Để sẵn sàng “sống chung” với dịch bệnh

Thứ sáu, 17/09/2021 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo các chuyên gia, để tiến tới sống chung an toàn với dịch bệnh, cần tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới khi đạt miễn dịch cộng đồng.

Trong phát biểu vào ngày 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, kể cả tại các nước có tiềm lực hàng đầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp, dứt điểm kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội".

Có thể nói, phát biểu của Thủ tướng chính là “bước ngoặt” trong công tác phòng chống dịch nhìn từ bối cảnh mới. Trước đây, Việt Nam dùng biện pháp “be bờ” chống dịch, truy vết, loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng, đóng cửa với bên ngoài nhưng khi kiểm soát được dịch thì nới lỏng bên trong. Nhưng khi biến chủng Delta đang hoành hoành khắp thế giới và trong nước thì quan điểm mới trong phòng chống dịch được người đứng đầu Chính phủ thay đổi là hoàn toàn hợp lý.

de san sang song chung voi dich benh hinh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án, kịch bản để sống chung với dịch bệnh.

Bài liên quan

Bao phủ vaccine để sẵn sàng “sống chung” với dịch bệnh

Xác định chiến lược vaccine là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế; Chính phủ đã rất tích cực và chỉ đạo quyết liệt trong việc tìm kiếm các nguồn vaccine, đặc biệt là ngoại giao vaccine. Cụ thể, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế cho phòng, chống dịch COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc từ các đối tác song phương và đa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine COVID-19 (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. 

Song song với ngoại giao vaccine, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước bằng việc tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thử nghiệm, đơn giản hóa thủ tục hành chính… để sớm có vaccine “made in Việt Nam”.

Ngày 14/9/2021, Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có 3 ứng viên vaccine phòng COVID-19 đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng là: Vaccine Nano Covax, vaccine Covivac, vaccine ARCT-154 chuyển giao công nghệ từ Mỹ. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có kết quả phục vụ đăng ký lưu hành vaccine trong nước, ít nhất có 1 vaccine được cấp phép lưu hành.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để sống chung với COVID-19, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới” thì vaccine có lẽ vẫn là giải pháp căn cơ nhất, là điểm tựa và là ưu tiên số 1 trong chính sách phòng chống dịch.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, để dập được dịch COVID-19, bên cạnh giải pháp 5K đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thì vaccine là một trong hai phương tiện giúp Việt Nam ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.

“Vaccine là biện pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch COVID-19, bên cạnh giải pháp 5K là vaccine, nhưng 5K chưa đủ, phải có vaccine thì mới có thể hi vọng trở lại trạng thái bình thường”, ông Dũng nhấn mạnh.

de san sang song chung voi dich benh hinh 2

Người dân Hà Nội chờ tiêm vaccine trong đêm.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, để “sống chung với dịch” an toàn, cần tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, trong đó ưu tiên hàng đầu nhóm dễ tổn thương (người có bệnh nền, người trên 60 tuổi), tiếp tục bao phủ vaccine lứa tuổi 18-59 và cuối cùng là ở trẻ em. Riêng với người cao tuổi và mắc bệnh nền, bảo vệ được nhóm này cũng đồng nghĩa kéo giảm tỷ lệ tử vong. Đây là nhóm người cần được ưu tiên tiêm vaccine hàng đầu.

Đề xuất giải pháp tiến tới sống chung an toàn với dịch bệnh đến Chính phủ, các chuyên gia Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, cần tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, sẽ thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

Các chuyên gia cũng đề xuất việc tăng cường năng lực đáp ứng y tế “4 tại chỗ”: Năng lực xét nghiệm (chủ động nguồn xét nghiệm kháng nguyên nhanh giá rẻ) gắn với điều tra dịch tễ; cách ly, thu dung phân loại ban đầu; các cơ sở điều trị có đầy đủ thuốc điều trị từ sớm, hệ thống oxy với giá thành rẻ, vaccine phòng COVID-19… Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần chuẩn bị lực lượng cơ động về xét nghiệm, điều trị… để sẵn sàng chi viện cho các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh.

Cùng với đó, tất cả người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; khuyến cáo những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn như sinh hoạt an toàn, giáo dục an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn…; thực hiện giãn cách xã hội khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm… Chiến lược phòng, chống dịch giai đoạn mới cũng phải có các biện pháp, quy định cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự cho người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

de san sang song chung voi dich benh hinh 3

Việt Nam đang thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung vaccine.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

“Mục tiêu kép” tiếp tục được Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021-2026 xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhất quán vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng cũng cho rằng, không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn có những chỉ đạo kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và cách đây 6 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 – đây được xem như gói hỗ trợ tổng lực giúp doanh nghiệp hồi sinh.

Đặc biệt, trong các buổi làm việc với các doanh nghiệp của Mỹ, Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc; tuyệt đối không ban hành các giấy phép con cản trở lưu thông hàng hóa; trao đổi, động viên, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thế bất thường do dịch bệnh trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Bên cạnh đó, việc triển khai “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, triển khai “Hộ chiếu vaccine” được xem như giải pháp sống chung với đại dịch cũng đang được Chính phủ thúc đẩy, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện.

de san sang song chung voi dich benh hinh 4

Hàng quán được mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội.

Trên thực tế, tại Hà Nội, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tại các vùng xanh, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được quay trở lại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Điển hình như tại huyện Thạch Thất, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, các hoạt động trên địa bàn đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các công trình xây dựng, các hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại từ 6h sáng ngày 6/9 đã đạt khoảng 60%.

Còn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng đang chạy đua với thời gian trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Các doanh nghiệp tại các địa phương đã chuẩn bị các kịch bản sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “sống chung với COVID”. Cụ thể như việc sản xuất “3 tại chỗ”, duy trì một khu vực cách ly riêng biệt và thiết bị y tế cần thiết để xử lý tình huống có F0 cần cách ly, điều trị tại chỗ…

Tại một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đã nới lỏng giãn cách, cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, đón chuyên gia đến làm việc.

Có thể thấy, từ “bước ngoặt” trong chỉ đạo của Thủ tướng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các Bộ ngành, địa phương, việc bao phủ vaccine được đẩy mạnh, sản xuất kinh doanh được phục hồi, chúng ta sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

Đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo về phương án đầu tư, nâng cấp tuyến cao tốc phân kỳ; trong đó, có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ....

Tin tức
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế

(CLO) Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây.

Tin tức
Công an TP Hà Nội vào cuộc vụ cây sao đen trăm tuổi chết khô bất thường

Công an TP Hà Nội vào cuộc vụ cây sao đen trăm tuổi chết khô bất thường

(CLO) Ngày 28/3, tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng đã thông tin vụ 3 cây sao đen hàng trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. 

Tin tức
TP HCM lập đề án để phát triển công viên và cây xanh công cộng

TP HCM lập đề án để phát triển công viên và cây xanh công cộng

(CLO) Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM đã có chỉ đạo về một số nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố.

Tin tức
Đề xuất, báo cáo Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3

Đề xuất, báo cáo Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3

(CLO) Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết đã đề xuất, báo cáo lên Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3.

Tin tức