Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 có thuyết phục?

Thứ sáu, 03/04/2015 23:01 PM - 0 Trả lời

Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 có thuyết phục?

 
 Đồ án “Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” do nhà thầu tư vấn PPJ (liên doanh Mỹ và Hàn Quốc) xây dựng vừa được đưa ra lấy ý kiến các hội nghề nghiệp và các chuyên gia. Có quá nhiều vấn đề trong đồ án hiện đang gây ra nhiều tranh cãi, có nhiều lý thuyết “viễn tưởng” chưa thực tế, thiếu cơ sở triết lý khiến cho nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hoài nghi về “tham vọng” có một thủ đô lọt vào top hàng đầu thế giới. Nhà báo và Công luận đã có cuộc đối thoại với PGS.TS. KTS Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam – về vấn đề này.


     Ông Huỳnh Đăng Hy

Quy hoạch “xoá sạch trơn”


Là một trong số những người đã nghiên cứu và dồn nhiều tâm huyết trong việc quy hoạch Thủ đô từ những năm đầu thập niên 80, ông nghĩ sao về việc bức tranh quy hoạch Thủ đô liên tục bị thay đổi?

Đó là điều khiến tôi chưa hài lòng. Phải nói rằng việc quy hoạch đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là vấn đề mang tầm chiến lược, nếu như có sự sai sót thì rất khó sửa mà có sửa thì tốn kém rất nhiều. Để Thủ đô phát triển bền vững thì trước hết thành phố trung tâm phải có đồ án quy hoạch chung ổn định nhưng rất đáng tiếc, quy hoạch chung Thủ đô cứ trung bình 7- 10 năm lại thay đổi một lần mà mỗi lần điều chỉnh, bổ sung thường “xoá sạch trơn” cái cũ mà không chịu kế thừa những cái tốt, cái tinh hoa.

Đồ án “quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” lần này liệu có theo “truyền thống” xóa sạch đó?

Đáng buồn là quy hoạch mới này cũng “xoá sổ” mọi quy hoạch trước đó, không lấy kinh nghiệm, không kế thừa, phát huy những ý tưởng đúng, tích cực trước đó... Tôi rất tâm đắc với bản quy hoạch được Chính phủ duyệt năm 1981 mà do điều kiện kinh tế, chúng ta đã thay thế nó bằng bản quy hoạch năm 1991 kém hơn rất nhiều. Đáng lý những tinh hoa của nó vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên tinh thần “gạn đục, khơi trong” thì lại bị “lãng quên”. Khi Bộ Xây dựng kí hợp đồng tư vấn quốc tế với PPJ để lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, cá nhân tôi và nhiều chuyên gia đã rất kì vọng vào một Thủ đô khang trang, sáng sủa. Sự kì vọng đó là có cơ sở vì vấn đề quy hoạch đô thị là một vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế với bản hợp đồng trị giá 6,5 triệu USD.


Hà Nội có hồ tây được ví là viên ngọc nhưng đồ án quy hoạch lại dửng dưng

Xa rời thực tế

Vì sao ông lại thất vọng với bản quy hoạch tốn kém này?

Hơn cả sự thất vọng! Các vấn đề đặt ra trong đồ án quá viễn tưởng và thiếu cơ sở khoa học. Nhìn chung, họ đặt ra nhiều vấn đề quá xa thực tế, quá tầm với tình hình đất nước nên không khả thi. Họ vẽ ra viễn cảnh Hà Nội “len” vào danh sách một thủ đô hàng đầu thế giới, đáp ứng được 6 tiêu chí “khắt khe” trong việc xếp loại, một “siêu thủ đô” trong khi còn nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội lại chưa có phương án cụ thể để giải quyết.

Dựa trên cơ sở nào để ông cho rằng bản quy hoạch này là viễn tưởng, xa rời thực tế?

Tôi lấy ví dụ, nhà tư vấn đã đưa ra những phương án thiếu khả thi khi “tham vọng” xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô bền vững hàng đầu thế giới với quy mô dân cư lên tới 10 triệu người, trong tương lai sẽ thu hút 10- 12% dân số cả nước... Những con số này quả là một phép tính kì lạ, chẳng có cơ sở nào. Bài toán dân số là bài toán rất quan trọng, là việc làm đầu tiên mà bất cứ quy hoạch nào cũng cần tính toán chính xác nhưng đáng tiếc, đó lại không phải là “điểm sáng” của đồ án.

Đồ án còn đưa ra mức thu nhập 20.000 USD/người/năm, ông nghĩ sao về con số mà không ít người cho là viễn tưởng này?

Lại là con số “từ trên trời” vì rằng hiện tại chúng ta đang ở mức 830 USD/người/năm. Mà việc hạch toán GDP cho người dân thủ đô không phải là nhiệm vụ của nhà tư vấn quy hoạch đô thị. Việc của họ là đưa ra mức độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển của thành phố, cấu trúc, quy mô đô thị, quy mô dân số, vấn đề đô thị hoá... Thế nhưng các vấn đề này thì trong đồ án lại quá chung chung và không giải quyết triệt để.

Quá nhiều thiếu sót trong quy hoạch

Ông cho rằng, có nhiều vấn đề còn thiếu sót trong bản đồ quy hoạch mang “yếu tố ngoại” này. Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Có nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những vấn đề hạn chế khác nhau. Riêng quan điểm của tôi, còn quá nhiều vấn đề đồ án không hề “đả động” gì cả. Đó là vấn đề phát triển dân số Thủ đô, vấn đề đô thị hoá, động lực phát triển thủ đô, hình thái bố trí chùm thủ đô cũng chưa được nghiên cứu. Vấn đề trọng điểm cho khu vực đô thị trung tâm, phân bố các khu vực cần phát triển kinh tế tri thức, khu phát triển trung tâm khoa học, các tập đoàn…cũng mơ hồ hay các vấn đề về hành lang xanh, môi trường chưa được quan tâm thấu đáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hồ Tây phải là Trung tâm hành chính Quốc gia của Thủ đô. Ý kiến của ông thế nào?

Nhà tư vấn đặt ra rất nhiều phương án cho việc đặt khu Trung tâm hành chính Quốc gia: Một là ở Đông Anh. Hai là ở khu vực giữa sông Đáy và sông Tích. Ba là khu Ba Vì… Nhưng tôi cho rằng các phương án đó không khả thi. Quan điểm của tôi là Trung tâm hành chính Quốc gia nên “bám” quanh Hồ Tây, vừa tận dụng, phát huy những cảnh quan “trời cho” của Hồ Tây vừa không tách rời khu vực Ba Đình. Đó là địa điểm phù hợp nhất.

Giao thông là vấn đề nhức nhối của Hà Nội nhiều năm nay. Đồ án quy hoạch mới này đã không đề cập đến vấn đề này. Đó có phải là một thiếu sót nghiêm trọng, thưa ông?

Đúng vậy. Đó là hệ thống giao thông vào thành phố hiện thuộc loại "độc đạo", thường xuyên ách tắc nhưng trong sơ đồ được nhà tư vấn vạch ra vẫn không hề có một phương án giải quyết. Giao thông là cơ sở hạ tầng mang tính xuyên suốt để phát triển kinh tế, cần rất thận trọng với việc dự báo cũng như xác định tầm nhìn, nếu không đô thị lại tiếp tục trong tình trạng “xôi đỗ”, lổn nhổn và vấn đề giao thông không thể gỡ được.

Gấp gáp và hình thức

Vì sao các nhà tư vấn, vốn có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đồ án quy hoạch đô thị lại bộc lộ những thiếu sót và sự xa rời thực tế khi xây dựng quy hoạch Hà Nội, thưa ông?

Vấn đề là nhà tư vấn không nghiên cứu kĩ tình hình, hiện trạng của chúng ta. Mà nói đúng hơn là họ nghiên cứu “chưa tới”. Trao một đồ án mang tầm chiến lược không đơn giản chỉ là một bản kế hoạch trên giấy mà quan trọng phải phù hợp với tình hình đất nước, một thủ đô hiện đại nhưng phải giàu bản sắc dân tộc. Có vẻ đồ án chỉ mới dừng ở việc nghiên cứu hình thái quy hoạch vùng chứ chưa bao quát và tỉ mỉ các vấn đề, chưa đề cập cải tạo phát triển cấu trúc của thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói đến vấn đề thời gian thực hiện. Năm 1998, quy mô Hà Nội còn nhỏ mà thời gian nghiên cứu quy hoạch mất vài năm, huống hồ bây giờ Thủ đô đã được mở rộng lớn gấp mấy lần nhưng thời gian đặt ra lại quá ngắn. Với diện tích hơn 3.300km2, song chỉ có hơn 1 năm nghiên cứu thì thời gian rất gấp, nhiều vấn đề sẽ không được nghiên cứu kín kẽ và cẩn thận. Tôi thấy hình như cách làm việc của nhà tư vấn chưa thực sự bám sát vấn đề mà chúng ta cần.

Nghĩa là chưa bám sát “đầu bài” mà Thủ tướng đã phê duyệt?

Đúng vậy. Có một số vấn đề như các chỉ số kĩ thuật làm cơ sở lập quy hoạch thì lại không được đặt ra cụ thể. Giao thông đối ngoại đặc biệt là giao thông hàng không cần có một cảng hàng không quốc tế cho cả vùng kinh tế phía Bắc cũng chưa được nghiên cứu. Và ngay cả việc lấy ý kiến của các chuyên gia cũng làm theo “lấy vì”.

Ý ông là các cuộc hội thảo còn hình thức?

Đúng vậy, hội thảo lấy ý kiến rất hình thức. Hội thảo không có tài liệu cụ thể cho các chuyên gia nghiên cứu trước, các phát biểu cũng chỉ đưa ra mà không hề có giải trình. Xin thưa, vấn đề quy hoạch thủ đô là một vấn đề mang tầm chiến lược, là một vấn đề lớn cần cẩn trọng chứ không thể làm theo kiểu hình thức. Nhưng cái cách tổ chức lấy ý kiến chuyên gia thời gian vừa qua thực sự khiến tôi cảm thấy nhà tư vấn thiếu nghiêm túc và không hiểu phương thức chưng cầu lấy ý kiến có thực chất.

Huy động trí lực toàn dân

Với tất cả những vấn đề đã nêu ở trên, theo ông, chúng ta phải làm gì?

Việc mời các nhà tư vấn nước ngoài, tôi không có ý kiến nhưng vấn đề là các chuyên gia trong nước đều có chung mong mỏi được góp sức để đưa Hà Nội trở thành một thủ đô “tầm cỡ”. Tại sao chúng ta không tổ chức một cuộc thi tuyển phạm vi quốc gia để lấy ý tưởng, ý kiến của toàn dân trong đó có các chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Chúng ta cần có một tổ chức nghề nghiệp để phản biện đồ án. Chúng ta cần huy động “chất xám”, nhiệt huyết và cả lòng yêu nước của các chuyên gia trên toàn quốc, các Việt Kiều nước ngoài. Không ai hiểu hiện trạng của Hà Nội bằng những người đang ở Hà Nội. Chúng tôi hiểu rất rõ hiện trạng và tình hình đô thị nói chung, Thủ đô nói riêng, và sẵn sàng tham gia phản biện đồ án này trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển của Thủ đô.

Vâng, xin cám ơn ông!

Hà Vân (thực hiện)

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có văn bản chấp thuận

Bản quyền thuộc về: Báo điện tử Nhà báo & Công luận