“Cửa sổ vỡ” trong sáng tạo nghệ thuật...

Thứ năm, 27/05/2021 09:59 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vốn là một lý thuyết về tội phạm, nhưng chiếu sang đời sống sáng tạo nghệ thuật, lý thuyết “Cửa sổ vỡ” không phải không có những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Bắt nguồn từ một thí nghiệm do nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Stanford thực hiện vào năm 1969, hai nhà xã hội học James Q. Wilson và George L. Kelling đã đưa ra lý thuyết Cửa sổ vỡ (Broken Windows Theory) - một lý thuyết về tội phạm học trên tạp chí Atlantic hằng tháng, số tháng 3/1982.

Lý thuyết này nêu lên vấn đề các hành vi tội phạm lây lan trong xã hội được ví như những ô cửa sổ nhỏ trong 1 tòa nhà. Giả sử, có một tòa nhà với vài ô cửa sổ bị vỡ kính. Các ô cửa này nếu không được sửa chữa kịp thời thì những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng phá thêm vài ô cửa nữa. Dần dần, chúng sẽ đột nhập vào tòa nhà đó và thực hiện các hành vi phạm pháp tiếp theo.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: Không có ai sửa ô cửa nhỏ bị vỡ.

Trong cuốn sách “Sửa chữa những cửa sổ vỡ: Thiết lập trật tự và giảm thiểu tội phạm trong cộng đồng” (nguyên văn: Fixing Broken Windows: Restoring Order and Reducing Crime in Our Communities) xuất bản năm 1996 cùng với Catharine Coles, George L. Kelling đã nêu ra biện pháp để hạn chế việc lây lan những hành động tội phạm, những hành động phá hoại trong xã hội.

Trích đoạn tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng và bản tranh nhái bằng chất liệu kim loại gò.

Trích đoạn tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng và bản tranh nhái bằng chất liệu kim loại gò.

Đó là: “Giải quyết các vấn đề khi nó còn rất nhỏ, sửa chữa các cửa sổ trong khoảng thời gian rất ngắn, khi đó những kẻ phá hoại sẽ không có xu hướng làm vỡ thêm hoặc hư hại thêm. Dọn dẹp đường phố mỗi ngày để rác không còn tích lũy. Thì từ đó tỷ lệ xả rác cũng sẽ ít hơn”.

Tháng 5/2019, trong nước, một nhóm các họa sĩ phát hiện nhiều công ty áo dài đã đạo nhái trái phép nhiều tác phẩm của mình, in lên áo dài để bán kinh doanh. Họa sĩ Bùi Trọng Dư đã thành lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” và cùng nhau đấu tranh với hành vi sai trái này.

Sự nỗ lực đấu tranh của các “nạn nhân” cùng sự đồng hành của luật sư và báo chí đã khiến các đơn vị sản xuất áo dài phải xin lỗi nhận sai, xóa bỏ những mẫu áo dài sử dụng trái phép bản quyền tranh của các họa sĩ. Sự việc này thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí truyền thông và những người yêu nghệ thuật.

Ngày 13/5/2019, nhóm quyết định trở thành nhóm mở với mục đích cùng các họa sĩ tự bảo vệ các tác phẩm của mình thông qua việc phát hiện và đấu tranh đòi quyền lợi khi phát hiện các tác phẩm của mình bị đạo, nhái hay sử dụng mà không xin phép hoặc mua bản quyền. Kể từ đây, nhiều vụ việc xâm phạm bản quyền tác phẩm của các họa sĩ đã được đưa ra.

Gần đây nhất là vụ việc họa sĩ Hà Hùng Dũng phát hiện tranh của mình bị “biến tấu” thành tranh gò đồng treo tại khu nghỉ dưỡng A.R. ở Mai Châu, Hòa Bình. Anh than thở: “Resort 5 sao mà xài hàng fake. Rồi họ sẽ đổ lỗi cho nhà đầu tư, nhà đầu tư đổ lỗi cho bên thiết kế, bên thiết kế đổ cho... chỉ có trời biết. Riết rồi cũng quen...”.

Ít ngày sau, đúng như tiên lượng của họa sĩ Hà Hùng Dũng, anh nhận được phản hồi của khu nghỉ dưỡng A.R. rằng: “Với vai trò là người đi mua tác phẩm, chúng tôi không hề biết cũng như không có chủ ý về sự việc này”. Và để “tri ân tới sáng tạo nghệ thuật”, họ bày tỏ việc “mong muốn được mua một tác phẩm” của họa sĩ.

Nạn nhân của sự xâm hại về bản quyền nhìn nhận đây như “một sự bù đắp tổn thương của họa sĩ”. Và nhiều người tán thưởng pha xử lý này “đẹp và đáng khen”.

Thật lạ lùng, kẻ vi phạm pháp luật trắng trợn đột nhiên trở thành một thứ được ca ngợi.

Không chỉ mỹ thuật, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng các “thợ vẽ” sao chép nội dung ảnh chụp để chuyển sang biểu hiện bằng hội họa diễn ra nhan nhản.

“Ngày xuân ở Lao Xa”. Ảnh: Lê Bích. Tác phẩm từng bị trộm cắp, chuyển thể thành sơn mài.

“Ngày xuân ở Lao Xa”. Ảnh: Lê Bích. Tác phẩm từng bị trộm cắp, chuyển thể thành sơn mài.

Điển hình là trường hợp của nhiếp ảnh gia Lê Bích. Đi nhiều, chụp nhiều, có vô số các bức ảnh của anh đã bị biến thành “nguyên liệu” để những tay “thợ vẽ” biến thành tác phẩm hội họa. Để từ đó, nó đàng hoàng được bán cho người chơi tranh với giá cao.

Năm ngoái, anh Lê Bích phát hiện một bức ảnh của mình được chuyển thành tranh một cách trắng trợn. Liên hệ với H.H - người vẽ bức tranh, anh nhận được lời xin lỗi vì “không biết ảnh của ai” nên chưa kịp xin phép và xin được tha thứ và đền bù “tổn thất tinh thần”.

Sự việc chưa đi vào quên lãng thì mới đây, anh Lê Bích lại phát hiện ra vẫn là H.H. lại tiếp tục “ăn cắp” một bức ảnh khác của anh để chép thành tranh. Và điệp khúc xin lỗi lại tiếp tục được cất lên, lại tiếp tục được tha thứ.

Có thể thấy, hầu hết các vụ việc xâm hại bản quyền tác phẩm được giải quyết theo một phương thức duy nhất là thương thuyết giữa kẻ cắp và nạn nhân. Vấn đề nằm ở chỗ, kẻ cắp sẵn sàng trộm cắp và chỉ nhận sai khi bị phát hiện. Vòng quay “trộm cắp – bị phát hiện – thương thuyết – đền bù – tiếp tục trộm cắp” lặp đi lặp lại không có hồi kết. Cũng bởi chủ nhân sáng tạo đã quá dễ dãi với đạo tặc.

Đời sống nghệ thuật có những “ô cửa sổ vỡ” trong sự trì trệ về tư duy sáng tạo. Còn những “ô cửa sổ vỡ” khác, đó chính là sự dễ dãi thỏa hiệp của người sáng tạo khi chính đứa con trong lao động của mình bị xâm hại.

Một mặt, nghệ sĩ muốn có một môi trường chuyên nghiệp, lành mạnh. Mặt khác lại luôn dễ dãi với chính chất xám của mình. Chính sự dễ dãi này đã tạo ra “ô cửa” dung túng cho đám con buôn bất tín và những tay “thợ vẽ” khoác áo “họa sĩ”.

Tử Hưng

Tin khác

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa
Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật 'Khúc hát tự hào'

Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật "Khúc hát tự hào"

(CLO) Chương trình "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" được tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi, cũng như sự tham gia biểu diễn của hàng trăm người dân Tây Ninh.

Đời sống văn hóa