Dịch Covid-19 do chủng virus mới: Tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát trên diện rộng

Thứ năm, 30/07/2020 10:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, chủng virus SARS-CoV-2 mới ở Đà Nẵng có tốc độ lây lan rất nhanh. Trong khi đó, ý thức người dân phòng chống dịch có phần lơ là. Điều này sẽ là cơ hội cho dịch bệnh bùng phát trên diện rộng vì thế không thể chủ quan.

Sẽ còn nhiều ca bệnh mới xuất hiện

Những ngày gần đây, ở Đà Nẵng xuất hiện các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2  trong cộng đồng và bắt đầu lan ra các địa phương khác. Việc chỉ trong thời gian ngắn nhiều người bị phát hiện mắc Covid-19 đã cho thấy mức độ phức tạp của đợt dịch lần này. Đặc biệt, ổ dịch lại xuất hiện từ một thành phố du lịch nổi tiếng, đông du khách. Theo các chuyên gia, điểm đáng chú ý là dịch lần này khác các đợt dịch trước vì đã lây ra cộng đồng trong nhiều ngày. Đến thời điểm này vẫn chưa tìm được ca F0. Vì thế, theo đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. Sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng.

Theo các chuyên gia: Biến chủng virus vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ.

Theo các chuyên gia: Biến chủng virus vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ.

Đánh giá về chủng virus lần này, Giáo sư Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Việc xuất hiện đợt dịch mới này cho thấy sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên người dân vẫn có tâm lý chủ quan. Theo đó, nhiều nơi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong khi nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh lại rất cao.

Chị Nguyễn Thùy Linh ở Đống Đa, Hà Nội cho biết nhiều quán trà đá, nhà hàng vẫn đông kín người. Không ai đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong khi đó có gần tới 20 nghìn người Hà Nội du lịch từ Đà Nẵng trở về trong mấy ngày qua. Có lẽ, người dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hại về làn sóng dịch lần thứ 3 này tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Thu ở Hà Đông cho rằng, trước đây tại tòa nhà chung cư chị ở, đi đâu ai cũng mang khẩu trang nhưng mấy ngày qua dù có thông tin về các ca nhiễm mới nhưng nhiều cư dân vẫn không sử dụng. Trong thang máy, mọi người không còn đeo khẩu trang mà còn trò chuyện như thể chưa có chuyện gì.

Trước tâm lý chủ quan của người dân, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2, ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Theo ông Khổng Minh Tuấn, hiện nguy cơ lây nhiễm của chủng virus mới này là rất cao. Bởi trong đợt dịch bệnh lần này ta không biết nguồn gốc của F0. Dịch lại bùng phát tại một thành phố du lịch với lượng khách lớn như Đà Nẵng. Biến chủng virus này lại mới và không giống với chủng đã lưu hành ở Việt Nam và các nước. Với những điểm này có thể có khả năng lây nhiễm cao hơn, nguy hiểm hơn trước đây. Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm tại cộng đồng có thể làm cho người dân có tư tưởng chủ quan. Vì thế, nếu không cẩn thận thì nguy cơ bùng phát mạnh nếu ý thức của người dân kém.

Tốc độ lây lan nhanh nhưng độc lực không đổi

Trái với sự chủ quan của người dân thì các chuyên gia hiện nay đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn dịch. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vào sáng ngày 29/7, các chuyên gia đã phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng và nhận định sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới.

Tuy nhiên về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình. Các chuyên gia đề xuất cần theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch. Nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí về sự nguy hiểm của đợt dịch lần này, Giáo sư Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, chủng virus Covid-19  mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Theo đó, Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng này bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ.

Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này. Tuy nhiên, theo Giáo sư Kính, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc Covid-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Kính nhiều chuyên gia cho rằng không nên chủ quan nhưng cũng không được sợ hãi thái quá. Người dân cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bởi, ngay từ đầu, nước ta đã kiên định 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch Covid-19 là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Thời điểm này, nguyên tắc trên không thay đổi.

Vì thế tiến hành truy vết, cách ly tất cả từ F0 đến F3 thì nguy cơ lây virus ra cộng đồng sẽ khống chế được. Bên cạnh truy vết, cần tạm thời phong tỏa những vùng có nhiều bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường các hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc chống Covid-19 nên không lúng túng như trước.

Hỗ trợ Đà Nẵng kịp thời dập dịch

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid- 19 cho biết:

Việc phát hiện những ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng ở Đà Nẵng, đặc biệt, trong Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng có cả những thầy thuốc bị lây nhiễm từ người bệnh. Cũng đã có những bệnh nhân diễn biến nặng, thậm chí phải dùng đến biện pháp lọc máu và chạy ECMO. Chúng tôi đã đặt ra kịch bản dịch có thể diễn tiến trong những ngày đầu phát hiện 15-20 bệnh nhân và có thể tăng cao nữa. Với những bệnh nhân tại chỗ, sẽ tiếp tục triển khai điều trị tích cực, cứu chữa ở Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi đã cử kíp bác sĩ tới hỗ trợ các bệnh viện tại Đà Nẵng và cử kíp điều trị trực tiếp cho BN 91 ở Bệnh viện Chợ Rẫy ra hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng. Từ Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi cũng cử một đội các bác sĩ cấp cứu và Bệnh viện Bạch Mai cũng cử đoàn gồm các thầy thuốc hồi sức tích cực, tim mạch, kiểm soát nhiễm khuẩn và thận nhân tạo vào Đà Nẵng hỗ trợ.

Trinh Phúc

Tin khác

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

(CLO) Bé trai kháu khỉnh được chào đời trong trường hợp hết sức đặc biệt và rất may mắn khi đang trên thuyền di chuyển từ đảo Quan Lạn về đất liền.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

(CLO) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

(CLO) Sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP HCM phát hiện cơ sở treo biển phòng khám chuyên khoa Da liễu An Nhi đang hoạt động trái phép. Đáng nói phòng khám này có chung chủ với các đơn vị kinh doanh đã bị xử phạt trước đó tại cùng địa chỉ.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

(CLO) Sở Y tế TP HCM vừa phát hiện và xử lý cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép, núp bóng một phòng khám đa khoa.

Sức khỏe
Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

(CLO) Nạn nhân khi đến trạm y tế phường đã trong tình trạng bất động, lay gọi không biết, toàn thân lạnh, da tái nhợt, mạch cảnh không bắt được.

Sức khỏe