Cuộc chiến Nga - Ukraine: Những hệ lụy ám ảnh!

Thứ sáu, 06/01/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi thế giới chỉ vừa hồi phục sau đại dịch COVID-19 thì cuộc chiến Nga - Ukraine đã nổ ra vào ngày 24/2/2022. Chỉ một cuộc chiến nhưng đã gây ra hàng loạt cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống toàn cầu, từ lạm phát, năng lượng, lương thực…, thậm chí làm lung lay cả nền hòa bình thế giới.

Khủng hoảng lương thực, năng lượng… và còn hơn thế

Chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự với hàng loạt tên lửa lao đến thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine, thì một cuộc chiến khác đã bắt đầu. Phương Tây lập tức đáp trả lại bằng hàng loạt lệnh cấm vận, nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Và kể từ đây, chuỗi domino khủng hoảng toàn cầu đã được kích hoạt, sự yên bình của thế giới đã bị phá vỡ.

Nếu cuộc tấn công của Nga làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Ukraine, thì cuộc chiến trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt nhiều ngành kinh tế của Nga. Chỉ tính đến ngày 1/3, tổng tài sản của Nga bị đóng băng đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Tác động của cuộc chiến trừng phạt còn khiến hầu hết các thương hiệu nước ngoài lần lượt rời khỏi thị trường Nga, từ Unilever, McDonald’s, Coca-Cola, Starbucks, Microsoft, Facebook, Apple… cho đến Boeing.

Phương Tây thậm chí đã cấm vận hầu hết mọi mặt hàng của Nga, từ kim loại quý như vàng bạc, bạch kim, rượu vodka, đồ gỗ… cho đến cuối cùng là cả dầu thô. Tính đến tháng 9/2022, Nga đã chịu tới không dưới 11.000 lệnh trừng phạt. Gần như chỉ duy nhất khí đốt tự nhiên, lương thực và phân bón của Nga không nằm trong lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Nga lại chủ động cắt nguồn cung cấp khí đốt sang phương Tây. Trong khi đó, do cuộc chiến ở Ukraine, các hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

cuoc chien nga  ukraine nhung he luy am anh hinh 1

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã tác động nặng nề đến đời sống của người dân 2 nước cũng như của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: AP

Để rồi từ đó, một loạt cuộc khủng hoảng thứ phát đã xuất hiện và đánh trực diện vào sinh kế của người dân toàn cầu, đặc biệt ở các nước nghèo vốn đã kiệt quệ sau đại dịch COVID-19. Phân bón, lương thực và năng lượng là những thứ cơ bản để duy trì cuộc sống, thì giờ ở nhiều nước đã bị cắt đứt nguồn cung.

Năm 2022, giá lúa mì tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Lý do đơn giản vì trước cuộc chiến, Nga và Ukraine cùng chiếm 27% lượng lúa mỳ xuất khẩu của thế giới, cũng như 53% hạt hướng dương và hạt giống toàn cầu. Ngay từ tháng 3, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể đưa cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lên “mức cao hơn bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây”.

Thật không may, dự báo đó đã xảy ra. Cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ gần đây đã diễn ra trên khắp thế giới. Cộng hưởng với biến đổi khí hậu, COVID và sự gián đoạn nguồn cung, cuộc chiến Ukraine đã khiến giá lương thực tăng lên 40% vào tháng 3/2022 và tiếp tục ở mức cao sau đó.

Vào giữa tháng 9/2022, Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có” với 345 triệu người đang đối mặt với nạn đói - gồm 70 triệu người đã bị đẩy gần đến mức có thể chết đói bởi cuộc chiến ở Ukraine.

cuoc chien nga  ukraine nhung he luy am anh hinh 2

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sụt giảm xấp xỉ 1% so với dự báo. Ðồ họa: Liên hợp quốc

Ngoài thiếu lương thực và phân bón, thế giới còn thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng từ cuộc chiến ở Ukraine, qua đó đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát khủng khiếp. Trước cuộc xung đột, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê Út. Trong vòng hai tuần đầu tiên của cuộc xung đột, giá dầu thế giới đã lần đầu tăng lên trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014.

Hàng dài km người dân Sri Lanka mang theo can để mua xăng dầu, trước khi nước này vỡ nợ, là một hình ảnh biểu tượng trong cuộc khủng hoảng năng lượng 2022, mà cuộc chiến ở Ukraine là đòn đánh quyết định. Ngay cả tại châu Âu, người dân khắp các quốc gia cũng phải thắt chặt chi tiêu, bởi giá mọi mặt hàng tiêu dùng, năng lượng đều tăng đột biến do cuộc chiến ở Ukraine. Các công trình biểu tượng như Tháp Effel ở Pháp hay Cổng Brandenburg ở Đức cũng thường xuyên phải tắt điện vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng.

Những nỗi đau không thể đong đếm

Tất nhiên, Nga và Ukraine mới là những quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc chiến. Chiến tranh luôn mang lại nỗi thống khổ, gồm cả những cái chết cho người ra trận và dân thường. Rất khó để xác định chính xác số người thiệt mạng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, theo một thống kê sơ bộ của Liên hợp quốc đến tháng 11/2022, thì đã có ít nhất 6.430 thường dân thiệt mạng ở Ukraine và hàng chục nghìn người khác bị thương. Chính phủ Nga và Ukraine cũng đều xác nhận con số khoảng 10.000 binh lính tử trận mỗi bên trên chiến trường chỉ sau khoảng 6 tháng đầu của cuộc chiến.

cuoc chien nga  ukraine nhung he luy am anh hinh 3

Cuộc chiến hiển nhiên đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả người dân hai nước, tùy mức độ khác nhau. Đặc biệt ở Ukraine, hàng triệu dân thường đã phải rời bỏ cơ nghiệp và mái ấm của mình để tránh bom đạn. Liên hợp quốc báo cáo hơn 7 triệu người Ukraine đã phải tha hương đến các quốc gia khác cho đến cuối tháng 9/2022, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Chỉ sau vài tuần đầu cuộc chiến, hơn một nửa số trẻ em Ukraine đã phải rời bỏ đất nước. Ukraine khi đó đã trở thành một đất nước không còn tiếng cười của trẻ thơ.

Ngoài ra còn có tới khoảng 10 triệu người Ukraine khác đã phải trở thành người tị nạn trên chính quê hương của mình. Có nghĩa, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến gần một nửa trong tổng số hơn 41 triệu dân của Ukraine trở thành người tị nạn hoặc phải trực tiếp ra chiến trường. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2, tức sau tới gần 8 thập kỷ.

Theo tính toán, nền kinh tế Nga sụt giảm từ 6 đến 10% trong năm 2022 do các lệnh cấm vận từ phương Tây. Tuy nhiên, đây không phải là điều tồi tệ nhất khi mà Nga còn đang phải gánh chi phí chiến tranh khổng lồ, ước tính tiêu tốn từ 500 triệu đến 2 tỷ USD mỗi ngày vì cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, phía bên kia chiến tuyến, GDP của Ukraine đã sụt giảm tới gần 50% trong năm 2022, do các hoạt động kinh tế đều bị tê liệt. Họ gần như phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ phương Tây. Thậm chí, Quốc hội Ukraine hồi tháng 11/2022 đã thông qua ngân sách năm 2023 chỉ ở mức 38 tỷ USD, trong đó ngân sách cho quân sự đã chiếm tới hơn 27 tỷ USD, tương đương hơn 71%.

Những con số biết nói trên cho thấy người dân Ukraine và Nga, cũng như cả trên thế giới, đang phải gánh chịu hậu quả vô cùng to lớn từ cuộc chiến. Song, những nỗi thống khổ không chỉ được đo bằng những con số thiệt hại về kinh tế và thương vong, mà còn bởi những tổn thất tinh thần vô hình khác. Đó là sự mất mát về giáo dục, văn hóa, sức khỏe… và cả lòng tin giữa con người. Chúng không thể đong đếm được, song chắc chắn dai dẳng và ám ảnh hơn nhiều.

Huy Hoàng

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế