“Chừng nào còn thông tin về đồng đội sẽ vẫn đi tìm”!

Thứ ba, 27/06/2023 09:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là quyết tâm của những người lính đặc biệt vẫn ngày đêm đi tìm hài cốt đồng đội tại chiến trường Campuchia trong suốt 20 năm qua, cũng là tinh thần của các nhà báo Nguyễn Văn Toản, Thành Đạt cùng cộng sự của Ban Nhân Dân điện tử khi thực hiện loạt bài “Hành trình đưa các anh về đất mẹ”.

Loạt bài “Hành trình đưa các anh về đất mẹ” đã được trao giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII- 2022.

Chuyến đi “về nguồn” ý nghĩa

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, lãnh đạo Ban Nhân Dân điện tử đã quyết định triển khai 2 loạt bài về công tác tìm kiếm, bốc cất, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam và công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước đối với thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Nhóm phóng viên của Ban Nhân Dân điện tử được chia thành 2 mũi tiến về các điểm nóng. Một mũi lên đường vào Quảng Trị để thực hiện loạt bài đền ơn đáp nghĩa, trong khi đó mũi còn lại gồm nhà báo Nguyễn Văn Toản và cộng sự đã đề xuất tiến vào điểm nóng An Giang và được lãnh đạo chấp thuận. Trước khi lên đường, Văn Toản cùng nhóm của mình đã lập đề cương chi tiết, đồng thời chủ động liên hệ trước với các đầu mối cung cấp thông tin/nhân chứng tại An Giang cũng như Bộ Quốc phòng.

chung nao con thong tin ve dong doi se van di tim hinh 1

Nhóm phóng viên Ban Nhân Dân điện tử dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc.

Loạt bài “Hành trình đưa các anh về đất mẹ” gồm 5 bài được thực hiện dưới hình thức kết hợp giữa bài viết (phóng sự), video, phóng sự ảnh nhằm tận dụng hết thế mạnh của thể loại báo điện tử hiện đại. Với cách thể hiện này, nhóm tác giả kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt với độc giả, qua đó nâng cao chất lượng và khả năng lan tỏa của các bài viết.

Nhà báo Văn Toản chia sẻ, đây không phải lần đầu anh đi thực tế ở địa phương để viết bài, nhưng với cá nhân anh và các thành viên trong nhóm, chuyến đi thực tế vào An Giang mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó không phải là chuyến đi công tác phục vụ công việc đơn thuần, mà còn là chuyến “về nguồn” tìm về điểm nóng nơi hàng nghìn chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

“Mục tiêu cao nhất mà nhóm hướng đến là giúp bạn đọc có được một cái nhìn tổng thể về nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của các cán bộ, chiến sĩ tại An Giang nói riêng cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước nói chung nhằm đưa các anh hùng, liệt sĩ trở về với quê hương, xử sở”, nhà báo Văn Toản cho biết.

Loạt bài được hoàn thành sau chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần, nhưng để làm được điều đó, nhóm tác giả đã phải trải qua không ít khó khăn. Nhà báo Văn Toản kể lại: “Vào đến đất An Giang, việc liên hệ đầu mối và các nhân chứng đã không diễn ra thuận lợi theo kế hoạch, buộc chúng tôi phải thay đổi toàn bộ chương trình làm việc, trong đó phải di chuyển hàng trăm cây số bằng xe máy lên huyện biên giới Tịnh Biên từ sáng sớm, và sau đó lại là cuộc hành trình hàng trăm cây số nữa về thành phố ngay trong đêm hôm đó. Mặc dù mệt mỏi vì phải di chuyển đường dài, nhưng điều đáng mừng là nhóm đã hoàn thành được mục tiêu công việc đề ra”.

Thật trùng hợp, ngày nhà báo Văn Toản cùng đồng nghiệp vào An Giang đúng với dịp đội tìm kiếm của K93 trở về sau hành trình kéo dài gần 6 tháng trên đất bạn Campuchia, với kết quả là quy tập được 41 hài cốt liệt sĩ.

Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân tập trung khai thác về nhân vật, những nhân chứng lịch sử. Đó là Thượng tá Lê Đắc Thoa - Chính trị viên Đội K93, nghe anh kể lại những câu chuyện đầy xúc động của lực lượng tìm kiếm K93 kể từ ngày đầu thành lập. Đại tá Phạm Quang Trung (Tư Trung) - nguyên Đội trưởng K93, người gắn bó với K93 từ thời kỳ đầu; cùng với đó là Đại tá Huỳnh Trí (Hai Trí) - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, người đã dành 20 năm sau khi nghỉ hưu để đi tìm… đồng đội. Tính trong gần 20 năm qua, ông Huỳnh Trí và Đội K93 đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó 275 hài cốt liệt sĩ có tên.

Nén tâm nhang tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do

Hành trình tìm về nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có lẽ là chuyến đi để lại những cảm xúc sâu sắc nhất trong lòng nhà báo Văn Toản và nhóm phóng viên. Được mệnh danh là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi An Giang, nơi đây quy tập hơn 8.000 ngôi mộ của các chiến sĩ ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh; trong đó phần lớn là quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot.

chung nao con thong tin ve dong doi se van di tim hinh 2

Đối với nhà báo Nguyễn Văn Toản - chuyến đi thực tế vào An Giang mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

“Đến nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc vào những ngày cuối tháng 7 lịch sử, chúng tôi đứng lặng giữa mênh mông gió chiều. Ngút tầm mắt là những bia mộ được sơn vàng, nằm ken dày và đều tăm tắp. Bên cạnh lư hương là những bông sen nhựa được bày lên trang trọng. Chung quanh, dãy hoa sứ, hoa chăm-pa trắng muốt đã nở bừng lên, càng khiến tất cả cảm nhận rõ hơn nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh”, nhà báo Văn Toản bồi hồi.

Anh Văn Toản cho hay, thật đau xót, trong số hơn 8.000 ngôi mộ, có tới gần 5.000 ngôi mộ mang trên mình dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Quá nửa những anh hùng dù đã được đưa về với vòng tay quê hương vẫn chung số phận vô danh như thế này. Nhiều trường hợp liệt sĩ có họ tên nhưng không có quê quán, tên đơn vị hoặc ngược lại. Nhiều trường hợp liệt sĩ có di vật nhưng không có họ tên, địa chỉ... Ngoài ra, nghĩa trang còn xây sẵn hàng trăm hộc mộ trống. Đây là nơi sẵn sàng đón các liệt sĩ trở về với đất mẹ.

Nhà báo Văn Toản xúc động: “Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm. Và cũng từng ấy năm, các anh vẫn còn “gửi thân” nơi đất bạn. Tại nghĩa trang này, hàng trăm đồng đội, đồng chí còn lại vẫn cứ xây “nhà sẵn” để chờ các anh trở về giữa vòng tay Tổ quốc. Mùi hương trầm ngào ngạt, hoa chăm-pa trắng muốt, cùng hàng chục nghìn bia mộ nằm sát nhau đều tăm tắp… thực sự đã để lại ấn tượng và xúc cảm khó có thể quên được”.

Là người chịu trách nhiệm chính về hình ảnh cho tuyến bài, phóng viên ảnh Thành Đạt cho biết, đã có khá nhiều bài báo, phóng sự nghiên cứu khai thác về vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam, do đó anh cần phải thay đổi tư duy góc nhìn, phải khai thác hình ảnh theo một góc độ khác về công cuộc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung hiện nay.

“Đứng trước nghĩa trang Dốc Bà Đắc để ghi hình, tôi và mấy anh em đã không cầm nổi nước mắt trước hình ảnh hàng ngàn bia mộ nằm ken dày và đều tăm tắp, hầu hết các anh nằm xuống khi ở độ tuổi mới mười chín, đôi mươi, nhưng xót xa thay, phân nửa trong số này đều mang trên mình những tấm bia vô danh. Người bỏ lại mẹ già nơi quê hương đang vào vụ gặt, người buông sách bút gác lại giấc mơ tuổi trẻ để lên đường”, anh Thành Đạt chia sẻ.

Loạt bài “Hành trình đưa các anh về đất mẹ” mang một thông điệp lớn lao tới tất cả công chúng, độc giả đó là: Cuộc sống hòa bình ngày hôm nay của chúng ta được đánh đổi bằng xương, bằng máu thịt, bằng tuổi thanh xuân của hàng trăm nghìn anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Có những anh hùng liệt sĩ đã được ghi danh, nhưng cũng có những anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính, vẫn đang nằm đâu đó dưới lòng đất sâu lạnh lẽo…

Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là không bao giờ được quên những hy sinh to lớn đó của các thế hệ đi trước, đồng thời phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình thân nhân liệt sĩ, người có công để phần nào an ủi, làm dịu bớt nỗi đau mất người thân của họ. Còn đối với những người lính trong thời bình, họ vẫn đau đáu một nỗi lòng: “Chừng nào còn thông tin về đồng đội sẽ vẫn đi tìm”!

Hòa Giang

Bình Luận

Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo