Đại tá Nguyễn Hồng Hải - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân:

Bản sắc văn hóa của tờ báo mới là cái làm nên giá trị khác biệt

Thứ hai, 23/01/2023 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là chia sẻ của Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân Nguyễn Hồng Hải trong cuộc trò chuyện về văn hóa báo chí.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải cho biết: Để gìn giữ vun đắp cũng như triển khai một cách hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, những nhà báo - chiến sĩ khi thức dậy luôn bắt đầu một ngày mới với câu hỏi: “Nhân dân cần gì, bạn đọc cần gì, bộ đội cần gì?” và tìm cách trả lời…

Bài liên quan

“Nhân dân cần gì, bạn đọc cần gì, bộ đội cần gì?”

+ Phong trào “Xây dựng môi trường báo chí văn hóa” là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo. Nhưng để lan tỏa phong trào, thấm nhuần tinh thần ấy cần một hành trình, một chặng đường và sự chung tay hưởng ứng. Thưa ông, với phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Báo Quân đội nhân dân đã hưởng ứng và triển khai như thế nào thời gian qua?

- Báo Quân đội nhân dân chúng tôi là một trong các cơ quan báo chí lớn đã sớm hưởng ứng và tổ chức phát động thi đua xây dựng môi trường văn hóa. Đây cũng là một nét văn hóa của Báo Quân đội nhân dân, đó là luôn gắn phong trào thi đua của Tòa soạn vào Phong trào thi đua Quyết Thắng của quân đội và phong trào thi đua của báo chí cả nước. Phong trào thi đua, trong nhận thức của chúng tôi, là những hành động đua đuổi, vượt nhau, không ngừng, không nghỉ để thiết lập những đỉnh cao mới về thực hiện tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Báo Quân đội nhân dân có niềm tự hào to lớn là tờ báo được Bác Hồ đặt tên, được Bác giao nhiệm vụ, được Bác hướng dẫn, chỉ bảo cách làm báo; cho nên trong tâm thức của các thế hệ nhà báo Báo Quân đội nhân dân luôn bị thôi thúc bởi lời dạy của Bác: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa của Báo Quân đội nhân dân hiện nay, thực chất là phong trào thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ.

Cụ thể là tất cả mọi sản phẩm báo chí phải thiết thực với bạn đọc, với nhân dân; phục tùng và phụng sự mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Mỗi nhà báo - chiến sĩ khi thức dậy, bắt đầu một ngày mới với câu hỏi: “Nhân dân cần gì, bạn đọc cần gì, bộ đội cần gì?” và tìm cách trả lời. Đó là cách chúng tôi triển khai phong trào thi đua.

ban sac van hoa cua to bao moi la cai lam nen gia tri khac biet hinh 1

+ Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Thưa ông, với chiếc kiềng ba chân: Pháp luật, Quy định đạo đức nghề nghiệp và văn hóa người làm báo dưới góc nhìn của ông cần được “kê” như thế nào trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay?

- Tôi luôn nghĩ rằng, báo chí là một bộ phận hữu cơ của văn hóa, đạo đức là cốt lõi của văn hóa và pháp luật cũng vậy. Báo chí mà xa rời, thậm chí làm trái tôn chỉ, mục đích của mình thì là báo chí thiếu đạo đức, báo chí ngoài vòng pháp luật. Như vậy thì thấy, chiếc kiềng ba chân như bạn nói, nó hội tụ vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, rất khó để tách bạch. Tuy nhiên, bằng trái tim và cái đầu của người làm báo, chúng ta cũng có thể nhìn ra những đặc trưng riêng có của mỗi “chân kiềng”.

Nhà báo hành nghề thượng tôn pháp luật đã có thể coi là nhà báo có đạo đức; nhưng có những điều pháp luật không cấm, nhưng quy định đạo đức nghề nghiệp cấm và nhà báo chấp hành, đến đây, có thể thấy văn hóa của nhà báo đã được nâng lên một tầm cao mới. Và khi gặp phải tình huống pháp luật không cấm, quy định đạo đức nghề nghiệp không cấm nhưng nhà báo vẫn không làm vì thấy lương tâm mách bảo điều đó không đúng, không tốt cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước thì văn hóa của nhà báo đã đạt đến tầm rất cao.

Ở Báo Quân đội nhân dân chúng tôi đã có rất nhiều tấm gương nhà báo đạt đến tầm văn hóa rất cao. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, có những nhà báo đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày nay vẫn vậy, có những nhà báo miệt mài xông pha nơi hải đảo, biên giới xa xôi và cả những vùng đất đang có chiến sự trên thế giới, nơi có lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hay những nhà báo ngày đêm “bút chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhiều người trong số họ, kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng đã gạt bỏ tất cả, vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nhà báo - chiến sĩ. Tôi rất khâm phục những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp như thế và thấy tự hào về họ.

Bản sắc văn hóa - những giá trị được vun đắp một cách lâu bền

+ Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Người cũng dặn rằng:“Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào?...”. Ở một khía cạnh nào đó, sự hội tụ của tài năng và văn hóa trong mỗi người làm báo cần được nhìn nhận như thế nào, thưa Phó Tổng Biên tập?

- Nhà báo tài năng hay cây bút có tài là vốn quý của mỗi cơ quan báo chí nhưng giá trị của mỗi cơ quan báo chí thường được khẳng định bằng bản sắc văn hóa của cơ quan báo chí đó, chứ không phải cá nhân nhà báo tài năng. Tôi theo dõi một số nhà báo có tài, khi họ nhảy việc từ cơ quan này qua cơ quan khác thì muốn tồn tại, họ buộc phải thay đổi để hòa nhập với văn hóa cơ quan mới. Nếu không hòa nhập được thì họ không có tác phẩm nào đáng kể. Từ đó cho thấy, bản sắc văn hóa của mỗi cơ quan báo chí là những giá trị được vun đắp một cách lâu bền và không một cá nhân nào làm được.

Những người có tài là những người sớm nhận ra giá trị văn hóa của cơ quan báo chí mình làm việc; họ tích cực và có nhiều đóng góp để làm giàu bản sắc của cơ quan mình; nhờ đó mà tài năng của họ được khẳng định. Như vậy thì thấy, bản sắc văn hóa của tờ báo mới là cái làm nên giá trị khác biệt của mỗi tờ báo. Nhà báo có tài là người biết cách vun trồng và lan tỏa những giá trị, bản sắc đó đến công chúng, bạn đọc.

ban sac van hoa cua to bao moi la cai lam nen gia tri khac biet hinh 2

+ Rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm xã hội của người làm báo cần được gắn liền với môi trường văn hóa trong mỗi cơ quan báo chí. Có như vậy mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người. Thưa ông, một hệ giá trị văn hóa cho báo chí có là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay không?

- Tôi nghĩ nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có một hệ giá trị văn hóa rất giàu có và tiên tiến. Vì vậy, việc đáng bàn là cần hệ thống lại, tạo ra nhận thức chung, thống nhất trong giới báo chí để lan tỏa đến mỗi nhà báo, mỗi hội viên đồng thời trao truyền cho các thế hệ tiếp theo. Là nhà báo, chúng ta ai mà chẳng tự hào về nhà báo Hồ Chí Minh, nhà báo Trường Chinh, nhà báo Võ Nguyên Giáp...

Hay hiện nay, chúng ta rất tự hào về nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là những tấm gương nhà báo chuyên nghiệp dành cả cuộc đời dấn thân, nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh cho “độc lập, tự do, hạnh phúc” của đất nước và nhân dân. Tôi nghĩ hệ giá trị văn hóa báo chí Việt Nam, chắc cũng xoay quanh trục giá trị này.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân tri ân các nhà báo lão thành

Đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân tri ân các nhà báo lão thành

(CLO) Ngày 16/5, đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân do Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp và thắp hương tưởng nhớ cố nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng. Đây là hoạt động tri ân các cựu chiến binh, nhà báo lão thành của Báo Quân đội nhân dân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Nhà báo Đỗ Minh Thu: Có lẽ phải hàng nghìn chữ mới nói hết được cảm xúc của tôi…

Nhà báo Đỗ Minh Thu: Có lẽ phải hàng nghìn chữ mới nói hết được cảm xúc của tôi…

(NB&CL) “Đề cương loạt bài thì đã vạch ra rõ ràng, nhưng diễn giải ngần ấy câu chuyện, thông tin thì không đơn giản, lựa chọn từng câu chữ, mào đầu như thế nào, dẫn dắt như thế nào để độc giả bắt nhịp cảm xúc với mình, để rồi hòa vào cùng câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, sống lại bầu không khí Điện Biên năm xưa. Tôi cứ trăn trở như vậy, nhiều lần viết lại xóa…”- Nhà báo Đỗ Minh Thu- Báo điện tử Vietnamplus, đã chia sẻ như vậy khi kể lại câu chuyện tác nghiệp loạt bài công phu trong sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua.

Nghề báo
Tăng cường hợp tác tuyên truyền giữa Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và tỉnh Thái Bình

Tăng cường hợp tác tuyên truyền giữa Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và tỉnh Thái Bình

(CLO) Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành mong muốn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền các chủ trương, kết quả của Thái Bình trên tất cả các lĩnh vực, qua đó lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là tuyên truyền về gương tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Nghề báo
Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tiếp Đoàn công tác Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia

Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tiếp Đoàn công tác Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia

(CLO) Chiều 15/5, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp Đoàn công tác Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia do ông Puy Kea, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia làm Trưởng đoàn, tới thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân.

Nghề báo
Giải pháp truyền thông để nâng cao nhận thức về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Giải pháp truyền thông để nâng cao nhận thức về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

(CLO) Ngày 15/5, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực IV tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ”.

Nghề báo