Chiến sự leo thang ở Sudan, vì đâu nên nỗi?

Thứ hai, 24/04/2023 10:50 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những ngày qua, Mỹ và nhiều nước đã khẩn trương cử lực lượng đặc nhiệm tới đưa các nhà ngoại giao của họ rời khỏi Sudan khi chiến sự tiếp tục leo thang tại quốc gia Đông Phi này. Vậy điều gì đã đẩy Sudan vào cuộc xung đột vũ trang dữ dội như thế?

Làn sóng sơ tán công dân khỏi Sudan

Theo hãng tin AP, Mỹ đã tổ chức một chiến dịch không vận để đưa các quan chức đại sứ quán nước này ra khỏi Thủ đô Khartoum của Sudan hôm Chủ Nhật (23/4). Nhà Trắng cho biết khoảng hơn 100 lính đặc nhiệm sẽ sơ tán gần 100 người - chủ yếu là nhân viên đại sứ quán Mỹ - bằng trực thăng bay từ Djibouti, cách Sudan khoảng 1500 km.

chien su leo thang o sudan vi dau nen noi hinh 1

Khói lửa vẫn bốc lên ở Thủ đô Khartoum, Sudan khi quân đội nước này giao tranh với lực lượng RSF - Ảnh: New York Times

Các chính phủ và tổ chức quốc tế khác cũng đang chạy đua để sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân của họ khỏi Thủ đô Khartoum khi cuộc xung đột quân sự tại Sudan đã bước sang ngày thứ 9 và tiếp tục leo thang dữ dội.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, bà Anne-Claire Legendre cho biết Pháp đã tiến hành chiến dịch di tản lớn vào Chủ nhật (23/4) để đưa công dân khỏi Sudan với sự giúp đỡ của các đồng minh châu Âu.

Ngoại trưởng Hy Lạp, ông Nikos Dendias cũng xác nhận nước này đã điều máy bay và lực lượng đặc nhiệm tới Ai Cập, nước láng giềng với Sudan, để chuẩn bị sơ tán 120 công dân Hy Lạp và Síp khỏi Khartoum.

Hà Lan đã gửi hai máy bay vận tải Hercules C-130 của không quân và một chiếc Airbus A330 tới Jordan để giải cứu 152 công dân Hà Lan ở Sudan, những người đã tìm đường đến một điểm sơ tán không được tiết lộ vào Chủ nhật (23/4).

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, bà Kajsa Ollongren bày tỏ: “Chúng tôi thông cảm sâu sắc với người Hà Lan ở Sudan” và thừa nhận “việc sơ tán và di chuyển đến điểm tập kết không phải là không có rủi ro”.

Bộ trưởng Ngoại giao Italy, ông Antonio Tajani cho biết Italy đã phái các máy bay quân sự đến Djibouti để chuẩn bị cho việc giải cứu 140 công dân nước này khỏi Sudan, nhiều người trong số họ đã trú ẩn tại đại sứ quán.

Saudi Arabia hôm thứ Bảy (22/4) đã sơ tán thành công 157 người, trong đó có 91 công dân nước này bằng ô tô từ Khartoum đến Cảng Sudan cách đó 800 km, nơi một tàu hải quân chở những người sơ tán qua Biển Đỏ đến cảng Jeddah của Saudi Arabia.

Điều gì dẫn tới giao tranh tại Sudan?

Chiến sự ở Sudan bùng phát từ hôm 15/4 và đã bước sang ngày giao tranh thứ 9, với nguồn cơn là cuộc đấu đá quyền lực giữa 2 vị tướng hàng đầu nước này: Trung tướng Abdel Fattah al-Burhan - chỉ huy quân đội Sudan và Trung tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo nhóm dân quân có tên là Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF).

Kể từ đầu cuộc xung đột, quân đội Sudan thường xuyên triển khai máy bay chiến đấu không kích các vị trí của RSF, mặc cho nhiều vị trí nằm ở các khu vực đông dân cư. Trong khi đó, cả hai phe đang tham gia vào các trận chiến khốc liệt trên đường phố ở Thủ đô Khartoum và nhiều đô thị khác, bằng súng máy và cả pháo.

chien su leo thang o sudan vi dau nen noi hinh 2

Tướng Abdel Fattah al-Burhan (trái) và tướng Mohamed Hamdan Dagalo - hai nhân vật đứng đầu các phe đang giao tranh tại Sudan - Ảnh: Arrahmah

Tướng Abdel Fattah al-Burhan và Tướng Mohamed Hamdan Dagalo ban đầu là các đồng minh khi cùng hợp lực để lật đổ nhà độc tài lâu năm của Sudan, Omar al-Bashir, sau nhiều tháng biểu tình của quần chúng vào năm 2019. Hai năm sau, bộ đôi này lật đổ một chính phủ chuyển tiếp dân sự vốn có nhiệm vụ dẫn dắt đất nước tiến tới các cuộc bầu cử dân chủ.

Khi áp lực từ Liên hợp quốc, Mỹ và các nước khác gia tăng trong những tháng gần đây, yêu cầu trao lại quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân sự, hai vị tướng bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang của Sudan cùng những công ty (từ nông nghiệp đến ngân hàng và khai khoáng) thuộc sở hữu của quân đội, RSF và gia đình Tướng Dagalo.

Tướng Burhan là chỉ huy quân đội Sudan và trên thực tế là nguyên thủ quốc gia kể từ cuộc đảo chính năm 2021. Ông Burhan tốt nghiệp trường Cao đẳng Quân sự Sudan và được huấn luyện quân sự thêm ở Ai Cập, trước khi thăng tiến trong lực lượng vũ trang dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir.

Tướng Dagalo, được biết đến nhiều hơn với biệt danh Hemedti, lớn lên ở vùng Darfur nghèo khó của Sudan. Từng là lái buôn lạc đà, ông Dagalo tham gia và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của lực lượng dân quân Janjaweed khét tiếng.

Sau khi lãnh đạo Janjaweed trong một chiến dịch đẫm máu chống lại một cuộc nổi dậy ở địa phương, Dagalo đã tận dụng mối quan hệ với cựu Tổng thống Bashir để xây dựng lực lượng dân quân của mình thành một đội quân tư nhân do nhà nước tài trợ, theo một số ước tính, có tới 70.000 chiến binh.

Tướng Dagalo được coi là một trong những người giàu nhất Sudan nhờ kinh doanh nhiều lĩnh vực, bao gồm khai thác vàng và cho thuê các binh sĩ RSF của ông tới chiến đấu trong các cuộc xung đột khu vực khác, chẳng hạn như ở Yemen và Libya.

Cuộc chiến đã phá hủy những gì?

Cuộc xung đột vũ trang tại Sudan đã làm tiêu tan hy vọng về cuộc chuyển đổi sang dân chủ tại quốc gia này, một yêu cầu mà hàng chục ngàn người Sudan đã đòi hỏi trong các cuộc biểu tình dẫn tới việc cựu Tổng thống Bashir bị lật đổ vào năm 2019.

Theo số liệu do Bộ Y tế Sudan cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 413 người đã thiệt mạng và 3.551 người bị thương trong cuộc giao tranh kể từ ngày 15/4. Nhưng các tổ chức quốc tế cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ngoài thiệt hại về người, giao tranh còn làm hư hại rất nhiều cơ sở hạ tầng ở một quốc gia vốn đã thuộc hàng nghèo nhất thế giới. Cuộc chiến đường phố và các vụ không kích liên tiếp cũng dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Sudan. Hầu hết các cơ quan nhân đạo tại đây, bao gồm cả những cơ quan cung cấp thực phẩm và viện trợ y tế, đã buộc phải ngừng hoạt động.

chien su leo thang o sudan vi dau nen noi hinh 3

Một phương tiện quân sự bị phá hủy ở Khartoum hôm 20/4. Ảnh: New York Times

Người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus cho biết có nhiều cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở y tế tại Sudan. “Các y tá và bác sĩ không thể tiếp cận những người bị thương và những người bị thương cũng không thể đến các cơ sở y tế," ông Ghebreyesus viết trên Twitter.

Cuộc xung đột leo thang cũng khiến các nhà ngoại giao nước ngoài rơi vào làn đạn giao tranh. Theo hãng tin AP, máy bay chiến đấu đã tấn công một đoàn xe của sứ quán Mỹ vào tuần trước trong khi các chiến binh đã xông vào nhà riêng của đại sứ EU tại Sudan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập, Ahmed Abu Zaid cho biết vụ bạo lực gần đây đã làm một nhà ngoại giao Ai Cập ở Sudan bị thương, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Chính vì những nguy hiểm như vậy mà các nước, như đã đề cập, đang chạy đua để đưa công dân của mình khỏi Sudan.

Trong khi đó, người dân Sudan hôm 23/4 cho biết bạo lực vẫn bùng phát bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố trùng với kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kéo dài ba ngày của người Hồi giáo. Hôm 23/4, giao tranh đã nổ ra ở Omdurman, thành phố bên bờ sông Nile, đối diện Thủ đô Khartoum.

Amin al-Tayed, một người Sudan sống gần trụ sở truyền hình nhà nước ở Omdurman nói với phóng viên hãng tin AP: “Chúng tôi không thấy có thỏa thuận ngừng bắn nào cả. Những tiếng súng máy và tiếng pháo như sấm sét vẫn đang làm rung chuyển thành phố”.

Dường như cả hai bên tham gia xung đột tại Sudan đều không có ý định ngừng chiến đấu, bất chấp sự vận động và cả sức ép từ cộng đồng quốc tế. Bóng ma về một cuộc nội chiến đẫm máu vì thế ngày càng hiện hữu với người dân nước này. Và một cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng đang thành hình.

Theo các cơ quan Liên hợp quốc, hàng chục ngàn người Sudan đã chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Khartoum và các điểm nóng khác, với khoảng 20.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Darfur, khu vực phía Tây đất nước, để sang tị nạn ở quốc gia láng giềng Chad. Và con số này được dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn, khi tiếng súng tiếp tục vang lên tại nhiều thành phố ở Sudan.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế