Đất nước vạn đảo và “bài học đắt giá mang tên Covid”

Thứ năm, 15/07/2021 10:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đất nước vạn đảo Indonesia từ nhiều ngày qua đã, đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á.

Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7/2021, trong khi ở đâu đó trên hành tinh này, người ta đã nói tới cái gọi là “trở lại cuộc sống bình thường”, “hồi sinh”, tái mở cửa sau dịch… thì Đông Nam Á lại bất ngờ trở thành “vùng trũng” Covid, thành “điểm nóng” dịch Covid bậc nhất và “nóng” nhất trong “điểm nóng” ấy là Indonesia. Đất nước vạn đảo này từ nhiều ngày qua đã, đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á.

Dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Indonesia.

Dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Indonesia.

Liên tục vượt… đỉnh

Đỉnh ở đây là những ca mắc Covid. Tính đến ngày 13/7, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 2.615.529 ca mắc, trong đó có 68.219 ca không qua khỏi. Đại dịch Covid-19 đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.

Sự gia tăng không ngừng các trường hợp xác nhận dương tính với Covid-19 tại Indonesia xảy ra trong khoảng một tháng qua và đặc biệt… bùng nổ trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây.

Nếu như thời điểm ngày 18/5/2021, tại Indonesia chỉ có 3.518 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong ngày thì trong vòng nửa tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia gia tăng không ngừng với cấp độ… 5 con số, trung bình hơn 30.000 trường hợp nhiễm mỗi ngày và những “kỷ lục mới” không ngừng bị vượt qua.

Ngày 6/7, Indonesia ghi nhận 31.189 ca mắc mới và 728 ca tử vong do đại dịch. Con số này cao gấp 7 lần so với con số trung bình đầu tháng 6.

Ngày 7/7, quốc gia này từng được ghi nhận xác lập kỷ lục kép khi cả số ca xác nhận dương tính và số ca tử vong đều cao nhất từ trước đến nay: 34.379 ca dương tính và 1.040 người tử vong nhưng đến ngày 13/7, Indonesia đã ghi nhận thêm tới… 47.899 ca mắc mới Covid-19.

Trang Nikkei Asia, trong bản tin ngày 13/7 đã nhận định Indonesia vượt qua Ấn Độ trở thành tâm dịch Covid-19 mới của châu Á. Indonesia hiện có khoảng 132 ca nhiễm Covid-19/1 triệu người, so với Ấn Độ là 26 ca bệnh tính đến ngày 11/7, theo ourworldindata.org.

Một chi tiết đáng quan ngại nữa là tỷ lệ quá lớn số trẻ em mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trẻ em chiếm ít nhất 12% số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Chỉ tính từ 28/6-4/7 - thời điểm chưa tới “đỉnh dịch” -  Indonesia đã ghi nhận tới 11.872 trẻ em mắc Covid-19 và ít nhất 556 trẻ em được xác nhận tử vong sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Điều đáng quan ngại hơn nữa, theo các chuyên gia y tế, những con số thống kê này thực chất vẫn thấp hơn nhiều so với diễn biến dịch bệnh thực tế, bởi Indonesia có tỷ lệ xét nghiệm đặc biệt thấp, ở mức 49,4 xét nghiệm/1.000 dân.

Indonesia bị coi là là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới.

Indonesia bị coi là là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới.

Y tế… vỡ trận

Sự gia tăng ca nhiễm không ngừng theo tốc độ… 5 con số ấy dẫn tới một hệ lụy đương nhiên mà tất cả những người Indonesia đều dễ dàng lường trước: sự vỡ trận của hệ thống y tế. Ngày 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin cho biết tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 ở 12 tỉnh của nước này đã vượt quá 70% còn riêng tại thủ đô Jakarta và một số địa phương, tỷ lệ bệnh nhân lấp đầy các giường bệnh đã hơn 90%. Hơn một chục cơ sở y tế ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, đã đầy và không nhận thêm bệnh nhân.

Bộ trưởng Budi Sadikin cũng cho biết chính phủ Indonesia đang chuẩn bị cho một kịch bản mà các ca nhiễm có thể tăng 30% trong hai tuần tới và tăng tốc ở các khu vực khác. Các bước thực hiện bao gồm chuyển đổi nhiều giường bệnh thông thường thành cơ sở điều trị Covid-19. Tuy nhiên, số lượng giường bệnh mới thực sự là… muối bỏ bể so với sự gia tăng ca nhiễm ở mức độ ngót nghét gần… 4.000 ca/ngày.

Khi Covid-19 tấn công thì thảm họa không chỉ là chuyện thiếu giường bệnh. Tổng thư ký Hiệp hội các bệnh viện Indonesia (Persi) Lia Gardenia Partakusuma cho biết tính đến ngày 28/6 đã có tới 1.031 nhân viên y tế tại nước này tử vong do mắc Covid-19, bao gồm 405 bác sĩ, 328 y tá, 160 nữ hộ sinh, 43 nha sĩ, và 95 nhân viên y tế khác.

Khủng hoảng nhân lực y tế, vì thế, hiển hiện như một điều đương nhiên. Nếu như các phòng cấp cứu trước đây tại Indonesia có 3 bác sỹ phụ trách thì nay chỉ còn 1 người. Nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa vì… không đủ nhân lực hoạt động.

Nhiều ngày qua, báo chí còn liên tục đề cập tới cái gọi là “khủng hoảng oxy tại Indonesia”. Indonesia được cho là có năng lực sản xuất 1,5 triệu tấn oxy/năm, tương đương 125.000 tấn/tháng. Thông thường 70% được sử dụng trong ngành công nghiệp và chỉ 30% sử dụng cho các mục đích y tế. Tuy nhiên, khi “sóng thần Covid-19” đổ bộ, những con số này trở nên không thấm vào đâu. Một số bệnh viện đã phải tạm thời đóng cửa phòng cấp cứu do hết nguồn oxy y tế. Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận điều trị bệnh nhân chỉ vì thiếu oxy.

Đã có thông tin cho rằng, ít nhất đã có 60 người thiệt mạng tại một bệnh viện ở thành phố Yogyakarta trên đảo Java do cạn kiệt nguồn oxy. 

Ngày 5/7, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các nhà sản xuất oxy chuyển toàn bộ nguồn cung tới các bệnh viện, trung tâm y tế, tuy nhiên, khi phần đa các giường bệnh đã phủ kín đến tỷ lệ 80-90% thì động thái này dường như không mang đến tác động rõ rệt nào. Việc tìm mua nguồn oxy từ nước láng giềng Singapore dường như cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Người dân chờ nạp đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại Jakarta.

Người dân chờ nạp đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại Jakarta.

Bài học để lại

Chúng ta đang ở tình thế rất tồi tệ, có thể gọi dịch bệnh là sóng thần. Người dân đưa trẻ em đi khắp nơi, nhưng chúng không được đeo khẩu trang” - Aman Pulungan, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ nhi của Indonesia - buồn bã lý giải về nguyên cớ vì sao tỷ lệ trẻ em tại đất nước vạn đảo nhiễm Covid-19 lại cao đến thế.

Nhưng không được đeo khẩu trang ở các em nhỏ hay không chịu đeo khẩu trang ở người lớn mới chỉ là một phần trong vô vàn nguyên do dẫn tới “cơn sóng thần Covid” nhấn chìm Indonesia vào thảm họa suốt hằng tháng qua.

Như đã nói, trong đại dịch lần này, Indonesia bị coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới. Cứ 1.000 người Indonesia thì chỉ có 50 người được xét nghiệm Covid-19. 

Theo thống kê của trang Our World In Data, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 của Indonesia là 40/1.000 người, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực như Philippines (115/1.000 người) hay Malaysia (373/1.000 người).

Một phần lý do của tình trạng này được cho là do việc xét nghiệm không miễn phí. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm Covid-19 của Indonesia có độ chính xác chưa cao khi vẫn phụ thuộc nhiều vào các xét nghiệm kháng nguyên nhanh, loại xét nghiệm có độ chính xác thấp hơn so với xét nghiệm PCR. 

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nam Tangerang, Indonesia.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nam Tangerang, Indonesia.

Tỷ lệ còn hạn chế người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng là một vấn đề tại Indonesia. Tháng 1/2021, Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn quốc với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người (tức khoảng 67% dân số) để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến ngày 5/7, theo số liệu Bộ Y tế Indonesia, mới có hơn 32,4 triệu người ở Indonesia đã tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên và khoảng 14 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.

Sự hạn chế trong tỷ lệ tiêm chủng này không chỉ bởi sự thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19 mà còn bởi tư tưởng “chống vaccine” hiện diện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Indonesia bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ và các nền tảng. 

Sự xuất hiện của các biến thể đáng quan ngại từ nhiều quốc gia khác cũng góp phần làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia xác nhận 6 biến thể của virus corona là Alpha, Beta, Delta, Eta, Lota và Kappa đều có mặt ở Indonesia, trong đó biến thể Delta chiếm đại đa số.

Nhân viên y tế dựng các lều tạm nhằm chữa trị khẩn chấp cho bệnh nhân.

Nhân viên y tế dựng các lều tạm nhằm chữa trị khẩn chấp cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất và có thể được xem là bài học đắt giá nhất đối với đất nước vạn đảo trong làn sóng dịch Covid-19 lần này là sự thiếu cứng rắn trong việc áp đặt giãn cách xã hội và hạn chế đi lại của người dân.

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin, cũng phải lên tiếng thừa nhận yếu tố chính gây nên sự gia tăng đột biến các trường hợp Covid-19 ở Indonesia là do sự đi lại của người dân tăng lên đột biến trong nghỉ lễ Eid al-Fitr (12-13/5) - ngày lễ quan trọng nhất với người Hồi giáo, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan. Phần lớn người Indonesia theo đạo Hồi.

Theo truyền thống của lễ Eid al-Fitr, hàng triệu người Hồi giáo ở Indonesia sẽ hồi hương để gặp mặt gia đình và họ hàng – truyền thống này được gọi là mudik. Năm 2020, số ca nhiễm Covid-19 trong ngày tại Indonesia đã tăng tới 93% sau lễ Eid al-Fitr. Tuy nhiên, năm nay, lệnh cấm đi lại của chính phủ dường như đã không mấy “xi nhê” với người dân Indonesia. Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi các điểm du lịch được phép tiếp tục hoạt động.

Và thảm họa đã được báo trước, đã đến, từ cả sự phớt lờ và xem nhẹ quy định tiên quyết trong phòng, tránh Covid-19: hạn chế giãn cách, đi lại và tụ tập này. Khi tình hình xấu lên tới mức khó kiểm soát, Chính phủ Indonesia mới cho áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này. Một động thái được các chuyên gia thở dài mà rằng: muộn còn hơn không.

Hà Anh

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế