Bức tranh số gần 70 triệu đô: Thẩm mỹ mới hay ảo vọng về nghệ thuật?

Thứ năm, 25/03/2021 09:52 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tự nhận “Tôi là người không biết gì về thế giới nghệ thuật truyền thống”, thế nhưng Mike Winkelmann đã đưa tên mình trở thành một trong những nghệ sĩ còn sống có tác phẩm đắt đỏ nhất thế giới.

Phá vỡ truyền thống

Gần 70 triệu đô-la là giá của tác phẩm “Everyday”, gồm 5.000 bức tranh của Beeple (nickname của Mike Winkelmann) được bán dưới dạng NFT (Non-fungible token).

Giải thích về mặt kỹ thuật tương đối phức tạp, nhưng cơ bản, có thể hiểu NFT là một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số được xác minh bằng blockchain. Nếu như một tác phẩm truyền thống được xác định bằng một chứng chỉ giấy thì tác phẩm điện tử được xác định bằng NFT. Mặc dù không tồn tại ở dạng vật lý nhưng nó vẫn có tính độc nhất, không thể bị hoán đổi hay thay thế bằng dạng kỹ thuật số tương đương.

Tác phẩm “Everydays” (Hằng ngày) trị giá gần 70 triệu đô-la.

Tác phẩm “Everydays” (Hằng ngày) trị giá gần 70 triệu đô-la.

Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm của Beeple có giá triệu đô. Mới đây, một đoạn video đồ họa của anh đã được bán với giá 6,6 triệu đô-la.

Winkelmann bắt đầu “Everydays”, liên quan đến việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mỗi ngày bắt đầu từ 1/5/2007. Nó diễn ra hằng ngày, kể cả vào ngày cưới hay ngày đứa con anh chào đời. Được truyền cảm hứng từ Tom Judd, người đã vẽ mỗi ngày trong suốt một năm, Winkelmann cho rằng đó là một cách hữu ích để rèn giũa kỹ năng vẽ của mình. Và bởi anh là kỹ sư máy tính, nên việc thực hành vẽ của anh cũng trên máy tính, sử dụng các phần mềm phổ biến về đồ họa như Adobe Illustrator hay Cinema 4D.

Giới nghệ thuật ghi nhận các tác phẩm của Mike đã từng xuất hiện ở một số sự kiện âm nhạc của Justin Bieber và được sử dụng trong bộ sưu tập thời trang mùa xuân 2019 của Luis Vuiton. Anh cũng có một lượng lớn người theo dõi với gần hai triệu người trên Instagram, và khoảng 200 người trên mạng xã hội Twitter.

Winkelmann bắt đầu bán các mã NFT trên Nifty Gateway vào tháng 10/2020. Đến tháng 12/2020, anh đã bán đấu giá nhiều phiên bản của ba tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, mỗi phiên bản khởi đầu có giá 969 đô la và 21 tác phẩm độc đáo, hầu hết được bán với giá khoảng 100 nghìn đô-la mỗi tác phẩm. Có thời điểm, chỉ trong một cuối tuần, anh đã bán được các tác phẩm với tổng trị giá 3,5 triệu đô-la.

Các nhân vật trong tranh của Winkelmann hầu hết đều là các nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, văn hóa đại chúng, ca sĩ hay diễn viên điện ảnh, thậm chí cả nhân vật hoạt hình. Các bức tranh của anh có vẻ giống với một phân cảnh trong phim khoa học viễn tưởng, mô tả một thế giới tương lai độc trị pha lẫn màu sắc kinh dị và châm biếm.

“Cảm ơn Tom đã đánh bại Coronavirus” – Tác phẩm mô tả Tom Hank chiến đấu với virus Corona. Mike Winkelmann.

“Cảm ơn Tom đã đánh bại Coronavirus” – Tác phẩm mô tả Tom Hank chiến đấu với virus Corona. Mike Winkelmann.

“Everydays” là một bức ảnh ghép từ 5.000 bức vẽ đầu tiên của Mike. Ngày 25/2/2021, nhà đấu giá Christie’s đã lần đầu tiên trong lịch sử 255 năm hoạt động của mình, đưa một tác phẩm NFT ra đấu giá. Người chiến thắng có thể thanh toán giá trị bằng Ethereum - một loại “tiền ảo”.

Thật ngạc nhiên, Noah Davis - chuyên gia nghệ thuật ở Christie’s cho biết: “Trong 10 phút đấu giá đầu tiên, chúng tôi nhận được hơn 100 hồ sơ dự thầu từ 21 nhà thầu và giá đã ở mức 1 triệu USD”. Và cuối cùng, cuộc đấu giá kết thúc vào ngày 11/3 với mức giá gần 70 triệu đô-la (chính xác là 69.346.250 đô-la).

Lằn ranh mờ

Đây thực sự là một cú sốc với những nghệ sĩ truyền thống. Tác phẩm “Everydays” nhắc nhở những nghệ sĩ đương đại về một tác phẩm gần đây, cũng kỳ quặc (theo nghĩa đối lập với cách thức truyền thống - nv) và có giá không tưởng. Đó là một quả chuối được dán băng dính lên tường của Maurizio Cattelan được bán với giá 120 nghìn đôla.

Tác phẩm quả chuối trên tường còn kỳ quặc hơn nữa, sau khi hoàn thành giao dịch, nó được trưng bày trước đông đảo mọi người trước khi bị một nghệ sĩ hài ăn mất.

Jong v2.0. Mike Winkelmann

Jong v2.0. Mike Winkelmann

Sự việc điên rồ đến mức, Ban Tổ chức và người sở hữu tác phẩm quả chuối dán băng dính không có ý định kiện nghệ sĩ hài này ra tòa. Bởi lẽ, họ nhận định rằng nghệ sĩ hài kia “không phá hủy tác phẩm. Quả chuối chỉ là một ý tưởng mà thôi”. Sự sáng tạo không nằm ở quả chuối dạng vật lý mà giá trị nằm ở ý tưởng sáng tạo.

Nhà sưu tập Rodriguez-Fraile, người đã mua video của Mike Winkelmann và bán lại với giá 6,6 triệu đô-la đã nói rằng: “Ngoài các yếu tố kỹ thuật, tác phẩm có giá trị là nhờ người đứng sau nó”.

Rõ ràng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử mà con người được chứng kiến những thay đổi về nghệ thuật và cách thế giới nhận thức về nghệ thuật.

Trong khi giới nghệ thuật nhìn nhận “Hằng ngày” như một tác phẩm nghệ thuật, thì giới đầu tư tài chính và giới công nghệ lại nhìn nhận sự kiện mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn.

Nhiều người trên thế giới đang phát cuồng vì tiền điện tử. Đương nhiên, họ cũng dùng chính tiền ấy đầu tư vào dạng tác phẩm điện tử đồng nhất về các mã kỹ thuật.  Điều kỳ lạ đối với một tác phẩm được xác định bằng NFT là nó có thể tăng giá tới cả 1.000 lần chỉ trong một thời gian ngắn.

Chính nghệ sĩ Winkelmann - người có nhiều tác phẩm NFT giá hàng chục triệu USD - cũng thừa nhận NFT có khả năng đang bị thổi phồng quá mức. “Nếu bây giờ nó chưa phải là bong bóng tài chính, thì tôi tin rằng tương lai sẽ xảy ra điều đó, vì có rất nhiều người đổ xô vào không gian này”, Winkelmann nói.

Dù thế nào, NFT cũng thực sự đang tạo ra những nét mới trong ngành kinh doanh nghệ thuật. Thời báo New Yorks nói, trong một thời gian dài, Mike từng cảm thấy bị thế giới nghệ thuật gạt bỏ. “Anh ấy rất vui mừng trước sự đảo ngược được cung cấp bởi tiền điện tử này”. Những tác phẩm này, hầu hết được ông miêu tả một cách hoa mỹ là “tào lao”, đột nhiên được xức dầu bởi một trong những nhà đấu giá được tôn kính nhất thế giới nghệ thuật. “Thế giới nghệ thuật truyền thống sẽ nói về tôi rằng “Đứa trẻ này là ai?”, nhưng tôi cũng có 1,8 triệu người theo dõi trên Instagram. Nhà đấu giá Christie đã mang đến một mức độ xác thực cho điều này”- anh nói.

Bằng giá trị của “Hằng ngày” qua nhà đấu giá Christie, có thể nói, ranh giới giữa kỹ thuật và nghệ thuật không còn rõ ràng như trước mà trở thành một lằn ranh mờ. “Đó là một lời cảnh tỉnh thực sự cho tất cả chúng ta”, Noah Davis - chuyên gia về nghệ thuật thời hậu chiến và đương đại tại Christie’s nói khi thấy những khoản tiền đáng kể như vậy được chi trả.

Tử Hưng

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa