Ông Phạm Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Thông tin & Truyền thông:

Chúng ta cuốn vào chuyển đổi số nhưng phải giữ được chất cách mạng trong báo chí

Thứ hai, 02/01/2023 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của lãnh đạo Bộ chủ quản, tôi luôn tin rằng, những công việc sắp tới dù còn nhiều thách thức thì Báo VietNamNet sẽ đoàn kết, đổi mới và phát triển.

Bài liên quan

Trong lúc cuộc trò chuyện này diễn ra thì Tổng Biên tập Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn được chuyển sang một vị trí mới, trở thành Tân Cục trưởng Cục Ðối ngoại - Bộ Thông tin & Truyền thông. Nhưng những gì thuộc về VietNamNet, khi nhắc đến dường như vẫn khiến ông đầy cảm xúc: “Tôi yêu VietNamNet, đây là thanh xuân của tôi, tôi gắn bó và dành thời gian đôi khi còn nhiều hơn gia đình nhỏ của mình”... Thanh xuân đẹp đẽ ấy cũng là khoảng thời gian mà ông nhận lãnh trách nhiệm đưa tờ báo này trở thành tờ báo đi đầu về công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là con đường không thể khác

+ Ông là người có 21 năm gắn bó với Báo VietNamNet, trong đó có tới hơn 7 năm ở vị trí Tổng Biên tập. Ở đây, ông đã dẫn dắt tờ báo bước vào công cuộc chuyển đổi số rất mạnh mẽ, gặt hái không ít thành công… Nhìn lại hành trình triển khai đầy tâm huyết mấy năm nay, ông đã thực sự hài lòng chưa, thưa ông?

- Để nói về sự hài lòng hay chưa với những gì đã làm thì quả thực là chưa nhưng cho đến bây giờ thì tôi thấy rằng con đường ấy đã rộng mở, Báo VietNamNet đã biết phải bước chân nào, đi theo hướng nào và vì mục tiêu là gì… Tôi cũng tin là với nền tảng đó, khát vọng chuyển đổi số chắc chắn sẽ tiếp tục được thắp lên trong lòng những đồng nghiệp ở lại.

Tôi vẫn nhớ, năm 2018, Báo Điện tử VietNamNet được Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ trở thành một cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số. Lúc đó, trong tôi rất nhiều cảm xúc, vừa đầy hoài bão của tuổi trẻ vừa đầy áp lực bởi tôi hiểu những kỳ vọng của Bộ trưởng là rất lớn, cũng hiểu trách nhiệm của tờ báo đang phải gánh vác.

Phải thừa nhận rằng, sự khởi đầu là rất khó khăn vì vấn đề mấu chốt của bài toán chuyển đổi số chính là công nghệ. Chúng tôi phải mất 2 năm để tìm đối tác phù hợp vì khi đó, các công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao. Cho đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn đối với các cơ quan báo chí nói chung.

Vậy nên, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi”, song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là rất phức tạp và đắt đỏ. Tất nhiên, dù khó khăn, nhưng chuyển đổi số là con đường không thể khác để phát triển báo chí hiện đại.

chung ta cuon vao chuyen doi so nhung phai giu duoc chat cach mang trong bao chi hinh 1

+ Các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa nhiều, nhưng mục tiêu của VietNamNet trong tương lai là phấn đấu ứng dụng tổ hợp công nghệ hiện đại không chỉ dành riêng cho Báo VietNamNet mà còn cho cả các báo, các trang tin điện tử có nhu cầu… Khát vọng này liệu có là quá lớn không, thưa ông?

- Công cuộc chuyển đổi số báo chí muốn thành công thì một tờ báo, một cơ quan báo chí nỗ lực là chưa đủ mà hành trình ấy đòi hỏi sự đồng hành, dù đi nhanh, đi chậm nhưng không ai bị bỏ lại phía sau. Đã đến lúc các cơ quan báo chí không thể mãi đơn thương độc mã, mạnh ai người ấy làm như đã làm hơn 10 năm qua mà cần phải có sự bắt tay, hợp tác, liên kết kinh doanh giữa cơ quan báo chí với các doanh nghiệp công nghệ thông tin thì mới có điều kiện đủ để quá trình này đạt kết quả như mong muốn.

Như kinh nghiệm từ VietNamNet, một mặt chúng tôi đầu tư xây dựng các ứng dụng phần mềm công nghệ thông qua chiến lược tuyển dụng thêm bộ phận kỹ thuật viên. Đây là bộ phận rất quan trọng, có những kỹ thuật viên chúng tôi trả lương còn cao (hơn) lương Tổng Biên tập.

Đồng thời, ngay đầu năm 2020, VietNamNet đã ký kết hợp tác với CMC Telecom - một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại thị trường Việt Nam. CMC Telecom cung cấp các giải pháp công nghệ giúp chúng tôi có thể phát huy tối đa khả năng cung cấp nội dung trên nền tảng số.

Chúng tôi kỳ vọng thế mạnh công nghệ đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình chuyển đổi số. Đối tác công nghệ phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Báo nhanh, hiệu quả hơn. Dĩ nhiên là, khát vọng về một tổ chức công nghệ có thể mất 2 năm, 5 năm, 20 năm hoặc cũng có thể là không bao giờ cả nếu chúng ta không quyết tâm, không kiên trì, kiên định với con đường mình đã lựa chọn.

Nội dung, công nghệ hay con người?

+ Như vậy có nghĩa là công nghệ rất quan trọng, thưa ông, yếu tố nào là then chốt: Nội dung, công nghệ hay con người đang quyết định việc chuyển đổi số, thưa ông?

- Thực ra, dù là nội dung hay công nghệ thì then chốt vẫn là con người. Con người là trung tâm của mọi sự sáng tạo, con người mới biết nên tổ chức sản xuất nội dung như thế nào, hướng tới đối tượng độc giả nào… Áp dụng công nghệ cũng chỉ là áp dụng công cụ để thúc đẩy mà thôi. Không áp dụng công nghệ, thông tin của chúng ta chỉ có thể lan toả tới một số lượng người nhất định. Còn nếu chúng ta áp dụng công nghệ thì hiệu quả sẽ nâng lên được rất nhiều lần.

Công nghệ giúp lan toả nội dung hiệu quả hơn và còn đưa nội dung trúng đích nữa. Tôi ví dụ như thế này để bạn hình dung, chúng ta sản xuất nội dung rất hay rồi, nhưng chỉ quăng lên Internet với kỳ vọng sẽ có người này người kia đọc. Điều đó khác với việc sử dụng công nghệ để nhắm trúng đối tượng bạn đọc của mình. Đó là chưa kể, sử dụng công nghệ còn giúp chúng ta làm các sản phẩm báo chí hiện đại hơn. Nếu chúng ta làm thông thường, đưa lên website, mobile, cho thêm ảnh, video thì sẽ không hấp dẫn. Nhưng nếu sử dụng công nghệ, graphic tương tác, biết dẫn dắt câu chuyện trực quan thì người dùng sẽ có những trải nghiệm tốt hơn. Hoặc khi chúng ta sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nắm bắt hành vi người dùng thì sẽ biết đối tượng đến với mình, sở thích, thị hiếu, giới tính…

Suy cho cùng sản xuất nội dung để phục vụ bạn đọc, định hướng bạn đọc thì trước tiên phải nỗ lực đưa được nội dung đó tới đông đảo công chúng, đặc biệt là những bạn đọc trung thành của Báo. Cho nên việc hài hòa được các yếu tố về nội dung - công nghệ - con người là rất quan trọng, điều ấy nằm ở tư duy người lãnh đạo, của từng phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn.

+ Ông từng nói rằng: “Chuyển đổi số trước sau thì cũng phải làm. Chất cách mạng trong các cơ quan báo chí, nếu chúng ta không giữ thì sẽ mất dần…”. Vì sao ông lại băn khoăn về điều này, thưa ông?

- Sứ mệnh của báo chí là phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin, khơi dậy và thúc đẩy khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Trong khi đó, mạng xã hội bùng nổ, xu thế báo chí công nghệ trở thành chủ đạo, đời sống kinh tế báo chí trong nước lại khó khăn, các nhà báo và các tờ báo sẽ cần làm gì để thực hiện sứ mệnh đó với đất nước?

Chất cách mạng trong các cơ quan báo chí, nếu chúng ta không giữ thì sẽ mất dần. Làm sao để chúng ta cuốn được vào chuyển đổi số nhưng phải giữ được chất cách mạng trong báo chí. Cho nên, một mặt đổi mới, tăng cường nội dung, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới vào việc làm báo một cách rộng rãi và có hiệu quả rõ rệt nhưng báo điện tử VietNamNet vẫn không quên giá trị cốt lõi của mình, vẫn đầy ắp quyết tâm mạnh mẽ gắn sứ mệnh của tờ báo với sứ mệnh quốc gia, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới chính mình, để những giá trị ấy luôn được tỏa sáng.

+ Và khi ở một cương vị mới…?

- Với VietNamNet tôi luôn coi đây là gia đình lớn, là phần đẹp đẽ và giá trị nhất trong cuộc đời mình để làm hành trang đi tiếp phần còn lại… Tôi cũng rất kỳ vọng và tin tưởng vào Tổng Biên tập mới của Báo, một người anh cùng chí hướng, có tư tưởng đổi mới và cũng am hiểu, quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số. Với sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của lãnh đạo Bộ chủ quản, tôi luôn tin rằng, những công việc sắp tới dù còn nhiều thách thức thì Báo sẽ đoàn kết, đổi mới và phát triển.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Minh (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo