Các bệnh viện lớn xin dừng tự chủ toàn diện: Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt

Thứ sáu, 26/08/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 của Chính phủ, mới đây BV Bạch Mai chính thức xin dừng.

Sự kiện: Bệnh viện

Hơn 200 cán bộ y tế tại đây xin nghỉ việc, trong khi đó nguồn thu giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2021 như giọt nước tràn ly khiến Bệnh viện này không còn mặn mà với tự chủ toàn diện. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/8, các đại biểu cũng đã chia sẻ về những vấn đề khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, đồng thời cho rằng, cần đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công (BV).

Nhiều bất cập

Mới đây, lãnh đạo BV Bạch Mai đã xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Ngoài khó khăn vì dịch COVID-19, PGS.TS Đào Xuân Cơ còn cho rằng giá viện phí BHYT đã lỗi thời, cách đây 4-5 năm, quy định giá quá thấp, chưa tính đúng, tính đủ khiến BV thu không đủ chi. “Để BV tự chủ trong điều kiện thu không đủ chi thì không thể được. Hậu quả không chỉ Bạch Mai mà các BV công đang tự chủ tài chính cũng không bảo đảm lấy thu bù đủ chi” - ông Cơ dẫn chứng.

cac benh vien lon xin dung tu chu toan dien dung nghi rang tu chu la khoan dut hinh 1

Từ ngày 19/5/2019, Chính phủ thống nhất phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 BV gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân nhưng triển khai không khéo sẽ trở thành áp lực với bệnh viện và cả người bệnh. Thực tế 2 trong 4 BV triển khai thí điểm tự chủ toàn diện là Bạch Mai và Bệnh viện K dù đã hết thời gian thí điểm nhưng các văn bản hướng dẫn quy định ban hành thống nhất cho các bệnh viện vẫn chưa có.

Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ về tình hình thực hiện thí điểm tự chủ ở BV Bạch Mai và Bệnh viện K cho thấy, nhiều bất cập tại các bệnh viện này. Theo đó, tại BV Bạch Mai giá dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá BHYT, chưa được tính đúng, tính đủ. Trong 7 yếu tố cấu thành, hiện mới tính 4 yếu tố gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. Còn 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, BV không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá BHYT... Kết quả là BV giảm doanh thu, nhân viên giảm thu nhập và nghỉ việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp về tự chủ bệnh viện vào tháng 4/2021 cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, cơ chế tự chủ cũng đang tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Đó là liên quan tới việc tổ chức bộ máy, biên chế, các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm. Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm còn chưa rõ ràng.

cac benh vien lon xin dung tu chu toan dien dung nghi rang tu chu la khoan dut hinh 2

Đại diện BV Chợ Rẫy cho biết, tự chủ ở bệnh viện công lập là xu thế tất yếu nhưng cần lộ trình, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến cuối. Thực tế lâu nay, BV Chợ Rẫy vẫn đang thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên về tài chính, cũng như các BV Bạch Mai, K, Việt Đức.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng đánh giá vấn đề tự chủ bệnh viện: “Hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, trong đó có tự chủ với bệnh viện công lập còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập”.

Bộ Tài chính lo ngại việc tự chủ của các bệnh viện

Trước những khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện lớn, đặc biệt là tại các bệnh viện được giao tự chủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đặt vấn đề “Liệu việc tự chủ có ảnh hưởng tới các BV hay không?”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các BV công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. “Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá…”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặt vấn đề.

Theo Nghị quyết 33, BV K và BV Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai BV này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần?

“Đây là 2 BV là xương sống của BV công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

cac benh vien lon xin dung tu chu toan dien dung nghi rang tu chu la khoan dut hinh 3

Ngoài ra, đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân.

Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

GS.TS Lê Quang Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia cho rằng vấn đề đang gây khúc mắc hiện nay nhất đó là tự chủ bệnh viện. Thời gian vừa qua, Nhà nước giao cho bệnh viện lo, tự xoay dẫn đến có sai sót. Tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định.

Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt cho anh em mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ mới được. Như vừa rồi BV Chợ Rẫy là điển hình, đã rất cố gắng nhưng làm cái gì cũng vướng. Có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho anh em”, GS.TS Lê Quang Cường nói.

Thận trọng khi triển khai tiếp

Theo Nghị quyết 33, khi tự chủ toàn diện, các BV được quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quy mô BV, được quyền lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn; các BV được trao quyền tự chủ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân, qua đó nâng cao thu nhập cho đội ngũ y - bác sĩ...

Ngoài ra, khi tự chủ, các BV sẽ thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có hội đồng quản lý gồm từ 7 - 11 người. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các BV thành viên; điều động, miễn nhiệm với Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc…, có quyền thuê Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc đều do Bộ Y tế bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng khó khăn lớn nhất mà các BV tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Với BV tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kỹ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, BV sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá.

Theo một chuyên gia y tế, về mặt lý thuyết, cơ chế tự chủ được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí thấp là nguyên nhân khó bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế. Nhiều ý kiến cho rằng không thể áp dụng mô hình tự chủ BV một cách máy móc. Ngay cả việc tự chủ một phần cũng phải xét tùy điều kiện một số BV, tự chủ có mức độ chứ không thể ép tất cả BV tự chủ.

Một số ý kiến cũng bày tỏ quan điểm việc các BV hướng đến tăng thu từ tiền túi của bệnh nhân là chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện tự chủ toàn diện, cần hoàn thiện một số quy định liên quan như ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy. Trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện, cần thận trọng khi tiếp tục triển khai.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn