(NB&CL) Nhiều năm trở lại đây, báo chí đang mất dần ưu thế về câu chuyện dữ liệu, thay vào đó, các nền tảng mạng xã hội lại đang có thế mạnh lớn trong việc nắm giữ chắc chắn dữ liệu người dùng. Thực tế này khiến báo chí đứng trước nguy cơ chỉ có lượt truy cập chứ không có độc giả.
Vào thời điểm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, báo chí đã vội vàng cho hết tất cả thông tin lên internet một cách miễn phí và bây giờ theo nhận định của giới chuyên gia đó là một sai lầm khó có thể cứu vãn.
Thực tế cho thấy, khi độc giả click vào một đường link trên Google và đi mất, dẫn đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng thông tin của cả xã hội. Trước đây, độc giả yêu thích một tờ báo nào đó sẽ rất mê những bài viết trên đó, hầu như không muốn đọc những tờ báo đối thủ khác, hoặc thích một phóng viên về điều tra nào đó sẽ đón đọc và nhớ tên họ. Đến bây giờ còn ai nhớ tên một nhà báo, thậm chí nhiều độc giả đọc xong không nhớ đã đọc trên báo nào? Và những người làm báo cũng không biết độc giả của mình là ai?
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí Việt Nam đang dựa quá nhiều vào Google và Facebook, chúng ta cho hết thông tin lên mạng xã hội và kết quả là người ta nói báo chí chỉ có traffic - lượt truy cập chứ không có độc giả. Bởi vì Google mang đến 50-60% traffic cho các cơ quan báo chí và các nền tảng Social Media khác mang lại cỡ 20% - 80% đến từ Google và Social Media.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, 20% độc giả sẽ nuôi sống báo chí chứ không phải 80% còn lại - 80% đó chỉ là những flyby (tạm dịch: lướt qua), 20% này mang lại tổng traffic bằng 80% kia và có khả năng mang lại nguồn doanh thu. Cho nên, theo ông Lê Quốc Minh, rất nhiều tờ báo đưa ra những nội dung gây sốc để thu hút những flyby là con đường sai lầm, họ chạy theo 6 keyword “cướp, giết, hiếp” - “sốc, sex, sến” thì chỉ tìm được flyby mà thôi, không có người dùng trung thành. Vậy nên việc phải làm đó là tìm kiếm dữ liệu và nuôi dưỡng 20% độc giả đó.
“Khi dựa vào nhiều nền tảng, các cơ quan báo chí, truyền thông có được lượng truy cập nhưng lại không có độc giả, khán giả, bởi tờ báo không nắm được dữ liệu độc giả thì không nhắm đến đúng đối tượng, không biết được độc giả là ai, đến từ đâu. Các cơ quan báo chí hiện nay phải quay trở lại nắm được dữ liệu người dùng, đây là việc vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không nắm được dữ liệu người dùng, phụ thuộc vào các nền tảng và các phương thức khác thì cơ quan báo chí không thể cung cấp được các nội dung nhắm đúng đến các đối tượng chứ chưa nói đến chuyện cá nhân hóa nội dung”, ông Minh nói.
Cuộc chiến của báo chí thực chất là cuộc chiến thu hút độc giả
Hiện nay các cơ quan báo chí đang phải tìm biện pháp đối phó với thực trạng trên. Một số cơ quan báo chí nước ngoài đã không còn đưa nội dung lên mạng xã hội, ứng dụng đọc tin tổng hợp. Song cách thức này chỉ hiệu quả đối với những cơ quan báo chí rất mạnh, tự tạo lập được cơ sở người dùng đủ lớn, đủ trung thành để tiếp cận nội dung trực tiếp.
Một xu hướng khác trên thế giới là các cơ quan báo chí bắt tay nhau để tạo ra hệ thống nắm bắt người dùng chung. Thay vì để mất dữ liệu người dùng cho các mạng xã hội, thì giờ đây, các cơ quan báo chí hợp sức lại, đòi hỏi người dùng phải đăng nhập. Sau đó các cơ quan báo chí hợp tác với nhau sẵn sàng chia sẻ lượng dữ liệu người dùng.
Ông Lê Quốc Minh nhận định “time on site” (thời gian lưu lại trung bình người dùng trong một lần truy cập) có thể đo lường sự lưu tâm của độc giả, chất lượng của bài báo và từ đó cũng cho thấy lượng độc giả trung thành. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần khuyến khích phóng viên tập trung vào những nội dung có chiều sâu, thay vì chạy theo tin tức giật gân hay theo trend trên mạng.
Google và Facebook sử dụng thuật toán để tìm ra những từ khóa mà người đọc quan tâm, từ đó sẽ đưa những tin tức liên quan ở vị trí nổi bật, dễ tìm. Thói quen của hành vi người dùng và những thuật toán đó sẽ thay đổi liên tục. Báo chí cần phải cân nhắc cẩn thận khi sử dụng những công cụ phân tích dữ liệu này.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đưa ra quan điểm: “Dữ liệu phải được coi là oxy của doanh nghiệp, là thứ bạn không thể mua được, phải nuôi dưỡng chăm bón thường xuyên và liên tục. Độc giả cũng vậy, chúng ta cần dần dần thu thập dữ liệu và chăm sóc họ để hiểu rõ người dùng của mình và có cách thức sản xuất thông tin phù hợp”.
Dưới góc nhìn của Ths. Vũ Thế Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế báo chí đang trên đà đi xuống, điều quan trọng nhất với một cơ quan báo chí hiện nay là cần “giữ chân” được lượng độc giả trung thành, có độc giả sẽ có doanh thu.
Để có được lượng độc giả trung thành, ngoài yếu tố chất lượng nội dung, công nghệ sẽ hỗ trợ để nội dung có thể phát huy hiệu quả tốt nhất. Công nghệ sẽ là giải pháp hữu hiệu trong việc thu thập dữ liệu, nghiên cứu và phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu của độc giả, lên kế hoạch xây dựng chiến lược nội dung và phát triển sản phẩm phù hợp, từ đó phục vụ độc giả tốt hơn.
Ths. Vũ Thế Cường cho rằng báo chí đã bỏ quên nguồn dữ liệu trong một thời gian quá dài. Một trong những dữ liệu quan trọng nhất là dữ liệu khách hàng. Các cơ quan báo chí đang thiếu thông tin về user - giao diện người dùng, thiếu thông tin về trải nghiệm người dùng, không phân khúc được khách hàng do đó không tạo ra được tệp khách hàng thì không thể triển khai được chuyển đổi số.
“Dữ liệu là yếu tố quyết định cho sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số của bất kỳ cơ quan báo chí nào. Không xây dựng được cơ sở dữ liệu, không có bigdata, không có một quy trình để phân tích và xử lý dữ liệu đó chúng ta sẽ thất bại trong công cuộc chuyển đổi số đối với báo chí hiện nay”, Ths. Vũ Thế Cường nhận định.
Thực tế cho thấy, trong báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả, thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn. Và như một vị chuyên gia báo chí đã từng nói: “Cuộc chiến của báo chí hiện nay thực chất là cuộc chiến thu hút độc giả. Điều đáng sợ nhất đối với người làm báo chính là lạc hậu so với độc giả”.
(NB&CL) “Báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước” - Đó là nhấn mạnh của Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo và Công luận trước thềm Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” (diễn ra ngày 21/9 tới tại Bình Thuận).
(CLO) Chiều 17/9, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn tổ chức buổi họp kỹ thuật và bốc thăm chia bảng Giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần VI – năm 2024.
(CLO) Ngày 17/9, Báo Thanh Niên và EVNHCMC đồng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: 'Những chuyện hay tôi kể...'
(CLO) Tạp chí Tình thương & Cuộc sống (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) vừa phối hợp với Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương; Huyện ủy, UBND, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Đức tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương - Trung thu ấm tình” cho 300 em nhỏ là trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện.
(CLO) Chiều 16/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hệ thống báo Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.