Tìm “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19:

Bài 3: Sống chung với virus Corona - Cuộc chiến từ bên trong

Thứ tư, 22/04/2020 12:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Không ai biết dịch bệnh đến bao giờ sẽ chấm dứt, song có điều chắc chắn rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt thay vì hoang mang ngồi chờ dịch đi qua đã chứng tỏ "sức đề kháng" bằng nhiều giải pháp thích nghi với thị trường để sống sót, thậm chí tăng trưởng trong khủng hoảng.

Bài 1: Doanh nghiệp chờ hết dịch trong… tuyệt vọng

Bài 2: “Ngủ đông” chờ hết dịch hay tự tìm lối thoát?

Covid-19 buộc doanh nghiệp Việt tăng

Covid-19 buộc doanh nghiệp Việt tăng "sức đề kháng" để thích nghi. Ảnh minh họa.

 

Tăng "sức đề kháng" để sinh tồn

Nhiều chuyên gia cho rằng, kịch bản phục hồi kinh tế cần tính toán đến lộ trình mở cửa dần các ngành khác nhau vào thời điểm phù hợp. Mục tiêu lúc này là vừa duy trì kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Trước mắt cần tập trung tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, tài chính, môi trường kinh doanh, chính sách phát triển... để thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.

 
Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đang phát huy tác dụng tích cực,  tạo nên “điểm tựa niềm tin”, “lá chắn” vững chãi trước những đòn giáng nặng nề của dịch bệnh.

Ở góc độ từng lĩnh vực, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, việc mở cửa dần là điều nên làm dù rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị một tâm thế “kinh doanh an toàn”, sẵn sàng kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

Sự hồi phục nhanh chóng của khu vực này cũng sẽ đóng góp lớn vào sự tăng trở lại thu nhập của đại đa số người lao động của nền kinh tế. Hiện khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tạo 85% việc làm của cả nước. Do đó, sẽ gia tăng được cầu của nền kinh tế.

Cùng với đó, việc tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tuy nhiên, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, thì trong cuộc chiến này, sẽ có một bộ phận doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt. Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh.

Trên thực tế, đầu ra cho doanh nghiệp sẽ bế tắc nếu tổng cầu thị trường vẫn èo uột, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Hàng triệu lao động sẽ tiếp tục thất nghiệp nếu các dự án trọng điểm, đầu tư công vẫn chậm giải ngân vốn như Thủ tướng đã từng nghiêm khắc phê bình từ cuối năm ngoái cho đến tận các phiên họp trong những ngày gần đây. 

Theo ước tính, nếu tháo gỡ được các rào cản về quy trình, thủ tục pháp lý thì hơn 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ không chỉ là “cứu cánh” cho doanh nghiệp mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) Đỗ Minh Phú, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, cho biết, rất nhiều khó khăn, rất nhiều sóng gió trước tâm bão Covid-19, song bản thân ông và doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng Chính phủ sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Theo ông Đỗ Minh Phú, niềm tin này vô cùng quan trọng, giúp tránh tình trạng hoảng loạn, không có tình trạng đóng băng và chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này. Chính tâm thế lạc quan nhưng không chủ quan tại thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp đồng hành tạo “lá chắn” vững chãi trước những đòn giáng nặng nề của dịch bệnh. 

Để vượt qua khủng hoảng và đối phó với tác động “kép” của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế. Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực không chỉ để “tự cứu” mình bằng nhiều giải pháp như: bảo đảm an toàn cho nhân viên; bố trí cho một số nhân viên làm việc tại nhà; cắt giảm chi phí marketing; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là những thị trường mới... thì vẫn còn không ít doanh nghiệp, thay vì tự thân vượt khó, chia sẻ với cộng đồng, chung tay cùng Nhà nước ngăn chặn dịch bệnh thì kêu khổ với tâm thế “trông chờ” vào sự “giải cứu” của Nhà nước.

Trong khi Nhà nước “gồng mình” hội nhập bằng không chỉ những “khôn khéo” khi đàm phán các FTA mà cả những “chấp nhận thua thiệt trong giới hạn nào đó” để đưa nền kinh tế hội nhập với quốc tế, đưa hàng hoá Việt Nam ra thế giới, thì không ít doanh nghiệp, doanh nhân vẫn bình thản đứng ngoài cuộc với lý do gặp nhiều khó khăn, còn nhiều hạn chế về công nghệ, nhân lực, nguồn vốn.

Lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Ảnh minh họa.

Lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Ảnh minh họa.

"Sống chung với dịch" - Đường mới có dễ đi?

Cụ thể, trước dự báo nguồn nguyên liệu có thể thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 4 và tháng 5, đồng thời, tích cực tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Một số thương hiệu may mặc xuất khẩu lớn như: May 10, Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Phong Phú… cũng xoay sở tình thế để không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch bằng cách tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, mặt hàng đang có sức mua rất mạnh trong thời điểm hiện nay.

Về phía doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu, đại diện Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn đã chủ động xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ.  

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua sắm an toàn với 3 tuyến phòng dịch nghiêm ngặt, đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Đồng thời, triển khai các giải pháp bán hàng online và đặt hàng qua điện thoại, đảm bảo cung cấp hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện tới khách hàng… Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng,  với những doanh nghiệp có cách thức làm việc bài bản, chuyên nghiệp thì đây sẽ là thời điểm để tái cơ cấu các vấn đề về quản trị nội bộ, những vấn đề chiến lược, rà soát lại bạn hàng, đưa doanh nghiệp lên nền tảng công nghệ 4.0, thương mại trực tuyến… Đồng thời, tái cơ cấu bộ máy về tài chính, xem xét lại các nguồn thu, chi để có cách quản lý hiệu quả, hợp lý. 

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, dịch Covid-19 là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại năng lực phản ứng thị trường của mình cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường khi hoàn cảnh thay đổi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn liền với dịch bệnh.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ cần cụ thể, quyết liệt hơn, với những giải pháp được làm rõ hơn trên tinh thần ngành ngân hàng đồng hành DN qua việc hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để bù đắp một phần cho DN.

Các doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do, tổ chức thực hiện tốt thị trường trong nước 100 triệu dân. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai; phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước…

Đối với ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid-19 chính là cơ hội tốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Đơn cử như các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

Trước mắt, với các mặt hàng như nông, thủy sản để tháo gỡ khó khăn cần tìm cách chuyển hướng thị trường, đưa các mặt hàng đó sang tiêu thụ ở các thị trường gần trong ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar…

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sức tiêu thụ của các thị trường này không thể so với Trung Quốc nên giải pháp song song cần tiến hành là thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ nội địa.

Về dài lâu với các mặt hàng XK, Việt Nam cần phân tán sự rủi ro bằng cách tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam –Liên minh kinh tế Á-Âu…

Tất nhiên, với doanh nghiệp Việt, lựa chọn chiến lược sản xuất, kinh doanh mới, “nâng cấp” chính mình, định vị lại cấu trúc tăng trưởng để tham gia cuộc chơi mới đẳng cấp hơn, chuẩn mực cao hơn trong thời kỳ hậu Covid-19 thực sự là hành trình dài và không dễ dàng.

Minh Nhật - Ngọc Thành

Tin khác

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

PVOIL cam kết nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng trong năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, tại TP HCM, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL, mã cổ phiếu: OIL) đã tổ chức gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

IMF kêu gọi Italy, Pháp giảm chi tiêu, Đức nới lỏng hầu bao

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyên Italy và Pháp nên cắt giảm chi tiêu nhanh hơn kế hoạch hiện tại để kiểm soát nợ trong khi Đức nên nới lỏng hầu bao của mình để vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Thị trường - Doanh nghiệp
EU sắp trừng phạt LNG của Nga

EU sắp trừng phạt LNG của Nga

(CLO) Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố hôm thứ Hai (22//4), EU có kế hoạch nhắm trừng phạt vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5%

(CLO) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi thế về vốn giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn - CASA) quý 1 tiếp tục tăng lên 40,5%, vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

Thanh Hoá sắp có nhà máy sản xuất ván tre hơn 3 nghìn tỷ đồng

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Thị trường - Doanh nghiệp