(NB&CL) Trong những năm gần đây, việc triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được các cấp Hội thuộc Hội Nhà báo Hải Phòng thực hiện đồng bộ với nhiều hình thức sáng tạo thiết thực. Điều này tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi hội viên.
Trong những năm qua, Hội Nhà báo Hải Phòng đã có nhiều đổi mới với các hoạt động, mang lại hiệu quả cao. Hội đã phát huy vai trò kết nối giữa các Chi hội, Liên Chi hội, giữa các hội viên, phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan báo chí vào một tập thể thống nhất. Nhờ những hoạt động gắn kết đó mà công tác thông tin, tuyên truyền của các đơn vị báo chí đạt được hiệu quả cao, bám sát định hướng thông tin, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ nhà báo thành phố Cảng vẫn nêu cao trọng trách của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền để người dân cùng chung tay phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh và dần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện đội ngũ nhà báo thành phố có hơn 360 hội viên đang công tác tại các cơ quan báo chí và Đài PT&TH Hải Phòng. Năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, cũng như các đợt tái bùng phát trong những tháng đầu năm 2021, song đội ngũ hội viên nhà báo của thành phố đã không quản ngày đêm, bám sát thực tế để tuyên truyền đúng định hướng.
Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã tạo ra sức ép cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí và giữa báo chí với mạng xã hội, nên đã nảy sinh nhiều vấn đề. Để các hội viên nhà báo không bị động, chạy theo những thông tin không được kiểm chứng, tận dụng ưu thế “đăng nhanh”, “xóa nhanh, chia sẻ rộng” của mạng xã hội để nói xấu, kích động, đăng tải những thông tin gây chia rẽ…
Hội Nhà báo Hải Phòng đã có hướng dẫn, đôn đốc các Chi hội, Liên Chi hội thực hiện đúng các nội dung trong Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng cho biết: “Ngay từ khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội, chúng tôi đã có văn bản gửi tới các đơn vị thực hiện, đăng tất cả nội dung lên trang website của Hội. Ngoài ra, từ nhiều năm nay chúng tôi cũng đăng tải các bài viết liên quan đến đạo đức người làm báo”.
Sáng tạo trong truyền tải thông tin đến hội viên
Trong môi trường mạng xã hội phát triển, người ta dễ dàng có được những thông tin, hình ảnh từ nhiều nguồn mà không được ai kiểm chứng. Hằng ngày vẫn xuất hiện người dùng mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt và hạ nhục uy tín của nhau. Đây là những hành vi phạm pháp, có tác động tiêu cực tới nhiều người.
Thực tế cho thấy, đã có tình trạng nhà báo vì quá ham view mà đưa tin giả không kiểm chứng, dẫn dắt người đọc đến việc hiểu sai, nghĩ sai và làm sai. Nghiêm trọng hơn những thông tin do nhà báo chia sẻ khiến họ sợ hãi, mất lòng tin, gây ra những hậu quả rất xấu với xã hội.
Thấy được lợi ích và cả tác hại của việc sử dụng mạng xã hội, trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo Hải Phòng đã thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho hội viên khai thác sử dụng mạng xã hội vào hoạt động tác nghiệp sao cho hiệu quả, tránh những vi phạm không đáng có khi sử dụng.
Đặc biệt trong các hội nghị giao ban báo chí định kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố luôn có thông tin cho các hội viên về việc thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Gợi ý, lấy ví dụ những trường hợp nào là vi phạm, trường hợp nào chỉ nhắc nhở. Với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Hội sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà quét, khi có kết quả sẽ cùng phối hợp để xử lý.
Trong quá trình hoạt động của Hội, mỗi lần tổ chức kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo thành phố, Hội Nhà báo Hải Phòng lại công bố các thành viên tham gia. Sau khi kiện toàn xong, Hội sẽ thông báo cho hội viên về cơ cấu thành phần, có chức năng, nhiệm vụ ra sao để hội viên dễ dàng cập nhật.
Không chỉ ở các hội nghị, hội thảo chuyên đề, Hội Nhà báo thành phố còn thường xuyên đăng tải thông tin, các bài viết liên quan đến đạo đức nghề báo và ứng xử trên mạng xã hội trên trang website http://hoinhabaohaiphong.vn. Lần gần đây nhất khi có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Hội Nhà báo thành phố cũng đăng tải, kèm theo nhiều bài viết liên quan.
Hội Nhà báo Hải Phòng xác định, nhiệm vụ tuyên truyền đến hội viên không chỉ ngày một, ngày hai mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Nhờ đó, hội viên nhà báo của thành phố đều chấp hành tốt, nhiều năm không có hội viên nào vi phạm về đạo đức hay quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Vì được tuyên truyền liên tục, hội viên đã có trách nhiệm hơn với mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ của mình khi sử dụng mạng xã hội, tránh được tình trạng “mình thích thì mình làm” hoặc đăng tải những thông tin tiêu cực bộc phát nhất thời do thiếu kiềm chế cảm xúc.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho biết: “Tôi dùng chính mạng xã hội facebook và zalo để chia sẻ những thông tin về việc thực hiện đạo đức người làm báo cũng như văn hóa ứng xử trên mạng, đặc biệt là những văn bản chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam để hội viên biết và thực hiện.
Chúng tôi đã lập một nhóm tập hợp hội viên ở các cơ quan báo chí thường trú, Ban Chấp hành Hội cũng có một nhóm riêng. Ngoài ra, để cho Hội hoạt động có hiệu quả thông suốt trong mùa dịch, chúng tôi cũng lập nhóm của văn phòng Hội. Sau khi có thông tin gì về Hội tôi có gửi vào nhóm để mọi người cùng đọc, góp ý và thực hiện”.
Việc lập các nhóm nhỏ trên mạng xã hội của Hội Nhà báo Hải Phòng đã tận dụng ưu thế nhanh nhạy của mạng xã hội, tăng tính tương tác thường xuyên giữa Văn phòng hội, Liên Chi hội và từng hội viên. Đây được xem như một diễn đàn mở, vừa quản lý, theo dõi, vừa hỗ trợ hội viên trên địa bàn thành phố, đồng thời nhắc nhở họ tuân thủ các quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội.
“Chúng tôi coi giáo dục tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, có thể có hội viên chưa bằng lòng về sự quyết liệt này, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện đúng quy định. Không thể có chuyện lúc này anh là nhà báo anh viết như thế này, tối về nhà là công dân bình thường anh lại viết khác đi. Đã là nhà báo thì bất kỳ khi nào, ở đâu, anh cũng đều phải có trách nhiệm và thực hiện theo quy định” - nhà báo Nguyễn Anh Tú chia sẻ.
(CLO) Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) với mục tiêu tạo động lực mới, khơi dậy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo.
(CLO) Để phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, "Lá lành đùm lá rách", “Thương người như thể thương thân”, Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí ủng hộ tài chính, nhu yếu phẩm thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng.
(CLO) Giải Bóng bàn Hội Nhà báo - các CLB Hà Tĩnh lần thứ I năm 2024 diễn ra từ 21 - 22/9/2024, thu hút sự tham gia của hơn 250 vận động viên đến từ 28 câu lạc bộ (CLB).
(CLO) Hội thảo “Báo chí Cách mạng trong kỷ nguyên số: Thực tiễn và kinh nghiệm Cuba-Việt Nam” diễn ra tại La Habana trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, chuyển đổi số báo chí của hai nước.
(CLO) Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức Cuộc thi báo chí viết về lực lượng vũ trang với chủ đề “Dấu ấn Bộ đội thời bình”.