Đề thi tốt nghiệp THPT 2020: 'Tăng dễ giảm khó' nhưng không chủ quan

Thứ bảy, 23/05/2020 18:54 PM - 0 Trả lời

(CLO) Mục đích của kỳ thi THPT năm nay đã thay đổi theo xu hướng ra đề thi là giảm độ khó, phù hợp với mọi học sinh, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp là chính. Tuy nhiên các học sinh không nên chủ quan vì đề thi sẽ tăng số lượng câu nhận biết và thông hiểu.

Đề thi 'tăng dễ giảm khó' nhưng không chủ quan. Ảnh: TL

Đề thi 'tăng dễ giảm khó' nhưng không chủ quan. Ảnh: TL

Đề thi không khó nhưng dễ sai

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố bộ đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020, theo nhận định của một số giáo viên THPT ở Hà Nội, đề thi có cấu trúc giống năm 2019. Nội dung nằm trong chương trình giảm tải và có phần dễ hơn năm trước. Tuy nhiên, thí sinh không nên chủ quan, bởi vẫn còn có nhiều câu hỏi phân loại thí sinh điểm cao vào đại học.

Cô Trần Thị Xuân Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn, huyện Tam Nông, Phú Thọ nhấn mạnh với thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, dù đề thi dễ nhưng học sinh không được chủ quan khi đề thi tăng số lượng câu nhận biết và thông hiểu, bởi trên thực tế do đặc thù bộ môn nên học sinh thường sai ở dạng câu nhận biết, thông hiểu nhiều hơn.

Ngoài nhấn mạnh điều này, cô Hà cũng khuyên thí sinh cần điều chỉnh phương pháp học và ôn tập hiệu quả theo hướng nắm chắc các kiến thức cơ bản, chú ý độ phủ rộng của kiến thức, kĩ năng, tập trung kiến thức lớp 12, đặc biệt trong học kỳ 1, một số kiến thức ở lớp 10 và 11 theo đặc thù môn học.

Khi làm các dạng câu, học sinh cần lưu ý: Với câu hỏi nhận biết phải xác định được nội dung cơ bản câu hỏi hướng tới là gì để từ đó xác định được đáp án đúng; đối với câu thông hiểu, ngoài việc xác định được từ khóa hay nội dung chính câu hỏi hướng tới học sinh phải phân tích được bản chất các phương án để trên cơ sở đó xác định được đáp án đúng.

Đối với câu hỏi ở mức độ vận dụng học sinh cần có tư duy logic, tổng hợp, xác định được lệnh hỏi, đọc kỹ tình huống, để từ đó đề ra phương pháp giải và tìm được đáp án chính xác.

Với bộ môn Hóa học, thầy Tăng Minh Luân, Trường THPT Chi Lăng, An Giang cho rằng cần ôn luyện bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, tập trung ôn chương trình 12, đặc biệt là kiến thức cơ bản và vận dụng thấp; biên soạn các câu trắc nghiệm theo chủ đề hoặc chương để học sinh luyện tập

Cuối giai đoạn ôn tập, giáo viên soạn ít nhất 3 đề thi tương tự đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT để học sinh thi thử nhằm đánh giá năng lực và nhận biết những sai sót của mình.

“Riêng học sinh, với môn Hóa học, cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản, kể cả ứng dụng và điều chế. Cuối giai đoạn ôn tập, nên giải nhiều đề thi giống đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để đánh giá năng lực và nhận biết những sai sót của mình” – thầy Luân nhấn mạnh.

Giáo viên tăng cường ôn tập, định hướng đề thi cho học sinh. Ảnh: TL

Giáo viên tăng cường ôn tập, định hướng đề thi cho học sinh. Ảnh: TL

Tăng tính chủ động của nhà trường, giáo viên

Khi kỳ thi chỉ phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc xét tuyển ĐH, CĐ chỉ dành cho những học sinh có nhu cầu và với những trường ĐH, CĐ có nhu cầu. Song trong kế hoạch của các trường THPT, việc giảng dạy và ôn tập cho học sinh cuối cấp cơ bản không có gì thay đổi khi vẫn phục vụ 2 mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Nhà trường vẫn dạy và ôn tập cho học sinh hướng tới mục tiêu xét tuyển ĐH, CĐ của các em. Dù mức độ đề theo hướng “tăng dễ, giảm khó” nhưng ít nhiều vẫn có tính phân hóa để phân loại học sinh. Vì vậy, trong đề cương ôn tập cho học sinh, tính phân hóa này vẫn được các tổ bộ môn nhấn nhá theo ma trận đề”, cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) chia sẻ.

“Nhà trường vẫn dạy và ôn tập cho học sinh hướng tới mục tiêu xét tuyển ĐH, CĐ của các em. Dù mức độ đề theo hướng “tăng dễ, giảm khó” nhưng ít nhiều vẫn có tính phân hóa để phân loại học sinh”, cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) nói.

Cô Dung cho biết thêm, do kỳ thi chỉ còn phục vụ một mục đích là xét tốt nghiệp nên càng đòi hỏi cao tính chủ động của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên. Bởi đa số học sinh đều có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ bằng điểm thi tốt nghiệp.

Vì vậy, nhà trường và giáo viên cần chủ động đưa thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đến học sinh, tránh để các em hoang mang trong tìm kiếm thông tin.

“Mùa tuyển sinh năm 2020 có những biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì vậy việc phổ biến quy chế tuyển sinh một cách chính xác, kịp thời đến học sinh là điều rất quan trọng trong quá trình hướng nghiệp của mỗi trường ở thời điểm này.

Bên cạnh giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, hiện tại nhà trường đã phân công một giáo viên tư vấn tâm lý có nhiệm vụ nắm bắt các thông tin tuyển sinh rồi phổ biến lại cho học sinh”, cô Dung cho biết.

Thầy Hoàng Gia Thành (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng khẳng định, việc thay đổi mục đích của kỳ thi song vẫn giữ gần như ổn định quy chế tuyển sinh không tác động quá nhiều đến quá trình giảng dạy và ôn tập cho học sinh lớp 12.

Song song với việc giảng dạy hoàn thành chương trình học kỳ II, nhà trường cũng tập trung ôn tập cho học sinh, giúp các em thích ứng với tính đa dạng của các hình thức xét tuyển.

“Điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh nên dù đề thi dễ theo hướng xét tốt nghiệp thì vẫn có độ phân hóa”, thầy Thành nói.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, thầy Thành cho rằng vai trò của nhà trường, giáo viên càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh theo sát học sinh, đôn đốc và giúp đỡ kịp thời học sinh, giáo viên cũng cần có sự chỉ đạo sâu sát của ban giám hiệu nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn, đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm để việc ôn tập đạt hiệu quả.

Minh Châu

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục