Cảm nhận về những điều mới mẻ, hệ trọng và thiêng liêng

Thứ ba, 16/04/2019 14:43 PM - 0 Trả lời

Để thấy được những giá trị, ý nghĩa của Di chúc Bác Hồ, ta cần nhận ra những điều mới lạ, hệ trọng và thiêng liêng, có thể nói là huyền diệu, vi diệu ẩn hiện trong lời văn, câu từ, trong chữ và nghĩa của Người.

Ngày 15-5-1965 vào dịp 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Kể từ đó đến khi qua đời, năm nào, cứ vào dịp tháng 5, Người lại sửa Di chúc.

Lần sửa cuối cùng vào tháng 5-1969, kéo dài trong nhiều ngày. Bốn tháng sau, vào đúng ngày Quốc khánh, 2-9-1969, Người vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người Hiền. Thời gian mà Người viết và sửa Di chúc hằng năm là vào buổi sáng, thường là từ 9 đến 10 giờ.

Người cũng đi vào giờ ấy - giờ tâm linh trong cuộc sống của Người. Trong thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế, ta được biết, Người mất vào 9 giờ 47 phút sáng ngày 2-9-1969 (1) .

Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: T.L

Chỉ sau khi Người mất, trong lễ truy điệu trọng thể vĩnh biệt Người (9-9-1969), chúng ta mới được biết về Di chúc do Đảng ta thông báo. Và 20 năm sau khi Người mất, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra thông báo "Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh" (2) . Bản gốc và toàn bộ các bản viết Di chúc của Người đã được công bố. Giờ đây, mỗi chúng ta đều biết, đều đọc đầy đủ, trọn vẹn tài liệu quan trọng này, mà ngay từ lần khởi thảo đầu tiên, Người đã ghi ở trang đầu, lề trái một dòng chữ "Tuyệt đối bí mật". Phía lề phải, Người ghi "Nhân dịp mừng 75 tuổi".

Nhà văn Sơn Tùng, người đã để cả một đời viết về Bác, có nói: "Chuyện Bác Hồ, cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn". Điều chưa dễ thấu ấy cũng có ở bản Di chúc này, một hiện tượng văn hóa đặc sắc của Việt Nam mà cũng là của nhân loại trong thế kỷ XX. Trong lịch sử các vĩ nhân của thời đại chúng ta, thời đại đấu tranh cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, Di chúc Hồ Chí Minh là sự kiện "có một không hai" được biết đến.

Chế Lan Viên trong một bút ký nổi tiếng "Sen của loài người" đã viết: "Hồ Chí Minh là người có tầm mắt đại dương".

Phạm Văn Đồng khắc họa chân dung nhân cách Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ: "Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn cho ta biết thêm một chi tiết quan trọng. Trong nhiều phiên họp của Trung ương do Người chủ trì, Người đề nghị các đồng chí Trung ương thảo luận, bàn bạc thấu đáo, đi tới quyết định rồi hành động, không cần phải ra Nghị quyết. Song những phiên họp không ra Nghị quyết ấy, Người đã đặt cho một cái tên mà ý nghĩa thật sâu xa: "Đây là những phiên họp vòng quanh chân trời". Vậy là, Hồ Chí Minh trí tuệ mẫn tiệp, thông tuệ "tâm hồn lộng gió bốn phương thời đại" (Phạm Văn Đồng) đã để lại dấu ấn không thể mờ phai trong lịch sử, trong lòng dân. Dẫn ra những nhận xét trên đây để chúng ta lần giở lại từng trang trong Di chúc, cảm nhận và phát hiện những điều mới lạ đến vô cùng, có quá khứ vọng về, có hiện tại thúc giục và có cả tương lai đầy triển vọng:

- Chúng ta gọi là Di chúc trong khi với tất cả sự khiêm nhường cao quý, Người chỉ gọi là một bức thư,là mấy lời để lại cho đồng bào đồng chí để phòng khi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào trong nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột. Một bức thư và mấy lời để lại mà Người đã dồn tâm lực, trí lực của mình bốn, năm năm liền, viết và sửa, đọc lại và nghiền ngẫm, trong đó có hai năm 1966 và 1967, Người suy nghĩ rất lâu mà không sửa một chữ nào, để năm sau - 1968, Người đã chữa, đã bổ sung bao điều ấp ủ từ lâu. Cho đến lần cuối cùng, bốn tháng trước khi mất, Người đã dành liên tục mười ngày liền đọc lại, sửa lại, hoàn thành một công việc hệ trọng, tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp để thanh thản ra đi. Khiêm nhường và chu đáo đến như vậy ở người mang tầm vóc vĩ nhân và cốt cách hiền triết thì trên đời này chỉ thấy ở Hồ Chí Minh.

- Chọn thời gian và thời điểm viết "bức thư để lại" với Hồ Chí Minh là cả một sự cân nhắc, không ngẫu nhiên chút nào. Người viết vào dịp sinh nhật, vào tháng 5, lúc ở Làng Sen quê Người, hương sen đã tỏa ngát, còn ở Hà Nội, trong vườn Bác, mọi loài hoa cũng tỏa hương. Trong một khu rừng gần Hà Nội, khu rừng đã đi vào lịch sử (Đá Chông, K9), Người đã đến đây, bên cây bụt mọc để viết và chữa từng câu. Suy tư và cảm xúc của Người đã hòa vào thiên nhiên, có tĩnh lặng và sâu thẳm, có thanh cao và nồng nàn. Trong cõi nhân sinh và thế sự, tự bao đời, ai cũng biết, khi đặt bút viết Di chúc là lúc con người linh cảm về cái chết đã đến gần, cái hữu hạn một đời người đã chứng nghiệm. Chọn dịp sinh nhật để viết Di chúc, đó là lấy sự sống vượt lên cái chết, lấy niềm vui nỗi mừng để át nỗi đau, đem sự thanh thản, tự nhiên, an nhiên thay cho cảm giác sợ hãi đời thường. Không phải là ở Người không có sự tiếc nuối, nhưng Người viết trong Di chúc, "chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiềuhơn nữa..." thì thật là cao thượng. Đó là sự cao thượng của một lẽ sống hy sinhvà dâng hiến, dâng hiến đến mức thân thể, tro xương của mình cũng không nghĩ là của mình nữa, Người đã hóa thânvào nhân dân, dân tộc và nhân loại.

- Trọn một ngày đêm 24 giờ, Người chỉ có một giờ thanh thản thật hiếm hoi mà thôi. Người đã từng nói cho ta biết, đó là từ 9 đến 10 giờ sáng - giờ minh mẫn, sáng sao với những giây phút tốt lành, thăng hoa. Người chọn giờ ấy để chữa Di chúc, đọc báo tìm gương người tốt việc tốt. Mười năm cuối đời, 6.000 Huy hiệu Bác Hồ đã được gắn trên ngực áo "Người tốt việc tốt", từ cháu bé đến cụ già. Từng câu chữ của Di chúc đã sinh ra trong giờ ấy. Vậy là, giờ sáng sao, Người dành trọn vẹn cho Dân, cho Nước và Người cũng vượt lên đau đớn của bệnh tật, cố chờ Dân chờ Nước đến giờ ấy, ngày ấy để ra đi (3) .

Bao nhiêu chính khách, học giả đến Việt Nam đã từng hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Hồ Chí Minh là một con người hay là một vị thánh?". Thủ tướng mang hình ảnh và nhân cách của Người đã trả lời: Hồ Chí Minh trước hết là một con người và cuối cùng cũng vẫn là một con người. Con người ấy đã viết Di chúc mà không coi là Di chúc. Lời của Người đã là lời non nước. Chữ nghĩa của Người là sự kết tinh trí tuệ, tâm hồn dân tộc, khát vọng tự do hạnh phúc của nhân dân và nhân loại, là tinh thần của thời đại, là tầm vóc của lịch sử.

- Đọc từng trang, từng dòng Di chúc ở tất cả những bản viết và sửa của Người, ta nhận ra một trí tuệ mẫn tiệp và thông tuệ Hồ Chí Minh, ta còn nhận ra một Hồ Chí Minh đầy linh cảm về sinh mệnh đời người.

Bản đầu tiên, năm 1965, Người viết "Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa"? Đến bản sửa năm 1968, Người lại viết "Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụTổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa"?

Và lần cuối cùng, trong bản ghi ngày 10-5-1969, ta không còn thấy tháng thấy năm nữa. Người tự biết rồi sẽ ra đi. Ở thời điểm này sức khỏe của Người giảm sút rất nhanh, Người không đi về khu rừng quen thuộc được nữa, Người chữa Di chúc tại nhà sàn rồi trút hơi thở cuối cùng ở đó. Cảm giác chỉ còn ngày giờ, phút giây thôi có trong lời Người viết "Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa"? Câu hỏi dằn vặt này của Người cất lên ở đây so với những lần sửa trước vẫn chỉ gắn liền sống với phục vụ. Câu cuối cùng ở lần cuối cùng này không thấy Người nhắc tới sự sống của Người nữa, chỉ còn phục vụ mà thôi. Linh cảm về sự ra đi làm cho nỗi niềm của Người dành cho dân, nhân dân thật da diết.

- Cảm nhận về những cái mới trong bản Di chúc này, mà thời gian càng lùi xa, mỗi lần đọc lại Di chúc của Người ta càng thấy rõ hơn, nỗ lực thấu hiểu nhiều hơn và thấu cảm sâu hơn về Người; để dồn tụ trong ta mọi cung bậc cảm xúc và suy tưởng về trí tuệ và tư tưởng, đạo đức và tâm hồn, lẽ sống và nhân cách của Người.

Dành tất cả cho dân, làm tất cả vì dân nên trong đời sống hằng ngày, Người tiết kiệm đến mức khắc khổ. Người biết rõ, mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta - những người được gọi là công bộc của dân - tiêu dùng đều từ mồ hôi nước mắt của dân làm ra. Người dặn, khi Người qua đời, thi hài được đốt đi, nói chữ là hỏa táng, tro xương chôn ở một quả đồi. Người còn nói, cho hợp vệ sinh, lại không tốn đất. Người còn nói rõ hơn, không tốn đất ruộng. Vậy là, trọn một đời người, những giây phút cuối cùng vẫn chỉ đau đáu một nỗi thương dân, nhất là nông dân nghèo khổ. Chỉ một câu thôi, trong Di chúc, Người dặn lại chúng ta, "trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi".

Tình thương yêu con người là đặc trưng nổi bật của nhân cách Hồ Chí Minh. Nằm trên giường bệnh, phút lâm chung Người vẫn chỉ nghĩ tới dân, lo lắng cho cuộc sống của dân. Người hỏi chúng ta: "đê vỡ có nhiều không, có kịp sơ tán dân đi không?". Một trong những câu hỏi cuối cùng của Người là như vậy. Một nhà cách mạng kiệt xuất với tư tưởng lỗi lạc, với trí tuệ uyên bác, "ôm trùm mọi tri thức Đông Tây kim cổ" (4) , đạo đức cần kiệm liêm chính trong sáng, mẫu mực điển hình "ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm" để gắn bó máu thịt với dân, "không thể bỏ dân mà đi được"- đó là kết tinh của lòng yêu nước, thương dân và tỏa sáng ánh sáng minh triết của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh.

Đọc Di chúc của Người, những cái mới mà ta cảm nhận được làm ta đi từ ngạc nhiên đến xúc động và thương yêu, thương yêu đến trọn đời để vượt lên nỗi đau không gì bù đắp nổi khi phải vĩnh biệt Người, để cùng trọn đời làm theo Bác, xứng đáng với tình thương và niềm tin Bác để lại cho đời, Bác dành trọn cho ta.

(1) Trong Hội nghị Trung ương bất thường, chiều ngày 3-9-1969, Đảng ta quyết định tổ chức Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì ngày mất của Người trùng với ngày Quốc khánh, nên Trung ương quyết định thông báo Người mất vào ngày 3-9, nay phải nói lại cho đúng theo Thông báo của Bộ Chính trị ngày 19-8-1989.

(2) Xem: Thông báo số 151-TB/TW ngày 19-8-1989 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký.

(3) Sơn Định, "Bậc vĩ nhân thế kỷ XX", Báo Văn Nghệ, ngày 1-9-2013.

(4) Chế Lan Viên, Sen của loài người (Suy nghĩ và bình luận, Văn học, H.1970).

 GS, TS Hoàng Chí Bảo (Theo nhandan.com.vn)

Tin khác

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức
Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

(CLO) Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, viễn thông và xây dựng.

Tin tức