Bài cuối: Tuyển sinh đại học căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT: Đã lỗi thời, lạc hậu!

Thứ ba, 20/09/2022 18:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo chuyên gia thì việc tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ dẫn tới điểm chuẩn cao và không thực chất, mang đến hệ lụy lâu dài trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bài liên quan

Điểm chuẩn hạ sâu vì không phụ thuộc điểm thi tốt nghiệp

Năm nay, các trường áp dụng hình thức tuyển sinh với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó có những trường vừa tuyển sinh bằng kỳ thi riêng vừa lấy điểm từ kết quả thi tốt nghiệp như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, khối trường ngành Công an.

Điều dễ nhận thấy, điểm chuẩn cùng một ngành của hai phương thức này lại chênh lệch nhau kiểu “một trời một vực”. Cụ thể, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành công nghệ thông tin (Việt – Nhật) điểm chuẩn đánh giá tư duy là 18,39 điểm trong khi điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT lên đến 27,25 điểm; Ngành Kỹ thuật máy tính điểm chuẩn theo bài thi đánh giá tư duy 21,19 điểm nhưng điểm chuẩn dựa theo kỳ thi tốt nghiệp THPT là 28,29 điểm.

bai cuoi tuyen sinh dai hoc can cu diem thi tot nghiep thpt da loi thoi lac hau hinh 1

Căn cứ điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học tạo ra điểm chuẩn chót vót (ảnh Quang Hùng).

Năm nay, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có 5 chương trình tuyển sinh không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Theo PGS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là 5 chương trình có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì sẽ đẩy điểm chuẩn những chương trình này lên “kịch trần”.

Đây là những ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất. “Nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao” - ông Điền chia sẻ.

Một minh chứng cho điểm chuẩn giảm sâu phải kể đến các trường thuộc khối ngành Công an. Những năm trước, phương thức xét tuyển đại học của khối ngành Công an phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT 100%. Nhưng từ năm 2022, Bộ Công an đã tổ chức riêng bài thi năng lực để xét tuyển kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó điểm xét tuyển là tổng điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân (chiếm tỷ lệ 40%) và điểm bài thi Bộ Công an (chiếm tỷ lệ 60%) được quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 chữ số thập phân cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thưởng theo quy định của Bộ Công an. Chính vì thế mà điểm chuẩn vào Học viện An ninh Nhân dân năm nay đối với thí sinh nam dao động từ 15,10 điểm đến 22,39 điểm.

So với năm 2021, điểm chuẩn xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân đã có sự giảm nhiệt đáng kể. Năm trước, điểm chuẩn cao nhất của Học viện là 29,99 ở tổ hợp A01 đối với thí sinh nữ.

Từ bức tranh tuyển sinh năm nay nhiều chuyên gia cho rằng, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ "lạm phát" của điểm chuẩn.

Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.

Điểm ảo hệ lụy thật

Xung quanh tình trạng điểm chuẩn chênh lệch giữa lấy kết quả kỳ thi riêng với xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, GS Phạm Tất Dong (nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, hiện nay có thể nói cách thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là đang bị nhiễu loạn về chất lượng.

“Rất nhiều trường đại học lấy điểm chuẩn từ 29 điểm đến 29,98 điểm, tức còn 2% nữa đạt tuyệt đối 100%. Đây chắc chắn không phải năng lực thật của thí sinh.

Không có nước nào đi thi mà điểm thi cao như vậy. 3 môn điểm chuẩn gần như tuyệt đối là điều không thể xảy ra. Điểm chuẩn chia trung bình mỗi môn 7,5 điểm còn có thể tin, còn mỗi môn lên đến 9,9 điểm thì không thể tin được.” - GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, cách tuyển sinh như vậy chắc chắn chất lượng đầu vào sẽ kém. Vì điểm 29 và 30 không phải là năng lực thật.

Chưa kể có tình trạng gian dối, lỏng lẻo trong thi và chấm thi. “Nhìn vào điểm tưởng chất lượng cao nhưng thực tế chưa chắc, tôi không quá lạc quan về những điểm số này.” - GS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.

Vị chuyên gia này lo lắng, với cách tuyển sinh như trên dễ dẫn tới việc đào tạo nguồn lực không tốt cho đất nước. “Những học sinh giỏi có thể ngán ngẩm mà chạy ra nước ngoài học và không nhiều học sinh học xong trở về nước. Đến lúc nào đó sẽ thấy hẫng hụt vì thiếu tài năng để xây dựng đất nước. Trong trương lai nếu không chấn chỉnh có thể chúng ta thiếu hụt lao động chất lượng cao” - vị chuyên gia này cảnh báo.

Theo nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thì không nên lấy điểm thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển đại học. Không nên biến kỳ thi bình thường trở thành cuộc chạy đua ác liệt vào trường đại học.

“Đã từ lâu tôi không đồng tình với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp kết hợp lấy điểm tuyển sinh đại học.” - ông Phạm Tất Dong cho biết. Cũng liên quan đến tuyển sinh đại học, vị chuyên gia này còn cho rằng ngoài tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp thì việc căn cứ vào điểm học bạ cũng rất bất cập. Do đó, cần thiết phải chấn chỉnh công tác tuyển sinh để tránh việc người có năng lực không được học ngành học yêu thích, người chưa đủ năng lực lại ngồi nhầm chỗ.

Nhìn vào tuyển sinh đại học năm 2022 đã cho thấy việc tuyển sinh dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đã không còn phù hợp, do vậy yêu cầu đổi mới thi cử, tuyển sinh đại học là việc cần chấn chỉnh và làm ngay.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục