Đa dạng sinh học quan trọng như thế nào và tại sao cần được bảo vệ?

Thứ bảy, 10/12/2022 18:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Các đại biểu từ gần 200 quốc gia đang tập trung ở Montréal, Canada để tìm cách bảo vệ thế giới tự nhiên. Nhưng sẽ có chuyện xảy ra khi sự đa dạng sinh học bị mất đi, động vật và thực vật bị tuyệt chủng? Liệu nó có ảnh hưởng tới cuộc sống hay sự tồn vong của con người?

Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào thiên nhiên

Khi chúng ta nói về đa dạng sinh học, chúng ta đang đề cập đến sự đa dạng sinh học và sự di truyền của tất cả các sinh vật và hệ sinh thái trên hành tinh. Và hẳn không ít người từng hỏi rằng, việc mất đa dạng sinh học có ảnh hưởng gì đến đời sống của con người? Chẳng phải phần lớn chúng ta vẫn đang sinh sống trong các khu đô thị mà gần như chỉ có con người hoặc một số vật nuôi hay sao?

da dang sinh hoc quan trong nhu the nao va tai sao can duoc bao ve hinh 1

Đa dạng sinh học rất quan trọng đối với sự tồn tại của loài người. Ảnh: GI

Thậm chí, cũng sẽ có người đặt ra câu hỏi như: Nếu chỉ còn con người và một số loại động thực vật (thậm chí chỉ vật nuôi và cây trồng) trên Trái Đất thì sẽ ra sao? Con người liệu có tồn tại, khi mà chẳng phải từ lâu con người đã không còn phụ thuộc vào chuỗi thức ăn tự nhiên, đã tự cung tự cấp mọi nhu cầu về dinh dưỡng của mình hay sao?

Có những đứa trẻ, thậm chí cả người trưởng thành, còn lạ lẫm khi nhìn thấy một con gà hay một con bò ngoài đời thực! Vậy, sự mất đa dạng sinh học có ý nghĩa gì? Hiển nhiên câu trả lời đơn giản là nó vô cùng quan trọng. Đây là một vấn đề lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của phần lớn chúng ta.

Các sinh vật sống bao gồm thực vật và động vật, cũng như nấm và vi sinh vật được tìm thấy trong đất. Chúng là một phần của nhiều hệ sinh thái bao gồm các tảng băng Nam Cực, rừng mưa nhiệt đới, sa mạc Sahara, vùng đất ngập nước ngập mặn, rừng sồi già ở Trung Âu và các vùng biển và ven biển đa dạng trên khắp thế giới.

Những môi trường sống này cung cấp cho con người nhiều thứ cần thiết để sống, chẳng hạn như nước, thức ăn, không khí trong lành và thuốc men. Nói chung, chúng được gọi là các hệ sinh thái - và chúng cũng phụ thuộc vào sự tác động lẫn nhau của đa dạng loài. Nếu bất kỳ yếu tố riêng lẻ nào biến mất, chẳng hạn như khi một loài bị tuyệt chủng, thì trong trường hợp xấu nhất, hệ sinh thái đó có thể biến mất vĩnh viễn.

Một điều dễ nhận thấy nhất về tầm quan trọng của hệ sinh thái là nếu không có tảo hoặc cây cối, sẽ không có oxy trên hành tinh này. Nếu không có côn trùng thụ phấn cho cây cối, mùa màng của chúng ta sẽ rất ít ỏi. Dù công nghệ đã rất phát triển, song hơn 2/3 tất cả các loại cây trồng, bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả, cà phê và ca cao, phụ thuộc vào các loài thụ phấn tự nhiên như côn trùng. Nhưng ngày nay, một phần ba số loài côn trùng trên toàn thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, bởi sự mất đa dạng sinh học.

Dave Hole, nhà khoa học về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học tại Tổ chức Bảo tồn Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết mặc dù chúng ta tồn tại nhờ các giá trị mà thiên nhiên mang lại, nhưng chúng ta thường coi chúng là điều hiển nhiên. Hole nói: “Khi chúng ta ăn một bát ngũ cốc vào buổi sáng, chúng ta không nghĩ về việc thiên nhiên đã giúp thụ phấn cho cây trồng đã tạo ra loại ngũ cốc đó như thế nào. Chúng ta thường mù quáng trước những gì thiên nhiên đang làm cho chúng ta hàng ngày".

Một vấn đề nữa là theo nghiên cứu, có tới 70% sản lượng lương thực trên thế giới phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào các vùng đất lấn biển và đầm lầy ngập mặn còn nguyên vẹn, một phần vì chúng bảo vệ đất trồng khỏi bị lũ lụt cuốn trôi. Nếu không có chúng, thế giới sẽ chỉ còn một lượng lương thực rất ít ỏi. Khi đó việc có được một bữa ăn đầy đủ có thể còn đắt đỏ hơn cả mua một chiếc smartphone thời thượng.

Đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

Vậy tình trạng mất đa dạng sinh học trên Trái Đất đang diễn ra như thế nào? Tổ chức khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái - gọi tắt là IPBES - ước tính có ít nhất 8 triệu loài trên toàn thế giới, nhưng đã cảnh báo rằng có tới 1 triệu loài có thể bị tuyệt chủng vào năm 2030. Mất đa dạng sinh học đã đạt đến mức báo động: trung bình, cứ sau 10 phút lại có một loài biến mất. Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta đang ở giữa đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu của thế giới.

da dang sinh hoc quan trong nhu the nao va tai sao can duoc bao ve hinh 2

Biểu đồ mức độ phá rừng Amazon trong vòng 10 năm qua (đơn vị: 1000 km vuông). Ảnh đồ họa: DW (nguồn INPE)

Trên toàn thế giới, số lượng động vật có vú hoang dã đã giảm 82% về số lượng, theo IPBES. Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn đối với các loài thực vật và động vật nước ngọt, vốn đã giảm 83% trong 50 năm qua. Ở Trung và Nam Mỹ, con số này lên tới 94%, theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF).

Các nghiên cứu đã chứng minh rất rõ nhận định này: Thông qua hoạt động nông nghiệp, lấp đất, chặt phá rừng, đánh bắt cá quá mức, đưa chất độc và các loài xâm lấn vào tự nhiên... Do sự can thiệp của con người, tỷ lệ tuyệt chủng ngày nay cao hơn tới 100 lần do so với trước đây.

Elizabeth Maruma Mrema, thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học, có quan điểm khá rõ ràng rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm. "97% đa dạng sinh học toàn cầu bị suy thoái là do hành động của con người đối với đa dạng sinh học đó", bà tuyên bố.

Danh sách thống kê của bà thực sự rất đáng báo động: 75% diện tích đất liền và 66% đại dương trên thế giới hiện đang bị suy thoái, 85% tất cả các vùng đất ngập nước bị suy thoái hoặc đã biến mất và một nửa số rạn san hô đã chết. Lưu ý, rạn san hô giống như những khu rừng dưới đáy biển, mất chúng phần lớn loài cá dưới đại dương cá cũng sẽ sớm diệt vong.

Bảo vệ thiên nhiên là vì lợi ích của chúng ta

Klement Tockner, Tổng giám đốc của Hiệp hội Nghiên cứu Tự nhiên Senckenberg cho biết: “Việc mất dần vốn tự nhiên của chúng ta đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với toàn nhân loại. Một khi nó bị mất, nó sẽ mất mãi mãi".

Sự cân bằng của tự nhiên không sụp đổ chỉ sau một đêm khi một loài biến mất khỏi hệ sinh thái, nhưng nó sẽ dần dần thay đổi. Dù chưa có nghiên cứu chính thức, song nhiều nhà khoa học có nhận định rằng việc thế giới vừa trải quả đại dịch COVID-19 cũng là bởi những tác động ngược lại của tự nhiên. Việc mất đa dạng sinh học sẽ khiến nhiều loài mất đi, đồng nghĩa nhiều loài khác sẽ tự do phát triển, không chỉ các động vật lớn, mà cả những loại virus và vi khuẩn.

Đó chính là một sự mất cân bằng. Ví như trong một cánh rừng khi không còn bầy sư tử hay những loại động vật ăn thịt khác như chó sói hoặc hổ, thì đó là một thảm họa đối với hệ sinh thái. Những con nai sẽ phát triển không ngừng, sẽ ăn trụi mọi đồng cỏ và cây non. Andrea Perino thuộc Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học Halle-Jena-Leipzig ở Đức cho biết: “Chúng ta càng giảm số lượng loài thì hệ thống càng dễ bị phá vỡ”.

da dang sinh hoc quan trong nhu the nao va tai sao can duoc bao ve hinh 3

Nạn phá rừng đã khiến nhiều loài động thực vật tuyệt chủng, dẫn đến sự mất đa dạng sinh học trên thế giới. Ảnh: GI

Hole cho biết các hệ sinh thái, giống như khí hậu, cũng có những điểm tới hạn có thể dẫn đến sự biến đổi triệt để và không thể ngăn cản. Một ví dụ là rừng nhiệt đới Amazon. Sau khi rừng bị chặt phá trên diện rộng, các khu vực bị cô lập còn sót lại ngày càng khó phục hồi. Điều đó làm tăng nguy cơ toàn bộ khu rừng nhiệt đới sẽ sụp đổ. Cần biết, các khu rừng mưa nhiệt đới như Amazon là nơi sinh sống của khoảng 2/3 tổng số loài được biết đến trên toàn thế giới - cực kỳ quan trọng để điều hòa khí hậu toàn cầu.

Nếu không có nỗ lực to lớn để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra, nền tảng tự nhiên của sự sống con người sẽ bị mất đi với tốc độ chưa từng thấy - sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài đối với hầu hết mọi sự sống trên Trái Đất.

Ông Mrema của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học cho biết một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. "Chúng ta đang giết chết sự đa dạng sinh học đó, bất chấp cuộc sống, nền kinh tế và sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào nó".

Nhờ công nghệ của mình, con người thực ra vẫn có thể sống ngay cả khi chúng ta tận diệt tất cả giống loài tự nhiên trên Trái Đất, nhưng nó sẽ chỉ là cuộc sống trên Sao Hỏa giống như trong các bộ phim viễn tưởng -  nơi sẽ chỉ còn một số ít người được sống và tiếp tục tồn tại trong các lồng kính, không thiên nhiên và có thể cũng không cả tương lai…

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế
Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

Nghiên cứu phát hiện ghép tạng làm thay đổi tính cách!

(CLO) Ghép tạng có thể cứu được mạng sống, nhưng cũng có thể gây ra những thay đổi sâu sắc về tính cách, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tiêu điểm Quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine: Mong manh cơ hội hòa bình!

(NB&CL) Thụy Sĩ và Ukraine đang mong đợi 80 - 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên dự kiến diễn ra tại thành phố Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 16 và 17/6 tới. Nhưng giữa mong đợi và hiện thực luôn là khoảng cách, nhất là với một vấn đề nan giải như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Phát hiện mới về lão hóa và sự bất tử của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

(CLO) Kể từ thời xa xưa, con người đã cố gắng hết sức để tránh xa cái chết. Ngày nay, khi những tiến bộ khoa học biến những thứ tưởng chừng viễn tưởng thành hiện thực, chúng ta có tiến gần hơn đến việc kéo dài tuổi thọ hay thậm chí là sự bất tử không?

Tiêu điểm Quốc tế