Kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2021):

Chính phủ những ngày đầu độc lập: Quyết liệt cho ngày tái sinh…

Thứ năm, 02/09/2021 08:10 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhìn lại những tư liệu lịch sử, mới thấy rõ, Chính phủ những ngày đầu độc lập năm 1945 đã quyết liệt như thế nào cho sự tái sinh của dân tộc sau đêm trường nô lệ.

“Trong hoàn cảnh nghiệt ngã lúc đó, lụt và hạn hoành hành, giặc ngoại xâm hoành hành, tiền và phương tiện gần như không có gì, giống má cạn kiệt, trâu bò chết gần hết…, mà đánh thắng được giặc đói, thắng một cách oanh liệt thì quả là một kỳ công… Đó là sự nỗ lực của toàn dân. Nhưng không chỉ đơn giản là như vậy. Còn phải kể đến một nhân tố vô cùng quan trọng nữa: nhờ có chính quyền cách mạng, nhờ tài tổ chức của chính quyền đó” - đó là nhìn nhận của GS. Đặng Phong trong bài trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ cách đây 6 năm. Quả thực, nhìn lại những tư liệu lịch sử, mới thấy rõ, Chính phủ những ngày đầu độc lập năm 1945 đã quyết liệt như thế nào cho sự tái sinh của dân tộc sau đêm trường nô lệ.

Nhanh chóng cải tổ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam thành Chính phủ lâm thời

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Cũng trong ngày lịch sử ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cải tổ từ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào. Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp; Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn; Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu; Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền; Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà; Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh; Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch; Bộ trưởng Giao thông Công chính Đào Trọng Kim; Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng; Bộ trưởng Cứu tế Xã hội Ngô Văn Tố; Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận; Ủy viên Chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

So với Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, thành phần của Chính phủ lâm thời gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, mang tính dân chủ hơn, mở rộng thành phần tham gia, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân. “Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức” - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ về vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ mới.

chinh phu nhung ngay dau doc lap quyet liet cho ngay tai sinh hinh 1

Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt quốc dân ngày 3/11/1946.

Cũng cần nói thêm về  Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Ngày 13/8, được tin Nhật hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngày Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và công bố mệnh lệnh khởi nghĩa.

3 ngày sau đó, ngày 16/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau khi thành lập, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra lời hiệu triệu tới toàn thể nhân dân và các đoàn thể Cứu quốc: “Ngày vĩ đại và quyết liệt của dân tộc ta đã đến. Chúng ta hãy vùng dậy tuốt gươm, lắp súng để định đoạt lấy số phận của mình. Chúng ta quyết thắng và sẽ thắng”.

Trong không khí cách mạng sôi sục trên khắp cả nước, cùng với thư kêu gọi đồng bào của đồng chí Hồ Chí Minh, lời hiệu triệu của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc nhân dân khắp Bắc - Trung - Nam vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với việc phát ra lời hiệu triệu “đúng lúc, đúng thời điểm”, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam cho thấy đã bước đầu đáp ứng được mong đợi của toàn thể đồng bào về “một Chính phủ quốc dân có đủ uy tín và thực lực”, hành động kịp với sự chuyển biến rất mau lẹ của tình hình.

Khẩn trương hành động

Ngày 3/9/1945, một ngày sau Lễ độc lập, 15 thành viên của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành phiên họp đầu tiên. Ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 

Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị ở cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được phát cho người nghèo”.

Thứ hai, giải quyết nạn dốt, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. 

Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ và đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Thứ tư, phải giáo dục nhân dân từ bỏ những tật xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hóa dân ta, “mở cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”.

Thứ năm,  bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.

Thứ sáu, tuyên bố: tín ngưỡng tự do Lương - Giáo đoàn kết.

Từ 6 nhiệm vụ cấp bách ấy, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức thực thi bằng hàng loạt Sắc lệnh liên tiếp ra đời sau đó.

Trong đó, tác động nhiều hơn cả là việc ngày 4/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập, và Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi. Kèm theo đó là bản phụ định về kích thước cờ, mẫu sao, cách đặt sao.

Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước. Ngày 20/10/1945, Chính phủ ra Thông tư giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng .

chinh phu nhung ngay dau doc lap quyet liet cho ngay tai sinh hinh 2

Bác Hồ thăm các lớp Bình dân học vụ.

Ngày 26/10/1945, Chính phủ ra Nghị định giảm thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt. Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói, một trong những tai họa lớn và cấp bách. Trước đó trong phiên họp của Chính phủ ngày 3/9, Chủ tịch đã đề nghị phát động một chiến dịch cứu đói. Cuối tháng 9, Chủ tịch kêu gọi mọi người nhường cơm xẻ áo và Người “xung phong làm trước, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa đem gạo để cứu dân nghèo”. Toàn dân ta hết lòng hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất do Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nạn đói đã thu hẹp dần và cuối cùng bị dập tắt.

Bên cạnh những sắc lệnh tác động đến đời sống dân sinh xã hội, Chính phủ lâm thời còn liên tiếp cho ra đời những sắc lệnh mang tính lịch sử tới nền dân chủ như việc ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).

Ngày 20/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (gồm 7 người). Ngày 26/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 39-SL lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người).

Sau đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc.

Ngày 2/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 71 và 72-SL về bổ sung thể lệ Tổng tuyển cử.

Tiếp đó, ngày 18/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 76-SL hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945.

Củng cố nền hành chính quốc gia cũng là một trong những đầu việc được Chính phủ đầu tiên của đất nước hết sức chú trọng. Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp.

Theo Sắc lệnh trên, chính quyền ở mỗi địa phương sẽ có 2 cơ quan: thay mặt cho dân là Hội đồng nhân dân do phổ thông đầu phiếu bầu ra, vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ là Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra. Sau khi có Sắc lệnh số 63-SL, ở Bắc Bộ, trong số 227 huyện và thị xã, có 128 huyện và thị xã đã bầu được Ủy ban hành chính chính thức; ở Trung Bộ, trừ các tỉnh trực tiếp kháng chiến, tất cả các tỉnh còn lại đều đã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính chính thức; ở Nam Bộ, do hoàn cảnh chiến tranh bùng nổ sớm, sau một thời gian phân tán, Ủy ban nhân dân lâm thời khắp nơi lần lượt được tập trung và hoạt động trở lại (sau đó đổi thành Ủy ban kháng chiến lâm thời).

Ngày 21/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 77-SL về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh. Thực hiện Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng, ngày 31/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác.

Không chỉ là các công việc đối nội, trong bối cảnh “giặc ngoài” đang lăm le, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu còn rất chú trọng với công tác đối ngoại.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi điện văn tới Tổng thống Mỹ H.Tơruman khẳng định địa vị pháp lý của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế, trong việc giải quyết các vấn đề của Việt Nam và khu vực.

Trong công điện gửi tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp; điện văn gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp; điện văn gửi Hội nghị liên Phi; các điện văn gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch; thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, v.v...và trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trong, ngoài nước tháng 9 và tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam, xác định rõ địa vị pháp lý của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế. Người yêu cầu các quốc gia tôn trọng thực tế lịch sử hiển nhiên đó.

Tất cả những quyết sách khẩn trương ấy là sự quyết liệt cho nỗ lực tái sinh đất nước sau đêm trường nô lệ.

Liên tục củng cố, hoàn thiện

Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 khi Cách mạng tháng Tám thành công đến tháng 11/1946 - trước ngày toàn quốc kháng chiến, một quãng thời gian không dài, nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trải qua nhiều lần cải tổ, từ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đến Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chính phủ kháng chiến - Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Điều đó cho thấy tầm nhìn và sự sáng tạo cũng như quan điểm “ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bộ máy Chính phủ có thể theo kịp với những biến đổi mau lẹ của thời cuộc.

chinh phu nhung ngay dau doc lap quyet liet cho ngay tai sinh hinh 3

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1.

Để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Tại lễ ra mắt tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố danh sách nội các mới và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời ra đời dựa trên cơ cấu, tổ chức của Chính phủ lâm thời, gồm 18 thành viên: ngoài bộ trưởng, còn 2 thứ trưởng. Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao còn có ông Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời cũng nêu rõ mục đích, tuyên ngôn như sau: “Vì muốn tranh thủ hoàn toàn nền độc lập, muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng phái để làm cho Chính phủ mạnh mẽ thêm, nên nay thay đổi thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Trong giai đoạn này các đảng phái đoàn kết thì Chính phủ mới vượt qua được các cơn gió sóng gió. Hết thảy quốc dân Việt Nam ai cũng mong chờ Chính phủ Liên hiệp lâm thời giữ chức đến Quốc hội thì sẽ đổi thành Chính phủ Liên hiệp chính thức”.

Về đối nội, Chính phủ chủ trương mau chóng tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước, thống nhất các cơ quan hành chính theo nguyên tắc dân chủ; ra sức phát triển nông nghiệp (khuyến khích trồng trọt và chăn nuôi để giải quyết nạn đói), về đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ trước mắt là làm sao cho các nước công nhận nền độc lập của nước Việt Nam; thân thiện với kiều dân ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, bảo vệ tính mệnh và tài sản của kiều dân Pháp không làm hại đến nền độc lập của Việt Nam.

Tồn tại từ ngày 1/1 đến ngày 2/3/1946, dưới sự lãnh đạo khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Chính phủ liên hiệp lâm thời đã dàn xếp ổn thỏa với quân đội Tưởng Giới Thạch; lãnh đạo và chi viện tích cực cho cuộc kháng chiến ở miền Nam; tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử; phát hành giấy bạc Việt Nam, động viên toàn dân tham gia sản xuất, đẩy lùi nạn đói.

Tháng 1 năm 1946, sau thành công rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/1/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, củng cố tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam mới, tại kỳ họp Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo với Quốc hội việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.

Ngày 02/3/1946, Quốc hội khóa I kỳ họp thứ nhất đã trao quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập, có nhiệm vụ “thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo sự nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn”. Theo đề nghị của Chủ tịch kỳ họp Quốc hội khoá I Ngô Tử Hạ, Quốc hội tán thành Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch.

Trước những diễn tiến tiếp tục mau lẹ của thời cuộc, ngày 28/10/1946 đến ngày 09/11/1946, kỳ họp thứ II của Quốc hội đã bàn tới việc lập Chính phủ kháng chiến; ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ theo nguyên tắc đoàn kết tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái.

Ngày 03/11/1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu đã trình diện trước Quốc hội và được Quốc hội nhất trí biểu quyết thông qua. “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới… Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc có đủ nhân tài Trung - Nam - Bắc tham gia” - Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội. 

Qua những lần cải tổ ấy, có thể nói, Chính phủ đã không ngừng củng cố, hoàn thiện, để có thể đáp ứng được những đổi thay của thời cuộc, từng bước khẳng định vị thế trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ đất nước.

Hà Anh

Tin khác

Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh

Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc UBND cấp tỉnh

(CLO) Liên quan đến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất, Bộ Tài chính đề xuất Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn.

Tin tức
Thái Bình: Thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Thái Bình: Thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

(CLO) Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành khẳng định, Thái Bình ổn định như hôm nay là do sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là 'đột phá của đột phá'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

(CLO) Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tin tức
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin tức
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

(CLO) “Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tin tức