm việc vào ban đêm.

Kể từ đó đến nay, Ấn Độ vẫn phải sống trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, sóng nhiệt đã gây ra những điều kiện khí hậu cực đoan khác như mưa lớn và giông bão bất thường. Điều này đã liên tục gây ra các trận lũ lụt lịch sử tại Ấn Độ trong những tháng gần đây. Theo thống kê, các trận lũ lụt từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 vừa rồi đã khiến 100 người Ấn Độ thiệt mạng. Ảnh hưởng của các trận lũ lụt này đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người, thậm chí nhiều người còn bị mắc kẹt ở các khu vực bị các cơn lũ phong tỏa.

Lốc xoáy, sụt lở kinh hoàng khắp thế giới

Biến đổi khí hậu khiến mọi hiện tượng thời tiết càng trở nên cực đoan hơn, các cơn bão và lốc xoáy diễn ra với cường độ và tần suất mạnh hơn trước nhiều lần. Cơn bão nhiệt đới Gombe từng tấn công Mozambique hồi tháng 3/2022, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và tàn phá nhiều khu vực dân cư. Trong những năm qua, một quốc gia châu Phi khác là Nam Phi cũng đã chứng kiến sự gia tăng các cơn lốc xoáy gây chết người nhiều hơn theo thời gian và các nhà khoa học tin rằng đó là kết quả của việc Ấn Độ Dương trở nên ấm hơn, điều này đã thúc đẩy sức mạnh của các các cơn lốc xoáy.

Nước Mỹ cũng từng được biết đến với những cơn lốc xoáy khổng lồ, thì giờ càng phải hứng chịu nhiều hơn hiện tượng thời tiết “kỳ quái” nhưng đang dần trở nên “bình thường” này. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ hồi tháng 4/2022 đã thông báo rằng bang Alabama đã có nhiều cơn lốc xoáy nhất hơn tất cả các bang khác trong năm nay - chính xác là 115, tính đến ngày 18/4. Đứng thứ hai là Mississippi với 110 , Texas với 104 và Arkansas với 88.

Vào hồi tháng 4, ngay cơn bão lớn đầu tiên trong năm đã tàn phá Philippines, đặc biệt là thành phố Baybay, nơi lở đất do mưa không ngớt đã chôn vùi một cộng đồng vùng cao. Bão nhiệt đới có tên Megi này đã giết chết ít nhất 123 người, những cơn mưa liên tục sau đó khiến công tác tìm kiếm người mất tích trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Đi sau các cơn giông bão bất thường là những cơn mưa lớn kỷ lục trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Tại Nam Phi hồi tháng 4/2022, một cơn mưa lớn nhất lịch sử nước này đã xảy ra, gây ra trận lũ lụt trên diện rộng, khiến ít nhất 600 người thiệt mạng, phá hủy nhiều công trình như đường sá, cầu cống và nhà cửa. Hình ảnh những con đường đứt gãy như sau động đất nhưng do cơn lũ gây ra tại Nam Phi lúc đó đã thực sự là nỗi ám ảnh lớn cho thế giới. Một nghiên cứu của World Weather Attribution cho thấy biến đổi khí hậu khiến các trận mưa ở Nam Phi có khả năng xảy ra cao gấp đôi và dữ dội hơn tới 8%.

Mới hồi đầu tháng 7 này, một trận lụt lịch sử đã diễn ra ngay ở thành phố nổi tiếng và hiện đại Sydney của Úc. Bộ trưởng Quản lý khẩn cấp Murray Watt khẳng định đây là đợt mưa lũ chưa từng có trong lịch sử, là bằng chứng nữa cho thấy tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, khi cơn mưa kéo dài chỉ trong 4 ngày nhưng đã bằng lượng mưa của cả 8 tháng!

Sau cơn mưa... trời lại sáng? Không phải, với biến đổi khí hậu sau đó thường sẽ là hiện tượng sụt lở đất. Có thể nói hình ảnh kinh hoàng về các trận sụt lở đất trong năm 2022 là không thể kể xiết, diễn ra ở rất nhiều quốc gia, như Philippines, Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt Brazil.

Sóng nhiệt, hạn hán: Cơn thịnh nộ của khí hậu toàn cầu

Cái nóng chính là hiện tượng phổ biến và dễ nhận ra nhất từ sự ấm lên của toàn cầu. Nó gần như đã và đang tác động đến tất cả mọi người trên trái đất. Nó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho sự giận dữ, sự trỗi dậy của khí hậu mà nhân loại đang tàn phá bằng việc không ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch trong suốt nhiều thập kỷ qua.

bai 2 2022 nam hiem hoa bien doi khi hau troi day hinh 7

Hạn hán ở khu vực Sừng châu Phi đang khiến 20 triệu người rơi vào cảnh đói khát. Ảnh: Getty

Như đã nói, sóng nhiệt đã bắt đầu ngay từ đầu năm nay trên nhiều khu vực trên trái đất mà tiêu biểu là Ấn Độ. Nhưng giờ nó đã hoành hành gần như ở mọi khu vực trên thế giới. Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn sóng nhiệt khủng khiếp trong những tháng qua, đẩy nhiệt độ của nhiều khu vực lên mức kỷ lục.

Vào tháng 6, lượng mưa cực lớn đã phá vỡ "kỷ lục lịch sử" ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây. Cùng lúc đó, một đợt nắng nóng bắt đầu bao trùm miền bắc Trung Quốc, đẩy nhiệt độ lên hơn 40 độ C. Đợt nắng nóng hiện đã bao phủ một nửa đất nước, ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người, tức khoảng 64% dân số.

Trong những tuần gần đây, tổng cộng 71 trạm thời tiết quốc gia trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, ba thành phố ở tỉnh Hà Bắc và một thành phố ở Vân Nam đã chứng kiến nhiệt độ lên tới 44 độ C. Chính phủ Trung Quốc đã phải thừa nhận rằng các hành vi cực đoan gây ra biến đổi khí hậu, mà theo họ sẽ ngày càng ảnh hưởng đến cả xã hội và nền kinh tế.

Trong khi đó, tại nước Mỹ, ngoài những trận bão tuyết, băng tan, lốc xoáy và giông bão kỷ lục, nước này cũng chính là một trong những tâm điểm của cơn sóng nhiệt đang hoành hành trên khắp thế giới. Trong những ngày gần đây, cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ đã đưa ra những cảnh báo nhiệt độ kỷ lục ở cả một khu vực rộng lớn phía đông và phía nam, với nhiệt độ thường xuyên trên mức 40 độ C, gồm cả Washington và New York. Đặc biệt, bang Texas đã ghi nhận mức nhiệt lên tới hơn 46 độ C vào ngày 19/7.

Tất nhiên, những gì đang diễn ra tại châu Âu mới đáng báo động hơn cả, khi mà nắng nóng khủng khiếp giờ đã trở thành điều bình thường mỗi khi mùa hè đến ở vùng đất vốn mát mẻ và hiền hòa trước đây này - nơi mà người dân gần như chưa biết đến khái niệm “bật điều hòa” là như thế nào. Cơn sóng nhiệt châu Âu chính là minh chứng rõ ràng nhất để thế giới thấy rằng biến đổi khí hậu có thể phá hủy tất cả chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Vào tháng 6, mức nhiệt độ 40-43 độ C đã được ghi nhận ở các vùng của châu Âu, với hầu hết các nhiệt độ dị thường nghiêm trọng đã diễn ra ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Anh. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, mức nhiệt độ 40 độ C được ghi nhận ở xứ sở sương mù. Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong đợt nắng nóng này là 47,0 độ C ở Pinhão, Bồ Đào Nha vào ngày 14/7; khiến nước quốc gia Tây Nam Âu này trở thành một trong những nơi nóng nhất trên thế giới!

Nắng nóng đã kéo theo những đám cháy rừng diện rộng trên khắp châu Âu, cũng như cả Trung Đông và Bắc Phi. Cho đến nay đã có hàng trăm nghìn ha rừng đã bị thiêu rụi ở Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp. Số người thiệt mạng vì các đợt nắng nóng và cháy rừng đang tiếp tục gia tăng theo từng ngày. Tây Ban Nha cho biết đã có ít nhất 500 người chết vì nắng nóng, còn nước láng giềng Bồ Đào Nha đưa ra con số lên tới 1000 người.

Ngoài nắng nóng và cháy rừng, người dân châu Âu cũng chưa bao giờ phải đối mặt với các đợt hạn hạn nghiêm trọng như trong năm 2022. Chính phủ Ý đã ban bố tình trạng hạn hạn khẩn cấp ở nhiều khu vực và sẽ được duy trì cho đến cuối năm nay. Nhiều thành phố của Ý thậm chí còn phải tiến hành cung cấp nước theo dạng phân phối. Đây là cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua ở lưu vực sông Po, vốn có ý nghĩa sống còn đối với nền nông nghiệp và chăn nuôi của Ý, cũng như rất quan trọng với châu Âu.

Bồ Đào Nha cũng đang trải qua một năm cực kỳ khô hạn. Đến cuối tháng 5, hạn hán nghiêm trọng đã diễn ra trên tới 97% lãnh thổ đất nước. Do đốt than, dầu và khí đốt, hạn hán đã trở nên thường trực ở khu vực Địa Trung Hải, thay vì chỉ thường xảy ra chỉ 10 năm một lần như trước. Một số vùng đang trải qua mùa khô tồi tệ nhất trong 1000 năm! Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, Juan Barea đến từ tổ chức Hòa bình xanh chua xót cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi đã khô hạn như Bắc Phi".

Tình hình hạn hán, khô cằn tại châu Phi cũng chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện tại. Riêng khu vực Sừng châu Phi đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Hiện có tới 20 triệu người tại đây đang đứng trước nguy cơ chết đói. Các nhà khoa học cho biết sự suy giảm trong mùa mưa xuân, cùng với vùng nước ấm hơn ở Ấn Độ Dương, khiến mưa giảm nhanh trên đại dương trước khi đổ bộ vào đất liền.

Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng biến đổi khí hậu chính là mối đe dọa lớn nhất của loài người trong thế kỳ 21. Những thảm họa đang diễn ra với mức độ chưa từng có trong chỉ hơn nửa đầu năm 2022 là sự xác nhận rất rõ ràng cho điều đó. Đặc biệt, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nếu như thế giới không ngăn lại được cơn thịnh nộ của khí hậu!

Hải Anh

Đón đọc bài 3: Chống biến đổi khí hậu, bằng cách nào?

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế