Bạo lực học đường liên tiếp gia tăng: Cần những biện pháp cứng rắn hơn để trở thành liều thuốc mạnh

Thứ sáu, 20/05/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Câu chuyện bạo lực học đường một lần nữa lại xuất hiện, khiến dư luận băn khoăn. Hiện tượng này không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Các vụ việc không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà các em còn quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân. Làm sao để “ngăn sóng” bạo lực học đường, khi vấn nạn này chỉ được bàn thảo khi xảy ra vụ việc hoặc gia tăng liên tục về số lượng rồi đâu lại để nguyên đấy. Đối với vấn nạn bạo lực học đường, nếu chờ nước tới chân mới nhảy thì e rằng sức cản của nước sẽ làm các em trôi ra dòng đời, không biết sẽ đi đâu về đâu.

Tội lỗi hồn nhiên?

Số liệu mới nhất của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.

bao luc hoc duong lien tiep gia tang can nhung bien phap cung ran hon de tro thanh lieu thuoc manh hinh 1

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.

Hiện tượng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Liên tiếp những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua đã khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ bởi tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ bạo lực học đường, hành vi này ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những vụ bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng về mức độ nguy hiểm. Đáng nói, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi tấn công về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa… Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển toàn diện của học sinh sau này.

Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người

Với từ khóa “bạo lực học đường” gõ trên thanh công cụ Google, chỉ trong 0,44 giây cho ra  629.000 kết quả. Điều đó phần nào phản ánh mức độ “phổ biến” đáng báo động của hiện tượng này. Đó chỉ đơn giản là vì những cái nhìn “đểu”, lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều em học sinh nhẹ thì bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là lãnh những trận đòn tập thể thừa sống thiếu chết, thậm chí có những em phải ra đi mãi mãi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.

bao luc hoc duong lien tiep gia tang can nhung bien phap cung ran hon de tro thanh lieu thuoc manh hinh 2

Đấy chỉ là những nỗi đau về thể xác, còn những nỗi đau về tinh thần khó chữa lành, có thể đi theo các em đến hết năm tháng cuộc đời. Bởi không ít nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập… Đáng buồn hơn, những người đã gây ra bạo lực học đường lại chính là những người bạn chung ghế nhà trường cùng các em và cả những người chứng kiến bạo lực nhưng thay vì ngăn cản hành vi xấu lại thờ ơ, vô cảm, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng để câu like.

Thực tế cho thấy đây không còn là câu chuyện mới, bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên theo thời gian thì mức độ phổ biến và nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng và công khai thách thức dư luận xã hội hơn.

Nguyên nhân của tình trạng này đã được mổ xẻ, phân tích tại nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan liên quan thời gian qua, cũng như đưa ra các giải pháp đi cùng. Nhưng tại sao bạo lực học đường vẫn không được ngăn chặn mà thậm chí mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng và thực sự trở thành vấn đề nhức nhối đáng báo động?

Ở đây, không thể phủ nhận vai trò của nhà trường, thầy cô đối với học sinh trong môi trường giáo dục. Nhưng dường như việc dạy dỗ ở trường mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức trên sách vở, đôi chỗ còn chuộng thành tích mà thiếu đi sự quan tâm đến kiến thức thực tiễn, giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Trong khi đó, không ít cha mẹ vì mải mê kiếm tiền, thiếu quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu những biến đổi tâm sinh lý của con, phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường.

Bạo lực học đường giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài và trên mạng. Không khó để tìm kiếm ở đây những phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực… để rồi đưa các em lạc vào thế giới của văn hóa bạo lực với tư tưởng, lối sống lệch lạc, vô cảm, kẻ mạnh là kẻ chiến thắng bất kể đúng sai. Có thể thấy, bạo lực học đường đã trở thành hậu quả tất yếu từ sự xuống cấp về giá trị đạo đức văn hóa trong xã hội ngày càng hiện đại; sự lên ngôi của giá trị đồng tiền; sự thiếu quan tâm và liên kết của gia đình, nhà trường, xã hội và chính sự ích kỷ, quen được nuông chiều của các bạn trẻ…

bao luc hoc duong lien tiep gia tang can nhung bien phap cung ran hon de tro thanh lieu thuoc manh hinh 3

Ngành giáo dục rất cần có một cuộc cách mạng thực sự, giảm thiểu những môn học lý thuyết thiếu thực tế, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học thân thiện, trang bị cho các em ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh, mạnh dạn nói không với bạo lực học đường, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là niềm vui. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như tâm sinh lý của các em, từ đó áp dụng biện pháp phù hợp.

Lâu nay chúng ta vẫn còn tư tưởng “giơ cao, đánh khẽ”. Đã đến lúc cần những biện pháp cứng rắn hơn trở thành liều thuốc mạnh, đặc biệt đối với các trường hợp học sinh cá biệt để giúp cho các em tỉnh ngộ, nhận thức đúng đắn hơn về giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, ở tuổi dậy thì (lứa tuổi THCS, THPT), chuyện xảy ra có nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này (muốn nổi trội, muốn được người khác quan tâm, càng nhiều người biết càng thích, không cần việc đó tốt hay dở; muốn khẳng định mình...).

Đối với những học sinh vi phạm, ông Phú cho rằng, nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp. Trong điều kiện hiện nay, phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. “Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời”.

bao luc hoc duong lien tiep gia tang can nhung bien phap cung ran hon de tro thanh lieu thuoc manh hinh 4

Bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối kết hợp đồng bộ của gia đình - nhà trường - xã hội. “Nhà trường, gia đình và cả xã hội phải ra tay, lao vào ngăn chặn, thực hiện các biện pháp mạnh để điều chỉnh hành vi của lớp trẻ đi cho đúng hướng. Ta không trách trẻ, nhưng ta phải có trách nhiệm, phải quyết liệt làm trên cơ sở luật pháp đã có”, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết.

Đi cùng với đó, là sự siết chặt vấn đề an toàn không gian mạng, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trang tin, kênh sản xuất video bẩn, độc hại, ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.

Đã đến lúc cần nói không với bạo lực học đường và nâng cao những giá trị tốt đẹp trong môi trường sư phạm. Xã hội không thể đứng bên lề của bạo lực học đường, để con trẻ phải tự bơi giữa bể tư tưởng tiêu cực, văn hóa bạo lực mà cần sự chung sức, chung lòng với các hành động mạnh mẽ, quyết liệt, để bạo lực học đường không còn đất sống. Bởi bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, con em chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường nếu không được kịp thời ngăn chặn!

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục