Cần quyết liệt kiểm tra, làm rõ việc “bảo thủ giữ giá” thịt lợn tại một số siêu thị, nhà bán lẻ

Thứ tư, 17/08/2022 10:31 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trước việc giá thịt lợn tại các chợ truyền thống giảm nhưng tại một số siêu thị, nhà bán lẻ vẫn “bảo thủ giữ giá”; theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cơ quan chức năng đặc biệt là quản lý thị trường phải vào cuộc quyết liệt, làm rõ việc giữ giá, việc ăn chiết khấu từ các đơn vị này.

Một số siêu thị, nhà bán lẻ vẫn “bảo thủ giữ giá" thịt lợn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/CĐ-TTg (ngày 31/7) về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Đặc biệt, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

can quyet liet kiem tra lam ro viec bao thu giu gia thit lon tai mot so sieu thi nha ban le hinh 1

Công điện số 679/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Đáng chú ý, đối với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Hiện nay, giá thịt lợn ở các chợ truyền thống đã có xu hướng giảm khi giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, tại một số siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn còn tình trạng “giữ giá”, hoặc giảm giá không đáng kể, điều này khiến người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá chênh lệch khá cao.

can quyet liet kiem tra lam ro viec bao thu giu gia thit lon tai mot so sieu thi nha ban le hinh 2

Giá thịt lợn ở các chợ truyền thống đã có xu hướng giảm khi giá xăng dầu giảm.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, về vấn đề liên quan đến kiểm soát, bình ổn giá thịt lợn tại Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ Công thương cũng đã nói rất rõ; giao cho Bộ Công thương phải đi kiểm tra, xem ai tăng giá vô lý, cần thiết phải kê khai giá. Nhưng cho đến nay, báo chí, dư luận cùng các chuyên gia vẫn chưa hề biết việc kiểm tra của lực lượng chức năng được tiến hành ở mức độ nào, chưa có bất kỳ một số liệu nào thể hiện việc này.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay, tại các chợ truyền thống thì giá thịt lợn đã hạ xuống tuy nhiên một số siêu thị giá vẫn “đứng im”, thậm chí là việc “bảo thủ giữ giá”. “Qua khảo sát của tôi, có siêu thị 1kg sườn non vẫn có giá từ 210.000 đồng đến 220.000 đồng, gần 200.000 đồng/1kg thịt ba chỉ; trong khi tại các chợ, chỉ còn khoảng 150.000 đồng. Đối với giá chênh đến khoảng 70.000 đồng/1kg như vậy, người tiêu dùng đã bị móc mất tiền, điều này không thể chấp nhận”, ông Phú nói.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho biết, Bộ Công thương cho rằng con lợn hiện nay qua rất nhiều khâu trung gian, mỗi trung gian ăn từ 8 đến 10%, cái này do cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương thì muốn cắt khâu trung gian thì phải tổ chức sản xuất lớn. Ông Phú cho rằng điều này rất mâu thuẫn bởi ở trên, Bộ công nhận trung gian là hợp lý – tức theo cơ chế thị trường thì ở dưới lại phủ nhận ngay điều này.

can quyet liet kiem tra lam ro viec bao thu giu gia thit lon tai mot so sieu thi nha ban le hinh 3

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh: VGP

Cần sự lên tiếng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, quan sát mấy hôm nay thì giá thịt lợn tại chợ giảm nhưng siêu thị không giảm và siêu thị lấy lý do là “nhà cung cấp chưa giảm”. Tuy nhiên theo kinh nghiệm quản lý nhiều năm, ông Phú nêu rõ: Nếu thì lấy cái giá của đợt trước – giá chót mua vào và giá đợt sau giảm đi bình quân giá rất cạnh tranh. “Ở đây, không chỉ là bảo thủ, cứ giữ khư khư giá cao mà ở việc các siêu thị không làm. Vẫn còn một số siêu thị như thế”, ông Phú nói.

Ở các siêu thị, có đến 80% là hàng ký gửi, giá bán là do người ký gửi định giá, mà siêu thị chỉ ăn chiết khấu. Do đó, nếu siêu thị mà quan tâm đến người tiêu dùng thì thứ nhất phải họp bàn lại để cùng nhau tìm giải pháp giảm giá các mặt hàng. Thứ hai, mời nhà cung cấp đến làm việc để bình quân lại hàng hóa tồn kho nếu là hàng mua; còn hàng ký gửi thì dẫn giải về việc giá xăng dầu đã giảm để giúp ổn định lại giá cả các mặt hàng.

Ông Vũ Vinh Phú cũng chỉ rõ, việc hiện nay một số siêu thị, nhà bán lẻ ăn chiết khấu cao, có nơi đến hơn 30% cần phải được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ. “Việc này quản lý thị trường đi làm rất dễ bởi các siêu thị, nhà bán lẻ có địa chỉ rõ ràng; họ có sổ sách, có hóa đơn, có niêm yết giá, có báo cáo bán hàng. Nhưng vì sao không thấy công khai số liệu kiểm tra bao giờ?”, ông Phú nêu rõ và đặt câu hỏi.

can quyet liet kiem tra lam ro viec bao thu giu gia thit lon tai mot so sieu thi nha ban le hinh 4

Tại một số siêu thị, nhà bán lẻ giá thịt lợn vẫn cao. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng người tiêu dùng đang bị "móc túi". Ảnh minh họa

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình.

“Tôi cho đó là tâm đức cao nhất của người kinh doanh và như vậy sức sống của doanh nghiệp sẽ bền lâu. Chúng ta không làm ăn chộp giật. Bàn tay hữu hình, vô hình của chúng ta phải can thiệp những lúc cần thiết. Như Malaysia, Singapore vừa rồi giá thịt gà có vấn đề thì lập tức phải có giá trần”, ông Phú nhấn mạnh.

Thời gian tới, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá, văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương về sự việc này.

Đặc biệt, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, lực lượng chức năng cần phải làm và quyết tâm làm bằng việc thường xuyên kiểm tra những địa điểm kinh doanh như các siêu thị, nhà bán lẻ; làm rõ việc tăng giá, giữ giá bất hợp lý, công khai kết quả kiểm tra trước công luận.

“Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương phải lên tiếng sớm về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Phú nêu rõ.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2026). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Vương Đình Huệ dự chỉ đạo buổi Lễ.

Tin tức
Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

Hoạt động giám sát được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, sát thực tiễn

(CLO) Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tin tức
Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

Quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất vũ khí hóa học

(CLO) Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Tin tức
Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức