Quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu:

Cần xác định đúng mục đích của bệnh viện công!

Thứ tư, 05/07/2023 09:44 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các chuyên gia cho rằng bệnh viện công phải tập trung phục vụ người bệnh có bảo hiểm y tế và người bệnh nghèo, tránh việc lạm dụng khám chữa bệnh theo yêu cầu đi ngược với mục tiêu, sứ mệnh của bệnh viện công.

Sự kiện: Bệnh viện

Chấm dứt tình trạng mỗi bệnh viện thu một giá

Vừa qua, Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 13 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp.

Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng 1 tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe, Bộ Y tế cho phép các đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

can xac dinh dung muc dich cua benh vien cong hinh 1

Việc quy định chung về giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thiết nhưng phải đáp ứng được nguyện vọng số đông của người dân. Ảnh nguồn: Bệnh viện Bạch Mai.

Đối với giường điều trị nội trú dịch vụ loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng/giường; loại 2 giường/phòng tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng tối đa 2,4 triệu đồng/giường.

Theo quy định của Bộ Y tế, các giường điều trị nội trú dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Tất cả giá dịch vụ phải niêm yết công khai để người dân lựa chọn.

Cơ sở khám chữa bệnh quyết định lựa chọn xây dựng mức giá dịch vụ khác nhau theo chuyên khoa, thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn y bác sĩ, kỹ thuật... trong phạm vi quy định. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Sau khi Thông tư này được ban hành, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận một số giám đốc bệnh viện công nhận định đây là quy định tích cực. Tránh trường hợp mỗi bệnh viện quy định một giá khám chữa bệnh như hiện nay.

“Trước đây, khi chưa có quy định này, tại các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt việc khám chữa bệnh theo yêu cầu giá do các bệnh viện tự quy định. Điều này, dẫn đến thực tế, nơi thu cao, nơi thu thấp. Dẫn đến tình trạng, mỗi nơi một giá nảy sinh nhiều bất cập, bất bình đẳng giữa các bệnh viện và không công bằng đối với người bệnh” – một Giám đốc bệnh viện công cho biết.

Cũng liên quan đến Thông tư 13 mới ban hành, Bộ Y tế cũng nêu rõ, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo khảo sát của Bộ Y tế, người khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ 5 - 10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, tuyến huyện gần như không có.

Bởi vậy, việc quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế không đăng ký khám tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bệnh viện công phải phục vụ tốt người bệnh Bảo hiểm y tế

Mặc dù, Bộ Y tế cho rằng việc quy định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không ảnh hưởng đến người bệnh bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng rất tâm tư với tình trạng giá giường bệnh có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày. Đây là mức giá “siêu sang”, khiến cho người bệnh cảm thấy lo lắng về việc các bệnh viện chú tâm phát triển dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mà quên đi sứ mệnh phục vụ người bệnh có bảo hiểm y tế.

Nhiều năm qua, tình trạng người bệnh khi đi viện phải nằm chung giường. Phòng điều trị bệnh nhân theo bảo hiểm y tế có nơi không bật điều hòa mặc dù trời mùa hè, nắng nóng và oi bức. Tình trạng đó, khiến người bệnh rất vất vả. Bình luận về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định giá chung về dịch vụ khám chữa bệnh là điều cần thiết. Tuy nhiên  bà Bùi Thị An cho rằng, bệnh viện công sinh ra là để phục vụ người có thẻ bảo hiểm y tế. Chính vì thế, khi phục vụ đối tượng này tốt thì mới mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

can xac dinh dung muc dich cua benh vien cong hinh 2
Mức chênh lệch tối thiểu, tối đa rất lớnThông tư 13  quy định có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối thiểu và tối đa. Cụ thể, phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất, trong đó, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá hơn 91 triệu đồng - hơn 134 triệu đồng (mức tối thiểu - tối đa); tương tự với phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng, 96,6 - 124 triệu đồng; Phẫu thuật bắc cầu mạch vành có giá 18,1 - 59,2 triệu đồng; phẫu thuật tạo hình eo động mạch 14,3 - 40 triệu đồng...

“Tôi băn khoăn, nếu như việc chăm sóc, khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế chưa tốt thì làm sao có thể triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo mức giá 4 triệu đồng/ giường bệnh/ngày. Đây là giá dịch vụ hạng sang. Trong khi dịch vụ y tế tối thiểu đối với người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế chưa được đáp ứng tốt” - bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế có quy định chung không để cho bệnh viện mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy thu là đúng. Không để tình trạng bệnh viện nào cũng muốn quy định cao lên để có thu nhập cho bệnh viện, cho bác sĩ... “Có một quy định chung để điều chỉnh là rất cần thiết” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, y tế công là phục vụ cho đại đa số người dân, không phải chỉ riêng cho bộ phận trung lưu, người giàu. Quy định gì thì cũng phải xuất phát từ thực tế mà không phải chỉ ngồi trong phòng lạnh rồi nghĩ ra, tự quy định.

Người làm chính sách phải thực tế đi các bệnh viện để nghiên cứu cụ thể, phải trao đổi với đối tượng hưởng thụ đó là người bệnh, trao đổi với các nhà quản lý, lãnh đạo của các bệnh viện để tìm ra giải pháp ưu việt nhất.

“Gốc phải là phục vụ nhân dân. Xã hội hóa y tế rất tốt nhưng không phải xã hội hóa là dùng nguồn lực một cách vô tội vạ mà phải đúng tôn chỉ, mục đích bệnh viện công là để phục vụ nhân dân” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy bệnh viện công cần bám sát mục tiêu phục vụ đại đa số người dân. Kể cả những người không có bảo hiểm y tế khi đi khám họ cũng được tiếp cận theo giá khám theo quy định chi trả của bảo hiểm y tế, tránh tình trạng, người bệnh có bảo hiểm y tế phải bỏ tiền túi ra để khám bệnh theo yêu cầu vì dịch vụ khám bệnh theo bảo hiểm y tế không tốt.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe