Trào lưu doanh nhân, nhà sư được tổ chức nước ngoài phong giáo sư, tiến sĩ danh dự:

Bài 2: Chiếc áo không làm nên… thầy tu!

Thứ sáu, 29/03/2024 16:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều người sau khi được phong giáo sư, tiến sĩ của các tổ chức nước ngoài, khi quay về cuộc sống đời thường vẫn "chứng nào, tật nấy”, thậm chí vướng vào lao lý, bị pháp luật trừng phạt.

Ngã ngựa sau khi được vinh danh

Ở Việt Nam, một người muốn được công nhận là giáo sư trước hết phải đảm bảo yếu tố về đạo đức, lối sống. Theo đó, người đó không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác. Chính vì yêu cầu nghiêm ngặt về đạo đức, nên vị nào được phong tặng giáo sư luôn được xã hội tôn trọng.

Với những giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư danh dự sau khi được phong đáng lẽ phải tu dưỡng thêm, để trở thành gương sáng. Tuy nhiên, bất ngờ nhiều người sau khi được vinh danh lại “ngã ngựa” một cách đầy “châm biếm” chỉ sau đó ít lâu. Người đầu tiên phải kể đến là Giáo sư danh dự Nguyễn Phương Hằng. Năm 2018, bà Nguyễn Phương Hằng và chồng là ông Huỳnh Uy Dũng đã được trường trao bằng DBA và phong học hàm Giáo sư danh dự do trường Đại học Apollos của Mỹ.

bai 2 chiec ao khong lam nen thay tu hinh 1

Chức danh Giáo sư luôn dành cho những nhà khoa học chuyên giảng dạy tại các trường đại học (ảnh minh họa- nguồn Internet).

Sau khi có được danh hiệu này, bà Nguyễn Phương Hằng đã từng xuất hiện trước công chúng với tư cách một giáo sư thỉnh giảng. Bà Hằng nói rất nhiều về các chủ đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, nghệ sĩ, từ thiện. Cũng chính vì những lần lên mạng xã hội nói về nhiều chủ đề một cách thiếu kiểm soát mà ngày 21/9/2023 bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù giam.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2021, bà Phương Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, trái quy định của pháp luật.

Một người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như nữ giáo sư danh dự Nguyễn Phương Hằng là Cử nhân thực hành Lê Thanh Thản. Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) trao bằng Cử nhân Thực hành năm 2019 sau khi bảo vệ thành công đề tài: "Nhà sáng lập và thực thi thành công mô hình chuỗi Khách sạn Mường Thanh theo nhu cầu và thực tiễn phát triển tại thị trường Việt Nam và khu vực" trước Hội đồng Viện WRU...

Năm 2023, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, bị đưa ra xét xử với cáo buộc chỉ đạo xây trái phép một tòa nhà và nhiều căn hộ rồi quảng cáo gian dối lừa hơn 500 người mua.

Theo cơ quan điều tra, khi làm việc với 488/520 khách hàng của ông Thản và xác định số tiền họ phải bỏ ra để mua nhà nhưng không được cấp sổ là hơn 534 tỉ đồng. Sau khi trừ tiền thuế, viện kiểm sát xác định ông Thản thu lời bất chính từ việc lừa dối bán nhà xây vượt quy hoạch là hơn 481 tỉ đồng.

Mập mờ... khó tin

Với những cá nhân như bà Nguyễn Phương Hằng, ông Lê Thanh Thản thì đã rõ, dư luận dường như đã có câu trả lời về giá trị thực đằng sau các chức danh giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự tầm quốc tế.

Tuy nhiên, số những giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự tầm quốc tế vẫn rất đông đảo gây khó khăn cho công chúng nhận biết được đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo, đâu là những đóng góp của họ để ghi nhận. Để giúp công chúng có cái nhìn khách quan hơn, Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã tiến hành xác minh một số thông tin liên quan đến Giáo sư danh dự Nguyễn Văn Sáu – tức Hòa thượng Thích Huệ Ðăng.

Được biết, ngày 19/1/2020, ông Nguyễn Văn Sáu – tức Hòa thượng Thích Huệ Ðăng được vinh danh trao tặng giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Hội đồng Giải thưởng chăm sóc sức khỏe ưu tú Six Sigma và bằng Giáo sư danh dự của Viện Ðại học Kỷ lục thế giới (World Records University).

Nhà sư này đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao bằng Độc quyền Sáng chế, trở thành nhà sư duy nhất ở Việt Nam có hai bằng sáng chế: Trồng lan và trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô. Trên nhiều phương tiện thông tin còn ca ngợi ông được Trung tâm Yoga Ấn Độ công nhận là "Người tìm ra phương pháp thở bằng… xương bị thất truyền từ thời Phật Thích Ca Mâu Ni".

Người tự chữa lành bệnh ung thư của mình và chữa lành ung thư gan, ung thư dạ dày cho nhiều người. Trong số người được vị này chữa lành có một doanh nhân có tên tuổi ở Việt Nam bị ung thư gan đã được Hòa thượng chữa cho bằng sâm Ngọc Linh và bằng phương pháp tu luyện Yoga. Đó là anh Tô Như Toàn, Chủ HĐQT Tập đoàn Văn Phú, và bây giờ, anh Toàn là đại đệ tử của Hòa thượng.

Để làm rõ khả năng phi thường từ vị Giáo sư danh dự do Viện Ðại học Kỷ lục thế giới (World Records University) phong tặng, phóng viên có liên hệ với ông Nguyễn Văn Sáu. Theo vị này: “Người nào nói ông có khả năng chữa lành ung thư thì đến hỏi người đó. Bởi vì, cái này là chuyện quan trọng, muốn chữa được thì người như thế nào mới chữa được. Phương pháp này không thể công bố bằng miệng vì không tin được. Tôi trả lời không được, không nói được. Vì điều này không có hình tướng, nên không trả lời bằng lời nói”.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Tô Như Toàn, Chủ HĐQT Tập đoàn Văn Phú cho rằng: “Thông tin cho rằng anh bị ung thư gan là nhầm lẫn, thực ra tôi chỉ viêm gan B. Tôi thấy họ viết nhầm nhưng đính chính thì buồn cười nên tôi kệ”.

Qua câu chuyện về giáo sư danh dự Nguyễn Văn Sáu, có thể thấy rất khó để nắm bắt được tài thực của những vị như vậy. Khác với các giáo sư, tiến sĩ thật họ có công trình khoa học rõ ràng, được người trong giới biết đến thì với những vị được cấp giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự thật khó để biết năng lực và cống hiến khoa học của họ ở lĩnh vực nào.

Cảm tính!

Việc vinh danh nhiều nhà sư, doanh nhân làm giáo sư, tiến sĩ danh dự quốc tế được nhiều đơn vị tham gia môi giới, gửi hồ sơ, thẩm định ban đầu và thu phí.... trong đó có Hội Kỷ lục gia Việt Nam. Được biết, nhiều cá nhân được phong tặng là do đơn vị Hội Kỷ lục Việt Nam đề xuất.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với ông Thăng Văn Phúc, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam liên quan đến hồ sơ của ông Nguyễn Văn Sáu (hòa thượng Thích Huệ Ðăng). Theo ông Thăng Văn Phúc: “Nhiều giáo sư còn vào chắp tay vái ông Nguyễn Văn Sáu”. Để phong ông Nguyễn Văn Sáu là giáo sư quốc tế thì phải làm theo tiêu chuẩn quốc tế. “Mình chỉ là người đề xuất, còn bên họ là người thẩm định” – ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Thăng Văn Phúc, đây là tiến sĩ, giáo sư của thế giới chứ không phải tiến sĩ, giáo sư của Việt Nam. Thế giới công nhận chứ đâu phải Việt Nam. “Nếu theo tiêu chí của Việt Nam sẽ không được. Nhưng nhiều người Việt Nam trong nước được phong giáo sư nhưng ra thế giới người ta không công nhận” – ông Phúc trình bày.

Ông Thăng Văn Phúc còn cho biết, ông Nguyễn Văn Sáu mới học hết lớp 3, nhưng tổ chức này có tiêu chí rất hay. “Lớp 3 chưa qua lớp 10 nhưng các công trình nghiên cứu khoa học thực tiễn của ông lại có giá trị. Ông có nhiều bằng sáng chế và thế giới họ lấy thực hành, thực chứng kết quả làm giá trị. Ở ta phải có bằng đại học, tiến sĩ, mới đến giáo sư. Tiêu chí của họ khác với Việt Nam, tất cả người ta đi từ thực tiễn, các kết quả được các cơ quan, xã hội công nhận. Đây là tiêu chuẩn khác hẳn với tiêu chí Việt Nam. Người ta không cần bằng cấp. Đi thi vào các cơ quan của Mỹ họ đâu cần giáo sư, tiến sĩ, người ta không coi tiêu chí đào tạo là tiêu chí bắt buộc, người ta lấy kết quả thực chứng, thực hành thực chứng kết quả để đánh giá” – ông Thăng Văn Phúc cho biết.

Như vậy qua trao đổi có thể thấy, việc phong giáo sư, tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới theo tiêu chí của họ. Không cần biết học vấn, bằng cấp, ngành nghề mà chỉ cần dựa vào đóng góp thực tiễn. Chính vì vậy mà trình độ lớp 3 chưa qua lớp 10 cũng có thể được phong giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự. Oái ăm ở chỗ, Viện Đại học Kỷ lục Thế giới không phải là một đơn vị đào tạo, cũng không phải đơn vị nghiên cứu khoa học. Trong khi danh xưng Giáo sư theo thông lệ chỉ dành cho những nhà giáo, những người giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục