(CLO) Sau gần 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa, dự kiến được khánh thành và đón khách tham quan vào dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, sau gần 3 năm trùng tu, dự án bảo tồn di tích điện Thái Hòa - công trình nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế - đang được tập trung triển khai các hạng mục còn lại.
Dự kiến, công trình được khánh thành và đón khách tham quan vào dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, vượt tiến độ nhiều tháng so với kế hoạch.
Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế và các bên liên quan trong việc từng bước phục hồi, giữ gìn quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh.
Điện Thái Hòa - công trình nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế - được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay.
Đây là khu vực Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế nhà Nguyễn.
Với hơn 200 năm tồn tại, trước những tác động của thời gian và khí hậu, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng.
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế, đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, công trình điện Thái Hòa được tu bổ, gia cường nền móng; phục hồi nền lát gạch, tường gạch và chi tiết kiến trúc khác; phục hồi màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam.
Dự án cũng tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất; tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng, trang trí, thoát nước, phòng cháy, chữa cháy…
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mỗi ngày trung bình bán ra khoảng 10.000 lượt vé cho du khách đến tham quan các điểm di tích do đơn vị quản lý.
Khi được khánh thành, điện Thái Hòa sẽ góp phần tạo điểm nhấn, thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan quần thể di tích Cố đô Huế.
Được biết, cuối năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh, công trình nằm phía sau điện Thái Hòa trong Đại Nội Huế.
(NB&CL) Sau một thập kỷ học hỏi rèn luyện các kỹ thuật truyền thống về nghề gốm, thể nghiệm nhiều phương pháp làm đất, men, lò nung,... họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các đồng nghiệp đã giới thiệu với công chúng một dòng gốm “lạ” - gốm Mường.
(CLO) Tối 17/9, chương trình nghệ thuật “Chung tay vì đồng bào vùng bão lũ” với chủ đề “Việt Nam kiên cường” diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
(CLO) Nhiều tuyến phố tại Hà Nội trong tối 17/9 "chật kín" người đi chơi Tết Trung thu (Rằm tháng 8). Các bạn trẻ, người lớn tuổi cùng hoà chung không khí đón Tết Trung thu 2024 tạo nên không gian vui tươi, nhộn nhịp giữa lòng Thủ đô.
(CLO) Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.