'Chuyện cũ kể mới': Khi di sản hóa thành sản phẩm văn hóa
(CLO) Ngày 20/7, diễn đàn “Chuyện cũ kể mới: Từ chất liệu di sản đến sản phẩm văn hóa” đã diễn ra tại Complex 01 (Hà Nội) trong không khí sôi nổi và đầy cảm hứng.
Không đơn thuần là một sự kiện chuyên môn, diễn đàn là nơi các thiết chế văn hóa, cộng đồng thực hành di sản, nghệ sĩ, nhà thiết kế và các doanh nghiệp sáng tạo cùng ngồi lại để trả lời một câu hỏi thiết yếu của thời đại: Làm thế nào để di sản không chỉ được bảo tồn, mà còn được kể lại bằng ngôn ngữ sáng tạo của hôm nay?
Diễn đàn được tổ chức với kỳ vọng mở ra một không gian kết nối xuyên ngành, nơi những người làm văn hóa – nghệ thuật – thiết kế – nghiên cứu – kinh doanh – phát triển cộng đồng cùng đối thoại về cách khai thác chất liệu di sản trong thiết kế sáng tạo, để từ đó hình thành những sản phẩm văn hóa mang đậm dấu ấn cộng đồng.

Sự kiện quy tụ dàn diễn giả giàu kinh nghiệm và tâm huyết, trong đó có ThS. Bùi Thị Hương Thủy – Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội; TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám; bà Trần Tuyết Lan – Giám đốc Craft Link.
Với mục tiêu kết nối giữa di sản – thiết kế – công nghiệp sáng tạo – thị trường, diễn đàn khơi gợi lại những chất liệu văn hóa lâu đời: lụa, mây tre đan, thổ cẩm, gốm, tranh dân gian... nhưng đặt chúng vào ngữ cảnh hoàn toàn mới. Không chỉ trưng bày hay lưu giữ, các đại biểu cùng nhau bàn về chuyện di sản có thể trở thành sản phẩm, trở thành thương hiệu, trở thành công cụ giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ mới.
ThS. Bùi Thị Hương Thủy cho hay, chúng ta không chỉ bảo tồn di sản mà cần tái tạo nó một cách sống động. Điều đó đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết văn hóa, kỹ năng sáng tạo và công cụ công nghệ.
Tại buổi thảo luận, các diễn giả đã nhấn mạnh vai trò của cơ sở dữ liệu và nền tảng tri thức trong việc tiếp cận và kết nối các chuyên gia, nghệ nhân, cũng như cộng đồng sáng tạo. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu không chỉ giúp các bạn trẻ dễ dàng bắt đầu công việc mà còn mở rộng kết nối giữa các thực hành văn hóa và các chuyên ngành nghiên cứu liên quan.
Một vấn đề lớn được đề cập là quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đặc biệt là khi một sản phẩm vừa mang tính di sản truyền thống, vừa có sự tham gia của các nhà thiết kế hiện đại. Có không ít trường hợp khi sản phẩm hoàn thiện, quyền sở hữu lại thuộc về doanh nghiệp đăng ký, thay vì nghệ nhân sáng tạo ra phần di sản ban đầu hoặc nhóm thiết kế trẻ thực hiện phần cải tiến.
Đại diện một số đơn vị cho biết, quá trình đăng ký quyền sở hữu với những sản phẩm thuộc loại "giao thoa" như vậy thường gặp khó khăn vì nó chạm đến những vùng "xám" giữa di sản phi vật thể và tài sản trí tuệ hiện đại.
Bên cạnh phần diễn đàn chính, khu vực kết nối sáng tạo thu hút đông đảo người tham dự với sự góp mặt của hơn 13 tổ chức và thương hiệu thủ công tiêu biểu, gồm Đèn giấy nghệ thuật Rinstore; Lam An; Đồ thủ công nhà Napo; Craftivity; Nhịp Phố; Bối Ân; Lamphong Studio; Cool Vietnam; Nghề Nghệ Art Fair; Mộc bản Thanh Liễu; Comicola; Tò he Đặng Văn Hậu; Hoa Tiến Brocade.
Mỗi gian trưng bày không chỉ là một sản phẩm đẹp mắt, mà còn là một câu chuyện về vùng đất, về con người, về kỹ thuật và cảm hứng. Mỗi sợi vải, mỗi nét khắc là một dòng lịch sử sống động. Người trẻ hôm nay không thiếu ý tưởng. Cái họ cần là cơ hội để biến cảm hứng thành sản phẩm.








Sự kiện cũng giới thiệu cuộc thi sáng tạo dựa trên di sản “Theo bước di sản cộng đồng”, hướng đến người trẻ từ 18–30 tuổi. Cuộc thi khuyến khích người tham gia tiếp cận trực tiếp với cộng đồng sở hữu di sản, từ đó phát triển các ý tưởng sản phẩm công nghiệp văn hóa mang tinh thần “chuyện cũ kể mới”.
Website disanketnoi.vn – một nền tảng số mở do nhóm tổ chức phát triển – cũng chính thức ra mắt, đóng vai trò như “thư viện sống” để lưu trữ, chia sẻ, và mở rộng kho dữ liệu di sản cho cộng đồng thiết kế và sáng tạo.
Không chỉ là buổi chia sẻ kinh nghiệm hay truyền cảm hứng đơn thuần, “Chuyện cũ kể mới” được tổ chức để thúc đẩy hợp tác liên ngành, mở ra những giao điểm mới giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và đổi mới.