Chính phủ hành động: Lan tỏa một niềm tin!

Thứ sáu, 02/09/2022 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong hơn 1 năm qua kể từ khi Chính phủ được kiện toàn, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh vượt khó, đưa nền kinh tế hồi phục một cách mạnh mẽ.

Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 được kiện toàn, đã có ý kiến cho rằng: Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 dư địa rộng hơn song thách thức không ít đi. Và quả thực như vậy, hơn một năm qua, là một năm quá nhiều thách thức bởi hệ lụy của đại dịch COVID-19 và sự bất ổn của chính trường thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định, Chính phủ 2021-2025 đã thực sự là Chính phủ hành động, và quan trọng hơn là Chính phủ đã lan tỏa được tới toàn xã hội ý chí quyết tâm, tự lực tự cường từ mỗi cá nhân tạo sức mạnh đoàn kết để vượt qua các thách thức, trở ngại.

Để khái quát một cách toàn diện về những thành tựu Chính phủ đã đạt được, đưa ra những giải pháp để vượt qua những khó khăn, thách thức thời gian tới, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2022 từ 6-6,5%; phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

+ Hơn một năm qua, kể từ ngày 26/7/2021, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ nhậm chức trước đồng bào cử tri nhân dân cả nước. Hơn một năm với quá nhiều thách thức bởi hệ lụy của đại dịch COVID-19 và sự bất ổn của chính trường thế giới, kinh tế thế giới cũng có nhiều biến động, kinh tế trong nước bị tác động nặng nề. Ông đánh giá như thế nào đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong bối cảnh nhiều thách thức ấy?

chinh phu hanh dong lan toa mot niem tin hinh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

- Thời điểm Chính phủ được kiện toàn hơn 1 năm trước cũng là lúc đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Để khắc phục được đại dịch đó, Chính phủ đã ngay lập tức bắt tay tìm mọi cách để phòng chống dịch bằng cách tiến hành giãn cách cực kỳ nghiêm túc, quyết liệt. Thời điểm đó chưa có vắc-xin nên phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là rất khó.

Trong đại dịch, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, điều động một lực lượng rất lớn quân nhân, cán bộ y tế từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam kịp thời, giúp cho hệ thống y tế ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh vượt qua được khó khăn.

Trong điều hành, Chính phủ thể hiện sự kiên quyết, đảm bảo không có người dân nào bị thiếu đói trong dịch bệnh, trong điều kiện giãn cách xã hội. Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi xuống tận xã, phường để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, thăm hỏi sức khỏe nhân dân, lực lượng y tế đã thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt chiến đấu với dịch bệnh để đi đến chiến thắng.

Sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã giúp cho dịch bệnh được kiểm soát, không bị lây lan. Đặc biệt, Chính phủ đã quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, bằng mọi giá để tìm kiếm được nguồn vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất; tổ chức tiêm vắc-xin một cách thần tốc, ưu tiên cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Vắc-xin cũng được phân cho những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất để tiêm cho công nhân lao động, nhằm ổn định tình hình.

Với quyết tâm đó, trong một thời gian ngắn, chúng ta đã có nguồn vắc-xin đủ lớn, mức độ tiêm chủng đủ nhanh để từ đó khống chế được đại dịch, quay trở lại cho các tỉnh thành, các khu công nghiệp mở cửa lại sản xuất giúp kinh tế hồi phục ở giai đoạn cuối năm 2021.

chinh phu hanh dong lan toa mot niem tin hinh 2
chinh phu hanh dong lan toa mot niem tin hinh 3

Có thể nói, đây là những chỉ đạo vừa quyết liệt, vừa khoa học, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Chính phủ với quyết tâm hành động, “đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết”.

Lúc đó, tôi là cũng là người đề xuất mở cửa sớm trở lại nhưng cũng rất lo bởi hầu hết các địa phương mới chỉ tiêm 1 mũi và rất ít địa phương tiêm đủ. Nhưng chúng ta kiên quyết mở cửa trở lại và đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc-xin để sản xuất, kinh doanh dần phục hồi. Từ đó, tốc độ hồi phục kinh tế của quý IV/2021 mới đạt ở mức 5,22%.

Trên cơ sở đó, vào đầu năm 2022, hoạt động sản xuất đã quay trở lại. Và sau khi thực hiện tiêm chủng đạt tỷ lệ cao mũi 2, mũi 3, chúng ta đã mở cửa trở lại hoạt động dịch vụ. Chính việc mở cửa trở lại hoạt động dịch vụ đã làm cho tăng trưởng trở lên mạnh mẽ, đạt mức 7,74%, một mức rất cao trong quý II/2022 cũng như trong nhiều năm gần đây. Điều đó trở thành động lực giúp cho nền kinh tế quay trở lại guồng tăng trưởng mạnh mẽ.

+ Trong, giữa và khi dịch bệnh được kiểm soát, với tinh thần chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp, dự các hội nghị để lắng nghe ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những cuộc gặp này có tác động, ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Việc gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước đã trở thành nét đẹp của các nhà lãnh đạo của chúng ta trong những nhiệm kỳ gần đây. Những cuộc gặp đã dần đi vào thực chất, mang tính lắng nghe và những thông tin được hai bên trao đổi, chia sẻ để hiểu nhau hơn.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ nắm được những chỉ đạo của Chính phủ cũng như đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Từ đó, doanh nghiệp có thể thực thi một cách tốt nhất các mục tiêu Chính phủ hướng đến và đem lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp.

chinh phu hanh dong lan toa mot niem tin hinh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác kiểm tra dự án Cam Lâm Vĩnh Hảo. Nguồn: VGP

Trong các cuộc gặp, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, sự nhanh nhạy, thực chất ở đây được thể hiện là: Từng vấn đề doanh nghiệp nêu ra thì các bộ, ban, ngành sẽ trực tiếp trao đổi lại, có thể tháo gỡ ngay lập tức tại hội nghị đó; Có văn bản sau đó để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các khó khăn do rào cản về cơ chế chính sách trước đây; kiến nghị loại bỏ những cái chưa phù hợp hay những cái không còn phù hợp nữa.

Tiếp đó, theo tôi là sự lắng nghe của các bộ, ban, ngành đối với doanh nghiệp cũng được nâng lên, và sự trao đổi để hiểu rõ nhau hơn. Các bộ, ban ngành cũng có thể tham mưu để ra những chính sách mới phù hợp với thực tế. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, đảm bảo yêu cầu của phòng chống dịch bệnh và sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu được chi phí, thời gian tiếp cận cơ chế chính sách cũng như giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn một cách nhanh nhất.

Chính những điều đó giúp cho các cơ chế chính sách đi vào đời sống thực tiễn của doanh nghiệp, người dân một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó làm cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp được thỏa mãn một cách tốt nhất.

+ Thời gian qua, trước một số vi phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đất đai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cương quyết xử lý trước những sai trái, vi phạm. Theo ông, những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp thị trường tài chính, chứng khoán, đất đai từng bước đi vào quỹ đạo ổn định?

- Trong 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đã chậm lại, tốc độ tăng trưởng giảm đi. Do đó, dòng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư cho nền kinh tế đổ xô vào lĩnh vực đầu tư chứng khoán và bất động sản. Từ đó tạo ra khả năng bong bóng trong tài sản, và chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo với các cơ quan quản lý nhà nước về khả năng hình thành bong bóng bất động sản và chứng khoán.

Với lượng tiền đổ vào bất động sản rồi quay sang chứng khoán, khi cắt chứng khoán lại quay sang bất động sản thì cứ làm cho vòng xoáy của bất động sản, chứng khoán tăng rất cao. Từ đó, một số “tay to” trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã có hành vi thao túng thị trường, thổi giá, làm giá cũng như hành vi vi phạm luật pháp.

Với việc Chính phủ có chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát đã làm cho thị trường chứng khoán, bất động sản đi vào nền nếp, tránh bong bóng bất động sản, việc làm này là cần thiết. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phải bóc gỡ sai phạm của một số tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản để các thị trường này hoạt động ổn định hơn.

chinh phu hanh dong lan toa mot niem tin hinh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một chuyến đi khảo sát dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhưng cũng có thể thấy, khi bóc gỡ những đường dây đó thì cũng gây những sự đình trệ nhất định trong hoạt động của những thị trường này. Điều đó cũng làm cho hoạt động luân chuyển vốn trên thị trường chứng khoán, bất động sản “phanh hãm”, một số chủ thể đã rút vốn khiến thị trường rơi vào tình trạng giảm sút, đóng băng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng động thái của Chính phủ là kiên quyết, kịp thời. Đặc biệt là với việc thay đội ngũ quản lý, chấn chỉnh lại bộ máy quản lý từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho đến các Sở Giao dịch chứng khoán, kết hợp Sở Giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã đi vào chiều sâu hơn, từ đó góp phần để cho thị trường này phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm từ những sự việc thời gian qua để từ đó điều chỉnh cho hợp lý nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững của các thị trường.

+ Xung đột quân sự Nga – Ukraine đã làm giá xăng dầu tăng cao, kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá. Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua trong công tác điều hành giá đã đem lại những hiệu quả gì thưa ông? Liệu có đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng không vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra?

- Trong thời gian đầu bùng phát xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao; từ tháng 2/2022 đến cuối tháng 6/2022, giá xăng dầu tăng khoảng 52%. Từ đó làm cho hàng loạt mặt hàng tăng giá từ nguyên nhiên vật liệu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng. Vì thế sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ đã ngay lập tức có động thái với những biện pháp như rà soát thuế, giảm thuế, giãn hoãn thuế và hàng loạt các chính sách khác đã được thực hiện trước đây nhưng thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn, kiên quyết hơn như việc giảm 2% thuế VAT…

Đặc biệt, trước việc giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ đã có đề xuất kịp thời đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế cho xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường, với 2 lần giảm đã xuống kịch khung loại thuế này; từ đó, đã kìm lại mức tăng giá của xăng dầu. Gần đây, với sự sụt giảm của giá xăng dầu trên thế giới, còn trong nước thì giảm thuế bảo vệ môi trường cũng đã làm giảm giá xăng dầu xuống khoảng 25%. Điều này giúp cho các mặt hàng khác đang có xu hướng giảm đi.

Chúng ta cũng đang hy vọng trong tháng 8 và tháng 9/2022 chỉ số lạm phát giảm đi một cách đáng kể. Thậm chí, trong tháng 8, tôi cho rằng nếu các biện pháp điều hành giá của Chính phủ được các bộ ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm thì thậm chí chỉ số lạm phát có thể âm. Như vậy, sẽ góp phần đảm bảo giữ được cân đối vĩ mô, tăng trưởng nền kinh tế phải tốt nhưng lạm phát sẽ giảm bởi chỉ số giá bình quân 07 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ.

Chúng ta cũng biết rằng đồng Việt Nam chỉ mất giá so với đồng đô-la có 0,08%, tức là gần như là giữ nguyên giá trị so với đồng đô-la và lên giá so với đồng euro, đồng yên Nhật… bởi đồng đô-la lên giá 20%, thì đồng tiền của Việt Nam cũng lên giá tương đương. Đây đang là cơ sở để chúng ta tin tưởng lạm phát cơ bản sẽ thấp với điều kiện rất linh hoạt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việc bơm, hút tiền cũng như việc bán đô-la theo định kỳ cũng giữ được đồng Việt Nam, giúp tài chính tiền tệ của Việt Nam ổn định và tốt hơn.

+ Thời gian tới, trước nhiều khó khăn, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2022 là 6-6,5% chắc chắn gặp rất nhiều thách thức. Vậy theo ông, Chính phủ cần có hành động, giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đã được đặt ra?

- Theo tôi, trước hết, từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo thì vấn đề đẩy mạnh số hóa trở thành một trong những vấn đề rất quan trọng. Chính phủ đã có bước tăng trưởng và phát triển về lĩnh vực này rất đáng kể đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Như Bộ Tài chính áp dụng hóa đơn điện tử là quyết tâm cực kỳ lớn, việc áp dụng này làm cho doanh nghiệp gắn kết hơn với cơ quan quản lý nhà nước.

Với việc mở rộng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, thanh toán tiêu dùng trong nền kinh tế quốc dân cũng là một trong những động thái quan trọng để mở rộng các chỉ số tiêu dùng.

Đẩy mạnh số hóa cũng giúp thực hiện kết nối các bộ ngành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành trở lên nhanh hơn, linh hoạt hơn; sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về theo dõi, quản lý cũng như là các chi phí khác để tăng trưởng phát triển tốt hơn.

Đối với đầu tư công, trong năm 2022 thì đã có phân bổ từ cuối năm 2021. Đến đầu năm 2022 còn có một lượng vốn chưa phân bổ được nhưng không lớn.

Tuy nhiên, năm 2022 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết 43 khi Quốc hội ban hành thì có một lượng vốn đầu tư công rất lớn theo chính sách khoảng 347 nghìn tỷ. Các địa phương, ban ngành đăng ký thực hiện đầu tư tương đối lớn nhưng đến nay vẫn chưa phân bổ được gói này, do đó, chưa thể giải ngân được.

Việc giải ngân vốn đến nay cũng chưa đạt 40%, trở thành vấn đề đòi hỏi phải phân bổ ngay lập tức. Từ nay đến cuối năm, các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ việc này. Trong đó, thực hiện xác định định mức giá cả, dự toán các dự án, thực hiện giao mặt bằng để thực hiện dự án lớn mà Quốc hội đã thông qua, đây là điều buộc các địa phương phải làm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp đó là, việc làm sao để kết nối được các doanh nghiệp trong nền kinh tế tốt hơn, đảm bảo chuỗi cung ứng trôi chảy cũng là một điều rất quan trọng trong thời gian tới mà Chính phủ cần quan tâm.

Đặc biệt là phải phòng chống dịch thật tốt bởi nếu không phòng chống dịch tốt thì sự ngừng trệ, đứt gãy các chuỗi cung ứng có thể xảy ra. Trong đó, Bộ Công thương, các thương vụ Sứ quán, các Hiệp hội ngành hàng phải có kết nối chặt chẽ, sâu sắc để mở rộng nguồn cung để đảm bảo cung ứng hàng hóa trôi chảy.

Cùng với đó, theo tôi là việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng ta phải vừa nắm vững các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhằm đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 19 đến 20% thì sản xuất kinh doanh mới đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn.

Đối với mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm 2022 tôi cho rằng hoàn toàn đạt được và đạt cao hơn thế. Chỉ cần quản lý tốt, thực hiện tốt các gói hỗ trợ như trong năm 2021 thì hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng 7,5%; chưa nói trong năm nay mở ra thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, giảm thuế phí, giảm chi phí sản xuất thì đạt được mốc tăng trưởng cao là hoàn toàn khả thi.

Trần Quốc (Thực hiện)

Tin khác

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm

(CLO) Sáng 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN – sự kiện quan trọng được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng.

Tin tức
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương

(CLO) Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại tỉnh này.

Tin tức
Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

Điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ

(CLO) Chính phủ sẽ chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tin tức
Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

Các địa phương cần ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Tin tức
Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

Thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt hơn 476 triệu USD trong quý I năm 2024

(CLO) Thương mại song phương Việt Nam - Lào trong quý I năm 2024 đạt 476,8 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện có 245 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.

Tin tức