Đánh bom tự sát ở Pakistan: Bóng ma Taliban vẫn ám ảnh

Thứ tư, 01/02/2023 09:51 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau vụ đánh bom tự sát tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, nghi ngờ ngay lập tức đổ dồn vào lực lượng Taliban Pakistan, còn được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan, hay TTP.

Như đã đưa tin, một kẻ tấn công đã vượt qua các chướng ngại vật do lực lượng an ninh dựng lên để vào khu vực nhà thờ được gọi là "Vùng Đỏ", nơi có cảnh sát và các văn phòng chống khủng bố ở Peshawar (Tây Bắc Pakistan) hôm 30/1 và kích nổ.

danh bom tu sat o pakistan bong ma taliban van am anh hinh 1

Hiện trường vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: Reuters

Cảnh sát trưởng Peshawar, ông Ijaz Khan cho biết, có hơn 400 tín đồ đang có mặt ở nhà thờ khi xảy ra vụ đánh bom. Còn theo cập nhật mới nhất của lực lượng y tế địa phương, đã có 100 người chết và con số thương vong có thể còn tăng lên nữa khi rất nhiều nạn nhân trong số 170 người bị thương vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Trong một bài đăng trên Twitter sau đó, chỉ huy của một nhóm Taliban Pakistan, còn được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan, hay TTP có tên Sarbakaf Mohmand, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Peshawar.

Nhưng hơn 10 giờ sau, người phát ngôn chính thức của TTP, Mohammad Khurasani, đã phủ nhận sự liên quan của lực lượng này tới vụ đánh bom, khi nói rằng chính sách của TTP không nhằm vào các nhà thờ Hồi giáo hoặc các địa điểm tôn giáo khác.

Mohammad Khurasani thậm chí còn tuyên bố, những người tham gia vào các hành vi đánh bom tự sát có thể phải đối mặt với sự trừng phạt theo chính sách của TTP. Dù vậy, tuyên bố của ông này không đề cập đến lý do tại sao một chỉ huy TTP lại nhận trách nhiệm về vụ việc ở Peshawar.

Cùng với sự phủ nhận của TTP, Bộ Ngoại giao Afghanistan, nước láng giềng với Pakistan cũng lên án các cuộc tấn công nhằm vào những người thờ phụng là trái với giáo lý của đạo Hồi. Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Pakistan với các nhà lãnh đạo Taliban của Afghanistan, những người đang che chở cho TTP, đang trở nên căng thẳng.

TTP là ai và vì sao họ chống lại chính quyền Pakistan?

Bất chấp những tuyên bố kể trên, dường như dư luận Pakistan vẫn hướng mũi dùi vào TTP, tổ chức đã tiến hành những hoạt động chống đối chính phủ nước này trong 15 năm qua. Để hiểu được vấn đề, cần phải ngược dòng thời gian về thời điểm ra đời của nhóm Taliban này.

Tức giận trước sự hợp tác của Pakistan với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố trong thập niên 2000, TTP được các chiến binh Pakistan thành lập vào năm 2007. Đó là một tập hợp các nhóm khủng bố hồi giáo quyết định bắt tay chống lại chính quyền Pakistan và hỗ trợ Taliban Afghanistan, những kẻ đang chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ và NATO.

TTP tìm cách thực thi luật Hồi giáo chặt chẽ hơn, đòi trả tự do cho các thành viên đang bị chính quyền giam giữ, và giảm sự hiện diện của quân đội Pakistan tại các khu vực của Khyber Pakhtunkhwa, tỉnh giáp biên giới với Afghanistan mà tổ chức này từ lâu đã sử dụng làm căn cứ.

Một thỏa thuận hòa bình giữa Taliban Pakistan và Chính phủ Pakistan đã bị phá vỡ vào năm ngoái. Các cuộc đàm phán hòa bình năm 2021 giữa Taliban Pakistan và Chính phủ Pakistan được khởi xướng bởi Thủ tướng vào thời điểm đó, Imran Khan. Chính phủ của ông đã cho phép nhiều chiến binh trở về từ Afghanistan và tái định cư tại quốc gia này nếu họ cam kết hạ vũ khí.

Nhưng đến tháng 11 năm ngoái, TTP đơn phương chấm dứt lệnh ngừng bắn với chính phủ và tăng cường các cuộc tấn công vào binh lính và cảnh sát Pakistan. Trước đó, TTP đã nhiều lần cảnh báo cảnh sát không tham gia vào các hoạt động chống lại các chiến binh của họ ở Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, giáp với Afghanistan.

Mối quan hệ giữa TTP và Taliban ở Afghanistan

Taliban ở Pakistan và Taliban ở Afghanistan là những thực thể riêng biệt. Nhưng chúng có sức mạnh từ niềm tin tín ngưỡng và ý thức hệ giống nhau, là những đồng minh thân cận của nhau. Chính vì vậy, việc Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8/2021 đã khuyến khích TTP trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

danh bom tu sat o pakistan bong ma taliban van am anh hinh 2

Đám tang cho một số người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan. Ảnh: Reuters

Các chiến binh TTP lấy địa bàn hoạt động là vùng đồi núi Tây Bắc của Pakistan, giáp Afghanistan và cũng thường xuyên qua lại bên kia biên giới, nhưng họ chủ yếu vẫn ẩn náu. Đến khi Taliban Afghanistan lên nắm quyền, họ bắt đầu công khai che chở cho TTP, thả các thủ lĩnh và chiến binh TTP đã bị chính quyền cũ bắt giữ.

Sự trỗi dậy của Taliban Pakistan đã làm căng thẳng quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan. Taliban Afghanistan đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không cho phép bất kỳ ai, kể cả TTP, sử dụng lãnh thổ nước này để tấn công bất kỳ quốc gia nào, kể cả Pakistan. Nhưng các quan chức Pakistan nói rằng có sự khác biệt giữa lời nói và hành động của Taliban Afghanistan.

Abdullah Khan, nhà phân tích quốc phòng cấp cao và giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Xung đột & An ninh Pakistan có trụ sở tại Islamabad, cho biết Taliban Pakistan đã bày tỏ lòng trung thành với người đứng đầu Taliban Afghanistan.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng họ có chương trình nghị sự và chiến lược riêng. Các hoạt động của TTP chủ yếu nhằm vào các lực lượng Pakistan, tương tự như chương trình nghị sự của Taliban Afghanistan nhằm đánh bật các lực lượng nước ngoài khỏi đất nước họ.

Nguy cơ bạo lực gia tăng

Cũng trong nhận định của mình về TTP, Abdullah Khan lo ngại rằng Pakistan sẽ chứng kiến sự gia tăng bạo lực của các chiến binh trong những tuần tới và tháng tới. Pakistan đã chứng kiến vô số cuộc tấn công của phiến quân trong hai thập kỷ qua, nhưng đã có một sự gia tăng kể từ tháng 11 năm ngoái.

Lực lượng Taliban ở Pakistan thường xuyên thực hiện các vụ xả súng hoặc đánh bom, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc Pakistan hiểm trở và xa xôi, một thành trì cũ của TTP. Bạo lực đã làm dấy lên lo ngại trong cư dân về một chiến dịch quân sự có thể xảy ra ở các vùng bộ lạc trước đây ở Bắc và Nam Waziristan, nay là hai huyện ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Còn Peshawar, thủ phủ của Khyber Pakhtunkhwa, như thường lệ vẫn là nơi có nguy cơ bị khủng bố cao nhất. Trước khi xảy ra vụ đánh bom liều chết hôm 30/1, nơi đây từng chứng kiến sự kiện khủng bố chấn động nhất lịch sử Pakistan vào tháng 12/2014, khi các chiến binh Taliban tấn công một trường công lập do quân đội điều hành và giết chết 147 học sinh cùng giáo viên.

Vài giờ sau vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo tại Peshawar hôm 30/1, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, Rana Sanaullah Khan nói với báo giới rằng những lãnh đạo Taliban ở Afghanistan phải tuân theo cam kết của họ với cộng đồng quốc tế là không cho phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công một quốc gia khác.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền ở Pakistan thì kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn nhằm chống lại các nhóm cực đoan. “Nếu nhà nước sớm chú ý đến những cảnh báo từ xã hội dân sự về sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan trong tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, thì có thể tránh được sự leo thang này", Ủy ban Nhân quyền Pakistan, một nhóm nhân quyền độc lập, cho biết trong một tuyên bố.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế