Chuyện một xã hai làng nghề truyền thống ở Huế: Vật vã mưu sinh, lo lắng giữ nghề!

Thứ năm, 01/09/2022 09:44 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, Phú Mậu là một xã nổi tiếng và độc đáo khi có tới hai làng nghề truyền thống: Làng Sình làm tranh và làng Thanh Tiên làm hoa giấy. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, đến nay hai làng nghề tại Phú Mậu đang đứng trước nguy cơ mai một.

Vật vã mưu sinh với nghề truyền thống

Xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, hợp thành bởi 6 thôn, trong đó Lại Ân và Thanh Tiên là hai thôn được biết đến nhiều nhất, bởi ở đây có nghề làm tranh và làm hoa giấy truyền thống, trở thành nét văn hóa đặc sắc, góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế.

chuyen mot xa hai lang nghe truyen thong o hue vat va muu sinh lo lang giu nghe hinh 1

Nghệ nhân tranh dân gian làng Sình - Kỳ Hữu Phước - Ảnh: Quang Hùng

Theo sử sách, làng Sình là tên Nôm của làng Lại Ân - một trong những ngôi làng xuất hiện rất sớm ở Đàng Trong. Đối diện làng Lại Ân là cảng sông Thanh Hà và phố cổ Bao Vinh nổi tiếng một thời. Từ thế kỷ XV, người dân các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đến đây và lập ra ngôi làng Lại Ân, biến nơi đây thành trung tâm buôn bán sầm uất và trung tâm văn hóa tại mảnh đất cố đô.

Khung cảnh mua bán tấp nập ở làng Sình từng được đưa vào văn thơ như: “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh”, hay “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc - Giục khách thương mua một bán mười”.

Làng Sình có nghề làm tranh mộc bản cổ truyền, để thờ cúng và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng dân gian. Cho đến nay, nghề làm tranh ở đây đã được 450 năm. Ngay cạnh làng Sình là làng Thanh Tiên, chuyên làm hoa giấy để trang trí và thờ cúng. Nghề làm hoa giấy tại Thanh Tiên cũng trải qua hơn 300 năm.

Nhờ bàn tay tài hoa và óc tưởng tượng của các nghệ nhân, những sản phẩm phong phú, đa dạng của tranh làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân Huế, mà còn được đưa đi bán ở khắp các vùng Hóa Châu xưa. Cứ thế, làng nghề được phát triển và lưu truyền trong suốt mấy trăm năm.

Từng là nơi buôn bán sầm uất và được ưa chuộng là thế, nhưng trải qua thời gian với nhiều biến cố, làng Sình và Thanh Tiên giờ vắng vẻ hơn xưa. Các sản phẩm của họ giờ cũng lay lắt trên thị trường.

chuyen mot xa hai lang nghe truyen thong o hue vat va muu sinh lo lang giu nghe hinh 2

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người duy nhất còn lại ở làng Sình nắm giữ bí quyết làm tranh - Ảnh: Quang Hùng

Theo chân một cán bộ xã Phú Mậu, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận tới làng Sình và làng Thanh Tiên để tìm hiểu về thực trạng của hai làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời ở xứ Huế này. Người chúng tôi gặp gỡ đầu tiên là ông Kỳ Hữu Phước - nhân vật được xem nghệ nhân cuối cùng nắm giữ bí quyết làm tranh làng Sình.

Chia sẻ với PV, ông Phước ngậm ngùi nói: “Làng Sình không còn nhộn nhịp bán buôn như trước. Số gia đình làm tranh cũng giảm phần lớn, chỉ còn vài chục hộ cố bám nghề, nhưng chủ yếu làm tranh tín ngưỡng tranh thủ lúc nông nhàn và vào dịp lễ, Tết”.

Ông Phước cho biết, các công đoạn làm tranh làng Sình mất nhiều thời gian và tỉ mỉ, nên thu nhập so với công sức bỏ ra không đáng là bao, nhiều gia đình không thể bám trụ. Ông nói, để làm xong một sản phẩm tranh, ví như bộ lịch treo tường phải mất 2 ngày và chỉ bán được 600 nghìn, tương đương 300 nghìn/ngày. Dù nghề làm tranh không thể giàu có, nhưng ông Phước cho rằng đó vẫn là điều hạnh phúc, bởi vẫn còn có người tiêu thụ và có người trân trọng tranh làng Sình.

Tình trạng kinh doanh khó khăn tương tự cũng đang diễn ra ở làng hoa giấy Thanh Tiên. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Hiếu - chủ cơ sở làm hoa giấy Nguyễn Hóa cho biết: “Làng giờ chỉ còn vài chục hộ làm hoa giấy. Hầu hết các gia đình đã bỏ nghề để chuyển làm công việc khác thu nhập cao hơn. Để tạo ra một cành hoa giấy nhưng chỉ có giá từ 5-7.000 đồng, một nghệ nhân tốn khoảng 3 giờ làm. Còn đối với dòng hoa trang trí như hoa sen, thợ làm hoa chuyên nghiệp một ngày cũng chỉ có thể làm ra tối đa 12 bông, với giá dao động 25-40.000đ tuỳ theo kích cỡ hoa. Cứ đà này, tôi lo nghề làm hoa giấy sẽ thất truyền”.

chuyen mot xa hai lang nghe truyen thong o hue vat va muu sinh lo lang giu nghe hinh 3

Anh Nguyễn Hiếu, chủ cơ sở làm hoa giấy Nguyễn Hóa ở Thanh Tiên - Ảnh: Quang Hùng

Qua tìm hiểu, ở làng Sình giờ chỉ còn mình gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước ngoài làm tranh tín ngưỡng còn làm tranh dân gian vừa để bán, vừa để phục vụ cho du khách tham quan du lịch trải nghiệm. Các gia đình khác hầu như chỉ sản xuất tranh khi vào cao điểm và có người đặt hàng. Ở làng Thanh Tiên, cơ sở hoa giấy Nguyễn Hóa cũng là địa chỉ gần như duy nhất sản xuất quanh năm.

Theo bác Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Chi bộ thôn Lại Ân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của các làng nghề tại xã Phú Mậu, nhưng yếu tố không nhỏ là do sản phẩm tranh làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên phải cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm đa dạng cùng loại, được sản xuất công nghiệp, vừa rẻ vừa đẹp.

Nỗ lực thay đổi và những nỗi lo

Nhận thức được khó khăn và nguy cơ mai một của nghề làm tranh, gia đình ông Kỳ Hữu Phước đã mày mò để tạo ra những sản phẩm đa dạng hơn ngoài dòng tranh tín ngưỡng phục vụ thờ cúng. Điều thuận lợi là ông Phước nắm giữ bí quyết làm tranh. Bản thân ông là nghệ nhân duy nhất trong làng có thể làm các mẫu mộc bản và tự làm giấy dó. Trong khuôn viên của gia đình, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước trưng bày rất nhiều sản phẩm, cả mẫu tranh truyền thống và những mẫu mới khá sinh động và bắt mắt.

chuyen mot xa hai lang nghe truyen thong o hue vat va muu sinh lo lang giu nghe hinh 4

Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên đang đối diện với nguy cơ mai một khi nhiều gia đình bỏ nghề do không đảm bảo cuộc sống - Ảnh: Quang Hùng

Anh Nguyễn Hiếu, chủ cơ sở làm hoa giấy Nguyễn Hóa, là một trong những nghệ nhân đi đầu trong việc nghiên cứu, tìm tòi và khôi phục công đoạn sản xuất hoa giấy bị thất truyền. Nếu như trước đây gia đình anh chủ yếu làm các loại như hoa Bìm Bìm (Loa kèn), hoa Cúc đơn, hoa Cúc kép, hoa Mắm nêm… để phục vụ thờ cúng, thì nay cơ sở Nguyễn Hóa có thêm nhiều loại hoa phục vụ trang trí, đặc biệt là hoa sen. Sản phẩm hoa sen tinh xảo đến mức người mua khó phát hiện là hoa giả và sản phẩm này trở thành món hàng được ưa chuộng, khách hàng ở nhiều nơi đặt mua như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Quốc…

Cùng với nỗ lực hỗ trợ quảng bá sản phẩm của chính quyền bằng nhiều hình thức, gia đình ông Phước ở làng Sình và cơ sở Nguyễn Hóa ở Thanh Tiên đã và đang trụ được với nghề truyền thống. Tuy nhiên, đây là hai trường hợp hiếm hoi còn lại, khi hầu hết các gia đình ở hai làng của xã Phú Mậu đều không còn mặn mà với nghề. Bởi theo như anh Nguyễn Hiền, “Nghề làm hoa giấy không đủ sống. Nếu không có những thay đổi, chắc chắn sẽ còn nhiều người bỏ nghề”.

Thực ra, trong những năm qua Tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều năm qua có chủ chương và giải pháp để bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, ưu tiên gắn làng nghề với du lịch. 7 kỳ Festival nghề truyền thống Huế trong gần 15 năm đã tác động không nhỏ đến sự hồi sinh của các ngành nghề truyền thống Huế.

Song, hiệu quả của các chương trình này vẫn chưa cao, nhiều làng nghề vẫn trong tình trạng khó khăn về đầu ra của sản phẩm, cũng như việc các nghệ nhân rời bỏ nghề để chuyển sang làm công việc khác ngày một nhiều. Thực trạng này đang diễn ra ở làng Sình và làng hoa giấy Thanh Tiên, những làng nghề trọng điểm được công nhận bảo tồn tại Huế.

chuyen mot xa hai lang nghe truyen thong o hue vat va muu sinh lo lang giu nghe hinh 5

Các mộc bản để làm tranh làng Sình - Ảnh: Quang Hùng

Thách thức với các cấp chính quyền ở Huế hiện nay không chỉ nằm ở việc cần tăng cường hỗ trợ các làng nghề để bao tiêu sản phẩm, công tác truyền nghề cũng là một thách thức không nhỏ. Đây cũng chính là một nhiệm vụ được đề cập trong “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”, được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt ngày 7/7/2022.

Ở làng Sình hiện nay, ông Kỳ Hữu Phước, 75 tuổi, là nghệ nhân duy nhất còn giữ được bí quyết làm tranh. Việc tổ chức các lớp học truyền nghề ở làng Sình đang gặp khó khăn bởi ngay cả ông Phước vẫn chưa muốn dạy nghề cho người ngoài gia đình!

Chia tay Phú Mậu, chúng tôi ra về với nhiều tâm sự. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của anh Nguyễn Hiếu và nếp nhăn hằn lên trên khuôn mặt nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, chúng tôi tự hỏi, mai này tranh làng Sình, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên sẽ thế nào…

Hữu Kế

Tin khác

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

(CLO) Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

Đời sống văn hóa
Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

(CLO) Đêm rằm Trung thu (17/9), người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được ngắm siêu Trăng tròn khổng lồ, màu cam cháy tuyệt đẹp.

Đời sống văn hóa
Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

(CLO) Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các tài khoản đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc về việc “rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt 10 nghìn đồng”.

Đời sống văn hóa
Nỗi đau chẳng của riêng ai

Nỗi đau chẳng của riêng ai

(CLO) Đồng cảm và chia sẻ nỗi mất mát bà đau thương tột cùng do cơn bão số 3 gây ra, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã viết bài thơ NỖI ĐAU CHẲNG CỦA RIÊNG AI phản ánh ý chí và nghĩa tình của nhiều giai tầng xã hội, đặc biệt của các lực lượng quân đội, công an chung tay vượt qua nỗi đau, dồn sức cứu người là trên hết, trước hết.

Đời sống văn hóa
Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

(CLO) Ngày mai (18/9), tại Rạp Kim Mã (số 71 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật "Tâm sự quê" nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh/thành miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua.

Đời sống văn hóa