Đại học Kinh tế - Luật công bố điểm sàn 2025: Không quy đổi điểm về cùng thang
(CLO) Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và phương pháp xác định điểm chuẩn cho các phương thức xét tuyển.


Điểm nhấn đáng chú ý là UEL không quy đổi điểm của từng thí sinh về một thang điểm chung, mà áp dụng phương pháp bách phân vị để đảm bảo sự tương đương và công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Năm 2025, UEL triển khai 3 phương thức xét tuyển: Dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, và kết quả học tập THPT (học bạ).

Điểm mới đáng chú ý là thay vì quy đổi tất cả các điểm số về một thang chung, trường sử dụng phương pháp bách phân vị để xét tuyển, đảm bảo mức điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức theo phân vị của thí sinh trong từng nhóm.
Theo đại diện UEL, phương pháp này được triển khai qua 3 bước:
- Bước 1: Trước khi xét tuyển, trường thống kê dữ liệu điểm của sinh viên các khóa trước có học lực giỏi và xuất sắc để xác định hệ số điều chỉnh vùng giá trị phân vị theo từng phương thức.
- Bước 2: Trong quá trình lọc ảo và xét tuyển, điểm trúng tuyển được xác định dựa trên nguyên tắc đồng phân vị tương đương, có áp dụng hệ số điều chỉnh để đảm bảo công bằng giữa thí sinh từ các phương thức xét tuyển khác nhau.
- Bước 3: Khi công bố kết quả, trường không công bố một mức điểm chung, mà đưa ra mức điểm chuẩn riêng cho từng phương thức, kèm bảng quy đổi điểm tương đương để thí sinh đối chiếu.
Với tất cả ngành/chuyên ngành thuộc hệ đại học chính quy, UEL nhận hồ sơ xét tuyển theo mức điểm tối thiểu dành cho thí sinh khu vực 3 (chưa cộng điểm ưu tiên) như sau:
Với phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025, riêng nhóm ngành Luật, thí sinh phải đạt từ 6,0 điểm trở lên ở môn Toán và Ngữ văn (hoặc một trong hai, tùy theo tổ hợp).

Với phương thức đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, thí sinh cần đạt tối thiểu 720 điểm, đồng thời có điểm trung bình môn Toán trong 3 năm THPT từ 6,0 điểm trở lên.
Đại diện nhà trường nhấn mạnh, yêu cầu đầu vào khắt khe ở nhóm ngành luật nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đặc thù, phù hợp yêu cầu nghề nghiệp tương lai.
Việc không quy đổi điểm về một thang chung là bước tiến mới trong công tác tuyển sinh đại học, khắc phục tình trạng “mất công bằng ngầm” giữa các phương thức xét tuyển.
Thay vào đó, bách phân vị giúp đánh giá thí sinh trong từng phương thức theo mức độ cạnh tranh nội tại, từ đó đối chiếu tương đương với các phương thức còn lại.
Chuyên gia tuyển sinh cho rằng, đây là một cách làm tiên tiến, vốn đã được các đại học quốc tế áp dụng từ lâu – nhất là trong các hệ thống đánh giá theo percentile (phân vị phần trăm).
Nhà trường cũng cho biết, mức học phí được xây dựng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, gắn với lộ trình tự chủ và chất lượng đào tạo. Đổi lại, sinh viên sẽ được học trong môi trường hiện đại, đa dạng cơ hội thực tập, trao đổi quốc tế và việc làm sau tốt nghiệp.