Bảo vệ di sản không phải là khóa chặt để “hóa thạch”

Thứ bảy, 29/10/2016 20:11 PM - 0 Trả lời

Thông tin về việc Huế muốn loại Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp một đang là chủ đề được nhiều giới quan tâm. Vậy thực hư của câu chuyện này như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để làm rõ về việc này.

Sự kiện: hóa thạch

(CLO) Thông tin về việc Huế muốn loại Lục Bộ ( tên gọi tắt của khu Lục bộ đường, công sở của 6 bộ: Lại- Hộ- Lễ - Binh - Hình - Công của triều Nguyễn, nằm ở phía đông bên ngoài Hoàng thành) ra khỏi danh sách di sản cấp một đang là chủ đề được nhiều giới quan tâm. Thực hư của câu chuyện này như thế nào, phóng viên báo điện tử Congluan.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để làm rõ về việc này.

Thưa ông, vì sao lại xuất hiện thông tin loại Lục Bộ ra khỏi danh sách trình UNESCO?

Trước hết, tôi xin khẳng định rằng, thông tin như vậy là chưa đầy đủ và chính xác. Để giải thích vấn đề này, chúng ta cần hiểu một cách đầy đủ về vấn đề dân cư sống trong các khu vực di tích tại cố đô Huế, cả về quá trình hình thành, sự biến đổi theo thời gian và tình trạng hiện nay; vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đều có liên quan chặt chẽ với cuộc sống của họ. Giải quyết vấn đề này cũng là xử lý một vấn đề then chốt của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

[caption id="attachment_130475" align="aligncenter" width="800"]Khoanh vùng bảo vệ khu di tích lục bộ Khoanh vùng bảo vệ khu di tích Lục Bộ[/caption]

Năm 1991, để chuẩn bị cho việc đề cử quần thể di tích cố đô Huế vào Danh mục di sản thế giới của UNESCO, Trung tâm BTDTCĐ Huế (Trung tâm) đã phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng bộ hồ sơ khoa học và hồ sơ khoanh vùng bảo vệ cho các điểm/khu di tích. Năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế trở thành Di sản thế giới bao gồm 16 điểm/khu di tích khác nhau. Tuy nhiên, do là lần đầu tiên làm hồ sơ di sản thế giới nên chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm, vì vậy, khi khoanh vùng bảo vệ di tích, một số hồ sơ chúng ta đã khoanh vùng quá rộng, trong khi đó lại chưa khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ cho một số di tích quan trọng khác (như đàn Xã Tắc trong Kinh thành, cung An Định bên ngoài Kinh thành…), và giữa các điểm/khu di tích lại thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy giá trị hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993) đã nảy sinh những yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Theo yêu cầu của UNESCO, chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch quản lý tổng thể cho quần thể di tích cố đô Huế, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch này đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 9/6/2015) với sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và nhận được sự đánh giá rất cao của Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO. Chúng tôi cũng đang tích cực xây dựng hồ sơ để tái đề cử cho quần thể di tích cố đô Huế, dự kiến sẽ đệ trình sau năm 2018. Trong hồ sơ tái đề cử này, chúng tôi sẽ đưa bổ sung một số di tích vào hệ thống quần thể di tích cố đô, mở rộng khoanh vùng bảo vệ một số khu di tích theo hướng coi trọng cảnh quan văn hóa và các yếu tố phong thủy nguyên gốc của di sản, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm/khu di tích mà sông Hương sẽ trở thành trung tâm của trục kết nối đó.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dự kiến sẽ khoanh vùng lại một số điểm di tích theo hướng giới hạn lại để phù hợp với thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho cuộc sống người dân và cho sự phát triển nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Huế.

Vậy với khu vực Lục Bộ thì sẽ như thế nào thưa ông?

Lục Bộ là gọi tắt của khu Lục bộ đường, công sở của 6 bộ: Lại- Hộ- Lễ - Binh - Hình - Công của triều Nguyễn, nằm ở phía đông bên ngoài Hoàng thành. Đầu thế kỷ XX có thêm bộ Học, bố trí ở phía đông bộ Lễ. Khu vực này rộng hơn 5,5 ha, vốn đã bị thực dân pháp đốt cháy năm 1885 trong vụ Thất thủ kinh đô; thời Thành Thái (1889-1906) cho xây dựng lại nhưng quy mô nhỏ, kiến trúc khá đơn giản. Sau năm 1945 đến năm 1975, phần lớn khu vực này bị triệt giải hoặc bị các cơ quan công quyền và dân cư chiếm cứ, xây dựng nhà cửa. Đến tháng 10 năm 2016, tại khu vực này có 249 hộ dân, 12 cơ quan, cơ sở thuộc nhà nước quản lý. Phần lớn các hộ dân tại đây đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố và sinh sống qua vài thế hệ. Năm 1991, khi khoanh vùng bảo vệ di tích, chúng ta đã đưa toàn bộ khu vực này vào khoanh vùng bảo vệ I, Điều đó gây ra muôn vàn khó khăn cho công tác quản lý và cuộc sống của người dân trong khu vực này. Vì theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Khu vực I là vùng lõi, là khu vực bất khả xâm phạm. Đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt như Huế, mọi thủ tục xây dựng, sửa sang trong khu vực này phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho Trung tâm phối hợp với các ban ngành liên quan nghiên cứu và điều chỉnh khu vực bảo vệ các di tích trong Kinh thành, trong đó có khu Lục bộ.

[caption id="attachment_130477" align="alignnone" width="800"]Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế[/caption]

 Vậy việc điều chỉnh này có nghĩa là chúng ta sẽ không giữ khu Lục Bộ nữa?

Không phải như vậy. Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ giữ lại khu Thượng thư đường bộ Lại và bộ Công trong khu vực I (đây là 2 khu vực còn giữ được một số công trình gốc, xây dựng thời Thành Thái), toàn bộ phần còn lại sẽ chuyển thành khu vực II (vì không còn yếu tố gốc, và dân cư đã xây cất nhà cửa, sinh sống từ lâu). Cần chú ý rằng, hiện nay, toàn bộ các khu vực bên trong Kinh thành Huế đều được khoanh vùng I và II và được bảo vệ chặt chẽ bằng Luật Di sản văn hóa và các quy chế do tỉnh ban hành. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu để ban hành một bộ quy chế quản lý việc xây dựng trong Kinh thành mới phù hợp hơn. Chúng tôi đã đưa vào kế hoạch Trung hạn (2015-2020) để trùng tu một số di tích gốc tại khu vực này và dự kiến quy hoạch lại khu Lục bộ chi tiết để bảo vệ và khai thác di tích một cách hiệu quả hơn, trong đó nhấn mạnh việc tạo ra sự liên kết toàn bộ chuỗi di tích phía đông Hoàng Thành, từ Ngự Hà đến hồ Tịnh Tâm, kết nối với Lục bộ, khu Bảo tàng-Quốc Tử giám… Vì vậy, đưa phần lớn khu Lục Bộ ra khỏi khu vực I không phải là chúng ta buông lỏng việc quản lý, trái lại đây là cách giải quyết vấn đề hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn để quản lý di tích tốt hơn đồng thời tạo điều kiện cho cuộc sống người dân. Bảo vệ di sản không phải là khóa chặt để “hóa thạch” di sản mà phải phù hợp với lợi ích của cộng đồng, được cộng đồng ủng hộ, đó là quan điểm nhất quán của UNESCO.

[caption id="attachment_130478" align="alignnone" width="800"]Một số công trình nằm trong khu di tích lục bộ Một số công trình nằm trong khu di tích Lục Bộ[/caption]

Tuy nhiên, việc điều chỉnh như dự kiến không hề đơn giản. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích phải được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đồng thuận và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Sau đó, chúng ta phải bảo vệ thành công trước Ủy ban Di sản thế giới (khi Việt Nam đệ trình hồ sơ tái đề cử cho quần thể di tích cố đô Huế).

Xin cảm ơn ông!

Quang Phương (Thực hiện)

Tin khác

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

(CLO) Triển lãm nhiếp ảnh Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ được tổ chức vào ngày mai (24/4). Hiện, các công việc chuẩn bị cho Triển lãm đã cơ bản hoàn tất.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

(CLO) Ngày 23/4, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Ban Quản lý danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã tổ chức tổng duyệt chương trình khai mạc lễ hội Tràng An "Về miền di sản Tràng An 2024".

Đời sống văn hóa