Châu Âu bỏ xe chạy xăng dầu vào năm 2035: Cuộc cách mạng đã sẵn sàng!

Thứ năm, 30/06/2022 20:25 PM - 0 Trả lời

(CLO) Viển cảnh về một thế giới không còn xe chạy xăng dầu đang trở thành hiện thực, khi Liên minh châu Âu đã thống nhất cấm các loại xe hơi và xe tải nhỏ phát thải kể từ năm 2035. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng, đời sống xã hội nói chung.

Những thay đổi sẽ xuất hiện

Cột mốc 2035 nghe cũng có vẻ khá xa, nhưng thực ra rất gần. Hiện đã là năm 2022, có nghĩa rằng đây đang là khoảng thời gian gần như cuối cùng để người dân châu Âu có thể mua và sử dụng trọn vẹn một chiếc xe hơi động cơ đốt trong cho đến khi thời hạn cấm ô tô phát thải có hiệu lực, bởi tuổi đời sử dụng hay thời gian khấu hao của một chiếc xe ô tô thường chỉ dao động từ 10 đến 15 năm. 

Do đó có thể tin rằng, cuộc cách mạng chuyển đổi ô tô từ động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các loại phương tiện không phát thải, thân thiện với môi trường như xe điện (EV) sẽ diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ tại lục địa già.

Việc sử dụng ô tô điện đang trở nên dễ dàng hơn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, khi cơ sở hạ tầng cho việc sạc nhiên nhiệu đang được hoàn thiện. Ảnh minh họa: Internet

Việc sử dụng ô tô điện đang trở nên dễ dàng hơn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, khi cơ sở hạ tầng cho việc sạc nhiên nhiệu đang được hoàn thiện. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ô tô điện (EV), các loại xe không phát thải còn bao gồm xe chạy bằng nhiên liệu hydro vô tận và thân thiện với môi trường. Ảnh: GI

Ngoài ô tô điện (EV), các loại xe không phát thải còn bao gồm xe chạy bằng nhiên liệu hydro vô tận và thân thiện với môi trường. Ảnh: GI

Nhiều xe đua Công thức 1 đang sử dụng e-Fuel để thay thế cho xăng dầu. Ảnh: GI

Nhiều xe đua Công thức 1 đang sử dụng e-Fuel để thay thế cho xăng dầu. Ảnh: GI

Như đã đề cập, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch cấm các loại xe có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 trong cuộc họp giữa các bộ trưởng môi trường của khối 27 thành viên vào thứ Tư (29/6) vừa rồi, chỉ chờ Nghị viện châu Âu thông qua là có hiệu lực (điều gần như chắc chắn). Đề xuất này vốn chỉ lần đầu tiên được đề xuất vào tháng 7/2021.

Kế hoạch nói trên nhằm giúp đạt được các mục tiêu khí hậu của châu Âu, đặc biệt là trung hòa carbon vào năm 2050, để giúp hạn chế sự nóng lên của toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - một giới hạn có ý nghĩa sống còn, bởi nếu không những thảm họa khủng khiếp do biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trên toàn cầu, điều mà mọi người dân trên thế giới vốn cũng đã cảm nhận được vào lúc này.

Việc chuyển đổi hoàn toàn từ động cơ chạy xăng dầu sang động cơ không phát thải là thách thức lớn ngay cả với một quốc gia tiên tiến hoặc một xã hội thân thiện với môi trường nhất. Bởi nó là một sự đảo lộn quá lớn, từ việc gây khó khăn cho các nhà sản xuất xe ô tô, cho tới thói quen của người dân và đặc biệt cơ sở hạ tầng để đáp ứng các loại xe không phát thải.

Ai cũng hiểu, một chiếc xe EV giờ không còn gặp nhiều vấn đề gì khi chạy trong một thành phố lớn trên thế giới, thậm chí ngay cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, các phương tiện này sẽ xoay sở như thế nào nếu cần phải di chuyển trên một cung đường dài đến các nơi hẻo lánh. Rõ ràng, người lái xe không thể mang cả một máy phát điện, thậm chí chạy bằng xăng dầu, theo xe của mình, thay vì chỉ cần mang theo một vài bình nhiên liệu xăng dầu như trước.

Tất nhiên, những người có trách nhiệm của Liên minh châu Âu rất hiểu những vấn đề trên và thực tế họ đã có những giải pháp để giải quyết những bất cập nảy sinh khi loại bỏ xe ô tô chạy xăng dầu ra khỏi đời sống của mình. Thực tế, EU, cũng như cả Vương quốc Anh, đã trải qua nhiều năm chuẩn bị cho công cuộc loại bỏ hoàn toàn phát thải từ các phương tiện giao thông cá nhân, mà trong đó việc cấm xe chạy bằng xăng dầu chỉ là một vấn đề.

Hiện, ngay cả các hãng xe hàng đầu trên thế giới cũng đã có những bước đi đầu tiên để sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng này, khi đang dần chuyển dịch sang lĩnh vực ô tô không phát thải hoặc ít phát thải, mà ô tô điện là phương tiện đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay (song không phải duy nhất).

Thực tế, thị phần tiêu thụ trung bình của xe cá nhân chạy pin-điện đã đạt đến 10% vào năm 2021 tại châu Âu, tăng từ 2% vào năm 2019 và 6% vào năm 2020. Đó là một sự phát triển đáng kinh ngạc và đầy hứa hẹn. Ngoài ra, xe plug-in hybrid (sử dụng cả 2 loại động cơ đốt trong và điện) chiếm 9% vào năm 2021, tăng từ chỉ 1% vào năm 2019 và 5% vào năm 2020 - một sự phát triển cũng hết sức vũ bão.

Thách thức nhỏ, cơ hội lớn

Dù bằng giải pháp nào, mục tiêu cuối cùng của việc chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe không phát thải, là để tiến tới loại bỏ 100% khí thải CO2 từ phương tiện ô tô cá nhân vào năm 2035, nhằm góp phần ngăn chặn trái đất nóng lên và các thảm họa khí hậu xuất hiện.

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng xe không phát thải. Ảnh: GI

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng xe không phát thải. Ảnh: GI

Không chỉ tại châu Âu, mà trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, xu hướng sử dụng xe EV đã phát triển rất mạnh mẽ. Bản thân các nhà sản xuất xe cũng đang đi theo hướng này. Với các thông báo loại bỏ công khai xe động cơ đốt trong, các hãng xe đã sẵn sàng nâng tỷ lệ thị phần xe hơi chạy điện hoàn toàn lên 50% ngay vào năm 2030 trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng ở châu Âu.

Bởi vậy có thể nói việc chuyển đổi sang xe ô tô không phát thải chẳng còn là vấn đề từ nhà sản xuất. Vì vậy, có thể nói từ giờ đến năm 2035 là khoảng thời gian mà các quốc gia Liên minh châu Âu sẽ đẩy mạnh giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, để việc đi lại bằng xe không phát thải nói chung, EV nói riêng, sẽ không còn gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tất nhiên, đây là thách thức lớn nhất, thậm chí khó giải quyết được trọn vẹn.

Rõ ràng, không có nguồn lực nào có thể thiết lập các trạm sạc cho xe ô tô điện ở mọi cung đường tại châu Âu. Nhưng thực tế vẫn còn có nhiều giải pháp khác để giúp EU giải quyết được vấn đề này một cách cơ bản, trước khi quy định cấm xe phát thải có hiệu lực. Thực ra, cốt lõi của một cuộc cách mạng này là bảo vệ khí hậu, chứ không phải chỉ là cuộc cách mạng ô tô điện, hay một xu thế chạy theo mốt của ngành xe ô tô.

Có nghĩa sẽ có nhiều loại phương tiện được phép sử dụng sau thời hạn năm 2035, chứ không chỉ là EV, miễn sao đó là loại xe có mức phát thải ròng bằng 0, ít nhất đạt được mục tiêu phát thải trong giới hạn và trong điều kiện nhất định. Chính xe plug-in hybrid đang được xem như một giải pháp trước mắt, tức loại xe sẽ sử dụng động cơ điện trong các khu vực có thể tiếp cận các trạm sạc, nhưng vẫn có thể sử dụng động cơ đốt trong vào những hoàn cảnh đặc biệt (như việc hết pin khi đi trong các khu vực hẻo lánh).

Ngoài ra, xe không phát thải không chỉ có xe EV, mà còn nhiều loại hình khác như xe sử dụng động cơ đốt trong, song dùng nhiên liệu không phát thải, như hydro, nhiên liệu tổng hợp, năng lượng mặt trời hoặc eFuel - những nguồn nhiên liệu xanh hoặc trung hòa CO2. Ví như, thế giới đang phát triển một loại eFuel khi chạy vẫn phát ra khí thải CO2, nhưng nhiên liệu này đã hấp thu được một lượng khí CO2 tương tự từ không khí trong quá trình sản xuất, do vậy vẫn đạt lượng phát thải ròng bằng 0.

Bởi vậy, có thể tin rằng thế giới, trước mắt là Liên minh châu Âu, dù vẫn sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc loại bỏ xe động cơ đốt trong chạy nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới, song đã sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng này. Đây là thách thức lớn, song cũng là cơ hội tuyệt vời cho tất cả.

Việc loại bỏ xe động cơ đốt trong sẽ giúp bảo vệ môi trường cho chính chúng ta, cũng như các thế hệ tương lai. Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng sẽ được hưởng lợi, khi việc phát triển EV và các loại xe không phát thải khác sẽ mang lại cho họ những cơ hội phát triển mới và rộng lớn hơn. Còn người tiêu dùng sẽ đến lúc không còn phải lo xem giá xăng dầu ngày mai có tăng hay giảm không...!

Hoàng Hải

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế