Chào 2014, đón Thái Dương đi tìm trời thơ mới!

Thứ sáu, 03/04/2015 09:54 AM - 0 Trả lời

Chào 2014, đón Thái Dương đi tìm trời thơ mới!

Sự kiện: Thái Dương

(Congluan.vn)- Thơ Việt hiện đại những năm gần đây bắt đầu cạn nguồn. Nhà thơ Nguyễn Thái Dương ra mắt thi phẩm "Hạt Bụi Thơ, Bầu Trời Thơ" đúng lúc kết thúc năm cũ, có thể xem như một tín hiệu hy vọng cho thơ năm 2014 khởi sắc?!

 
 
Báo Công luận
Chân dung nhà thơ Nguyễn Thái Dương
Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường vẽ
 
Tại sao không phải là một nhà thơ trẻ nào đó khép lại năm 2013 mà lại là anh, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, người có nhiều dấu ấn khá quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ văn học trẻ thành phố Hồ Chí Minh? Biết đâu, đây là một định mệnh cho thơ Việt 2014 sẽ có những cánh cửa và chân trời mới?
Nhắc đến bút nhóm Vòm Me Xanh khá nổi tiếng ở Sài Gòn hình thành vào những năm 1990 của tờ báo Mực Tím, tuần báo của tuổi mới lớn trực thuộc Thành đoàn thời bấy giờ, nơi bắt đầu hàng loạt các cây bút từ Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Quốc Sinh, Song Khê, Tôn Tấn Tài, Nguyễn Danh Lam, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Nam Anh - Nguyễn Thanh Đức, Thanh Chung, Song Phạm, Tiểu Nhật, Hoàng Kim Long, Nguyễn Lê My Hoàn, Trần Đình Thọ, Phan Đức Thuận, Nguyễn Phạm Đình Thảo…thì ông là chiếc đũa chỉ huy, nắm vai trò lĩnh xướng.
Đó là một thời đoạn kỳ lạ của các mầm non văn nghệ. Họ được chăm bón một cách đặc biệt. Và những tác phẩm của họ viết ra được giới trẻ học đường cả nước tôn vinh, tìm đọc say sưa. Đó là thời hoàng kim của báo in. Khi mọi lĩnh vực đều bị dò xét, bế quan tỏa cảng. Giấy in và mùi mực in có một hấp lực đặc biệt. Vòm Me Xanh nổi tiếng đến nỗi tòa soạn báo Mực Tím đã quyết định ra thêm một chuyên san lấy hẳn nhan đề là Vòm Me Xanh mỗi tháng. Và bút nhóm được đi giao lưu nhiều miền đất, gặp gỡ nhiều cây bút trong giới sinh viên học sinh trên cả nước. Thời ấy như một giấc mơ thần kỳ. Bây giờ nhiều cây bút vẫn gặp lại và tự hỏi vì sao? Cũng như vì sao sau cái thời huy hoàng đó gần hết những cây bút là niềm hy vọng một thời ấy đã đứng lại, không còn mấy ai đi tiếp được nữa? Một cây me đổ bóng già cỗi xuống thềm văn nghệ học đường khoanh vòng quá khứ! Ai sẽ là người trả lời cho câu hỏi đó?

Nhắc đến cái tên Nguyễn Thái Dương tôi thường hay liên tưởng đến cái tên Nguyễn Văn Tý. Một thi sĩ - một nhạc sĩ. Hình như ở họ là hai vế trái ngược. Một tên như chót vót đỉnh cao, một tên như tắt lặn vực sâu. Và hình như cả hai đều là tên thật, tên cúng cơm chứ không phải bút hiệu. Và nghệ thuật thật diệu kỳ! Dù anh có nép mình, li ti “bóng cá vây kiến” nhưng nếu “dư âm” một tác phẩm có giá trị thì ở đâu cũng bị nhận ra. Còn dù có tình nguyện cõng mặt trời trên lưng thì cũng sẽ nặng như quả đất trên vài chàng Atlas chênh vênh trên những nẻo vực bơ vơ chữ nghĩa…
 
Báo Công luận
Tên thi phẩm mới nhất cũng chỉ là cuộc đổi vế đối xứng nhan đề một
tập thơ lửa khát vọng xưa của thi sĩ. Cuộc truy lại điều đã mất?

Tập thơ mới nhất của thi sĩ Nguyễn Thái Dương gửi tặng tôi có nhan đề “Hạt Bụi Thơ, Bầu Trời Thơ” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Những người yêu thơ anh bất ngờ thú vị khi thấy anh đã đảo ngược vế tên tập thơ đầu tay anh xuất bản ở tuổi đôi mươi “Bầu Trời Thơ, Hạt Bụi Thơ” (Nxb Văn Nghệ, 1987).
Anh lại làm liên tưởng đến câu chuyện vui mà thâm thúy của một nhạc sĩ kiêu kỳ tuyên bố “Tôi và Mozart” thời trẻ trung, chặng mới bắt đầu làm nghệ thuật rồi “Mozart và tôi” khi ở chặng trung niên. Để cuối cùng chỉ còn Mozart (!). Nhưng có lẽ với Nguyễn Thái Dương sẽ khác! Anh vẫn sẽ mãi còn thơ, như một niềm tin “Không một ai trên đời này có thể cất kỹ điều gì, kể cả niềm im lặng. Tôi làm thơ vì cả một trời riêng tư kia giấu không được trong lòng…” (Đề từ ở gấp bìa 2).
 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong lời giới thiệu khen rằng Nguyễn Thái Dương là nhà thơ "sở trường" viết về đề tài gia đình, một mái nhà ấm áp! Tôi tự hỏi, khán giả sẽ ở đâu trong thế giới thơ anh? Hay họ đã tìm đến trước hiên nhà, nghe một mùi hoàng lan rồi bỏ về vì chẳng tìm thấy bóng dáng của mình? Bài thơ hay nhất của thi sĩ từng được truyền tụng một thời là "Cây điệp vàng trước nhà em mỗi tối / Xác hoa vàng thường rụng dưới chân tôi / Không hò hẹn mà sao tôi vẫn đợi / Đứng lơ ngơ lóng ngóng dưới hiên đời...".   
 
Nguyễn Nhật Ánh còn viết về những liên quan đặt ra từ tên tập thơ "Tôi tin Nguyễn Thái Dương luôn nghĩ về cha mình. Có lẽ chính tình cảm sâu nặng đó đã giúp anh vượt qua cái khó của đề tài để những vần thơ viết về người cha ngân lên một cách tự nhiên, nhẹ nhàng: "Con không về kịp ba mươi / Ngõ nhà thắc thỏm đứng ngồi dáng cha (Giao thừa của hai người). Vậy mà cha vẫn ung dung / Vấn điếu thuốc rê giữa đồng chiều lộng gió / Những sợi tóc gợn hình con sóng nhỏ / Sóng bạc trên đầu sóng mạ dưới chân cha (Mẹ và Cha). Anh còn dành nguyên bài thơ "Bầu trời thơ, hạt bụi thơ" để trải lòng với đấng sinh thành: "Cứ mỗi chiều nhìn mây trắng bâng khuâng / Đưa tay với chẳng cách gì với nổi / Cha là bầu trời thơ, thơ con là hạt bụi / Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời...".   
 
Đề tài thơ hóc búa liệu có phải thế mạnh của một nhà thơ? Không không phải cảm tử quân dàn hàng ngang mà tiến hay lơ mơ bắn bỏ? Cái hay của thơ thường thuộc về sự tình cờ và nổi ám ảnh. Quy luật "vẽ ma quỷ dễ vẽ người thật khó" vẫn là bất di dịch trong thế giới sáng tạo. Nhưng khởi nguồn vẫn phải thốt lên tận đáy lòng như Văn Tâm Điêu Long "Văn chương thốn thiên cổ sự" mới được Đạo! Mới được Đạo! Khổ nỗi hình như Nguyễn Nhật Ánh đã khen hay rồi thì người đọc cứ mặc nhiên theo như thế. Tình yêu cha ai cũng có! Đáng ra phải tự hỏi hay thẩm thấu từ chính lòng mình!
 
Báo Công luận
 Một bức ảnh đẹp nhất của thi sĩ, che chắn bão táp giữ lửa trong lòng tay.
Những câu thơ đôi khi cũng cần được che chắn như thế trong tọa độ lòng mình.
(Ảnh: Dũng KQĐ)
Để nhận thi phẩm này, anh gửi ở tòa soạn báo Mực Tím và tôi được loanh quanh tìm về nẻo cũ. Tuổi trẻ một thời yêu văn chương và thi ca mệt mề của chúng tôi từng ở đó. Những bài thơ đầu đời của Quốc Sinh, Nguyễn Danh Lam, Trần Đình Thọ, Nhật Lam… và của tôi. Đều có những chấm phá tung tóe, đảo phách, nghịch đảo của anh, một biên tập viên chí tình và nhẫn nại. Tôi chưa bao giờ thích thơ Nguyễn Thái Dương nhưng tôi rất quý mến anh! Cũng như anh có thể sẽ không bao giờ đọc thơ của tôi hôm nay, ngoài những bài ngày xưa. Chúng ta đã có những chân trời, những biên giới ngôn ngữ, những ước vọng thi ca để đi tới.

Ở Nguyễn Thái Dương, qua thi phẩm mới nhất, hình như những giá trị của thơ với anh, tiếp tục là sự tuyệt đối trong khi giữa hành trình vô tăm tích và mê mỏi này, với tôi chỉ là những tương đối. Trong một trả lời phóng vấn của Đài Truyền hình, tôi đã trả lời rằng “Với tôi, trong Thi ca và một số việc, đường bay của mũi tên quan trọng hơn đích đến!”. Tôi thấy Nguyễn Thái Dương đang cố chứng minh ngược lại. Trong anh chỉ là một gương mặt môn đăng hộ đối, nha phong nho giáo. Không có gì là bất khả với nghệ thuật. Thơ anh là một sự chuẩn mực, đăng đối, chỉnh chu đến gò bó, rườm rề. Như nhiều bài gợi và hay như Thạch Đề, Ky mã, Thơ gửi phía chân mây, Thưở Hà Nội ngoan nằm trên phím chữ, Ngoài khuôn thước... Và thật khó chịu khi tôi nhận ra tất cả những bài thơ anh tuyển chọn để vào phần sau cùng mang chung nhan đề "Thơ Trước 75" đều rất hay. Không lẽ có sự khác nhau ghê gớm như thế của một cây bút bạt gió chướng giữa hai thời đại? Khởi thủy ra đi để rồi khăn gói về lại nơi đã khởi đầu?
 
Những câu thơ này hay. Nhưng tác giả chăm chú vào việc môn đăng hộ đối, nên thơ cưỡng lại cái hay. Dùng đàng đi ở, vượt thoát rất khó chịu. Nhưng tôi đã nhớ và chép thẳng xuống:

“Mưa nên nhịp nắng nên vần / Theo làn hát bội bổng trầm bi ai” hay “Chuyến đò lại, chuyến tàu qua / Thoắt Bình Định bến, thoắt ga Sài Gòn” (Quê Nhà). “Bây giờ anh về đứng đây / Triều sương ướt sũng đôi tay nhiệm màu / Con trăng chìm lạnh bên cầu / Bao mùa địa ngục phai màu uyên nguyên” “Bây giờ anh về chịu tang / Nỗi đau đáu nhớ nỗi bàng hoàng nguôi / Con trăng thơ dại ngậm ngùi / Định cư chiếc bóng giữa trời lạnh căm” (Nguyệt Khúc).

Một bất ngờ không thể định trước, tôi đã bị đứt tay khi đọc tập thơ "Hạt Bụi Thơ, Bầu Trời Thơ" của Nguyễn Thái Dương khuya hôm qua. Khi đang lơ đãng theo những vần thơ “Đêm về gió rụng xe xiêu / Lòng run yên lệch buồn thiu yên ngồi / Đạp trăm bước lạ trên đồi / Thấy cô em đội – nón - cời ngày xưa”.
 
Máu đã chảy đúng chữ “nón - cời - ngày - xưa” trong bài “Trăng Sơ Ngộ” đó.
 
Nguyên nhân tập thơ được anh chọn in sang trọng bằng một thứ giấy đặc biệt và quá dày! Thứ giấy không mềm mỏng, khiêm nhường trong lòng tay mà ương bướng kênh kiệu như bản chất của nó đã được phân định từ nhà sản xuất. Ai là người trước và sau tôi bị tập thơ cắt chảy máu? Có dễ thay cái nón cời truyền thống bằng những cái mũ đủ kiểu phách quay lộn đầu Hip-hop? Đi tìm những cái mới hay tử thủ cùng cái cũ?
Năm 2014, có thể trở thành năm bản lề của thơ Việt. Phải cách tân, cho dù phải thay đổi hoàn toàn hay sấp-ngữa chính bản thân mình, cũng phải làm. Mệnh lệnh đó, phát tín hiệu từ một người không còn trẻ để chạy theo sự nhộn nhịp nhưng thừa quyết tâm.
 
Ôi, những ngày tháng huy hoàng đã quá xa xôi!...

Khước từ một tình yêu đôi khi đã làm rỉ - máu - thơ!
 
Sài Gòn, 30.12.2013
 
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH
 Xem thêm các bài viết cùng tác giả
 
 

Tin khác

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa
Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa