Đến khi nào lạm thu mới không còn là nỗi ám ảnh của phụ huynh đầu năm học?

Thứ năm, 18/08/2022 10:46 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, việc kinh phí đầu tư cho giáo dục ít ỏi là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm thu trong nhà trường, vì thế muốn khắc phục thì vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng.

Sự kiện: Lạm thu

Ám ảnh nỗi lo lạm thu đầu năm

Cứ mỗi đầu năm học, vấn đề lạm thu lại trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh cả nước. Vấn nạn lạm thu đầu năm đã được báo chí và dư luận phản đối mạnh mẽ suốt nhiều năm trời nhưng nó vẫn như một mặt trái của ngành giáo dục chưa thể khắc phục ngay.

Mới đây nhất là câu chuyện lạm thu xảy ra tại Trường THCS Núi Đối (Kiến Thụy, Hải Phòng), khi Hiệu trưởng bắt phụ huynh mỗi học sinh lớp 6 phải tạm thu 2 triệu đồng đầu năm. Điều đáng bàn, khoản tiền thu này phụ huynh không biết nhà trường phục vụ vào mục đích gì.

Chính vì việc thu chi tùy tiện như vậy nên ngày 14/8 vừa qua, sau khi báo chí phản ánh, chính quyền Kiến Thụy, Hải Phòng đã vào cuộc làm rõ và phê bình bà Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối vì đã “tổ chức tạm thu một số khoản thu khi chưa có hướng dẫn của các cấp và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”.

den khi nao lam thu moi khong con la noi am anh cua phu huynh dau nam hoc hinh 1

Lạm thu đầu năm là vấn nạn cần loại bỏ sớm khỏi môi trường giáo dục.

Trên thực tế, lạm thu diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, những vụ việc được báo chí phản ánh chỉ là một phần nhỏ của thực trạng lạm thu đầu năm học. Theo anh Trần Quốc Đạt ở quận Hà Đông, Hà Nội thì việc thu chi của các nhà trường luôn lấy danh nghĩa tự nguyện nhưng rõ ràng không khác mấy là ép buộc. Đầu năm học, ngoài các khoản tiền bắt buộc ra thì các nhà trường thường thu tiền đồng phục, tiền ghế nhựa mà số tiền cũng lên đến tiền triệu. “Mỗi thứ thu một ít nhưng cộng lại thì chi phí mà phụ huynh phải gánh đầu năm là tương đối nhiều. Chính vì thế, việc thu chi cần thiết phải được minh bạch, tránh lạm thu” - anh Trần Quốc Đạt bày tỏ.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thu Hạnh ở Thanh Xuân thì cho rằng, việc các nhà trường thu chi đầu năm là khó tránh khỏi, nhà trường cũng cần có tiền để hoạt động. Tuy nhiên, nên tiết kiệm không nên phô trương. “Việc nhiều trường thu tiền đồng phục của học sinh lên đến gần 2 triệu đồng là phi lý. Các nhà trường không nên lợi dụng để thu cao” - chị Nguyễn Thu Hạnh nêu quan điểm.

Đánh giá về vấn nạn này, khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, lạm thu trong các nhà trường, đặc biệt ở thời điểm đầu năm học là vấn đề không hề mới. Việc này đã có hàng chục năm nay, cứ đầu năm lại nóng lên. Cũng có nhiều trường hợp lạm thu bị phát hiện, đưa lên thông tin đại chúng, thậm chí có trường hợp lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật tuy nhiên lạm thu vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Kinh phí đầu tư cho giáo dục quá ít

Nguyên nhân của lạm thu trước hết theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga là do kinh phí đầu tư cho giáo dục ít. “Qua giám sát của các đoàn ĐBQH ở các địa phương thì các trường ở thành phố cho đến các trường ở vùng nông thôn đều chung phản ánh và chúng tôi cũng nhận thấy tiền đầu tư của Nhà nước cho một trường trong một năm học là ít ỏi” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Theo đó, số tiền chi cho giáo dục chủ yếu là chi lương và các hoạt động cơ bản của nhà trường, số tiền còn lại để tổ chức các hoạt động khác là không đáng kể, có những trường báo cáo chỉ có 30 đến 35 triệu đồng cho một năm.

den khi nao lam thu moi khong con la noi am anh cua phu huynh dau nam hoc hinh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

“Số tiền đó, nhà trường đã cố gắng tiết kiệm để tổ chức các hoạt động khác cho học sinh. Tuy nhiên, con số ấy vào thực tế bây giờ có thể nói rất ít. Cho nên muốn tổ chức nhiều hoạt động khác các nhà  trường cần xã hội hóa, cần sự đóng góp của cha mẹ học sinh. Đây là một thực tế” -  vị ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ và cho rằng, với kinh phí đầu tư ít ỏi như vậy là chưa tương xứng với việc muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Muốn tổ chức được nhiều hoạt động thì nhà trường đành phải xã hội hóa bằng nhiều cách, trong đó có việc yêu cầu phụ huynh học sinh đóng góp. Và vì yêu cầu phụ huynh học sinh đóng góp nên mới nảy sinh ra chuyện lạm thu.

Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, việc nhà trường xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục với lạm thu là hoàn toàn khác nhau. Bởi theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, lạm thu luôn bị phụ huynh phản đối vì các khoản thu không có trong danh mục cho phép, phi lý. Còn với các khoản thu xã hội hóa hợp lý thì không. Các khoản thu không chính đáng vẫn tồn tại nhiều năm qua do đó cần quản lý hơn nữa tránh việc để nhà trường tùy tiện thu.

Ngoài ra theo vị này: “Tình trạng lạm thu không được cải thiện có nguyên nhân do phụ huynh học sinh dễ dãi. Tôi tin có nhiều trường lạm thu nhưng phụ huynh không phản ánh nên không nắm bắt được. Đa số, các bậc phụ huynh chọn cách ấm ức trong lòng. Họ bỏ tiền nộp cho xong vì lên tiếng sợ con mình đang học bị trù dập. Điều đó góp phần để lạm thu tồn tại nhiều năm qua” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Chính quyền cần đầu tư cho giáo dục hơn nữa

Khi nào chấm dứt được lạm thu là vấn đề nhiều người quan tâm. Theo tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam) thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc chăm lo cho các nhà trường, quan tâm đến hoạt động giáo dục tốt hơn thì lạm thu sẽ giảm. “Nhà trường nếu chỉ lo dạy học, chuyên môn mà không phải lo tìm kiếm kinh phí để duy trì hoạt động thì sẽ hết lạm thu” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, hiện các vụ việc lạm thu được phát hiện mà chưa bị xử lý nghiêm, chưa đảm bảo tính răn đe nên mới tái diễn. “Nếu có chế tài xử lý đảm bảo tính răn đe thì việc lạm thu sẽ giảm. Hiện nay đang xem lạm thu chỉ là vi phạm nhỏ nên câu chuyện sẽ còn tái diễn. Nếu chưa xử lý người đứng đầu nghiêm túc thì lạm thu còn xảy ra nhiều” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo vị này hiện cũng cần rà soát lại các quy định về thu chi trong nhà trường xem đã hoàn thiện và có cần bổ sung không. Cuối cùng ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Tôi mong muốn ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng. Hiện đa số các địa phương đầu tư cho giáo dục chưa bố trí đủ ngân sách theo quy định. Số ngân sách để dành đầu tư cho các trường rất ít. Do đó, cần đầu tư cho giáo dục nhiều lên thì việc lạm thu cũng sẽ ít đi”.

Qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, hiện các nhà trường thiếu tiền để tổ chức các hoạt động nên chủ trương thu từ phía phụ huynh nên mới xảy ra chuyện lạm thu. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn do ý chủ quan của hiệu trưởng, do sự thỏa hiệp từ phụ huynh nên nạn lạm thu mới tồn tại nhiều năm nay.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục