Chỉ 7 quốc gia đạt chuẩn không khí sạch và lời cảnh báo cho toàn cầu!

Thứ tư, 20/03/2024 20:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Một báo cáo mới công bố cho thấy chỉ có 7 quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khi tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

"Báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm

Theo báo cáo của IQAir, một tổ chức đo lường chất lượng không khí uy tín của Thụy Sĩ, trong số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ có 7 nước đáp ứng giới hạn hướng dẫn của WHO đối với  bụi mịn PM2.5 trong không khí. Đó là Úc, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, Mauritius và New Zealand.

chi 7 quoc gia dat chuan khong khi sach va loi canh bao cho toan cau hinh 1

Các nữ sinh phải lấy khăn tay che mũi khi đi học qua những con phố đầy bụi bặm của New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ khác không đáp ứng được tiêu chuẩn của WHO đối với PM2.5, một loại bụi mịn có chiều rộng nhỏ hơn một sợi tóc người mà khi hít phải có thể gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho con người.

“Khoa học đã chứng minh khá rõ ràng về tác động của ô nhiễm không khí nhưng chúng ta đã quá quen với mức độ ô nhiễm nền quá cao để có thể khỏe mạnh”, bà Glory Dolphin Hammes, giám đốc điều hành IQAir khu vực Bắc Mỹ cho biết.

Báo cáo của IQAir cho thấy quốc gia ô nhiễm nhất là Pakistan, với nồng độ PM2.5 cao hơn 14 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Đất nước Nam Á này cùng với láng giềng Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso là các quốc gia ô nhiễm nhất trong bảng xếp hạng của IQAir.

Nhưng ngay cả ở các nước giàu có và phát triển, những tiến bộ trong việc cắt giảm ô nhiễm không khí vẫn đang bị đe dọa. Chẳng hạn như Canada, quốc gia từ lâu được coi là có không khí trong lành nhất thế giới phương Tây, đã trở thành nơi có PM2.5 tồi tệ nhất vào năm ngoái do các vụ cháy rừng kỷ lục tàn phá đất nước, khiến chất độc lan tràn khắp Canada và lan sang cả Mỹ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc cải thiện chất lượng không khí đã trở nên phức tạp và khó khăn hơn vào năm ngoái do hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, với báo cáo của IQAir cho thấy mức PM2.5 ở đại lục đã tăng 6,5%.

chi 7 quoc gia dat chuan khong khi sach va loi canh bao cho toan cau hinh 2

Ngay cả những đô thị châu Âu hiện đại như Milan cũng bị IQAir xếp hạng chất lượng không khí tồi tệ - Ảnh: Euronews

Báo cáo thường niên lần thứ sáu của IQAir cho thấy khu vực đô thị ô nhiễm nhất thế giới năm ngoái là Begusarai ở Ấn Độ, và quốc gia Nam Á này cũng là nơi có 4 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tuy nhiên, phần lớn các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ở châu Phi, thiếu các phép đo chất lượng không khí đáng tin cậy, nên có thể vẫn còn có những thành phố khác ô nhiễm hơn chưa được xếp hạng.

Không nơi nào an toàn với bụi mịn

WHO đã hạ hướng dẫn về mức PM2.5 “an toàn” vào năm 2021 xuống còn 5 microgam/1 mét khối không khí và với tiêu chuẩn mới này, nhiều quốc gia, chẳng hạn như những nước châu Âu vốn đã làm sạch không khí đáng kể trong 20 năm qua, đã không đạt được mức an toàn với bụi mịn.

Đáng nói hơn, ngay cả hướng dẫn nghiêm ngặt hơn kể trên của WHO cũng có thể không nắm bắt được đầy đủ nguy cơ ô nhiễm không khí. Một nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston (Mỹ) công bố vào tháng trước cho thấy mức khuyến nghị của WHO là không đủ an toàn.

Theo đó, vẫn có sự gia tăng đáng kể số lần đến bệnh viện thăm khám vì các vấn đề tim mạch và hô hấp khi tiếp xúc với PM2.5 trong thời gian ngắn và dưới mức giới hạn của WHO.

Ngoài ra, dựa trên phân tích trên 60 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên từ năm 2000 đến năm 2016, nghiên cứ cho thấy nguy cơ nhập viện vì 7 loại bệnh tim mạch chính tăng lên khi tiếp xúc với mức PM2.5 trung bình tại Mỹ.

Do đó, các nhà khoa học của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston cho rằng không có mức độ an toàn nào cho PM2.5, và thậm chí một lượng nhỏ bụi mịn này cũng làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe.

Một báo cáo khác, do Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (Epic) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới - nhiều hơn cả bệnh AIDS và bệnh sốt rét cộng lại - và gánh nặng này được cảm nhận rõ ràng nhất ở các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào nhiên liệu bẩn để sưởi ấm, thắp sáng và nấu ăn.

Bà Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành IQAir khu vực Bắc Mỹ kêu gọi: "Các nước cần có thêm hành động quyết liệt để làm cho những đô thị trở nên dễ đi bộ hơn và ít phụ thuộc hơn vào ô tô, giám sát chặt các hoạt động lâm nghiệp để giảm thiểu tác động của khói cháy rừng và nhanh chóng sử dụng năng lượng sạch thay cho nhiên liệu hóa thạch".

Tiến sĩ Aidan Farrow, nhà khoa học cấp cao về không khí tại tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace International, cũng chia sẻ quan điểm rằng nhân loại phải tăng cường giám sát và cải thiện chất lượng không khí. Ông Farrow nói: “Năm 2023, ô nhiễm không khí vẫn là thảm họa sức khỏe với thế giới. Do đó, bộ dữ liệu toàn cầu của IQAir đưa ra lời nhắc nhở quan trọng về sự cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp cho vấn đề này”.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế