Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước vào giai đoạn mới đầy nguy hiểm

Thứ bảy, 16/05/2020 11:19 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong khi mối bận tâm về đại dịch Covid-19 chưa dứt, thế giới lại đang nín thở trước những động thái mới của Mỹ và Trung Quốc về cuộc chiến thương mại vốn rất căng thẳng suốt 2 năm qua.

Chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc bằng quy định hạn chế nguồn cung với công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Huawei - Ảnh: Reuters

Chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc bằng quy định hạn chế nguồn cung với công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Huawei - Ảnh: Reuters

1. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc “gây tổn hại cho nước Mỹ”, khi không kiểm soát được Covid-19, để lây lan ra khắp thế giới và Mỹ đang là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Trump khẳng định rằng Mỹ có nhiều cách để làm và điều cuối cùng có thể là “cắt đắt mọi quan hệ” với Trung Quốc. Mà theo như ông nói, “điều này có thể giúp Mỹ tiết kiệm 500 tỷ USD”.

Những phát ngôn của Tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh Washington kêu gọi trả đũa Trung Quốc, nhất là trong Đảng Cộng Hòa của ông Trump. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ và chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với các mặt hàng cần thiết, bao gồm cả thiết bị y tế và thuốc.

Không những vậy, đại dịch Covid-19 còn bộc lộ hạn chế lớn nhất của Mỹ trong vài trò là “người dẫn đầu” của thế giới, khi mà chính quyền của Tổng thống Trump liên tục bị chỉ trích bởi cách xử lý khủng hoảng, từ việc kiểm soát virus Corona trong nước, đến các mối quan hệ quốc tế.

Nói một cách khác, quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” của Donald Trump đã làm suy yếu hình ảnh của Mỹ, một siêu cường thế giới trong mắt cộng đồng quốc tế. Cao điểm là quyết định ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới, WHO.

Trong khi đó, Trung Quốc đã khéo léo tận dụng “ngoại giao đại dịch” để tăng cường hình ảnh trên trường quốc tế, bằng những chuyến hàng cứu trợ tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ.

2. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền năm 2016. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước là mấu chốt và châm ngòi cho sự căng thẳng ấy, sau khi Mỹ áp đặt mức thuế 50 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc vào tháng 3/2018.

Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, điều mà ông Trump đã ca ngợi là “tuyệt vời”, nhưng gần đây chính quyền Mỹ lo ngại tiến trình của thỏa thuận có thể không đạt được, do sự xuất hiện đầy bất ngờ của Covid-19.

Mỹ đang kiểm soát chặt về công nghệ và thiết bị bán dẫn trước mối lo ngại đánh cắp công nghệ từ các công ty Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Mỹ đang kiểm soát chặt về công nghệ và thiết bị bán dẫn trước mối lo ngại đánh cắp công nghệ từ các công ty Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Các hạn chế và phong tỏa được áp dụng trên hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi mọi người ở nhà, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, khiến cho cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc bị đe dọa. Điều này cũng khiến nguy cơ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể “không đúng thời hạn”, theo như lo ngại từ phía Mỹ.

Đồng thời, chính Covid-19 đã làm nổi bật những hạn chế của nền kinh tế số 1 thế giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi hoạt động sản xuất và thương mại của Trung Quốc bị đình chệ, ngay lập tức chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng.

Chưa hết, trong khi Trung Quốc thể hiện sự ưu việt của chế độ đã nhanh chóng dập tắt đại dịch và đưa nền kinh tế trở lại hoạt động, thì Mỹ vẫn đang gồng mình chống chịu cuộc tấn công của virus Corona, với những tổn thất vô cùng lớn. Ngoài con số gần 90.000 người chết, Covid-19 còn khiến 36 triệu người Mỹ mất việc làm.

Có thể nói, mối quan hệ Mỹ-Trung vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong suốt hai năm qua, lại tiếp tục bước vào những đợt sóng gió mới bằng tác nhân Covid-19. Những phát biểu của ông Trump về Bắc Kinh đã trở nên ngày càng mạnh mẽ trong những tuần gần đây khi dịch virus Corona trở nên tồi tệ ở Mỹ.

3. Những động thái gần nhất từ phía Mỹ, bắt đầu từ các phát ngôn đến chính sách mới đang báo hiệu một giai đoạn tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ thương mại Mỹ đã sửa một luật xuất khẩu nhằm ngăn Huawei có được các chất bán dẫn là sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm Mỹ.

Quy định mới cho biết, các nhà sản xuất chip phải xin giấy phép của chính quyền Mỹ trước khi cung cấp thiết bị cho Huawei, công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Đồng thời, Huawei cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn nhận hoặc sử dụng các thiết kế bán dẫn liên quan đến các công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ ra quy định mới nhằm ngăn Huawei có được các chất bán dẫn là sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm Mỹ - Ảnh: Reuters

Bộ Thương mại Mỹ ra quy định mới nhằm ngăn Huawei có được các chất bán dẫn là sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm Mỹ - Ảnh: Reuters

Quy định mới này sẽ tác động mạnh đến Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh thế hai thế giới. Nó cũng tác động đến công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC - nhà sản xuất chip chính cho bộ phận HiSilicon của Huawei và cả các đối thủ của Huawei như Apple và Qualcomm.

Những quyết định mới này ngay lập tức tác động lên thị trường khi cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị chip như Lam Research và KLA Corp lần lượt giảm 6,4% và 4,8% kết phiên giao dịch tại Hoa Kỳ.

4. Trước động thái mới từ Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng Bắc Kinh cũng đã sẵn sàng đưa các công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy, một phần của các biện pháp đối phó với các giới hạn mới đối với Huawei.

"Nếu Mỹ chặn nguồn cung công nghệ chính cho Huawei, Trung Quốc sẽ kích hoạt 'danh sách thực thể không đáng tin cậy', hạn chế hoặc điều tra các công ty Mỹ như Qualcomm, Cisco, Apple và đình chỉ việc mua máy bay Boeing", Hu Xijin, tổng biên tập tại Thời báo Hoàn Cầu cho biết.

Nếu những gì ông Hu Xijin nói trở thành sự thực, nó sẽ tác động mạnh đến Boeing. Hãng sản xuất máy bay này vốn đã gặp rắc rối khi 2 vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX đã làm 346 người chết trong năm 2019, và sự suy giảm nghiêm trọng trong việc di chuyển bằng đường hàng không trong đại dịch.

Tháng trước, Boeing cho biết đã cắt giảm 16.000 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 13,6% tổng doanh thu của nhà sản xuất máy bay trong năm 2018, trước nhiều vòng thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai nước.

Hãng máy bay Boeing sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu Trung Quốc trả đũa quy định mới của Mỹ nhắm vào Huawei - Ảnh: Reuters

Hãng máy bay Boeing sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu Trung Quốc trả đũa quy định mới của Mỹ nhắm vào Huawei - Ảnh: Reuters

Qualcomm đang đặt cược vào sự tăng trưởng của mình trong việc thương mại hóa công nghệ không dây thế hệ thứ năm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Công ty bán dẫn của Mỹ cũng đang nghiên cứu phục hồi nhu cầu tại đất nước đông dẫn nhất thế giới quanh mức giảm lợi nhuận 29% trong quý đầu tiên, trong bối cảnh suy giảm do virus Corona.

Đối với Apple, khu vực Trung Quốc Đại lục, bao gồm Hồng Kông và Đài Loan, chiếm hơn 16% tổng doanh thu, theo báo cáo mới nhất của công ty. Apple vẫn cho thấy sự phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu dùng khổng lồ và là cơ sở sản xuất lớn nhất của Trung Quốc.

Ngay sau tiết lộ của Thời Báo Hoàn Cầu vào hôm thứ Sáu, Boeing, Apple và Qualcomm cùng nhau mất 14 tỷ giá trị trên thị trường chứng khoán do các nhà đầu tư lo ngại Trung Quốc trả đũa.

5. Cũng như cách đây 1 năm, Mỹ và Trung Quốc sẽ lặp lại hành động “ăn miếng trả miếng”. Nhưng các nhà quan sát nhận định, tình hình hiện tại khác rất nhiều so với trước đây, khi mà đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thế giới đòi hỏi những định chế mới và quan hệ của các tổ chức bắt đầu có những biểu hiện phân rã.

Dù Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn sắm vai quan trọng, không thể thiếu và cũng không thể tách rời trong các mối quan hệ quốc tế, nhưng những vết rạn nứt mới giữa hai siêu cường báo hiệu nhiều thách thức lớn trong giai đoạn đầy nhạy cảm.

Đó là, nền kinh tế thế giới đang dần thực hiện các chính sách “bình thường mới” để thích nghi với đại dịch Covid-19, nhằm tránh rơi vào tình trạng sụp đổ nền kinh tế; nước Mỹ bước sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống mà người chiến thắng hoặc sẽ tái tạo hoặc đẩy cuộc chiến thương mại vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Với tính cách thất thường và quyết tâm tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ của ông Trump, không dễ có thể đoán định được những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, 2020 sẽ là một năm rất khó khăn và tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường.

Hoài Đức

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế