Chuyến công du của bà Harris và câu chuyện “Nước Mỹ đã trở lại”

Thứ sáu, 27/08/2021 09:22 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau sự hiện diện và tương tác tăng dần của các quan chức cấp cao Mỹ, chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Singapore và Việt Nam là bằng chứng mới nhất về mối quan tâm lớn của Washington đối với khu vực ASEAN. "Mỹ đã trở lại" ở Đông Nam Á.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: AFP

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: AFP

Bài liên quan

Đông Nam Á là trọng tâm

Các chuyến thăm cấp cao, tham gia các hội nghị cấp cao do ASEAN dẫn đầu và quyết định tài trợ vắc xin báo trước cho cam kết ngày càng tăng của Mỹ đối với khu vực chiến lược và sôi động này.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến Việt Nam hôm thứ Ba (24/8), sau chuyến thăm đầu tiên tại Singapore. Chuyến đi của bà thể hiện một quyết tâm ngoại giao mạnh mẽ. Nó cũng có thể tạo tiền đề cho Tổng thống Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 10 năm nay tại Brunei.

Sự chuyển hướng này sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với Đông Nam Á là trung tâm, được kỳ vọng sẽ có động lực sau khi Washington rút khỏi cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất ở Afghanistan.

Sau nhiều tháng tập trung vào Tây bán cầu, châu Âu, Trung Đông và Bộ tứ Quad (Đối thoại Tứ giác An ninh), Washington đang chuyển sự chú ý sang Đông Nam Á - khu vực trung tâm của cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc.

Vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã trở thành quan chức Mỹ cấp cao đầu tiên của chính quyền Biden đến thăm khu vực, với chặng dừng chân tại Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Theo sau bà là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đã đến Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tháng Bảy.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tham gia một loạt các cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng với các nước trong khu vực, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Cách tiếp cận gần đây của Washington nhắm vào các ưu tiên chính của khu vực Đông Nam Á. Việc khởi động chính sách ngoại giao vắc xin và ủng hộ nỗ lực phục hồi kinh tế cho thấy Mỹ đánh giá cao chương trình nghị sự của khu vực.

Khi biến thể Delta của Covid-19 hoành hành khắp khu vực, việc cung cấp hàng triệu liều vắc xin giúp Mỹ có được coi trọng hơn rất nhiều. Hơn nữa, sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc thực hiện ngay lập tức Đồng thuận 5 điểm về Myanmar - đạt được trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Jakarta vào tháng 4 - cho thấy sự công nhận vai trò trung tâm của ASEAN.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ nỗ lực tham gia mọi sân chơi tại Đông Nam Á để hạn chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, tạo ra nhiều lựa chọn cho các nước trong khu vực để thực hiện quyền tự chủ tốt hơn. 

Việc Mỹ thành lập Văn phòng CDC của Mỹ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, một trong bốn Văn phòng khu vực của CDC Mỹ trên toàn thế giới, và việc ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội với sự hiện diện của bà Harris, là bằng chứng cho thấy Mỹ coi trọng ASEAN và khẳng định sự cam kết gắn bó lâu dài với khu vực. 

"Chúng tôi có cam kết lâu dài với mối quan hệ này, bởi vì mối quan hệ quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của cả người dân Mỹ và người dân Việt Nam", Phó Tổng thống Mỹ Harris phát biểu trong cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam. 

"Đông Nam Á là trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam có tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ. Mỹ dự định tăng cường sự tham gia của chúng tôi trong quan hệ đối tác với các đối tác và đồng minh, củng cố lợi ích của chúng tôi theo cách hợp tác ứng phó những thách thức của hiện tại và tương lai", bà Harris khẳng định.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tổ chức một cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 23 tháng 8 - Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tổ chức một cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 23 tháng 8 - Ảnh: Reuters

Làm sâu sắc hơn về hợp tác kinh tế và an ninh

Kinh tế và an ninh là những yếu tố chính thúc đẩy Washington chuyển sang gắn kết sâu sắc hơn với khu vực. Chuyến thăm của bà Harris tới Singapore và Việt Nam - hai quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - nhằm khẳng định sự cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, như một phần của chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Quả thật, Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chiếm nhiều vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cộng lại. Với hơn nửa tỷ người, một nửa trong số họ cư trú tại các thành phố lớn và có độ tuổi trung bình là 30, lực lượng lao động và tiềm năng thị trường của khu vực là vô cùng lớn.

Sự thâm nhập Internet ngày càng tăng cũng khiến khu vực này trở thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số triển vọng nhất thế giới.

Mỹ đang phối hợp với các đối tác như Nhật Bản, Úc và nhóm G7 (bảy nước công nghiệp hàng đầu) để cung cấp một giải pháp thay thế cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Trung Quốc thúc đẩy, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng đang phát triển của khu vực.

Dẫu vậy, Đông Nam Á có vô số những nguy cơ xung đột tiềm ẩn, nhất là trên Biển Đông. Việc Mỹ phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông; triển khai các tàu tuần tra tới khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng hải; hay việc Washington kêu gọi tham vấn nhiều hơn và chia sẻ công bằng các nguồn nước sau khi Trung Quốc xây các đập ở thượng nguồn sông Mekong làm giảm lưu lượng nước đến các nước hạ lưu, giành được sự chú ý và các quốc gia hoan nghênh.

Quyết định lựa chọn Singapore và Việt Nam làm điểm đến cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris phản ánh những nền tảng an ninh và kinh tế vững chắc mà Mỹ hướng tới đối với khu vực trong tương lai. 

Singapore là quốc gia nhận vốn nước ngoài lớn thứ tư trên thế giới vào năm ngoái. Quốc gia-thành phố này là trung tâm đầu tư trong toàn khu vực và là quê hương của một số kỳ lân hàng đầu, chẳng hạn như Sea, Grab và Lazada. Đây là quốc gia duy nhất trong khu vực mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do.

Singapore cũng cung cấp các cơ sở hải quân và không quân của Mỹ thông qua hiệp ước 1990 được gia hạn vào năm 2019 để cho phép tiếp tục tiếp cận trong 15 năm nữa cho đến năm 2035. Với việc Philippines, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, chậm thực hiện gia hạn thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng VFA, dẫn tới vị thế của Singapore càng được nâng cao.

Trong tháng 8, Singapore đã tổ chức lần thứ 20 các cuộc tập trận hàng hải về Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á (SEACAT) do Mỹ dẫn đầu. Cuộc tập trận năm nay quy tụ 21 quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến đi đầu tiên của bà Harris đến châu Á với tư cách là Phó Tổng thống, là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, vượt qua Ấn Độ và một số nước châu Âu. Đây là nguồn nhập khẩu lớn thứ sáu của Mỹ và đứng thứ ba trong số các quốc gia mà Mỹ nhập siêu lớn nhất sau Trung Quốc và Mexico.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm thu hút hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài khi tăng vài bậc để trở thành nước nhận đầu tư nước ngoài lớn thứ 19 thế giới vào năm ngoái, bất chấp cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Không chỉ sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà Việt Nam còn đóng góp nhiều tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (tháng 4/2021), nhằm duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cùng có lợi cũng như duy trì trật tự quốc tế.  

Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian qua liên tục được tăng cường và mở rộng với những hoạt động thiết thực. Năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng thực thi pháp luật nghề cá của Việt Nam, đồng thời Mỹ cũng cung cấp cho Việt Nam một số tàu phục vụ tuần tra ven biển. 

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà Harris đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước khi tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với Việt Nam thông qua viện trợ vắc xin COVID-19; hỗ trợ 23 triệu đô la cho cuộc chiến chống đại dịch; đề nghị hỗ trợ tăng cường an ninh hàng hải của Việt Nam bao gồm các chuyến thăm của tàu và hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ; khởi động một số chương trình giúp chống lại biến đổi khí hậu, thông qua một dự án USAID kéo dài 5 năm, trị giá 36 triệu đô la nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam. 

"Việt - Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác. Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết các thách thức truyền thống cũng như những vấn đề trong tương lai, trong những thách thức đó cũng có những cơ hội để chúng ta tạo ra khía cạnh mới của mối quan hệ", bà Harris nói. "Chúng tôi mong người Việt biết rằng chúng tôi sẽ luôn ở bên các bạn", bà khẳng định và nói thêm rằng "ngay trong thời kỳ đại dịch, Việt - Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường quan hệ kinh tế".

Chính quyền Mỹ nhiều lần thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, chuyến thăm của bà Harris một lần nữa củng cố tầm quan trọng ngày càng tăng của Hiệp hội các nước ASEAN đối với các tính toán chiến lược của Hoa Kỳ.

Lời kêu gọi tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng cũng như những cam kết thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong một phát biểu tại Singapore và Việt Nam của bà Harris cho thấy niềm tin mạnh mẽ của Mỹ đối với sức mạnh và tiềm lực khu vực, đồng thời nhấn mạnh các động lực kinh tế và an ninh mạnh mẽ không phải là một lợi ích ngắn hạn. 

Sau chuyến công du của bà Harris tới Đông Nam Á, một chương mới dường như đã mở ra trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cũng như Mỹ và khu vực. Như tuyên bố của Tổng thống Joe Biden đã từng nói "nước Mỹ đã trở lại", và điều đó bao gồm sự trở lại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Phan Nguyên

Bình Luận

Tin khác

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế